Monday, July 26, 2021

PHÁT NGÔN CỦA ÔNG LÊ QUÂN NGUY HIỂM TỚI MỨC NÀO? (Thái Hạo)

 


 

 

PHÁT NGÔN CỦA ÔNG LÊ QUÂN NGUY HIỂM TỚI MỨC NÀO?  

Thái Hạo

23:49  25/07/2021   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1039256550216866&id=100023975920044

 

Câu đầy đủ của ông Lê Quân là “phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại” (Báo Lao Động). Hôm qua tôi đã viết bài “Thuế học”, phê bình gay gắt quan điểm này của ông Quân, nhưng thấy vẫn cần phải nói thêm cho rốt ráo vấn đề.

 

Vấn đề của giáo dục không phải là “cản” người ta đi học, mà là chọn lựa. Anh phải thiết kế ngành giáo dục sao cho chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi chứ không phải chỉ là lấy đủ chỉ tiêu về số lượng. Dùng tiền để “cản”, không cho họ “lao vào đại học” là một hạ sách cực kỳ nguy hiểm, vì nó hoàn toàn bỏ quên các yếu tố và mục đích khác – trong khi, đó lại là những mục đích quan trọng nhất của ngành này. Khi anh đề ra một phương pháp chỉ nhằm “cản” người ta đi học thì tôi sẽ gợi ý giúp anh những cách khác nữa, triệt để hơn như, dùng lý lịch, dùng bốc thăm, tổ chức thi chạy điền kinh hay chơi oẳn tù tì cũng được; cứ đủ số là dừng. Đây là một phương pháp hoàn toàn phản giáo dục. Nhưng tôi hiểu tại sao anh lại dùng tiền để “cản”, chúng ta rất hiểu nhau mà.

 

Đại học phải là một nơi đẹp đẽ, sang trọng, là giấc mơ của mỗi người chứ không phải là chỗ xú uế hay nguy hại để phải “cản” con người ta vào đó. Ông Quân đã gián tiếp xây dựng một hình ảnh đại học (và giáo dục nói chung) là một cái gì cần phải tránh xa vì sự gớm ghiếc của nó? Tình yêu với tri thức và những giấc mơ tinh thần cao đẹp của con người với “giáo đường của tri thức” sẽ bị hủy hoại bởi cái quan niệm này của một lãnh đạo đang nắm giữ linh hồn một đại học lớn nhất nước.

 

Khi ông muốn “cản” một cách chính đáng việc người ta vào đại học thì ông phải dùng các phương pháp thuần túy giáo dục để sàng lọc ban đầu như thi cử để đánh giá năng lực chứ sao ông lại dùng tiền? Dùng tiền thì ông chọn được ai? Chọn được người giàu, và chỉ người giàu (tôi không tin vào lời hứa sẽ hỗ trợ đối với người nghèo của các ông đâu!).

 

Như vậy, học sinh phổ thông thay vì lo học cho giỏi thì từ chính sách này của ông Quân, chúng (và cha mẹ chúng) sẽ tập trung vào một mục tiêu khác: kiếm tiền. Như thế, ông đã làm thất bại không những giáo dục đại học, mà thông qua cái giải pháp này, ông chính thức sẽ hủy hoại luôn giáo dục phổ thông. Tội ông to lắm.

 

Ông Quân đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khác trong việc thiết kế giáo dục đại học: tạo ra một quy trình ngược. Với đại học, cần mở rộng cửa vào nhưng thắt chặt đầu ra. Có như thế thì chất lượng giáo dục đại học mới được nâng cao. Đây là một cách khôn ngoan bậc nhất vì nó sẽ giúp các ông vừa thu được nhiều tiền (vì có đông người học), vừa chắc chắn về sản phẩm đầu ra. Và từ đó, nó sẽ tạo thành văn hóa, người ta sẽ không “lao vào đại học” nữa khi chứng kiến bài học gian nan từ người khác. Rồi từ đó, họ sẽ tự tìm một hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích của mình, xã hội sẽ ổn định và phân công lao động tự nhiên sẽ được thiết lập một cách êm ái.

 

Tóm lại, nhìn ở góc độ nào thì tư duy của giáo sư Lê Quân – giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – cũng là không thể chấp nhận được, vì ở đó nó thể hiện cả sự thiển cận, kém cỏi lẫn phi nhân. Ông Lê Quân nên từ chức.

 

Thái Hạo

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1039257150216806&set=a.175912436551286

GS Lê Quân : Dùng hóc phí làm hàng rào cản học sinh lao vào đại học

 

755 BÌNH LUẬN   

 

-----------------------------------------------------------------------------

.

.

HỌC PHÍ và CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Thái Hạo

25/07/2021  lúc 21:17  

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1039188683556986&id=100023975920044

 

Khi còn đương nhiệm, ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu “Học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao”. Và ngày hôm qua, Giám độc Đại Học Quốc gia Hà Nội Lê Quân một lần nữa khẳng định “phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”. Như vậy theo các vị lãnh đạo của ngành giáo dục thì học phí và chất lượng giáo dục là tỉ lệ thuận với nhau. Tư duy này có nhiều điểm bất ổn.

 

Thứ nhất, giả sử sổ toẹt ra cái quan niệm rằng dịch vụ giáo dục là một loại hàng hóa, thì loại hàng hóa ấy có tính chất gì và cần đảm bảo logic nào trong kinh doanh?

 

Đúng, tiền nào của ấy. Vấn đề là anh có “của” để bán hay không? Bởi giáo dục không phải là một mặt hàng thông thường chỉ cần nhập khẩu một cách đa dạng về để đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người mua; mà chất lượng giáo dục gắn chặt với con người, với bộ máy cho nên nếu anh chưa thay đổi những yếu tố ấy thì không có gì đảm bảo được rằng khi tôi bỏ tiền nhiều thì sẽ chắc chắn nhận về một món hàng giáo dục tốt.

 

Thứ 2, xét về logic, nếu anh muốn bán một món hàng bằng giá cao thì trước tiên món hàng ấy cần có chất lượng tốt trước đã. Đối với giáo dục, không phải là “tiền nào của ấy” mà phải là ngược lại, “của nào tiền ấy”. Anh có cái “của nào” ấy chưa mà đòi lấy tiền nhiều? Nếu anh có rồi thì làm ơn trưng ra. Còn anh bảo “Cứ đưa tiền trước đã, tôi sẽ dùng tiền ấy để chế tạo cho anh món hàng tốt tương ứng” thì ô hô, anh khôn quá! Muốn kinh doanh thì trước tiên anh phải bỏ vốn để đầu tư và tạo ra sản phẩm tốt rồi mới đưa ra thị trường, không ai bán hàng mà lại dám đòi khách hàng trả tiền trước khi có hàng bao giờ. Khôn như thế quê tôi đầy!

 

Đó là chưa nói nếu rủi, số tiền tôi bỏ ra để mua món-hàng-chưa-có kia mà ông lại sản xuất thất bại thì tính sao đây? Ai sẽ hoàn vốn cho tôi? Và nhất là các ông sẽ lấy cái gì ra để trả lại 4 năm thanh xuân đại học của tôi? Rồi cả cuộc đời tương lai của tôi, ai sẽ chịu trách nhiệm? Đến đây, nếu các ông dám ký giao kèo rằng, nếu không giao hàng đúng chất lượng thì chúng tôi sẽ ngồi tù chung thân hoặc bị xử bắn thì ô kê, mua (tất nhiên là bản giao kèo ấy cần được pháp luật xác nhận thì tôi mới chơi).

 

Bán cái mình không có (hoặc chưa có) thực ra là bán lời hứa. Các ông định kinh doanh lời hứa ư? Đất nước này đã có quá nhiều lời hứa rồi, đa phần là “họ hứa”, cứ hứa cho sướng mồm cái đã, đường nào thì hết nhiệm kỳ các ông cũng về, cần gì phải e ngại mà không phát đi những cái “tầm nhìn” vĩ đại cho nó bay bổng! Đó là tôi chưa nói tới việc nhìn vào bộ máy và con người trong cái “công ty giáo dục” của các ông, không một ai có chút lý trí mà có thể yên tâm được về nó.

 

Kinh doanh giáo dục, ok, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi, nhưng trước tiên, làm ơn, hãy đưa sản phẩm ra đây, chúng tôi sẽ mua nó với đúng giá trị mà nó có. Đừng bán hàng theo kiểu trạng Quỳnh!

 

Thái Hạo

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1039188936890294&set=a.175912436551286

HỌC PHÍ THẤP, KHÓ ĐÒI HỎI CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CAO

 

102 BÌNH LUẬN   

 

 

------------------------------------------------------------------------------------------

.

.

PHẢN ĐỀ CỦA HỌC PHÍ   

Thái Hạo

06:50  26/07/2021     

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1039430420199479&id=100023975920044

 

Phát ngôn của ông Lê Quân có thể Vietsub lại như thế này cho đơn giản: Tăng học phí thì học sinh sẽ vì TIẾC TIỀN mà lo học. Nó có ổn không?

 

Việc người ta vì tiếc tiền mà phải học, đó là một biện pháp tiêu cực. Một đứa trẻ vì sợ đánh đòn mà phải cố ăn cơm thì thật tai hại. Tư tưởng giáo dục tích cực là phải tạo ra động cơ học tập chính đáng như, sự hấp dẫn của tri thức, sự thu hút của phương pháp, tình yêu với sự hiểu biết v.v. Chứ vì tiếc tiền mà phải bò ra học thì tôi không chắc lắm về chất lượng. Đó cũng chẳng qua là một cách học đối phó mà thôi. Nó giống một sự trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt hơn là giáo dục.

 

Mà cứ cho là tiếc tiền đi, nhưng đối tượng lại chủ yếu là con nhà nghèo, chứ con nhà đại gia và quan chức thì học phí bõ bèn gì với chúng mà chúng tiếc! Những cậu ấm cô chiêu có thể bỏ ra cả trăm triệu để chơi game hay đi vũ trường thì tiếc gì mấy đồng tiền lẻ học phí kia! Nghĩa là phương pháp dùng học phí gần như vô dụng với con nhà giàu; trong khi đó, con nhà nghèo vì chính sách học phí này mà đa phần đã phải dừng lại ở cổng trường. Thế là rốt cuộc, đứa tiếc tiền thì không được học, đứa đi học thì chẳng tiếc tiền. Chính sách trở nên vô dụng. Mà nếu có tác dụng thì chỉ là giúp các trường thu được nhiều tiền hơn mà thôi.

 

Nhắc lại, tôi không bàn về tính chính đáng của chuyện tăng hay không tăng học phí nói chung; tôi chỉ phân tích về cái lý do của việc tăng học phí trong tư duy của ông giám đốc ở phát ngôn này mà thôi. Và ở đó thì “phương pháp” tăng học phí là thất bại hoàn toàn về mục đích, nêu không nói là gây ra những hậu quả tai hại cho ngành giáo dục và cho toàn xã hội.

 

* Tút này viết vui, xin đừng thả mặt giận dữ. Mệt mỏi lắm

Thái Hạo

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1039431456866042&set=a.175912436551286

Học phí phải là rào cản để tránh việc vào đại học trở thành “học đại”

 

79 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment