Saturday, July 31, 2021

GIỮA ĐẠI DỊCH, HOA KỲ LÀ CHỖ DỰA LỚN NHẤT VỀ VACCINE CỦA VIỆT NAM (Võ Văn Quản - Luật Khoa)

 


 

Giữa đại dịch, Hoa Kỳ là chỗ dựa lớn nhất về vaccine của Việt Nam

VÕ VĂN QUẢN  -  LUẬT KHOA

31/07/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/07/giua-dai-dich-hoa-ky-la-cho-dua-lon-nhat-cua-viet-nam-ve-vaccine/

 

Viện trợ của Hoa Kỳ đang là nguồn sống chính cho Việt Nam trong thời khắc chống dịch gian nan.

 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/1a1d36353388f4d4aaa33213d9236277d-1024x530.jpeg

Các quan chức của Bộ Y tế, WHO và UNICEF chào đón lô vaccine đầu tiên của chương trình COVAX về Việt Nam vào tháng 4/2021. Ảnh: WHO Vietnam/ Loan Tran.

 

Cho đến nay, có một sự thật không thể chối cãi: các quan chức có tư tưởng bài Hoa Kỳ bảo thủ và cứng nhắc nhất trong nhà nước Việt Nam, các nhóm đấu tranh an ninh mạng can trường nhất, và thậm chí là các quan chức địa phương phường xã đều đã và đang là những người đầu tiên hưởng lợi từ viện trợ y tế của Hoa Kỳ trong đại dịch COVID-19, đặc biệt trong vấn đề vaccine.

 

Chắc chắn sẽ có luận điểm cho rằng “Mỹ không cho không ai bao giờ”, hay “được cái này thì mất cái kia”, hoặc “đó chỉ là mua chuộc chính trị”, và khá oái oăm là tác giả của những lời đó lại chính là những người hưởng lợi từ sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Nhưng trong thời khắc sống chết của hàng triệu người Việt Nam, cũng như để đảm bảo sự vận hành bình thường của nền kinh tế trong nước, Hoa Kỳ đang trỗi dậy như là một người bạn có thể tin tưởng.

 

Bài viết này nhằm thống kê và xem xét lại những hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam cũng như thế giới, từ đó cân nhắc giá trị của nó trong hoàn cảnh hiện nay.

 

Đóng góp vào nỗ lực phòng chống COVID-19 trên thế giới

 

Hoa Kỳ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh, nặng nề đến mức họ bị xem là… trò đùa của toàn thế giới.

 

Người viết không có gì bào chữa cho thất bại của quốc gia này.

 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hoa Kỳ tiếp tục là quốc gia “dẫn đầu” về số lượng ca mắc bệnh lẫn ca tử vong: hơn 34 triệu người nhiễm bệnh và hơn 600.000 người tử vong. [1] Tuy nhiên, điều này không ngăn cản nước này trở thành “mạnh thường quân” lớn nhất về vaccine và các viện trợ y tế khác cho nhân loại.

 

Trên bình diện quốc tế, quốc gia này đã thực góp hơn 2,5 tỷ Mỹ kim cho các nỗ lực y tế quốc tế trong phòng, chống COVID-19, mà cụ thể nhất là thông qua chương trình COVAX. [2]

 

Bảy quốc gia có đóng góp đáng kể còn lại là Đức, Anh, Liên minh Châu Âu (tư cách là một tổ chức liên chính phủ độc lập), Thụy Điển, Nhật Bản, Canada và Saudi Arabia.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/24244-1024x1024.jpeg

Thống kê các quốc gia đóng góp nhiều tiền nhất vào quỹ của COVAX. Nguồn: Statista.

 

Tuy nhiên, đấy cũng chỉ mới là bước đầu.

 

Trong các thông cáo trước đó của mình, Nhà Trắng lặp lại nhiều lần cam kết viện trợ ít nhất 4 tỷ Mỹ kim cho hoạt động cung ứng và phân phối vaccine cho các cộng đồng yếu thế, dễ tổn thương cùng với nhóm nhân viên y tế tuyến đầu. [3]

 

Chính phủ Mỹ còn cam kết đóng góp 80 triệu liều vaccine sản xuất trong nước cho toàn thế giới trước cuối tháng Sáu năm nay. [4] Tuy nhiên, mục tiêu đó đã không kịp hoàn thành. Theo thống kê của hãng  AP, đến hết tháng Sáu, Mỹ chỉ có thể chia sẻ gần 24 triệu liều cho 10 quốc gia. [5] Lý do được nêu ra cho sự chậm trễ là các trở ngại về vấn đề thủ tục và logistics. Chính quyền Mỹ của Joe Biden cam kết sẽ đẩy mạnh tốc độ đóng góp vaccine cho toàn thế giới.

 

Ngoài ra, việc Hoa Kỳ chủ yếu hỗ trợ vaccine qua COVAX cũng cho thấy nỗ lực phi chính trị hóa các khoản cứu trợ nhân đạo của mình, khác với cách mà Trung Quốc và Nga phân phối vaccine cứu trợ của họ.

 

Hiểu đơn giản, COVAX là một chương trình tiếp cận vaccine dành cho các quốc gia đang phát triển do tổ hợp các tổ chức quốc tế như WHO, CEPI (Coalition for Epidemic Preparedness Innovations), GAVI (The Vaccine Alliance) cũng như UNICEF điều hành. [6] Các quốc gia phát triển sẽ đóng góp và chuyển giao vaccine COVID-19 cho nhóm tổ chức vận hành COVAX. Việc phân phối, điều chuyển cho các quốc gia thứ ba là do COVAX quyết định dựa trên hồ sơ xin tiếp nhận, khả năng thực hiện tốt các yêu cầu về tuyên truyền nhận thức vaccine, phòng chống thông tin phản khoa học – thông tin giả về vaccine trên mạng xã hội, v.v. [7] 

 

Vì dựa trên cơ sở quản lý trung gian và các tiêu chuẩn chung của COVAX (ví dụ như không quốc gia nào được nhận lượng vaccine quá 20% dân số của mình trước quốc gia khác), quy trình phân phối vaccine qua COVAX được xem là công bằng và không bị tính chính trị chi phối.

 

Đây cũng là lý do chính khiến các quốc gia phương Tây chỉ trích Trung Quốc và Nga vì các hành động cứu trợ vaccine nằm ngoài COVAX, từ đó dẫn đến việc phân phối vaccine bị quyết định bởi các yếu tố khác.

 

Không khó để nhận thấy điều này.

 

Tính đến hết tháng Ba năm nay, Trung Quốc đã cung cấp độc lập đến hơn 115 triệu liều vaccine trên toàn thế giới, còn Liên minh Châu Âu (EU) chỉ cung cấp ra ngoài lãnh thổ các quốc gia thành viên 58 triệu liều. [8] Nhưng vì là các khoản viện trợ mang tính chính trị – mua bán ảnh hưởng, đóng góp của Trung Quốc vào COVAX là gần như không tồn tại với quy mô quốc gia. Trong khi đó, EU và một số nước thành viên giàu có của họ lại luôn nằm trong top 5 các nhà tài trợ của COVAX.

 

Việt Nam đã nhận gì từ Hoa Kỳ? Và chúng ta thực hiện cam kết của mình ra sao?

 

Trước khi nói về vaccine, cần ghi nhận rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trước đó. Nếu chính phủ và các cá nhân, tổ chức Việt Nam tặng nhiều triệu khẩu trang cho chính phủ Hoa Kỳ trong thời điểm đỉnh dịch, phía Hoa Kỳ cũng “đáp lễ” hào phóng với hơn 20 triệu Mỹ kim được ghi nhận đã giải ngân. [9] Trong đó, có thể kể đến ba triệu USD giá trị của hệ thống máy trợ thở và gần năm triệu USD khác hỗ trợ cho các hoạt động xét nghiệm, chuẩn bị và phòng, chống dịch bệnh.

 

Theo thống kê của tổ chức COVAX, Việt Nam được chính thức phân bổ hơn sáu triệu liều vaccine. [10]

 

Nhóm này bao gồm hơn bốn triệu liều vaccine AstraZeneca, trong đó, đã chuyển giao 2,5 triệu. Riêng Hoa Kỳ chuyển giao cho Việt Nam thông qua COVAX đến hơn năm triệu liều Moderna.

 

Như vậy, nếu các con số do báo chí Việt Nam tổng hợp và đưa ra không có biến chuyển lớn, cho đến giữa tháng Bảy, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vaccine. [11]

Hơn 2/3 trong số đó là từ Hoa Kỳ.

Trong tương lai, nguồn hỗ trợ từ COVAX sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ đáng kể trong các nguồn vaccine phòng COVID-19 mà chính phủ Việt Nam đã đàm phán được (khoản 40 triệu trên 100 triệu liều).

 

Vấn đề là cho đến thời điểm này, vaccine từ các hợp đồng mua bán vẫn được chuyển giao vô cùng chậm chạp. Ở thời khắc quan trọng nhất của quá trình phòng, chống dịch hiện nay, chúng ta dựa hoàn toàn vào COVAX, và cụ thể nhất trong đó là chính phủ Hoa Kỳ.

 

Bên cạnh đó, có nhiều câu hỏi về tình trạng thực tế trong việc chính quyền Việt Nam nói chung và chính quyền các địa phương nói riêng thực hiện các yêu cầu của chương trình COVAX.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/114269236_distribution_plan_global_vaccines_rollout_640-nc.png

Các nhóm ưu tiên tiêm vaccine theo hướng dẫn của WHO. Nguồn: WHO/ BBC.

 

Như đã nói, quá trình phân bổ vaccine thông qua COVAX là phi lợi nhuận và phi chính trị. COVAX hoạt động với tư cách là một tổ chức độc lập trong việc điều phối phân bổ vaccine. Tuy nhiên, họ cũng có những tiêu chuẩn nhất định của mình để bảo đảm quá trình đó đạt hiệu quả.

 

Đầu tiên, trong ngắn hạn, COVAX sẽ chỉ cung cấp lượng vaccine vừa đủ cho tối đa 20% dân số của mỗi quốc gia, bảo đảm rằng mọi quốc gia đến cùng một thời điểm đều tạo được bức màn chống dịch tương đối, ngăn chặn thảm họa xảy ra.

 

Thứ hai, cũng vì lý do này, COVAX yêu cầu các quốc gia nhận vaccine tính toán hợp lý và phân bổ vaccine theo trình tự khuyến nghị trong ảnh mà BBC minh hoạ ở trên. [12]

 

Ưu tiên đầu tiên của quá trình chủng ngừa cho 3% dân số phải là các nhân viên y tế tuyến đầu (frontline healthcare workers) và các nhân viên an sinh xã hội tuyến đầu (frontline social care workers).

 

Ưu tiên đầu tiên của quá trình chủng ngừa dành cho 20% dân số tiếp theo phải là nhóm dân số trên 65 tuổi hoặc dưới 65 tuổi nhưng có rủi ro y tế cao.

 

Cho đến nay, nhìn từ thực tế tiêm chủng tại nhiều tỉnh, thành và một số sai phạm mà chúng ta nhìn thấy, dường như không nguyên tắc nào được bảo đảm.

 

Chưa xét đến 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế, thực tế cho thấy hàng loạt các liều Astra lẫn Moderna được cung cấp từ chương trình COVAX không hề tuân thủ các nguyên tắc mà tổ chức này đưa ra. [13]

 

Ví dụ rõ ràng nhất là hàng loạt các liều vaccine Astra từ chương trình được vận chuyển về Việt Nam đợt đầu đã được tiêm cho các nhân viên của các công ty, tập đoàn lớn. [14] Ngoài ra, rất nhiều nhóm cán bộ nhà nước không phải là các nhân viên y tế – nhân viên an sinh xã hội tuyến đầu cũng đều nhận được các liều tiêm Astra đầu tiên.

 

Thêm vào đó, theo nhiều thông tin lan truyền trên mạng xã hội, một lượng rất lớn nhân viên y tế thuộc các tổ chức tư nhân vẫn chưa được tiêm chủng để bổ sung lực lượng hậu cần sẵn sàng tham gia vào tuyến đầu chống dịch (dù quy định nhà nước ghi nhận rõ không phân biệt giữa y tế công hay tư).

 

Nghiêm trọng hơn, chiến dịch tiêm chủng cho người lớn tuổi, người có rủi ro y tế cao đến nay vẫn còn vô cùng mông lung và lúng túng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/IMG_9029-500x1024.jpeg

Ảnh chụp màn hình thông tin về nhân viên y tế các tổ chức tư nhân vẫn chưa được tiêm vaccine. Nguồn: Facebook.

 

                                                      ***

Trong thời điểm cấp bách như hiện nay, Hoa Kỳ và các sáng kiến quốc tế như tổ chức COVAX, dù chịu nhiều chỉ trích trong hàng ngũ an ninh Việt Nam, lại là người bạn chúng ta có thể tin tưởng nhất – về mặt nhân đạo lẫn kinh tế. Minh bạch hơn về thông tin và chấp nhận sự thật này là cách tốt nhất để chúng ta xem xét các chính sách ngoại giao trong tương lai.

 

Mặt khác, những yêu cầu của COVAX trong phân phối vaccine chính là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển vốn gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất trước đó. Đi chệch khỏi những khuyến nghị này, vì bất kỳ lý do gì, là đi ngược lại với lợi ích chung của toàn dân mà nhà nước kêu gọi.

 


 

Chú thích:

 

1.  WHO Coronavirus (COVID-19) Dashboard. (2021). With Vaccination Data. 

https://covid19.who.int

 

2.  McCarthy, N. (2021, May 5). The Governments Donating The Most Money To COVAX. Statista Infographics. 

https://www.statista.com/chart/24244/donations-to-covax-by-country

 

3.  Bridgetown, E. U. S. (2021, February 24). The United States Announces a US$4 billion Contribution to a Global Vaccine Initiative. U.S. Embassy in Barbados, the Eastern Caribbean, and the OECS. 

https://bb.usembassy.gov/the-united-states-announces-a-us4-billion-contribution-to-a-global-vaccine-initiative

 

4.  House, T. W. (2021, June 3). FACT SHEET: Biden-Harris Administration Unveils Strategy for Global Vaccine Sharing, Announcing Allocation Plan for the First 25 Million Doses to be Shared Globally. The White House. 

https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/06/03/fact-sheet-biden-harris-administration-unveils-strategy-for-global-vaccine-sharing-announcing-allocation-plan-for-the-first-25-million-doses-to-be-shared-globally

 

5.  Biden misses vaccine-sharing goal, cites local hurdles. (2021, July 1). AP NEWS. 

https://apnews.com/article/joe-biden-coronavirus-pandemic-coronavirus-vaccine-health-government-and-politics-37174e3cc360d56550b3d5f90477ad01

 

6.  COVAX. (2021, June 18). WHO. 

https://www.who.int/initiatives/act-accelerator/covax

 

7.  Headquarters, W. (2021, January 31). Acceptance and demand for COVID-19 vaccines: Interim guidance. WHO. 

https://www.who.int/publications/i/item/WHO-2019-nCoV-vaccination-demand_planning-tool-2021.1

 

8.  Leigh, M. (2021). Vaccine diplomacy: soft power lessons from China and Russia? Bruegel. 

https://www.bruegel.org/2021/04/vaccine-diplomacy-soft-power-lessons-from-china-and-russia

 

9.  COVID-19 Assistance | Vietnam | U.S. Agency for International. (2021). USAID. 

https://www.usaid.gov/vietnam/covid-19-assistance

 

10.  COVAX roll-out – Vietnam. (2021, July 13). Gavi, the Vaccine Alliance. 

https://www.gavi.org/covax-vaccine-roll-out/vietnam

 

11.  D. (2021, July 15). Việt Nam đã tiếp nhận bao nhiêu vắc-xin Covid-19, từ những nguồn nào? https://nld.com.vn

https://nld.com.vn/suc-khoe/viet-nam-da-tiep-nhan-bao-nhieu-vac-xin-covid-19-tu-nhung-nguon-nao-20210715073351943.htm

 

12.  BBC News. (2021, June 11). Covax: How many Covid vaccines have the US and the other G7 countries pledged? 

https://www.bbc.com/news/world-55795297

 

13.  W. (2021, July 15). 16 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 1/7/2021. Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. 

http://taimuihongtphcm.vn/16-nhom-doi-tuong-uu-tien-tiem-vac-xin-covid-19-tu-ngay-1-7-2021 

14. VnExpress. (2021, June 26). Gần 5.000 nhân viên FPT Software được tiêm vaccine Covid-19. vnexpress.net. https://vnexpress.net/gan-5-000-nhan-vien-fpt-software-duoc-tiem-vaccine-covid-19-4300330.html 

15. Facebook. (2021). https://www.facebook.com/xiarang.tam/posts/1659854284224449

 

 

 

No comments:

Post a Comment