Sunday, July 25, 2021

ĐÓI ! (Nguyễn Tập)

 


ĐÓI !  

Nguyễn Tập

08:27  25/07/2021   

https://www.facebook.com/taptuoitre/posts/10222674340779951

 

1.- Đó là người đàn ông trạc 60 tuổi, người quắt queo như trái khổ qua. Khi chúng tôi biếu ông hộp cơm và 100 ngàn, ông rơm rớm nước mắt: “Bây giờ chạy xe ôm công nghệ còn đói, huống hồ gì chạy xe ôm truyền thống như tui. Bình thường tui hay đón khách ở các bệnh viện, nhưng giờ dịch bệnh, chỗ đó đâu có cho tập trung đông, với lại ai cũng sợ nên mấy hôm liền không chạy nổi một cuốc xe. Buổi tối, ngồi lê la ngoài đường, người ta phát cơm cho ăn. Buổi sáng, buổi trưa thì chịu, may còn quán cơm 2.000”.

 

“Chú tên gì?”

“Thạch Sanh”

“Tên thiệt của chú?”

“Dạ đúng!”

Ngày xưa, Thạch Sanh có nồi cơm thần kì ăn hoài không hết. Còn Thạch Sanh ngày nay thì...

 

**

 

2.- Sáng nay 25/7, đang dừng đèn đỏ trên đường Trần Hưng Đạo, tôi bỗng nghe: “Anh ơi, có thể cho tôi 5 ngàn không, xe tôi hết xăng rồi”. Thấy tôi nhìn, người đàn ông trạc 50 tuổi đứng ngay cột đèn bên chiếc wave cũ mèm nói xong chợt cười hơ hơ như chữa thẹn. Giọng cười gượng gạo, gương mặt ngượng nghịu.

 

Tôi dừng xe: “Nói thật nhé, xe anh còn xăng đúng không?”, người đàn ông cúi mặt lúng búng: “Dạ, tôi chạy xe ôm, mà mấy nay đói quá...” Tôi chỉ còn một tờ 500 ngàn nên nói: “Anh đợi chút, tôi chạy đổi tiền”. Nhưng khi quay lại, người đàn ông đó đã đi mất. Tôi phải đứng thẫn thờ một lúc, tự trách mình sao không đưa hết tờ tìền đó cho rồi...

 

**

 

3.- Ba mẹ con chị Nguyễn Thị T. cũng lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Mấy năm nay ba mẹ con chị thuê một phòng trọ ở P.13 Q. Bình Thạnh để buôn bán nuôi nhau. Tuy ốm yếu và thường xuyên bệnh nhưng vì hai đứa con không cha, thất học, chị T. lăn lộn đủ kiểu, từ làm thuê, bán xôi, bún bò… Dịch đến, mọi thứ đều bế tắc. Mỗi ngày đều phải ăn, tìền nhà mỗi tháng đều phải trả, song không được đi làm vì giãn cách. Cuối cùng cả ba mẹ con bị đuổi ra khỏi nhà. Túng thế, mẹ con chị treo một tấm bạt ngay cổng trường Hà Huy Tập (Q. Bình Thạnh) ở tạm. (Trước mắt, quán cơm Nụ Cười đã hỗ trợ tìền và xin cho hai con của chị vào trường trẻ mồ côi để được ăn, học).

 

**

 

4.- Hôm rồi, trên quán cơm Nụ Cười 6 (11 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q. Bình Thạnh), khi nhận hộp cơm, một người đàn ông bỗng cầm hộp cơm bằng hai tay giơ lên cao khỏi đầu và...lạy. Xoay đúng bốn hướng, mỗi hướng ba lạy. Chúng tôi đứng đó. Sững người. Chuyện gì vậy anh? “Dạ, tôi đói quá, nay có hộp cơm tôi cảm tạ Trời Phật”. Trời ơi, chỉ một hộp cơm thôi mà...

 

Càng siết việc "ra đường", siết việc họp chợ (có giữ khoảng cách) thì dân nghèo (nhất là người vô gia cư) càng lao đao.

 

Ngày mai 26/7, theo yêu cầu của P.14, Q. Bình Thạnh “do khu vực quán cơm Nụ Cười 6 có tới mấy người F0 nên quán tạm thời ngưng bán cơm tại chỗ vài ngày” (chỉ nấu để mang đến những khu nghèo, phong toả). Bếp chay Nhơn Hoà (H. Bình Chánh) 2.000 suất/ngày cũng vừa nhắn chúng tôi: “trên huyện xuống, nói quán tạm ngưng”.

 

Một số quận, phường trấn an: “Đừng lo, bà con nghèo thường trú, tạm trú trong địa bàn đều được lên danh sách nhận hỗ trợ”. Vậy số phận những người lang thang, không nhà cửa (hoặc bị tống ra khỏi nhà trọ vì thất nghiệp không có tìền trả) sẽ ăn, ở thế nào?

 

Bây giờ có dịp ra đường, để ý sẽ thấy người lang thang nhiều hơn hẳn. Đoạn ngang bến xe Miền Tây, thanh niên độ tuổi lao động ngồi vất vưởng bên lề đường, bậc tam cấp nhà dân nhiều vô kể. Người ôm ba lô, người cầm hộp cơm vừa được cho, người ngồi thẫn thờ nhìn ra đường vô định...Các tỉnh thành đóng cửa, không về quê được, việc làm không có, tìền bạc cũng không, họ sẽ sống ra sao?

 

**

 

Trừ một vài trường hợp nhỏ vô ý thức, sẽ bất nhẫn nếu “lên án” những người ra đường thời điểm này. Sao không đặt câu hỏi ngược lại, hàng quán đóng hết, cà phê, công viên, khu vui chơi giải trí đều ngưng hoạt động vậy tại sao “vẫn có nhiều người ra đường”?

 

Dây giăng, rào kẽm gai, chốt kiểm soát khắp nơi, chưa kể đội tuần tra di động sẵn sàng phạt bạc triệu nhưng tại sao “xe vẫn đổ ra đường ầm ầm”?

 

Người nghèo cũng sợ dịch, sợ cách ly, sợ bị phạt, sợ bệnh không có tiền chữa...Nhưng, “đói đầu gối phải bò”, lăn ra đường may ra còn có hộp cơm lót dạ. Chưa kể, không có tìền đóng trọ, bị đuổi, không ở ngoài đường thì ở đâu?

 

Đương nhiên, ở thời bây giờ sẽ không có chuyện người nghèo chết đói, nhưng rất nhiều người có thể sẽ ...đói cho đến chết.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222674308659148&set=pcb.10222674340779951

Ông Đặng Huy Th., 69 tuổi, có 2 đứa em bị tai biến nên phải ra đường lượm ve chai dù biết là cấm.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222674309019157&set=pcb.10222674340779951

Hồ Trung T. quê Đồng Tháp, mới làm bảo vệ ở gần cầu Thủ Thiêm nên ra ngã 4 Hàng Xanh, xin đồ ăn

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222674309539170&set=pcb.10222674340779951

Người đàn ông 61 tuổi, cùng 2 con chó, chiếc honda bể bửng, miếng bìa cạc tông, bình nước ở ngã 4 Bảy Hiền "xin bố thí". Nhìn thấy đi chân không, bận xà lỏn vậy đó, mà có thể nói rào rào về Osho, Đắc Nhân Tâm, Nguyên Phong, hành thiền ra sao...(Tôi đứng nói chuyện với ông cũng khá lâu).

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10222674309899179&set=pcb.10222674340779951

Thư trình bày hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị T.

 

 

144 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment