Sunday, July 25, 2021

DOANH NGHIỆP "KHÓC RÒNG" VÌ ĐỒ UỐNG, SỮA. . . KHÔNG PHẢI LÀ HÀNG THIẾT YẾU (Dân Trí Online)

 


Doanh nghiệp "khóc ròng" vì đồ uống, sữa... không phải là hàng thiết yếu 

Dân Trí Online

Thứ sáu, 23/07/2021 - 17:05

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-khoc-rong-vi-do-uong-sua-khong-phai-la-hang-thiet-yeu-20210723154932148.htm

 

Đại diện doanh nghiệp kiến nghị bổ sung hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa… là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu.

 

Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa có cuộc gặp và làm việc trực tuyến với 11 hiệp hội các ngành hàng công nghiệp nhằm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra phức tạp.

 

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, nhìn chung, trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp đã quay trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh như trước và kỳ vọng năm nay sẽ đạt mức tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

 

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

 

Nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác và đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

 

Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.

 

Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

 

Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hóa, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hóa.

 

Các hiệp hội dẫn chứng như việc đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.

 

Còn với các doanh nghiệp xuất khẩu, phản ánh cho thấy thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.

 

Một số doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số không để đưa hàng lên tàu thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng. Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh, và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn…

 

Ngoài ra, hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội, vừa tạo việc làm cho người lao động. Do đó, duy trì hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chính là góp phần thực hiện mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

 

=================================

.

.

Nông dân miền Tây đổ bỏ hàng nghìn lít sữa bò do ách tắc khâu vận chuyển

Dân Trí Online

Thứ sáu, 23/07/2021 - 16:53

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-dan-mien-tay-do-bo-hang-nghin-lit-sua-bo-do-ach-tac-khau-van-chuyen-20210723160646465.htm

 

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều nông dân nuôi bò sữa tại Sóc Trăng, Cần Thơ đang lao đao khi sữa bò vắt ra không bán được phải đổ bỏ hoặc cho bò con uống.

 

 

Người dân 2 xã ở Sóc Trăng đổ bỏ 1.400 lít sữa mỗi ngày

 

Bà Lâm Thị Thúy Liễu (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình bà có 4 con bò đang cho sữa. Mỗi ngày, bà vắt được khoảng 60kg sữa. Trước đây, bà bán cho Hợp tác xã Bò sữa Sóc Trăng (có địa chỉ tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề) nhưng từ ngày 19/7 do dịch Covid-19 phức tạp nên công ty không đến thu mua.

 

"Không bán được nên tôi phải mang về cho bà con hàng xóm nhưng cũng không dùng hết nên lại đem cho mấy con bò nhỏ uống. Cho bò nhỏ uống tưởng là tốt, ai dè mấy con bò đó nó bị tiêu chảy, bụng trướng lên, tưởng là chết, cuối cùng phải bỏ sữa", bà Liễu buồn rầu nói.

 

Từ ngày 19/7 đến nay, gia đình bà Liễu phải đổ bỏ khoảng 60 lít sữa mỗi ngày. Sữa không bán được nhưng bò thì vẫn phải được chăm sóc chu đáo. Ngoài việc tự cắt cỏ cho bò ăn, mỗi ngày, gia đình bà phải chi 200.000 đồng tiền thức ăn cho bò. 

 

Tương tự, ông Lương Sà Rươl có 2 con bò đang cho sữa nhưng từ khi giãn cách xã hội mỗi ngày gia đình phải đổ bỏ gần 25 lít sữa vì không thể chở đi bán được.

 

Một số hộ nuôi bò sữa ở Sóc Trăng cho hay, họ phải đổ bỏ sữa do đang thời gian cách ly, xe vận chuyển sữa không thể qua được các chốt kiểm dịch Covid-19 nên không bán được. 

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/660/2021/07/23/img20210723153019-1627029717966.jpg

Người dân nuôi bò đổ sữa vì không thể chở đi bán và xe của công ty cũng không thể đến mua.

 

Ông Châu Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tâm cho biết, các hộ nuôi bò sữa cặp Quốc lộ 1, cung cấp cho công ty chế biến sữa tại địa phương thì vẫn có thể bán được vì có "luồng xanh" vận chuyển. Tuy nhiên, các hộ ở sâu bên trong thường bán cho HTX Evergrowth điểm thu mua tại TP Sóc Trăng thì phải đổ bỏ sữa do xe vận chuyển không thể qua được các chốt kiểm dịch.

 

Được biết, chỉ tính riêng địa bàn 2 xã Tham Đôn và Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) có 70 hộ nuôi bò sữa đang gặp khó khi không bán được sữa khiến cho lượng sữa tồn đọng phải đổ bỏ khoảng 1.400 lít mỗi ngày.

 

 

Tìm cách gỡ khó 

 

Ông Tăng Thanh Chí, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông huyện Mỹ Xuyên, nói thêm, do thị trấn Mỹ Xuyên có khu vực bị phong tỏa, trong đó có đường Triệu Nương thuộc ấp Châu Thành nối với đường tỉnh 934 và đường An Dương Vương nên xe chở nguyên liệu của HTX Evergrowth không thể chạy qua để đến nơi thu mua sữa bò.

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/660/2021/07/23/2-10-1627030527846.jpeg

Không bán được sữa nhưng hàng ngày nông dân vẫn phải cho bò ăn và vắt sữa rồi... đổ bỏ.

 

Một lãnh đạo Hợp tác xã Evergrowth biết, từ 19/7 đến nay, do  thực hiện giãn cách, tại thị trấn Mỹ Xuyên chỉ cho xe 2,5 tấn lưu thông nhưng xe lạnh của hợp tác xã 3,5 tấn nên không vào được các xã thu mua cho bà con.

 

"Chúng tôi đang mở điểm thu mua khác tại phường 10, TP Sóc Trăng để thu mua sữa cho người dân nhưng với điều kiện chính quyền địa phương phải cấp thẻ cho người dân ra vào các chốt kiểm soát Covid-19 mới mang sữa đến điểm bán được", vị lãnh đạo này cho biết.

 

Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, do có quá nhiều doanh nghiệp đăng ký xe chạy "luồng xanh" nên có thể phương tiện của hợp tác xã trên chưa được cập nhật để cấp thẻ. Sở sẽ làm việc ngay với các đơn vị liên quan để ưu tiên cấp thẻ cho xe của hợp tác xã. 

 

https://icdn.dantri.com.vn/thumb_w/660/2021/07/23/img20210723153801-1627030153893.jpg

Nhiều hộ nuôi bò sữa ở ĐBSCL đang gặp khó khăn do ách tắc khâu vận chuyển và do dịch nên lượng tiêu thụ cũng hạn chế.

 

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết, xe thu mua sữa nằm tại trụ sở ở xã Tài Văn của huyện Trần Đề muốn sang phường 10 thu mua thì phải đi qua thị trấn Mỹ Xuyên mà nơi này đang bị phong tỏa do tình hình dịch phức tạp nên tỉnh đang dần tháo gỡ.

 

"Chúng tôi sẽ gấp rút đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp HTX Evergrowth khẩn trương hoàn thành các thủ tục nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch để ngày mai thu mua sữa cho bà con", ông Lâu nói. 

 

Doanh nghiệp Cần Thơ cầu cứu 

 

Tương tự, tại Cần Thơ, trang trại nuôi bò sữa ở Nông trường Sông Hậu cũng lâm cảnh khó khăn, sản phẩm tồn đồng khoảng 50%, phải đổ bỏ hoặc cho bò con uống.

 

Ngày 23/7, trao đổi với Dân trí, ông Võ Kim Cương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Food Farm tại Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), cho biết, phía công ty đã có văn bản cầu cứu các ngành chức năng thành phố để tìm đầu ra cho sản phẩm sữa bò.

 

Ông Võ Kim Cương cho biết, trang trại của đơn vị đang có đàn bò sữa trên 500 con, cho sản lượng trung bình hơn 1.500 lít sữa tươi thanh trùng mỗi ngày. Hiện TPHCM là thị trường tiêu thụ chính của công ty với giá 50.000 đồng/lít. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, quá trình vận chuyển khó khăn, thường xuyên bị gián đoạn do tài xế bị cách ly. Thêm vào đó, sức tiêu thụ giảm 50%, nên lượng hàng tồn đọng nhiều.

 

Mới đây, công ty có văn bản "cầu cứu" đến Sở Công Thương Cần Thơ nhờ kết nối đưa vào kênh phân phối hàng hóa bình ổn giá mùa dịch Covid-19 và cung ứng cho cán bộ, công nhân viên chức với giá 35.000 đồng mỗi lít.

 

"Lãnh đạo Sở công thương đã phản hồi và đang tìm cách tháo gỡ. Phía doanh nghiệp đang làm kế hoạch nên hàng vẫn tồn ứ nên chỉ cho bò con uống và đổ bỏ. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, chúng tôi phải đổ bỏ khoảng hàng chục nghìn lít", ông Cương cho biết.

 

Ngoài ra, tại Nông trường Sông Hậu cũng có khoảng 400 ha nhãn ido và thanh nhãn đang vào vụ thu hoạch đối mặt nguy cơ không được tiêu thụ, nông dân thua lỗ.

 

"Trong số này có gần 200 ha đang chín tới với sản lượng 1.600 tấn. Năm trước, nhãn ido có giá 25.000-30.000 đồng; còn thanh nhãn giá 75.000-80.000 đồng mỗi kg nhưng nay, giá giảm 3-4 lần nhưng không có người mua", một lãnh đạo nông trường Sông Hậu nói và cho biết rất mong các ngành chức năng thành phố hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân.

 

Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, Sở đang xúc tiến với hệ thống siêu thị giúp tiêu thụ nông sản tại Nông trường Sông Hậu.

Phạm Tâm - Xuân Lương

 

 

 

 




No comments:

Post a Comment