Thursday, July 29, 2021

ĐẬP RENAISSANCE : VŨ KHÍ ĐỂ ETHIOPIA LẬT ĐỔ THẾ ĐỘC QUYỀN CỦA AI CẬP KIỂM SOÁT SÔNG NIL XANH (Minh Anh - RFI)

 


Đập Renaissance : Vũ khí để Ethiopia lật đổ thế độc quyền của Ai Cập kiểm soát sông Nil Xanh

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 29/07/2021 - 11:07

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20210729-dap-thuy-dien-renaissance-ethiopia-ai-cap-the-doc-quyen

 

Sử gia Herodote thời Hy Lạp Cổ Đại từng nói rằng « Sông Nil là lộc trời ban cho Ai Cập » và « Ai Cập là viên ngọc quý của sông Nil ». Nhưng món « lộc trời ban » mà Ai Cập ra sức gìn giữ từ hơn hai thế kỷ qua nay có nguy cơ vuột khỏi tầm tay, chỉ vì một nguyên nhân duy nhất : Đập thủy điện đồ sộ « Renaissance », ở thượng nguồn sông Nil Xanh, trên lãnh thổ Ethiopia.

 

https://s.rfi.fr/media/display/1c88a1a2-f043-11eb-80dc-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_1VU90C.webp

Công trình đập thủy điện đồ sộ Renaissace (Hồi sinh) của Ethiopia, có sức chứa đến 74 tỷ m3 nước. AFP - -

 

Sông Nil, một trong những con sông dài nhất trên thế giới, được hình thành từ hai nhánh sông lớn : Nil Trắng – nhánh phụ lưu dài nhất bắt nguồn từ Burundi và Nil Xanh đến từ hồ Tana, trên cao nguyên Agish Abbay, Ethiopia. Với chiều dài gần 1.500 km, đi qua tám nước, sông Nil Xanh cung cấp đến 80% lưu lượng cho sông Nil.

 

 

Nước ngọt : Chìa khóa an ninh quốc gia cho Ai Cập và Sudan

 

Những năm gần đây nhánh Nil Xanh trở thành tâm điểm tranh cãi gay gắt giữa ba nước Ai Cập, Sudan và Ethiopia. Năm 2011, Ethiopia dưới thời thủ tướng Meles Zenawi đã quyết định khởi công xây dựng đập thủy điện mang tên Renaissance, cao 145 mét, rộng gần 1.880 cây số vuông, và có sức chứa đến 74 tỷ m3 nước bất chấp những phản đối từ Sudan và nhất là Ai Cập. Một khi hoàn thành, công trình thủy điện này có thể tạo ra 6450MW điện năng.

 

Là quốc gia có khí hậu sa mạc, Ai Cập phụ thuộc nhiều vào sông Nil về nhu cầu nước ngọt. Từ nhiều năm qua, quốc gia này bắt đầu đối mặt với tình trạng khan hiếm nước do biến đổi khí hậu gây ra. Ông Frank Galland, chủ tịch ES2, Văn phòng Thiết kế đồ án tổng hợp và nhà nghiên cứu cộng tác cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược trên đài RFI giải thích, đối với chính quyền Cairo, đập giữ nước này là một hiểm họa cho sự sinh tồn, trong bối cảnh Ai Cập đối mặt với tình trạng bùng nổ dân số.

 

« Trên thực tế, 98% nguồn cung nước ngọt cho Ai Cập phụ thuộc nhiều vào sông Nil. 95% người dân Ai Cập sinh sống bên hai bờ sông Nil. Vào lúc cả thế giới bị phong tỏa, Ai Cập đã vượt ngưỡng 100 triệu dân. 60% dân số Ai Cập là những người trẻ, chưa tới 35 tuổi. Tổng thống Sissi thật sự đang phải đối đầu với một quả bom dân số.

 

Thế nên, nước ngọt còn là một vấn đề chủ quyền lãnh thổ, một vấn đề an ninh quốc gia cho Ai Cập. Ngay cả vị tổng thống trước đó, ông Mohamed Morsi, thuộc phe Huynh Đệ Hồi Giáo, từng nhấn mạnh rằng vấn đề đập thủy điện Renaissance còn có thể là một lời tuyên chiến ».

 

Tương tự, Sudan – quốc gia láng giềng sát cạnh của Ethiopia – cũng có cùng mối lo như Ai Cập. Đập thủy điện Renaissance của Ethiopia chỉ cách công trình thủy điện Roseires của Sudan ở hạ lưu 120 km, có quy mô nhỏ hơn hai lần và sức chứa nước chỉ ở mức 7 tỷ m3, ít hơn đến 10 lần so với công trình thủy điện của Addis-Abeba.

 

Với Khartoum, đập thủy điện Roseires là một trong những cột trụ cho nền kinh tế. Gần 2/3 trong tổng số 35,5 triệu dân phụ thuộc vào nguồn điện do Roseires tạo ra. Hồ chứa Roseires còn là nguồn dự trữ nước ngọt quan trọng cho nhiều dự án nông nghiệp hay cho các trạm bơm cung cấp nước ngọt đến tận thủ đô Khartoum. Ngay khi Ethiopia hoàn tất giai đoạn một việc đổ nước vào hồ (3,5 tỷ m3), lượng nước sông Nil đổ vào lãnh thổ Sudan đã bị tụt giảm, khiến chính quyền nước ngày quan ngại.

 

 

Đập Renaissance : Sự hồi sinh một Ethiopia hùng mạnh

 

Thế nhưng, chính quyền Addis-Abeba xem công trình thủy điện lớn nhất châu Phi, trị giá gần 5 tỷ đô la và được thực hiện với sự hỗ trợ của Trung Quốc, lại là một niềm tự hào dân tộc, một chiếc bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế, và có thể cung cấp điện năng cho hai phần ba trong tổng số 115 triệu dân. Là quốc gia châu Phi có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất (GDP 8%, số liệu năm 2019), « con Hổ » Ethiopia lại thiếu nguồn năng lượng trong khi mức nhu cầu điện năng tăng đều đặn 30%/năm.

 

Điểm mấu chốt của sự tranh cãi giữa ba nước chính là nhịp độ đổ nước vào hồ chứa. Với sức chứa 74 tỷ m3 nước, Ai Cập và Sudan đề nghị một nhịp độ đổ nước chậm, kéo dài 21 năm. Cairo lo lắng tốc độ đổ nước quá nhanh vào bể chứa khổng lồ này dẫn đến một mức giảm to lớn lưu lượng sông Nil, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân, đặc biệt là tầng lớp nông dân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi vì cách quản lý nước bất bình đẳng ở tại quốc gia này.

 

Nhưng Ethiopia lại muốn một nhịp độ tích đầy nước chỉ trong vòng 7 năm để có thể nhanh chóng vận hành cỗ máy sản xuất điện. Những bất đồng này kéo dài dai dẳng từ nhiều năm qua bất chấp sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế, Mỹ, Liên Hiệp Quốc…

 

Căng thẳng còn leo thang gay gắt khi thời gian gần đây chính quyền Addis-Abeba đơn phương hành động khi cho bắt đầu đổ nước vào hồ mà không cần sự đồng thuận. Ngày 19/7/2021, Ethiopia thông báo hoàn thành giai đoạn hai đổ nước vào bể, tức ở mức 13,5/74 tỷ m3 nước và con đập lớn Renaissance giờ đã có thể vận hành để sản xuất điện.

 

Tuy nhiên, ông David Blanchon, giáo sư địa lý, trường đại học Nanterre, trong một chương trình của France Culture (ngày 13/09/2020) từng lưu ý rằng, sự thay đổi về lưu lượng dòng chảy các con sông tại Ai Cập sẽ tương đối ít, bởi vì đã có những con đập tại Sudan (Roseires) và ở Ai Cập (Assouan được xây dựng từ năm 1970), vốn dĩ cũng đã làm điều chỉnh dòng chảy. Tranh cãi về nhịp độ đổ nước chỉ là một cái cớ, vấn đề này còn mang dáng dấp của địa chính trị, một cuộc cạnh tranh giành quyền ảnh hưởng nhằm khẳng định thế mạnh trong khu vực.  

 

Việc chọn tên cho đập thủy điện là « Renaissance – Hồi sinh » cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên. Điều này khẳng định rõ sự trở lại của Ethiopia như là một cường quốc khu vực có những đầy đủ các thuộc tính cho đến giờ vẫn còn thiếu : Một Ethiopia hùng mạnh, đóng một vai trò địa chính trị hàng đầu tại ba vùng ảnh hưởng : Hồng Hải, lưu vực sông Nil, và Đông Phi.

 

Ông nói :« Vấn đề là nhịp độ tích đầy nước vào hồ chứa nằm trong khoảng từ 7 – 21 năm, nhưng ở đây, đó chỉ là một cái cớ để lật đổ thế độc quyền kiểm soát lưu vực sông Nil. Ai Cập từng là một cường quốc, mà trước đây người ta hay gọi là cường quốc độc chiếm nước ngọt, khi khẳng định quyền thống trị trên lưu vực sống Nil và dựa vào các hiệp ước năm 1929 và năm 1959.

 

Những hiệp ước này nói rằng Ai Cập có những quyền đối với sông Nil trong khi mà Ethiopia tiến hành một chính sách chống thế bá quyền đó. Ethiopia cho rằng tất cả các nước nằm trên lưu vực sông Nil là phải bình đẳng và Ethiopia có quyền làm chủ những nguồn nước ngay trên lãnh thổ của mình với đập thủy điện này.

 

Đối với Ethiopia, vấn đề là phải khẳng định mình là cường quốc thủy điện, năng lượng, tại phần này của châu lục, nghĩa là vừa với Sudan, Kenya, Ouganda và với việc sản xuất thủy điện này, cần phải khẳng định như là một cường quốc công nghiệp mới trỗi dậy nhờ vào sự hỗ trợ của Trung Quốc. Do đó, ở đây có một bối cảnh chính trị vượt qua cả các vấn đề kỹ thuật là nhịp độ đổ đầy nước vào bể chứa. »

 

https://s.rfi.fr/media/display/6f4108d4-f044-11eb-9e86-005056a97e36/000_1N85XX.webp

Bộ trưởng Thủy Lợi ba nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan trong một cuộc đàm phán về đập thủy điện Renaissance, thủ đô Khartoum, Sudan, ngày 21/12/2019. AFP - ASHRAF SHAZLY

 

 

Lỗi ở thực dân Anh

 

Quả thật, là một nước ở hạ lưu, chặng cuối cùng của sông Nil trước khi đổ ra Địa Trung Hải, Ai Cập từ hơn hai thế kỷ qua, luôn tìm cách kiểm soát, trực tiếp hay gián tiếp những nguồn nước của sông Nil. Chính vì lý do này mà Mohammed Ali – tổng trấn Ai Cập (giai đoạn 5/1805 – 3/1848), từng đưa quân chiếm đóng Sudan ngay từ đầu thế kỷ XIX.

 

Cũng trong ngần ấy thời gian, Ai Cập không ngừng xác quyết « các quyền lịch sử » đối với sông Nil khi thường xuyên nhắc lại những thỏa thuận khác nhau được ký kết trong các năm 1902, 1929 và 1959, phần lớn dưới thời Anh Quốc còn hiện diện ở châu lục. Những văn bản này trao cho Ai Cập một thế gần như độc quyền kiểm soát việc quản lý và chia sẻ nguồn nước « xanh » quý giá, theo hướng có lợi cho Ai Cập.

 

Những hiệp ước này còn quy định rằng bất kỳ công trình xây dựng nào có thể làm biến đổi dòng chảy của sông Nil đều phải có sự đồng thuận của các nước ở hạ nguồn là Ai Cập và Sudan. Những thỏa thuận mà trong những thập niên cuối thế kỷ XX, Ethiopia nhiều lần đề nghị bãi bỏ nhưng không thành.

 

Đó là chuyện của thế kỷ trước. Nhà địa lý học David Blanchon lưu ý là tình hình địa chính trị của lưu vực sông Nil một thập niên gần đây đã có những thay đổi lớn. Bị phớt lờ hơn hai thế kỷ qua, Ethiopia – nơi xuất phát của khoảng 80% lưu lượng sông Nil – muốn áp đặt một tầm nhìn khác về lưu vực sông Nil và muốn có một cách thức phân chia mới.

 

« Ai Cập hoàn toàn dựa vào những hiệp ước đó, mang lại cho nước này những quyền hạn với một thế ưu việt trên lưu vực sông Nil. Thỏa thuận năm 1959 cho phép Ai Cập sử dụng đến 75% nguồn nước và Sudan là 25%. Nhưng thỏa thuận này được ký kết dưới thời thực dân Anh : Kenya và nhiều nước khác ở Thượng lưu sông Nil Trắng khi ấy còn là thuộc địa Anh.

 

Thế nên, họ phản đối thỏa thuận này và muốn thay thế chúng bằng một thỏa thuận mới trong khuôn khổ Sáng kiến Lưu vực sông Nil. Đương nhiên, trong thỏa thuận mới này sẽ không có những quyền lịch sử của Ai Cập và trong thỏa thuận mới đó, tất cả các nước sẽ được đối xử như nhau. Ethiopia thúc đẩy được các nước thượng nguồn ký kết thỏa thuận nhưng không có Ai Cập và Sudan. »

 

 

Gió đã đổi chiều ?

 

Giờ đây, Ai Cập mong muốn có một phương thức quản lý mang tính khu vực và một cơ chế để giải quyết các xung đột. Không có được một đồng thuận hợp pháp về những quy định sử dụng nguồn nước từ đập thủy điện Renaissance, đất nước Ai Cập có nguy cơ phải phụ thuộc Ethiopia vào những mùa khô hạn. Sự bất lực này có lẽ sẽ là một dấu hiệu suy yếu của Ai Cập và đây sẽ là một điều khó xử cho tổng thống Al - Sissi.

 

Trước những thất bại của nhiều cuộc đàm phán với Addis-Abeba, Cairo và Khartoum hồi tháng 4/2021 mở một cuộc tập trận chung mang tên « Những người bảo vệ sông Nil », gởi đi một thông điệp rõ ràng đến Ethiopia. Hai nước Ai Cập và Sudan, ngày 25/06 còn ký kết một thỏa thuận mới về hợp tác quân sự.

 

Liệu rằng chiến tranh giữa ba nước có xảy ra hay không ? Về điểm này, nhà nghiên cứu David Blanchon tin chắc là « Không ».

 

« Điều này rất khó xảy ra, bởi vì Ai Cập có lẽ sẽ không có được một sự hậu thuẫn nào nếu như nước này lao vào một cuộc xung đột vũ trang với Ethiopia. Về phần mình, chính quyền Addis – Abeba đã tạo lập một liên minh cả trong khu vực lẫn với Trung Quốc, và thậm chí trong quá trình xây dựng đập, còn có sự tham gia của một doanh nghiệp Ý và tập đoàn Alstom của Pháp, những hãng cung cấp tuốc-bin. Rõ ràng là có một liên minh đủ mạnh để tránh bất kỳ một cuộc xung đột nào. »

 

Và liên minh này của Ethiopia dường như còn được củng cố hơn nữa khi trong phiên họp ngày 07/07/2021, nước Nga của tổng thống Vladimir Putin đột ngột đổi thái độ vào phút chót trong phiên họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, khi chính thức thừa nhận tầm quan trọng của đập thủy điện Renaissance đối với Ethiopia. Động thái này của Matxcơva đi ngược với những tuyên bố nhấn mạnh rằng công trình thủy điện Renaissance không nên có những tác động đối với các nước láng giềng là một điều cần thiết.

 

Và trong cuộc đọ sức này, Ai Cập cùng với Sudan dường như đơn độc và bất lực hơn bao giờ hết trước những chính sách « sự đã rồi » từ Ethiopia. Gió đã đổi chiều rồi chăng ?

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment