Thursday, July 29, 2021

CHỐNG DỊCH BẰNG KHOA HỌC hay BẰNG CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN ? (Đăng Nguyễn dịch thuật)

 


Chống dịch bằng khoa học hay bằng chủ nghĩa Mác-Lênin?

ĐĂNG NGUYỄN  -  LUẬT KHOA

29/07/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/07/chong-dich-bang-khoa-hoc-hay-bang-chu-nghia-mac-lenin/

 

Không có chỗ cho khoa học gia trên bàn nghị sự COVID-19.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/07/khoahoc-macle-1024x536.jpg

Đồ họa: Luật Khoa

 

Trong những ngày đại dịch và chuyện sinh tử của mấy mươi triệu người dân phụ thuộc vào những quyết sách của nhà nước, chúng ta nên đặt câu hỏi, bao nhiêu phần trong những quyết sách đó là dựa vào khoa học? Hay như một số tiếng nói chỉ trích trên mạng xã hội đã phê phán, rằng chính quyền chống dịch chỉ dựa vào nghị quyết và khẩu hiệu, tuyên truyền như một thời chiến tranh đã rất xa (và cũng không còn phù hợp)? Bài viết sau đây giải thích về vị trí của khoa học và tiếng nói của khoa học gia trong hệ thống chính trị và đường lối tư tưởng Mác-Lênin.

 

Giữa cuộc khủng hoảng COVID-19, một khoảnh khắc cho khoa học

 

Sự leo thang của COVID-19 ở Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, đang khiến hàng triệu người rơi vào khủng hoảng. Họ phải vật lộn trên nhiều mặt, từ chăm sóc sức khỏe và thực hiện các yêu cầu cách ly khác nhau, đến việc khan hiếm thực phẩm và nhu yếu phẩm, trong bối cảnh các chỉ thị chống dịch phạt thì nghiêm nhưng nội dung và việc triển khai thì lại nhiều khuất tất.

 

Những ngày vừa qua, chính phủ đã bắt đầu thay đổi mục tiêu kép (ngăn chặn COVID-19 đồng thời tiếp tục các hoạt động kinh tế) đã theo đuổi kể từ khi bắt đầu đại dịch, để chuyển sang chỉ tập trung chống dịch. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình đã trở nên rất nghiêm trọng. Trong vài tuần qua, Sài Gòn mang dáng vẻ tiêu điều, “trọng thương”, và người dân thành phố buộc phải thích nghi, cũng như đành chỉ có thể đợi chờ và hy vọng.

 

Trong những ngày cao điểm của khủng hoảng COVID-19 này, Tuổi Trẻ Online đưa tin ngày 10 tháng 7 năm 2021, rằng Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên “cảm thấy cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia để bàn”, và “Tôi mong các chuyên gia, nhà khoa học bất cứ lúc nào nếu thấy có vấn đề gì về chống dịch chưa phù hợp hãy nhắn tin cho tôi, tôi sẽ xem xét và kịp thời giải quyết. Mong các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, theo sát, sẵn sàng góp ý, hiến kế để công tác phòng chống dịch của TP.HCM sớm thành công”. [1]

 

Trước phát ngôn của ông Bí thư, một người dùng Facebook với tên Thái Hạo phản ứng như sau:

 

“Thế lâu nay các ông đã gặp ai để bàn cách chống dịch vậy? Nhưng dù là ai thì đó cũng không phải là các ‘chuyên gia, nhà khoa học’? Trời ạ. Các ông đang giỡn mặt với nhân dân đấy ư? Mà không phải chỉ ‘giỡn mặt’, suốt một năm rưỡi qua các ông đang đùa giỡn với cuộc sống và mạng sống hàng triệu con người đấy à? Thì ra ‘chống dịch bằng nghị quyết’ và đoàn thanh niên là có thật? Tôi chỉ thấy nhục nhã ê chề khi bị một đám mù lòa nhưng ngạo mạn dẫn đường.” [2]

 

Rất hiển nhiên là trong một đại dịch, chúng ta, dù là người dân hay lãnh đạo quốc gia, đều nên lắng nghe các nhà khoa học. Vậy tại sao việc “có lý” như vậy mà đến tận bây giờ, khi dịch bệnh mỗi ngày là một con số trầm trọng hơn, thì một quan chức chính phủ mới nhắc đến khoa học? 

 

Câu hỏi tiếp theo là, với rất nhiều tiền lệ chứng tỏ chính phủ Việt Nam không thích những tiếng nói phản biện, liệu các nhà khoa học có thể đưa ra những nhận định của mình, nhất là những nhận định “trái tai” chính phủ, đến đâu? 

 

Và ở mức phổ quát nhất, đâu là vị trí của khoa học và vai trò của người làm khoa học trong việc ra quyết sách ở Việt Nam? 

 

Chúng ta có thể soi chiếu vào hệ tư tưởng mà Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) theo đuổi, cũng như những thực hành dựa trên hệ tư tưởng đó, để trả lời các câu hỏi này.

 

 

Về tư tưởng: sự đàn áp xã hội dân sự và nguyên tắc duy lý tương giao 

 

Tại Vương quốc Anh, khi bắt đầu đại dịch, Nhóm Tư vấn Khoa học về Các trường hợp Khẩn cấp được kích hoạt, và kể từ đó, làm việc chặt chẽ với chính phủ Anh, tuy nhiên, trong vị trí như một chủ thể độc lập với chính phủ. [3] Vai trò của Nhóm tư vấn này là đưa ra những khuyến nghị để giúp chính phủ Anh có được các quyết định phù hợp liên quan đến COVID-19 trong nước. 

 

Tầm quan trọng và sức nặng của các khuyến nghị khoa học rất đáng kể, ví dụ như, với áp lực từ các khuyến nghị khoa học, Thủ tướng Boris Johnson và nội các của ông đã từ bỏ chiến lược miễn dịch cộng đồng và thay vào đó là áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng Ba năm 2020. Nếu không có lệnh phong tỏa này, Vương quốc Anh có thể đã có ​​80% dân số bị nhiễm bệnh và con số tử vong lên đến 500.000 người. [4]

 

Tương tự, bên kia bờ Đại Tây Dương, nhà khoa học và miễn dịch học Anthony Fauci, với vai trò là cố vấn y tế cho tổng thống, cũng là một trụ cột trong chiến lược chống COVID-19 ở Mỹ.

Trong một nền dân chủ tự do (liberal democracy), việc đưa ra các quyết sách dựa trên cơ sở khoa học là một thực hành mang tính mẫu mực. Những người làm khoa học, dù có đưa ra các quan điểm “nghịch ý” với phía chính phủ, hay nói chung là những người với quyền lực trong tay, cũng không bị kiểm duyệt, hạn chế, hay bị đàn áp, trừng phạt. Phía sau thực hành mẫu mực này là hai ý niệm cơ bản, mang tính định nghĩa cho dân chủ tự do – một là “xã hội dân sự” (civil society), và hai là “duy lý tương giao” (communicative rationality). [5]

 

Xã hội dân sự, trong một nền dân chủ tự do, bao gồm các chủ thể và thể chế cần được độc lập với nhà nước để có thể đóng vai trò đối trọng với quyền lực nhà nước. Điều này giải thích cho việc các trường đại học và rất nhiều hiệp hội, tổ chức dân sự ở các quốc gia dân chủ tự do có thể đóng góp tiếng nói phê bình, đối lập, đối với những hành vi hay những quyết sách của chính phủ mà họ thấy là có vấn đề. Họ làm điều này như là sứ mệnh của mình, và tất nhiên là cũng không phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt vì sự phê bình hay tiếng nói đối lập của họ.

 

Mặt khác, duy lý tương giao, có nghĩa là mọi người đạt được sự đồng thuận về một vấn đề chung, bằng cách cùng thảo luận dựa trên suy nghĩ lý tính và sự trung thực của những người cùng tham gia thảo luận. Do đó, các cuộc tranh luận tại Quốc hội các nước như Scotland, Úc, hay Canada mà chúng ta thấy trên TV, báo đài, cho đến cách tổ chức tranh luận, phản biện trong lớp học phổ thông và đại học ở các nước này, chính là biểu hiện của một nền chính trị và đời sống dân chủ lành mạnh.

 

Trái ngược với cách mà dân chủ khai phóng được định nghĩa bởi xã hội dân sự độc lập cũng như duy lý tương giao, ta khó có thể tìm thấy hai khái niệm này trong hệ tư tưởng mà ĐCSVN tôn vinh và theo đuổi. Chính phủ Việt Nam lên án xã hội dân sự độc lập, cho rằng đó là chiến lược của “thế lực thù địch” nhằm phá hoại sự ổn định chính trị trong nước. [6] Theo hệ tư tưởng Mác-Lênin, xã hội dân sự phải được/ bị kiểm soát, và các tổ chức xã hội dân sự (chẳng hạn như báo chí, trường học và các hội đoàn nằm dưới sự quản lý của Mặt trận Tổ quốc) hoạt động như là một kênh tuyên truyền, tạo tính chính danh cho đảng cầm quyền, và từ đó hướng người dân đến việc đồng thuận với chế độ. [7]

 

Tương tự như vậy, đảng cầm quyền không cho phép sự tồn tại của tiếng nói đối lập, cũng như họ không thấy sự cần thiết của việc tranh luận, phê bình công khai với sự tham gia của những chủ thể ngoài đảng cầm quyền. Thay vào đó, họ tin vào cơ chế “tự phê bình” và “ý Đảng là lòng dân”. [8]

 

 

Về thực hành: sử dụng các nhà khoa học một cách “chiến lược” đồng thời giới hạn họ trong phạm vi kiểm soát

 

Kể từ năm 1975, nhà nước Việt Nam có thể được coi là một nhà nước đi theo chủ nghĩa phát triển (developmentalism), mà cụm từ gần đây hay được dùng là nhà nước kiến tạo phát triển. Điều này có nghĩa rằng tăng trưởng kinh tế và phát triển khoa học kỹ thuật cũng như phát triển xã hội là các mục tiêu then chốt, chiến lược. Để đạt được các mục tiêu này, nhà nước cần đến chuyên môn của các nhà khoa học và tri thức của họ. Điều này có thể minh chứng qua sự tồn tại của hàng loạt các trung tâm và viện nghiên cứu khoa học dưới sự quản lý của nhà nước và được ngân sách nhà nước tài trợ. Tuy nhiên, các ràng buộc và quy chế đối với những người làm việc tại các trung tâm hay viện khoa học này cũng đảm bảo rằng họ sẽ không trở thành mối “đau đầu” hay một lực lượng thách thức, đối trọng với nhà nước. [9]

 

Mặc dù có sự tồn tại của tầng lớp trí thức và khoa học gia ở các viện nói trên, chính phủ Việt Nam lại hầu như không bao giờ nói về cách quản trị của mình là “dựa trên bằng chứng/ khoa học” (evidence/ science-based). Điều này nói lên rằng ĐCSVN vẫn xem mình là một “môn đồ” trung thành của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc tổ chức hệ thống chính trị và quản lý nhà nước. Nói cách khác, ĐCSVN làm đúng như tôn chỉ của chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc định vị mình là chủ thể quyền lực và hiểu biết thấu suốt nhất mọi vấn đề của đất nước. Chính điều này cũng làm nên sự khác biệt giữa chủ nghĩa phát triển ở Việt Nam và ở vài nước khác, tiêu biểu như Nhật Bản. Chủ nghĩa phát triển của Nhật Bản dựa trên cơ sở duy lý (rationality-based), trong khi của Việt Nam thì dựa trên cơ sở hệ tư tưởng (ideology-based). [10]

 

Nói về duy lý, trong chính trị của Việt Nam cũng như trong lĩnh vực dân sự, cho đến nay, vẫn không có chỗ cho duy lý tương giao. Quốc hội ở Việt Nam vẫn không phải là nơi để có các cuộc tranh luận cởi mở về các vấn đề chung của đất nước và đời sống nhân dân; ở trường, học sinh vẫn không được đào tạo, hướng dẫn, để xây dựng tư duy phản biện; và báo chí tự do vẫn còn là một giấc mơ không với tới cho Việt Nam.

 

Cuối cùng, cũng cần nhắc lại rằng, Việt Nam đã chớm có những tiếng nói khoa học đáng quý cho chính trị và kiến thiết đất nước vào năm 2007, khi Viện Nghiên cứu Phát triển được thành lập bởi các trí thức và nhà khoa học nổi tiếng của đất nước. Tuy nhiên, viện này nhanh chóng gặp phải rắc rối với chính quyền và cuối cùng là tự giải tán. [11]

 

 

Triển vọng ĐCSVN tự dân chủ hóa chính mình?

 

Triển vọng này không được khả quan cho lắm. Điều mà ông Nguyễn Văn Nên nói về việc tham khảo ý kiến ​​các nhà khoa học rất có khả năng chỉ là một phút chốc ông “quên bài”, nói một điều rất có lý cho thực tế đất nước nhưng lại vô cùng “lệch pha” với đường lối Mác-Lênin của Đảng. 

 

Y rằng, chỉ một tuần sau tuyên bố của ông, anh Thành Nguyễn, một người dùng Facebook và rất quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội, đã đăng lại trên trang Facebook của anh bài phỏng vấn ông Vũ Thành Tự Anh của Đại học Fulbright Việt Nam trên VnExpress, với giải thích rằng bài gốc đã bị xóa trên trang web của VnExpress ngay sau khi được đăng. [12] Trong bài phỏng vấn này, ông Tự Anh đưa ra một số ý kiến về các mặt mà ông thấy là còn yếu, hay có sai lầm, trong chiến lược ngăn chặn COVID-19 của chính phủ.

 

Tóm lại, để các nhà khoa học nói lên tiếng nói của mình, nhất là nói một cách trung thực, đầy đủ, và không phải sợ sệt, e dè trước nắm tay quyền lực, thì cần một sự thay đổi về tư tưởng và chính trị. [13] Điều này có vẻ khó mong đợi ở ĐCSVN, ngay cả như lúc này, khi toàn đất nước đang ngàn cân treo sợi tóc trước đại dịch.

 


 

Dịch từ bài “The Intertwining Of Science, Politics, And Ideology In Vietnam’s COVID-19 Crisis” của tác giả Dan Nguyen, đăng ngày 22/7/2021 trên The Vietnamese.

 

-------------------

 

Chú thích:

 

1.  Hoàng Lộc (2021b, July 10). Bí thư Thành ủy TP.HCM gặp gỡ các chuyên gia, nhà khoa học cùng bàn cách chống dịch COVID-19. TUOI TRE ONLINE. 

https://tuoitre.vn/bi-thu-thanh-uy-tp-hcm-gap-go-cac-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-cung-ban-cach-chong-dich-covid-19-20210710120636333.htm 

 

2.  Facebook Thái Hạo: 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1029231357886052&id=100023975920044 

 

3.  About us. (2020, July 14). GOV.UK. 

https://www.gov.uk/government/organisations/scientific-advisory-group-for-emergencies/about 

 

4.  Grey, S. A. M. (2020, April 7). Special Report: Johnson listened to his scientists about coronavirus – but they were slow to sound the alarm. U.S. 

https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-britain-path-speci-idUSKBN21P1VF 

 

5.  Nhận định này dựa trên các suy nghĩ về dân chủ khai phóng của hai triết gia Alexis de Tocqueville (về xã hội dân sự) và Jurgen Habermas (về duy lý tương giao).

 

6.  Cảnh giác thủ đoạn lợi dụng “xã hội dân sự” để chống phá chế độ. (2020, February 17). Báo Công an Nhân Dân Điện Tử. 

http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Canh-giac-thu-doan-loi-dung-xa-hoi-dan-su-de-chong-pha-che-do-581991 

 

7.  Hiện tượng xã hội dân sự chịu sự dẫn dắt của nhà nước ở Việt Nam đã được nói đến nhiều trong các nghiên cứu hàn lâm, ví dụ như Landau, I. (2008). Law and civil society in Cambodia and Vietnam: A Gramscian perspective. Journal of Contemporary Asia38(2), 244–258; và Salemink, O. (2006). Translating, interpreting, and practicing civil society in Vietnam: A tale of calculated misunderstanding. In D. Lewis & D. Mosse (Eds.), Development Brokers and Translators: The Ethnography of Aid and Agencies (pp. 101–126). Kumarian Press.

 

8.  Bài viết sau đây mô tả về cách tương giao trong các buổi họp giữa người dân địa phương và các Hội hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước, để cho thấy “dân chủ” chỉ có trong lý thuyết chứ không có trong thực hành: Tortosa, A. (2012). Grassroots democracy in rural Vietnam: A Gramscian analysis. Socialism and Democracy26(1), 103–126. 

https://doi.org/10.1080/08854300.2011.645661

 

9.  Xem thêm Morris-Jung, J. (2017). Reflections on governable spaces of activism and expertise in Vietnam. Critical Asian Studies49(3), 441–443. 

https://doi.org/10.1080/14672715.2017.1339448

 

10.  Xem thêm về chủ nghĩa phát triển qua các bài viết Johnson, C. (1993). The Japanese miracle. In MITI and the Japanese miracle: The growth of industrial policy, 1925-1975 (pp. 1–34). Stanford University Press; và Woo-Cumings, M. (Ed.). (1999). Introduction: Chalmers Johnson and the politics of nationalism and development. In The developmental state (pp. 1–31). Cornell University Press.

 

11.  Xem thêm Morris-Jung, J. (2015). The Vietnamese bauxite controversy: Towards a more oppositional politics. Journal of Vietnamese Studies10(1), 63–109.

12.  Facebook Thành Nguyễn: 

https://www.facebook.com/paulothanhnguyen/posts/4395856270458582 

 

13.  Vào ngày 20/7/2021, một người làm khoa học, tên Vu Hong Nguyen trên Facebook, cũng chia sẻ về việc phần trình bày của anh bị “loại” khỏi chương trình tọa đàm trực tuyến của các khoa học gia liên quan đến COVID-19. Anh Vu Hong Nguyen cho rằng các chỉ trích của anh đối với vaccine Sinopharm của Trung Quốc có thể là nguyên nhân. Tiêu đề bài viết của anh là “Hãy ngưng định hướng chính trị đối với nhà khoa học”. 

https://www.facebook.com/vu.nguyen.758/posts/4726456800701987

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment