Thursday, September 3, 2020

NHỮNG HỦ TRO CỐT BỊ VẤT LĂN LÓC TRONG GÓC CHÙA và TÂM HỒN VIỆT TỔN THƯƠNG (VietTuSaiGon)

 


Những hủ tro cốt bị vất lăn lóc trong góc chùa và tâm hồn Việt tổn thương

VietTuSaiGon

Thứ Năm, 09/03/2020 - 11:47 — VietTuSaiGon

https://www.rfavietnam.com/node/6464

 

Khi mùa thu không còn yên tĩnh, cả tuổi thơ và người lớn đều mơ hồ nhận ra được sự bất an tự sâu thẳm, và cả những gì thuộc về quá khứ, cũng chưa chắc đã được yên. Trong lúc này, thế giới vẫn chưa bao giờ được yên tĩnh, giá như chỉ cần yên tĩnh bằng một phần mười của thế giới cách đây chưa đầy một năm cũng đã là quí hóa! Dịch bệnh, cháy rừng, thiên tai, nguy cơ chiến tranh rình rập… Tất cả đang ập xuống con người. Tại Việt Nam, sự bất an còn cao hơn những gì đang thấy, bởi sự khuấy động, sự bất an không đến từ bên ngoài mà đến từ chính bên trong tâm hồn con người. Hành xử giữa con người với con người và cả hành xử của người sống đối với người quá cố… Mọi thứ trở nên lộn xộn và u ám…!

 

Chưa có mùa thu nào mà việc tựu trường lại trở thành nỗi lo, lại biến thành cuộc chiến ngấm ngầm và giằng co giữa cha mẹ học sinh với ngành giáo dục như bây giờ. Về phía ngành giáo dục, họ cố gắng làm sao cho hoàn thành chỉ tiêu năm học, bởi vấn đề tiền lương, các gói hỗ trợ, vấn đề thành tích. Ngược lại, về phía cha mẹ học sinh, dường như trước nguy cơ chết người như dịch Covid-19 và nhiều cái chết bày ra trước mắt, sự sống vẫn là thứ quan trọng nhất, thứ con người cần duy trì và bảo vệ nhiều nhất. Chính vì lẽ này, con em có đi học chậm nửa năm, một năm, thậm chí hai năm cũng chẳng sao. Miễn sao mọi sự an toàn, và nạn đói, nạn cướp bóc đừng diễn ra. Đương nhiên, nếu trường học đóng cửa quá lâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế quốc gia. Nhưng nếu mở cửa vội vàng, dịch bệnh chưa sạch và bùng phát trở lại thì việc mở cửa sớm làm ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh và kinh tế quốc gia. Mọi thứ đều rất mâu thuẫn và bất an!

 

Trong khi đó, các vấn đề về kinh tế, từ các công trình bị đội vốn, đến những cá nhân, tập thể tham nhũng, thậm chí các quan chức tham nhũng bạo tay đang bị phanh phui… trước thềm Đại hội đảng 13 đều cho thấy mọi thứ đều có gì đó bất an, khó nói. Và, nói cho cùng là sự bất an, lộn xộn này không chỉ đến từ bên ngoài, do ngoại cảnh tác động như dịch bệnh, chiến tranh hay thiên tai… mà nó xuất phát từ chính bên trong tâm hồn con người, cụ thể là nó xuất phát từ bên trong tâm hồn người Việt, một tâm hồn đã trải qua quá nhiều chấn thương tập thể và cơ hội lành lặn dường như chưa thấy.

 

Nói rằng người Việt trải qua quá nhiều chấn thương tập thể, có lẽ cũng không cần diễn giải chi cho nhiều khi mà chiến tranh liên tục áp đặt lên Việt Nam từ suốt ngàn năm nay và cho đến bây giờ, khi tạm yên chinh chiến, tạm lắng lại để con người có thể mưu cầu cơm áo, ước mơ tri thức thì mọi vết tích của nó vẫn cứ hiển hiện, từ chỗ phân biệt Bắc – Nam cho đến kì thị vùng miền, sự bất mãn giữa giáo hội tôn giáo nhà nước và các cơ sở tông giáo phi nhà nước, sự mất cân bằng tình cảm giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, mâu thuẫn giữa nhân dân với cán bộ nhà nước, sự bất công trong quản lý, điều tiết và hành xử đất đai của cán bộ với người dân… Dường như tâm hồn con người chưa bao giờ được bình yên!

 

Và đáng sợ hơn, vấn đề giáo dục, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa trong vòng nửa thế kỉ đã đẩy đất nước đến chỗ khốn cùng. Sự khốn cùng này đến từ hai phía, tự bản chất của nền giáo dục và cả sự ngộ nhận trong đối tượng thụ đắc. Bản chất của nền giáo dục chạy theo thành tích, vô cảm, thực dụng và thiếu nhân tâm thì đã thấy rõ. Nhưng những ngộ nhận từ bên ngoài về đối tượng thụ đắc của nền giáo dục này, dường như các thế hệ học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa đều bị cào bằng là thành phần hủ lậu, thành phần thiếu tiến bộ, thành phần kém cỏi… Điều này dẫn đến tình trạng phân biệt, kì thị ngấm ngầm giữa các thành phần trẻ hoạt động dân chủ trong nước và ngoài nước. Dường như giới trẻ trong nước được bên ngoài tung hê như những anh hùng trong bàn tay điều hướng của họ, các anh hùng trong nước đóng vai trò công cụ nhiều hơn là thực lực và lý tưởng.

 

Trong thực tế, có nhiều người học dưới trường xã hội chủ nghĩa từ tấm bé, nhưng khi trưởng thành, họ là những người yêu nước thực sự, nhận thức của họ không dừng ở mức xã hội chủ nghĩa. Và mọi sự kì thị chỉ làm cho vết thương thế hệ trở nên sưng tấy trong họ. Và vấn đề bất an tâm hồn dân tộc không phải chỉ đến từ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa mà nó đến từ nhiều hướng, nhưng hướng chủ lực vẫn là căn tính của dân tộc. Một dân tộc có căn tính máu lửa, gai góc và thù hận do chiến tranh qui ước, sẽ tốn rất nhiều thời gian để phục hồi. Câu chuyện này càng trở nên sinh động hơn khi chiều ngày 3 tháng 9 năm 2020, người ta phát hiện ra 775 hủ tro cốt bị nhà chùa vất lăn lóc, mất hết danh tính (trong khi đó, muốn đưa tro cốt vào chùa, các thân nhân phải bỏ ra khoản tiền vài chục triệu đồng, thấp nhất là bốn chục triệu đồng cho sư trụ trì). Về mặt bản chất, đây là việc vô nhân, thú vật. Và vô hình trung, nó nhắc đến hai chữ vô cảm vốn được mặc định cho giáo dục xã hội chủ nghĩa, những ai được thụ đắc giáo dục Cộng hòa sẽ không bao giờ bị gán cho chữ này. Thế nhưng với độ tuổi cổ lai hi của sư trụ trì này? Liệu ông đã trải qua tuổi học trò dưới mái trường nào? Giáo dục Thuộc Pháp hay Giáo dục Cộng hòa? Hay Giáo dục Xã hội chủ nghĩa ngoài miền Bắc?

 

Chắc chắn là ông sư này thuộc nền giáo dục Thuộc Pháp hoặc giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, ông là người miền Nam. Và cho dù ông có tập kết ra Bắc thì ông cũng không thuộc diện nhận lãnh nền giáo dục thực dụng xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 đến nay. Mọi thế hệ gây bão trong xã hội Việt Nam, từ máu lạnh, vô cảm đến cướp bóc, tham nhũng, hành hạ dân… Đều tập trung cao độ ở phân đoạn giáo dục này. Nhưng ông vẫn có vấn đề đấy thôi. Điều này chứng tỏ rằng bản chất của một dân tộc trải qua quá nhiều máu xương và nước mắt sẽ rất khó để lương thiện đúng mức khi đồng tiền đổ ập lên dân tộc đó và kích hoạt mọi thứ tham vọng của con người.

 

Nói như vậy để thấy rằng vấn đề nền giáo dục nào đã đào tạo ra con người như thế nào không thôi cũng chưa đầy đủ, mà sâu xa hơn, tiến trình phục hồi nhân cảm sau một chuỗi dài toàn tranh đấu và tranh đấu của một dân tộc đã khiến cho mọi thứ tội ác luôn rình rập hoặc nó ngủ quên đâu đó trong khốn khổ, cơ cực. Nhưng đến khi có cơ hội, nó sẽ thức dậy. Và hiện tại, dường như mọi thứ tội ác, mọi tâm địa cơ hội đang thức giấc. Một mùa thu chẳng còn bình yên đang đến gần. Vấn đề là người ta đủ bình tĩnh để đối mặt với nó, đủ kiên nhẫn và dũng khí để đối đầu với nó hay không mà thôi!

 

Và đến bao giờ tâm hồn Việt thôi bị tổn thương? Đây là câu hỏi dài dòng và rất khó để có lời giải đáp!

 

VietTuSaiGon's blog

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment