Monday, October 12, 2020

ĐẢNG CỘNG SẢN KHÔNG THỂ THAY ĐỔI (Việt Hoàng)

 


Đảng cộng sản không thể thay đổi

Việt Hoàng

10/10/2020

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/19108-d-ng-c-ng-s-n-khong-th-thay-d-i

 

Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn vài tháng là nhóm họp. Có bốn nội dung chính đang được bàn luận tại Hội nghị trung ương 13 :

 

1) Nội dung văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng ;

2) Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 ;

3) Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 ;

4) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

 

Điều mà ai cũng có thể thấy được đó là "công tác nhân sự của Đảng cộng sản" luôn là vấn đề quan trọng nhất và bao trùm lên tất cả.

 

Không chỉ ở Đại hội 13 này mà gần như là tất cả ở các kỳ đại hội khác thì vấn đề nhân sự của đảng luôn là quan trọng và gay cấn nhất. Vì sao lại như thế ? Câu trả lời của ông Mạc Văn Trang trên BBC (1) là hoàn toàn chính xác :

"Xem ra trong nội bộ họ rất lo lắng chuyện nhân sự vì nếu không dàn xếp, mặc cả khéo, có thể đổ vỡ, bất ổn, lộ ra nhiều thứ, còn đối với người dân, tôi thấy họ chẳng quan tâm tới chuyện nhân sự đó".

"Đặc biệt với các đảng cộng sản, về vấn đề nhân sự họ rất sợ hãi, vì về bản chất họ không có tự do, dân chủ, không có tự do ứng cử, tự do bầu cử, mà thay vào đó là những dàn xếp, sắp đặt, cò kè, mặc cả nội bộ, nên ra Đại hội chỉ là 'diễn' lại thôi".

 

Ông Lê Văn Sinh (cựu Giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nói : "Trước Đại hội 13 cho ta thấy rằng, chính sách nhân sự của Đảng cộng sản là một người, một nhóm người từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương có quyền xếp đặt các chức vụ lãnh đạo Đảng và Chính quyền của Đảng. Điều này tất dẫn đến việc bầu bán ở hội trường chỉ là hình thức. Ta không thấy có ít nhất hai ứng viên bí thư huyện ủy hay tỉnh ủy tranh cử ở các Đại hội đảng đã diễn ra".

 

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội nói :

"Bây giờ chúng ta mong muốn là người dân được bầu lãnh đạo ngay trong hệ thống chính trị Việt Nam này thì chưa thể có đâu. Có lẽ từng bước một, mà tôi vẫn kiên định một ý kiến là dân chủ trong đảng cộng sản trước đã".

 

Blogger Sương Quỳnh nói với BBC rằng bà mong Đảng "phải chấp nhận và để cho chế độ đa đảng xuất hiện, tồn tại để các đảng phái chính trị cạnh tranh công khai, công bằng". "Xem đảng nào có những quyết sách tốt nhất, được ủng hộ nhất đưa đất nước phát triển và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, cũng như ai phục vụ nhân dân tốt nhất và được nhân nhân tín nhiệm giao phó trọng trách điều hành việc nước".

 

Cựu tù nhân lương tâm, nhà báo Nguyễn Vũ Bình khẳng định "phải thực hiện cạnh tranh công bằng và công khai minh bạch quá trình lựa chọn, ứng cử và bầu cử".

 

Nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá an ninh nói với BBC hôm 01/10/2020 : "Phải tính đến dân chủ trong đảng cộng sản Việt Nam đến mức độ một ngày nào đó cần phải tách đôi đảng, thay vì phải vật vã với thế lực thù địch và đảng đối lập".

 

Rõ ràng và thẳng thắn hơn cả là ý kiến của nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, người vừa bị Bộ công an Việt Nam bắt giữ hôm 6/10/2020 :

"Tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới. Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.

Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội".

 

https://live.staticflickr.com/65535/50444640001_b4c9dccf70.jpg

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang vừa bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 6/10/2020. Việc bắt giữ này đã gây phẫn nộ cho dư luận.

 

Trên đây là những ý kiến có thể xem là tiêu biểu của giới trí thức Việt Nam trước đại hội 13. Các ý kiến đều đúng nhưng liệu có khả thi hay không ? Theo ông Lê Văn Sinh thì"Cung cách chuẩn bị nhân sự và đường lối xây dựng xã hội không thay đổi, vẫn là kiên trì xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn coi học thuyết xây dựng xã hội của Lênin làm nền tảng tư tưởng - lý luận thì đừng mong một sự thay đổi tốt đẹp".

 

Nhà văn Võ Thị Hảo, nhà bất đồng chính kiến, cho biết : "Tôi cho rằng không bao giờ đảng cộng sản Việt Nam có dân chủ và kể cả có tách thành hai đảng thì đấy vẫn chỉ là giả hiệu mà thôi".

 

Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hoàn toàn đồng ý ông Lê Văn Sinh và bà Võ Thị Hảo rằng Đảng cộng sản không thể thay đổi dù rất muốn. Nếu làm được thì họ đã làm từ lâu rồi. Bản chất của các chế độ cộng sản không phù hợp và thích ứng với sinh hoạt dân chủ. Mong muốn của ông Hoàng Ngọc Giao là bất khả thi vì Đảng cộng sản không thể dân chủ hóa dù chỉ trong nội bộ đảng, bản chất thật sự của các Đảng cộng sản là khủng bố mà họ gọi một cách văn vẻ là "chuyên chính vô sản".

 

Việc họ vẫn kiên định đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin là đương nhiên vì nếu bỏ đi thì Đảng cộng sản không còn chính danh để độc quyền lãnh đạo đất nước và những việc làm của họ trong suốt 75 năm qua sẽ được nhìn nhận như là tội ác chống lại nhân dân. Họ sẽ bỏ trên thực tế nhưng không thể bỏ trên lý thuyết. Kế hoạch "bỏ Tàu theo Mỹ" cũng vậy. Đảng cộng sản sẽ âm thầm "xoay trục" trên thực tế nhưng không bao giờ công khai cho mọi người dân được biết.

 

Mong muốn của nhiều người là Đảng cộng sản phải thay đổi là rất chính đáng và cần thiết nhưng rõ ràng họ không thể thay đổi. Vậy chúng ta phải làm sao ? Ông Mai Thanh Sơn nhận định"Theo tôi, xét theo quy luật lịch sử, chế độ nào rồi cũng có hồi cáo chung để được thay thế bằng một chế độ khác ưu việt hơn, hợp lòng dân hơn. Vấn đề chỉ là khi nào và bằng cách nào ? Tôi, chắc cũng như đại đa số quốc dân Việt Nam khác, đều mong muốn có một sự chuyển đổi trong hòa bình, thông qua các cuộc đối thoại giữa những người anh em Việt, với tinh thần thượng tôn quốc gia/dân tộc thay vì dựa vào những người đồng chí có chung một ý thức hệ đã bị thế giới ruồng bỏ". Hoàn toàn đồng ý.

 

Khi nào chuyện "chế độ cộng sản cáo chung" xảy ra thì không ai biết vì các chế độ độc tài thường tỏ ra ổn vững cho đến những ngày cuối cùng, sự cáo chung thường đến rất bất ngờ. Câu hỏi rất hay của ông Mai Thanh Sơn là : "Bằng cách nào ?". Chúng tôi không thấy ai đưa ra được câu trả lời này. Đoan Trang có lẽ đã nhận ra rằng "phong trào dân chủ phải có lực lượng" khi viết : "Giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới". Tất nhiên là như vậy. Đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức chính trị với nhau.

 

Muốn đàm phán với Đảng cộng sản để "đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới" thì phải có các tổ chức chính trị dân chủ đối lập. Không có lực lượng thì phong trào dân chủ Việt Nam không thể làm được gì. Bao nhiêu đề nghị và van xin của người dân Việt Nam suốt bao năm qua đều không được Đảng cộng sản lắng nghe và phản hồi. Họ sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi có một lực lượng đối lập đủ mạnh để họ thấy nếu không thay đổi thì sẽ bị đào thải.

 

https://live.staticflickr.com/65535/50444820052_917deb0977.jpg

Muốn chiến thắng được Đảng cộng sản thì phong trào dân chủ Việt Nam phải có tổ chức và đội ngũ - Tranh biếm họa

 

Muốn quá trình dân chủ hóa đất nước được diễn ra hòa bình và êm thắm thì phải có một tổ chức chính trị đối lập có tầm vóc để làm đối trọng với Đảng cộng sản nếu không sự hỗn loạn sẽ xảy ra. Quan chức cộng sản và những người giàu có sẽ là nạn nhân đầu tiên của cuộc "cách mạng đường phố". Đó là điều cần phải tránh.

 

Chúng ta đừng quên câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Nga Boris Yelstsin : "Cộng sản không thể sửa chữa mà phải bị đào thải". Chưa có một Đảng cộng sản nào trên thế giới có thể tự chuyển hóa được về dân chủ. Ông Nguyễn Xuân Phúc, một người cực kỳ khôn khéo (là người thân cận của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng khi ông Dũng bị hạ bệ thì ông Phúc lại lên chức thay vì bị cho vào lò như Đinh La Thăng) từng phát biểu tại Áo rằng : "Việt Nam là một nước dân chủ, chúng tôi lên án các nước độc tài", thế nhưng khi đến Séc và nói chuyện với "Việt kiều yêu nước" thì ông ta đã bộc lộ rõ bản chất chống dân chủ "nhìn thấy Trump vẫy cờ Việt Nam bọn phản động rụng rời chân tay". Ông Nguyễn Phú Trọng thì quá già yếu và bệnh tật nhưng đến giờ vẫn không ai biết là ông ta có về hưu hay không. Việc "tiền hậu bất nhất" trong việc điều động ông Nguyễn Thanh Nghị, bí thư Kiên Giang, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng, về Hà Nội làm thứ trưởng Bộ Xây dựng cho thấy sự bất ổn trong nội bộ Đảng cộng sản.

 

Như vậy có thể khẳng định rằng Đảng cộng sản Việt Nam không thể nào thay đổi. Đã đến lúc người dân và trí thức Việt Nam nên suy nghĩ và tìm hiểu về một giải pháp mới của một tổ chức khác, ngoài Đảng cộng sản.

 

Việt Hoàng

(10/10/2020)

 

(1)Hội nghị Trung ương 13 : ‘Đảng lo nhân sự, dân chỉ mong thay đổi đường lối’

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment