Sunday, July 4, 2021

NHỮNG CHIẾC RỄ VÔ HÌNH (Thụy Mân)




 

NHỮNG CHIẾC RỄ VÔ HÌNH   

Thụy Mân

11:52  04/07/2021   

https://www.facebook.com/thuyman.tran.54/posts/1489932921344808

 

Kỷ niệm thứ nhất

 

Năm con gái lên lớp Một, nó học lớp cô Bane. Một ngày mùa xuân, trường tổ chức ngày International Day. Đất nước này là đất nước đa chủng tộc, ngày đó là một nét văn hoá không thể thiếu, hầu như mọi trường công ở Mỹ hàng năm đều tổ chức ngày hội này. Mỗi lớp phụ trách một nước khác nhau. Lớp con bé phụ trách Việt Nam. Tôi bỏ công giúp cô Bane chuẩn bị cho ngày đó. Góc triển lãm của lớp có những hiện vật, những poster với hình ảnh cả ba miền của Việt Nam. Ngày đó mẹ tôi, con gái, và tôi đều mặc áo dài đến trường, mang các món ăn nhẹ như chả giò, gỏi cuốn cho tụi nhỏ và cô giáo thử qua. Một ngày rộn ràng và nhiều kỷ niệm!

 

Tuần sau đó, một buổi chiều cô Bane hẹn sẽ đến nhà. Mở của đón cô tôi ngạc nhiên thấy cô khệ nệ mang vào một chậu bông cẩm tú cầu khá lớn. Cô nói muốn cảm ơn tôi đã giúp cô mấy tuần qua để cả lớp có được một ngày thật vui. Ôi! Thật tình tôi chẳng biết nói sao với cô. Tôi mới là ngườihạnh phúc hơn khi thấy tụi nhỏ, trong đó có con gái tôi đã rất vui hôm đó, và nhờ những hoạt động của ngày này, cháu đã hiểu thêm được ít nhiều về quê mẹ.

 

Thế là cây hoa cẩm tú cầu đã nằm lại ở một góc patio sau nhà, mùa đông thì rụng lá rục rũ như đã chết, mùa xuân lại cho ra những đóa hoa đẹp đẽ, tạo nên một góc nhỏ đáng yêu của sân vườn.

 

Cả hai con tôi đều theo học cô Bane năm lớp Một. Nhiều năm sau khi cô và gia đình chưa rời Cali đi Colorado, tụi nhỏ thỉnh thoảng vẫn gặp cô khi đi theo đội marching band biểu diễn dưới downtown hàng năm, vào những lễ lớn như lễ Độc lập July 4, hay Veteran's Day Novemver 11. Vợ chồng cô luôn tham gia làm tình nguyện cho phần tổ chức diễu hành ở các buổi lễ.

 

Kỷ niệm thứ hai.

 

Cô giáo lớp Hai là Mrs. Sullivan. Trước đây cô hành nghề luật sư, nhưng rồi nhận ra không thích hợp với nghề, đã chuyển sang dạy học. Cha cô, ông Sullivan làm chủ một vườn ươm cây ăn trái. Mỗi năm cứ đến ngày ArborDay (*), ông lại mang đến lớp của cô con gái một số cây con, thường là cây ăn trái: táo, lê, đào, anh đào, và mơ. Lớp có từ 30-32 em, em nào cũng được ông cho một cây con như vậy. Hình ảnh một ông cụ, khoảng hơn 80 tuổi, sức khỏe đã bắt đầu đi xuống, nhưng không quản đường xa, lái chiếc xe truck đi hơn 5 giờ đồng hồ để đến phân phát cây con cho các cháu nhỏ thật rất cảm động!

 

Năm đó con gái tôi được ông cho một cây apricot. Chúng tôi trồng xuống cho cháu, cháu hăng hái phụ tưới cây. Cây lớn rất nhanh, đã bắt đầu ra hoa, thì bỗng dưng héo úa rồi chết (sau này mới biết vùng đất đó có mối bên dưới, tụi mối hoặc đã ăn luôn đến rễ của cây này, hoặc đã thải ra các độc tố làm hại cho cây). Con bé buồn ủ rũ, Để cháu khuây khỏa, chúng tôi mua một cây nectarine và trồng lại cho cháu.

 

Những cây non ngày nào ông Sullivan cho đám trẻ thơ, có cây còn có cây mất, cây nào còn giờ đã trưởng thành, đơm hoa kết quả, và nhất là ông đã truyền đến các cháu ít nhiều tình yêu đối với việc trồng cây.

 

Cô Sullivan thì hàng năm đến Valentine's Day, cô vẫn viết thư gởi đến gia đình các học trò nhỏ của cô ngày đó. Biết tin giờ này các cháu ra sao vẫn là niềm vui của cô, dù cô đã về hưu lâu rồi.

 

Câu chuyện thứ ba có liên quan đến một tập tục.

 

Mỗi khi có ai vừa mới mất mát người thân, thì đồng nghiệp ngoài thiệp và hoa gởi đến an ủi mình, họ còn mang đến cho mình một cây con, có thể là một bụi hồng, một cây chanh, hay một cây ăn trái. Người ta sẽ trồng cây ấy xuống sau vườn, và những năm tháng sau đó, mỗi khi nhìn nó, người ta lại nhớ đến người thân đã mất, nhưng không với một cảm giác đau buồn, mà là một cảm giác yên ủi, dường như người mình yêu thương đã hoá thân thành cái cây kia, và tiếp tục đi theo mình.

 

Khi tôi về thăm Việt Nam cách nay mười mấy năm, gặp lại nhiều bạn cũ, nhiều người bạn dường như cảm thương cho tôi đã phải sống một cuộc sống xa quê hương, và với sự mặc nhiên cho rằng cuộc sống của chúng tôi ở xứ này rất tạm bợ, lạt lẽo, buồn tẻ và thiếu tình người. Nhưng sự thật không phải vậy, những câu chuyện vừa kể ở trên là những chiếc rễ nhỏ tiêu biểu trong muôn vàn chiếc rễ mà ngày qua tháng lại đã làm cho cái cây là tôi bám chặt hơn vào mảnh đất này.

 

Dù đôi lúc vẫn mang một mặc cảm với quê mẹ như một đứa con sao nỡ ngoảnh lưng, nhưng yêu thương luôn luôn được đền đáp lại bằng yêu thương, không có cách nào khác!

 

(*) Arbor Day (Arbor, gốc tiếng La tinh là Arbour, có nghĩa là “cây”) là một ngày lễ ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Mỹ là ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng Tư, ngày người ta khuyến khích việc trồng cây.

 

51 BÌNH LUẬN  

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment