Tuesday, July 27, 2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ MƯỜI CHÍN : GIỚI NGHIÊM và NHỮNG CHUYỆN KHÁC (Đỗ Duy Ngọc)

 


Sài Gòn ngày phong tỏa thứ mười chín: Giới nghiêm và những chuyện khác

Đỗ Duy Ngọc

27/07/2021

https://baotiengdan.com/2021/07/27/sai-gon-ngay-phong-toa-thu-muoi-chin-gioi-nghiem-va-nhung-chuyen-khac/

 

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18

 

Thế là Sài Gòn trải qua đêm giới nghiêm đầu tiên thời đại dịch. Đường vắng tanh, không còn một Sài Gòn, thành phố không ngủ của những năm tháng bình yên ngày cũ. Nó gợi nhớ Sài Gòn giới nghiêm của một thời chiến tranh đã đi qua hơn bốn mấy năm rồi.

 

Nhưng giới nghiêm thời chiến khác hẳn giới nghiêm thời dịch. Giới nghiêm thời chiến tranh mang không khí bi tráng còn thời dịch thì bi thương. Hình ảnh chiếc xe gắn máy cô độc trên phố vắng nửa đêm chở theo chiếc quan tài ván đơn sơ làm nhức nhối lòng người. Nó như là một biểu tượng của đêm Sài Gòn mùa đại dịch. Đau thương, mất mát, chết chóc, chia ly và bi ai.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/0-90.jpg

 

Sẽ chẳng có nén nhang nào, cành hoa nào, tiếng kinh cầu nào, ánh nến nào cho người chết vì dịch. Xác chết bị đưa vào lò thiêu lặng lẽ không một người thân đưa tiễn. Chiến tranh cũng không đến nỗi bi đát như thế cho một người nằm xuống.

 

Mùa dịch đã đưa đến cái chết cho hàng triệu người trên thế giới và hơn 500 người ở xứ này. Họ rời nhà trong cơn đau và trở về nhà trong hủ cốt. Chợt như nghe trong đêm tác phẩm Requiem của Wolfgang Amadeus Mozart . Tựa như tiếng cầu hồn cho những linh hồn đã khuất qua lời ca mở đầu và đoạn kết của Requiem (Cầu siêu hay Thánh lễ cho người chết)

 

Requiem aeternam dona eis, Domine,

et lux perpetua luceat eis.

Te decet hymnus, Deus, in Sion,

et tibi reddetur votum in Jerusalem.

Exaudi orationem meam,

ad te omnis caro veniet.

Requiem aeternam dona eis, Domine,

et lux perpetua luceat eis.

Requiem aeternam dona eis, Domine,

et lux perpetua luceat eis,

cum santis tuis in aeternum,

quia plus es.

 

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời

và được hưởng ánh sáng ngàn thu.

Từ núi Sion, chúng con ca tụng Chúa.

Trong đền Jerusalem phải dâng lễ vật tiến Chúa,

Xin nghe lời chúng con cầu,

xin cho mọi người được về cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời

và được hưởng ánh sáng ngàn thu.

Xin chiếu ánh sáng đời đời cho các linh hồn ấy

cùng với các thánh trên chốn đời đời,

vì Chúa là Đấng hay thương xót.

 

Sau một thời gian dài giãn cách nhưng không hiệu quả. Con số người nhiễm bệnh càng lúc càng cao, số người chết càng ngày càng nhiều, cuộc sống gặp lắm khó khăn. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhìn thấy sự lúng túng và khiếm khuyết của mình.

 

Bí thư thành phố cũng đã xin nhân dân lượng thứ và người Sài Gòn mong đợi nhà nước sẽ có những biện pháp mới hơn, khoa học hơn, tích cực hơn để chống dịch chứ không phải trông chờ biện pháp giới nghiêm sau 18:00 hàng ngày. Bởi giới nghiêm chỉ là một cách làm thừa và không hiệu quả, nó không làm giảm đi số người nhiễm dịch. Khi đã giãn cách, người ra đường phải có giấy cho phép hoặc có nhu cầu chính đáng. Như vậy số người lưu thông trên đường đã giảm đi rất nhiều ngay cả ban ngày. Thế thì ban đêm còn có mấy ai cần thiết phải ra đường để mà giới nghiêm.

 

Nếu xã hội vẫn còn mở hàng quán, tiệm ăn, quán nhậu ban ngày thì giới nghiêm ban đêm là hợp lý. Còn bây giờ tất cả đều đóng cửa ngày đêm, mọi việc bán mua đều cấm tuyệt đối thì xin hỏi giới nghiêm ban đêm có tác dụng chi không? Hay chỉ cản những người có chút máu điên thích lang thang trong đêm trên đường vắng?

 

Sài Gòn vẫn còn nhiều người sống vỉa hè, góc phố, gầm cầu, hàng hiên, trong thời gian dài giãn cách vừa qua, họ sống nhờ những hộp cơm, gói xôi, cái bánh của những tổ chức thiện nguyện, sống qua bữa bằng sự giúp đỡ của những cá nhân, những toán người lưu động hàng đêm. Giờ giới nghiêm, nguồn hỗ trợ bị cắt đứt, những người này sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có miếng cơm vì họ chẳng có cách nào để kiếm tiền trong cơn đại dịch.

 

Thái Lan cũng từng giới nghiêm sau 21:00, nhưng vì Bangkok và 5 tỉnh lân cận là Nonthaburi, Pathum Thani, Nakhon Pathom, Samut Prakan và Samut Sakhon các cửa hàng, quán ăn nhậu vẫn mở cửa ban ngày và vẫn có du khách. Giới nghiêm ban đêm là hợp lý. Bồ Đào Nha, một số tỉnh ở Đức hay Campuchia gần ta cũng thế, họ giới nghiêm ban đêm vì ban ngày không cấm đi lại và buôn bán. Ta đã giãn cách cực độ rồi thì chẳng cần lệnh giới nghiêm, sinh ra rách việc.

 

Việc làm cấp thiết bây giờ là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine. Cho đến nay, việc tiêm chủng còn chậm quá. Số người được tiêm chủng còn ít quá. Có một bác sĩ cho rằng, với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, 3 năm nữa Việt Nam mới có thể hoàn thành chỉ tiêu chích ngừa được 70% dân số.

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay số người được tiêm chủng là gần 4,75 triệu liều vaccine chỉ được 5%, vẫn là nước có tỷ kệ tiêm chủng thấp nhất thế giới trong khi cũng theo Bộ Y tế, nước ta đã nhận hơn 12 triệu liều vaccine của các nước và chương trình Covax viện trợ.

 

Nếu không khẩn trương tiến hành việc tiêm chủng, dịch bệnh khó lòng giải quyết và các con số vẫn lên cao hàng ngày. Chưa kể chúng ta không có đủ các cơ sở âm sâu để lưu giữ vaccine theo đúng nhiệt độ của các loại thuốc chủng yêu cầu. Việc hư hỏng và quá hạn có thể xảy đến, gây tổn thất, thiệt hại không đáng có.

 

Giải pháp tiếp để giải quyết dịch bệnh là giảm tải các khu cách ly gọi là tập trung. Ta nhận thấy rằng số lớn người mắc bệnh hàng ngày đều xuất phát từ những khu cách ly này. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một giải pháp để giải quyết. Những khu cách ly thiếu thốn mọi thứ, từ sinh hoạt cho đến chữa trị và nhân lực. Nó biến thành ổ dịch với hàng ngàn người không được chăm sóc và ăn ngủ kỹ càng, sức đề kháng càng yếu và virus rất dễ xâm nhập trong một cuộc sống tập thể như thế.

 

Đã có rất nhiều tiếng kêu của những người trong khu cách ly, kể cả của nhân dân lẫn đội ngũ y tế, nhưng vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Cũng đã có một số rất nhỏ được cho về nhà, họ xem mình như từ cõi chết trở về. Và cũng vì hiện trạng những khu cách ly như thế nên nhiều người nhiễm bệnh trốn khai báo để tránh vào khu cách ly, gây nguy hiểm cho cộng đồng vì không được kiểm soát. Người bị tập trung lúc nào cũng sẵn sàng để chửi, trong khi đó các bác sĩ, y tá, người phục vụ cũng đã đuối hơi và thiếu mọi phương tiện. Thế là sinh ra mâu thuẫn đáng lẽ không nên có. Đó là nỗi đau của những người có trách nhiệm và sự ấm ức của những người bị cách ly.

 

Hôm qua cũng có chuyện râm ran trên cộng đồng mạng. Một cô Nguyễn Hằng nào đấy lên face viết bôi xấu người Sài Gòn không biết tự lập mà kiếm miếng ăn hàng ngày, mà cứ ăn đồ từ thiện của dân nghèo, mọi miền khó khăn của đất nước. Cô ta còn bảo như vậy là “nhục lắm chứ chẳng hay ho gì đâu”.

 

Cô ta ca ngợi người Hà Nội không ồn ào chen chúc siêu thị hay ra chợ vơ vét, Hà Nội của một thời đạn bom một thời hoà bình, Hà Nội của mùa đông năm 46, Hà Nội 12 ngày đêm. Nói tóm lại là cô không ngớt lời ca tụng người Hà Nội biết lo toan, lịch sự và có truyền thống. Và Sài Gòn “nhục nhã vì phải sống nhờ từ thiện, cố lấy tấm lòng tương trợ của khắp nơi để tự che lấp xấu hổ và tự trọng“. Một bài chửi khá nặng nề về Sài Gòn.

 

Một điều khẳng định với cô này và những người có suy nghĩ như cô này là Sài Gòn chưa bao giờ mở lời xin ai cả. Đất Sài Gòn từ xưa đến nay chỉ cho đi chứ không cầu nhận lại. Người Sài Gòn cũng thế, đó là lối sống Thi ân bất cầu báo. Ngay những năm tháng khổ cực nhất, khó khăn nhất của Sài Gòn sau 1975, người Sài Gòn, đất Sài Gòn chỉ biết cho đi hoặc bị lấy đi chứ chưa bao giờ xin, cũng không bao giờ được nhận.

 

Hãy nhớ lại đi, sau khi thống nhất đất nước, người ta chỉ biết mang ra chứ có ai mang vào. Bây giờ Sài Gòn gặp khó khăn. Mà khó khăn này không phải vì thiếu thốn mà do những chủ trương không hợp lý, thiếu suy xét, thiếu tầm nhìn khiến thành phố đã có lúc phải lâm cảnh ngặt nghèo.

 

Báo chí đôi khi vì tuyên truyền mà trở thành lố bịch và gây phẫn nộ. Đưa hình ảnh em bé mới mấy tuổi với 2 trái bí cứu trợ Sài Gòn, đưa bà mẹ già góp cân rau, con cá chỉ là mục đích tuyên truyền nhưng bất nhẫn. Đó chỉ là những hình ảnh tượng trưng nhưng biến thành phản tuyên truyền. Gây ác cảm trong lòng người đọc, người xem. Đó cũng là một lối tuyên truyền ấu trĩ và phản cảm.

 

Người Sài Gòn không cướp những trái bí của cậu bé, không giật con cá, cân rau của bà mẹ già. Những thứ đó chỉ là tượng trưng cho những tấm lòng của đồng bào, Sài Gòn không xin vì Sài Gòn thật ra chỉ cần tấm lòng chia sẻ khi đớn đau, khi lâm bệnh, chứ Sài Gòn chưa đến lúc phải cần những thứ vật chất ấy. Sài Gòn cảm tạ những tình cảm của nhân dân cả nước trong cái nghĩa đồng bào chứ Sài Gòn không cần bố thí.

 

Người ta bảo văn tức là người, cái cô viết lên những lời ấy thể hiện tâm địa hẹp hòi, ích kỷ của kẻ ti tiện. Trong khi nhân dân mình, đồng bào mình đang đau đớn vì tật bệnh thì lại có người viết lên những lời đắc thắng, hả hê, sung sướng và tự mãn. Đó là một thứ tội ác. Thú vật còn quan tâm đến nỗi đau của đồng loại thì tại sao lại có kẻ mang lốt con người mà lại tệ bạc đến thế? Vẫn biết đó chỉ là thiểu số nhưng cách thể hiện như thế cũng là suy nghĩ của một số người.

 

Sài Gòn bao dung, Sài Gòn độ lượng, đất Sài Gòn rộng mở cho muôn phương nhưng Sài Gòn cũng khó tha thứ những kẻ nào nhục mạ Sài Gòn, những kẻ sống bám Sài Gòn mà ăn cháo đá bát, Sài Gòn cũng không ưa cái kiểu cho một ít mà nổ vang trời, kể lể khắp nơi. Sài Gòn biết ơn nhưng Sài Gòn cũng biết phẫn nộ.

 

Cái kiểu viết: “mấy thằng miền Nam nghèo rách ăn bám tiền viện trợ của bọn tao, giờ thì chịu chết đi con…” không phải là lối viết, lối nói của người Việt. Đó là kiểu ngạo nghễ, kiêu ngạo của lũ súc vật đội lốt người, vui mừng, hân hoan, nhảy múa trước nỗi đau của đồng loại.

 

Đúng ra cũng không nên đối thoại và nhắc đến chúng cũng như không nên dính với phân, với rác rưởi. Thế nhưng cũng nên có một đôi lời để mọi người cùng biết bộ mặt thật sự của chúng, những kẻ không đồng chủng. Một bài viết của một cô nàng MC ưỡn ẹo về đoàn sinh viên Hải Dương bị Bộ 4T đòi đưa giấy phạt. Xin hỏi các ngài ở cái Bộ ấy những bài viết thế này có đáng bị cảnh cáo và phạt tiền không? Hay là các ngài cũng đồng tình và vỗ tay?

 

Sáng nay cũng vừa xem được một clip của “Tin mới hôm nay” ghi lại cảnh một anh shipper bị phạt vì đi đường giao một cục charge điện thoại cho khách. Anh công an cho rằng, đây không phải là vật thiết yếu nên phạt. Lại trở lại với cái chữ này. Chính cái chữ thiết yếu được hiểu mông lung mà sinh ra nhiều chuyện.

 

Tôi đã từng giải thích rằng những thứ cần thiết để phục vụ cho đời sống con người đều gọi là những thứ thiết yếu. Trong khi giãn cách như thế này, cái điện thoại chính là vật dụng để có thể liên lạc với thế giới bên ngoài. Mua hàng online, liên lạc y tế, gọi cấp cứu, nhận tin xét nghiệm, chích ngừa, nghe yêu cầu của phường, của quận, theo dõi tin tức, liên lạc với gia đình… đều cần đến điện thoại.

 

Nếu vì lý do nào đấy mất điện, máy hết pin thì cục charge chính là cứu tinh, là nguồn điện cho máy được tiếp tục hoạt động, không có cục charge thì lấy gì mà dùng. Vậy thì nó thiết yếu chứ! Sao lại bảo nó không cần. Cứ máy móc thiết yếu chỉ là cơm, là gạo dầu mắm muối thì còn cãi nhau hoài. Thông minh một chút đi, động não một chút đi, thưa quý vị.

 

Trưa 27/7, HCDC cho biết, trong ngày 26/7, TP. HCM hiện đang điều trị 37,714 bệnh nhân dương tính, trong đó, 696 bệnh nhân nặng đang thở máy và 13 bệnh nhân can thiệp ECMO. Cộng dồn đến nay có 698 bệnh nhân tử vong.

 

Theo HCDC, thành phố khoanh vùng, giám sát 38 chuỗi lây nhiễm, đồng thời phát hiện thêm 1 chuỗi lây nhiễm virus Vũ Hán mới tại một khu dân cư ở quận Tân Bình.

 

Con số vẫn nhảy múa chưa dừng lại, vẫn còn lắm nỗi lo.

________

 

Một số hình ảnh:

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/1-70.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/2-39.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/3-30.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/4-23.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/5-14.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/07/6-11.jpg

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment