Thursday, October 15, 2020

DÂN LO ĐỐI PHÓ VỚI THIÊN TAI, QUAN BẬN LO ĐẠI HỘI (BTV Tiếng Dân)

 


Dân lo đối phó với thiên tai, quan bận lo đại hội đảng

BTV Tiếng Dân 

15/10/2020

https://baotiengdan.com/2020/10/15/dan-lo-doi-pho-voi-thien-tai-quan-ban-lo-dai-hoi-dang/

 

Vụ sạt lở ở trạm kiểm lâm 67 đã chôn vùi 13 người trong đoàn cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3. Tối nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 13 thi thể cán bộ, chiến sĩ bị nạn ở Trạm Quản lý rừng tiểu khu 67, VOV đưa tin. Trong số những người bị chôn vùi tối 12/10, có Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình và thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh quân khu 4.

 

VTC có clip: Tìm thấy thi thể Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.

https://www.youtube.com/watch?v=zevVG2k6b34&feature=emb_logo

 

Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 13 thi thể của đoàn cứu hộ bị chôn vùi ở gần thủy điện Rào Trăng 3, nhưng vẫn chưa tìm thấy các công nhân mất tích do vụ sạt lở ở nhà máy thủy điện này. VietNamNet dẫn lời Thứ trưởng Bộ Công an: 16 công nhân mất tích có thể ở dưới lòng hồ. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nói: “Ngày hôm nay, phải thông đến thủy điện Rào Trăng 3 để tìm kiếm 16 công nhân còn lại. Dự báo, ngày mai (16/10), trên địa bàn TT-Huế sẽ có mưa lớn nên việc tổ chức tìm kiếm sẽ hết sức khó khăn”.

 

VnExpress có bài: Hai vụ sạt lở vùi lấp 30 người xảy ra như thế nào? Vụ sạt lở thứ nhất xảy ra lúc 0h ngày 12/10 ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, “khi công nhân đang ngủ thì phía ngoài có tiếng nổ lớn. Ngay sau đó một nửa quả núi cao hơn 120 m đổ ụp xuống công trường đang thi công, đẩy lán trại, nhà điều hành và máy móc xuôi về hạ nguồn sông Rào Trăng. Mưa to liên tục mấy ngày, đất ngấm nước trở nên bở bục, tràn xuống như thác lũ”.

 

Vụ sạt lở thứ 2 xảy ra gần một ngày sau, khi đoàn cứu hộ 21 người do Thiếu tướng Man dẫn đầu, cho biết, còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13km, không thể đi tiếp do đêm tối, mưa to, nên đoàn vào trạm kiểm lâm thuộc tiểu khu 67 nghỉ chân. “Khi đoàn cứu hộ nghỉ được một tiếng thì đất đá từ trên núi cao đổ xuống, gần như san phẳng cả khu vực hàng chục nghìn mét vuông”. Chỉ có 8 người ở phòng ngoài chạy thoát được.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/0-104-1024x683.jpg

Ngày 14/10, bộ đội tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường sạt lở khiến 13 người mất tích. Ảnh: CTV.

 

Nhà báo Đỗ Cao Cường nhắc lại, nguy cơ đã được cảnh báo nhưng quan chức mặc kệ: “Điều đáng nói, khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được các chuyên gia nghiên cứu, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở từ tháng 6/2020, nhưng đề án nghiên cứu, cảnh báo sạt lở đã bị các bên liên quan phớt lờ. Vậy là, không phải do thiên tai mà là do nhân tai, do lòng tham của chính những kẻ được gọi là đồng loại, đồng bào, đồng chí”.

 

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: Miền Trung nấc nghẹn. Bài viết tố cáo tác động của hệ thống thủy điện dày đặc, khiến miền Trung chìm trong lũ: “Miền Trung địa hình hẹp, dốc, lượng nước đổ về dồn dập, các thủy điện đồng loạt xả lũ khiến hạ du lụt không kịp trở tay. Nhưng vì sao lượng nước đổ về dồn dập? Là do tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, giết chết bao dòng sông sử thi. Đó là do nạn bạt núi làm dự án và phá rừng, là ẩu tả trong chuyển đổi diện tích rừng sang sử dụng cho các mục đích khác…”

 

TS Nguyễn Ngọc Huy viết: Thiên tai và Nhân tai. Bài viết nhắc lại chương trình “Đối thoại” trên VTV đầu năm 2018, ông Huy đối thoại cùng ông Phan Ngọc Thọ, khi đó còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, giờ ông Thọ đã lên chức Chủ tịch UBND tỉnh. TS Huy lặp lại lời cảnh báo đã nói hơn 2 năm trước: “Thủy điện vừa và nhỏ chẳng đóng góp được gì cho kiểm soát lũ lớn. Nó lại còn làm cho rủi ro ngập lụt gia tăng mà thôi. Tôi vẫn luôn thẳng thắn và rõ ràng quan điểm của mình như vậy”.

 

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn thống kê các con số biết nói: “Phá 200 ha rừng vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên để làm thủy điện thì sinh lời bao nhiêu? Nhưng cho đến hôm nay, riêng trận lụt vừa rồi, về dân sự tại Huế đã có ít nhất 9 người chết (có thai phụ sắp sinh), nhiều người bị thương; gần 85.000 ngôi nhà ngập lụt và hàng ngàn ha hoa màu, ruộng lúa bị phá hủy”.

 

Hôm nay, cộng đồng mạng xã hội không chỉ nói về mưa lũ, mà còn so sánh tình hình thiên tai dồn dập, người dân khốn khổ, với cảnh xa hoa trong đại hội đảng CSVN các cấp. Nhà báo Nguyễn Tiến Tường bình luận“Vào phiên họp, chủ trì đề nghị dành một phút mặc niệm cho nạn nhân lũ lụt. Rồi thì đặt một thùng ủng hộ, được bao nhiêu chân thành bấy nhiêu. Được thì nói với dân đôi lời, có mất chi mà kiệm lời dữ vậy. Đang nước sôi lửa bỏng, bớt hoa hoè loè loẹt lại. Dân ngoài mưa bão, mình trong tháp ngà như vậy coi sao đặng!”

 

.

Quan lo đại hội đảng

 

Mưa lũ bủa vây, người dân đang đối mặt với thiên tai, nhưng quan chức vẫn mải mê với đại hội đảng, VTV đưa tin: Đại hội Đảng bộ ở một số tỉnh, thành đã thành công tốt đẹp. Tin cho biết, đại hội đảng bộ ở các tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Hải Phòng Thái Bình, Đắk Lắk, Bình Dương, Tiền Giang… đều đã diễn ra thuận lợi, trong mấy hội trường trang trọng đầy khẩu hiệu, trái ngược với hình ảnh người dân gồng mình chống chọi với thiên tai.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/Img6-1.jpg

Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên. Ảnh: TTXVN/VTV

 

Nhà báo Mai Quốc Ấn viết“Có một người đàn ông mất vợ, mất con vì bão lũ. Anh gọi vợ mình khản đặc giữa trời mưa bão. Nỗi đau ấy xé lòng! Thì cũng có nơi hoa chất đầy mừng đại hội đảng bộ cấp tỉnh. Hoa ấy mừng những cán bộ đảng cử có chức vụ mới. Như mọi khi, đại hội nào cũng thành công tốt đẹp… Lại có nơi múa hát tưng bừng, cũng mừng đại hội thành công tốt đẹp. Như mọi khi, có báo cáo nào không đẹp, không hay, không đa dạng mỹ từ?”

 

Nhà báo Nguyễn Thông bình luận về đại hội đảng ở Vĩnh Phúc: “Ai đời, nhìn cái sân khấu, nội dung thì cổ hủ lạc hậu, hình thức thì rẻ tiền, mỹ thuật rởm đời, về tiền bạc quá tốn kém… Thế mà cứ diễn ra khắp mọi nơi, từ cấp cơ sở tới cấp trung ương cả vạn sân khấu như vậy. Dư luận lên tiếng, góp ý nhưng họ mải mê trình diễn, cứ bịt tai nhắm mắt, có nghe có thấy đâu. Bằng chứng là đại hội tỉnh Vĩnh Phúc mới tổ chức hôm qua chứ nào đã xa xôi gì”.

 

Trang Sóng Gió Quan Trường lưu ý“Điểm qua sơ sơ trên các báo ta thấy Quảng Trị nào là tượng đài Fidel Castro tiêu tốn hơn trăm tỷ, tượng đài Lê Duẩn, tượng đài chiến sĩ CAND, tượng đài Chiến Thắng….những tượng đài này tiêu tốn ít nhất cũng trên 6 tỷ/ tượng đài. Đấy là tôi chưa bàn đến phí duy tu, bảo trì hằng năm. Nhưng tôi lại không tìm được thông tin tỉnh Quảng Trị chi tiền cho công tác phòng chống thiên tai lũ lụt?”

 

Nhà thơ Đỗ Trung Quân chia sẻ hình ảnh một cổng chào rất xa hoa, toàn làm bằng gỗ, có thể từ những vụ phá rừng. Ông Quân cho biết: “Chỉ là lối vào từ cổng nhà một quan chức cấp huyện ở Tây Nguyên… ‘Cứ một cây rừng bị chặt xuống rừng sẽ trả lại một chiếc quan tài …’ khổ thay! Người nhận quan tài luôn là dân”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/10/Img4-7-1024x576.jpg

Cổng nhà một quan chức cấp huyện ở Tây Nguyên. Ảnh: FB Đỗ Trung Quân

 

Mời đọc thêm: Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3: Tìm thấy 13 thi thể thành viên đoàn cứu hộ (TN). – Cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3: Đã tìm được thi thể Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (LĐ). – Vừa nhậm chức gần hai tháng, Chủ tịch huyện tử nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 (VNN). – Người thân của công nhân mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3 ngóng đợi tin (VOV). – Nhà gỗ và xác dân (FB Hữu Danh). – Ngăn chặn thương đau (FB Xuân Sơn Võ). – Bánh tráng trộn siêu to khổng lồ hơn 300 tỉ (FB Đỗ Cao Cường).

 

– Miền Trung hứng mưa to dữ dội 6 ngày tới, nguy cơ xuất hiện lũ lớn (VNN). – Áp thấp nhiệt đới đã vào Biển Đông, hướng vào miền Trung (TT). – Phong Điền lại đổ mưa, người dân lo lắng cho đoàn cứu hộ (LĐ). – Xuất hiện hình thái ‘đa thiên tai’ rất nguy hiểm tại miền Trung (TP). – Hôm nay (15/10), khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 (VTV). – Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thành công tốt đẹp (TNMT). – Những tượng đài, cổng chào và giọt nước mắt miền Trung (RFA).

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment