Thursday, September 3, 2020

MỘT NGƯỜI CÓ LÒNG : KỸ SƯ NGÔ NGỌC HÙNG, CHỦ ĐÀI "HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG HẢI NGOẠI" (Kiều Mỹ Duyên)

 


Một Người Có Lòng: Kỹ Sư Ngô Ngọc Hùng Chủ Đài Hệ Thống Truyền Thông VNHN

Kiều Mỹ Duyên

03/09/2020

https://vietbao.com/a304739/mot-nguoi-co-long-ky-su-ngo-ngoc-hung-chu-dai-he-thong-truyen-thong-vnhn

 

Mộng Hoa nói với tôi:

- Chị Duyên ơi, Hùng đang nằm nhà thương. Nghe nói nặng lắm.

 

Tôi ngạc nhiên, vô cùng ngạc nhiên, tôi nói:

- Chị vừa hội thoại với Hùng chiều thứ sáu. Hùng còn nói chuyện vui vẻ. Hôm thứ sáu, khách mời của tôi là bác sĩ Mục sư David Huỳnh, và bác sĩ Tâm Nguyễn về hội chợ hè có tên Giã từ Covid ở  Phước Lộc Thọ. Chúng  tôi phỏng vấn Linh Mục Nguyễn Ngọc Chuẩn, luật sư giám sát Andrew Đỗ, thị trưởng Tạ Đức Trí. Cuối chương trình Hùng cho hát bản nhạc Kinh Hoà Bình của linh mục Kim Long. Hùng nói chuyện vui vẻ lắm. Sáng ngày thứ bảy, Hùng còn làm chương trình, chiều chủ nhật  được chở vào nhà thương gắn máy thở, rồi bác sĩ cho biết Hùng bị Covid-19. 

 

Mộng Hoa, là một bằng hữu và là ân nhân của Hệ Thống Truyền Thông VNHN, Ngô Ngọc  Hùng là chủ đài đài này. Đài cũng ba chìm bảy nổi trong mấy chục  năm nay. Tôi giữ chương trình Không Hẹn. Năm 2000, Ngô Thị Hiền, chủ tịch uỷ ban Nhân Quyền giữ chương trình này. Khi Ngô Thị  Hiền đi về Việt Nam theo phái đoàn yểm trợ cho Tổng Thống Bill Clinton , Hiền nhờ tôi phụ trách dùm chương trình Không Hẹn vài ba tuần, sau đó Hiền trở lại Hoa Kỳ. Hiền nói :

-    Chị phụ trách chương trình được thính giả khen, chị làm luôn nhé.

 

 Tôi nói :

-   Hay thật, thấy mặt là đặt tên.

 

Không ngờ mới thoáng như mây bay mà tôi phụ trách chương trình Không Hẹn 20 năm. Tôi phỏng vấn rất nhiều nhân vật nổi tiếng của thế giới như Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Hòa Thượng Mãn Giác, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức cha chủ tịch  Hội Đồng Giám Mục Việt  Nam, Đức cha chủ tịch  hội đồng giám mục  Hoa Kỳ, Đức cha chủ tịch hội Đồng Giám Mục cộng  Hòa Liên bang Đức, khâm sai sứ thần tòa thánh Vatican, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt, Đức Cha William Skystad, chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, linh mục Anthony Đào Quang Chính, giám đốc di dân mục vụ của hội đồng giám mục Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush, Thống Đốc Cali, v.v. 

 

Khi hay tin Ngô Ngọc Hùng nằm nhà thương mà phải thở bằng máy, tôi hỏi Tống Mộng Hoa tới tấp :

- Bác sĩ nói tình trạng của Hùng sao em có biết không ?

 

Hoa nói :

 - Để em hỏi Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, vì tin này của  Minh Thu cho hay.

 

Tôi gọi ngay Ngô Thị Hiền. Hiền cũng không biết gì nhiều, chỉ biết bác sĩ không cho vào thăm.

 

Sau đó vài giờ thì Mộng  Hoa cho hay bác sĩ nói Ngô Ngọc Hùng bị Covid-19. 

 

Tôi gọi Minh Thu, Thu là chị ruột của Hùng. Thu cho hay:           

- Hùng đã bệnh mấy tuần rồi mà thứ bảy còn làm chương trình. Em mua nhà cho Hùng, Hùng không chịu ở. Hùng bệnh, người bên cạnh báo tin, xe cứu thương đến chở Hùng vào nhà thương.

 

Năm 1968 tôi đến Đà Lạt làm phóng sự về sinh hoạt của trường Võ Bị Đà Lạt, và trường chiến tranh chính trị Đà Lạt. Tôi ở nhà ba má của Hùng. Hiền học Dược ở Sài Gòn, ở đại học xá Trần Quý Cáp ở Sài Gòn. Chúng tôi thân với nhau từ dạo đó. Hiền là con cả, con trai của ông bà là Nhu, Nhã. Nhu và Nhã lớn lên đi lính, và đã qua đời. Con gái là Thảo qua đời, con lại các con là Hiền, Thu, Hùng, Yến, người nào cũng học  hành tử tế, có công ăn việc làm. Các cháu của ông bà, ai cũng giỏi.

 

Hùng đam mê truyền thông. Võ Thành Nhân, chủ tịch điều hành Hướng Đạo VN thế giới, nói với tôi khi tôi thăm thân mẫu của Nhân:

- Chị ơi,  tụi em làm bán thời gian vừa làm vừa học. Lúc đó chỉ có  Hùng đi làm tòan thời gian. Chiều thứ sáu nào, Hùng đi làm về cũng mua mấy bịch thức ăn, rồi vào bếp nấu cho tất cả mọi người cùng ăn. Ngôi nhà em đang ở là nhờ Hùng đứng tên mua dùm, Nhân nói với vẻ biết ơn. Nhà của Nhân thành ra tựu nghĩa đường, anh em cuối tuần hợp hội làm việc xã hội, ăn uống, cười nói với nhau. 

 

Thanh Trúc làm cho đài Á Châu Tự Do. Khi tôi đến D.C tham dự 10 năm kỷ niệm ngày thành lập đài phát thanh Hệ Thống Truyền Thống Hải Ngoại, vợ chồng Thanh Trúc chở tôi đi vòng vòng thăm thành phố. Vào một tiệm ăn của người Việt Nam trang trí theo kiểu Nhật, cây cỏ hoa lá thật đẹp, Thanh Trúc nói :

-  Ngày xưa tụi em đi làm việc xã hội. Cuối tuần, dạy đồng bào mới sang lái xe, học tiếng Anh, dạy học thi quốc tịch. Sau khi làm việc đói quá thì tụi em gọi  bác, mẹ của Võ Thành Nhân, hay gọi mẹ của Ngô Ngọc Hùng là có ăn ngay. Đến nhà ai cũng cho ăn, hồi đó đói đều đều. Thanh Trúc kể chuyện, vừa kể vừa cười:

-  Đói mà vui vì anh chị em thương nhau lắm.

 

Hùng bỏ công việc đang làm ăn ngon lành, lương cao, bỏ hết đi làm tivi, radio. Hùng cũng thường  đưa mẹ đến Orange County thăm bằng hữu. Mùa Đông ở D.C lạnh quá, tuyết phủ đầy. Hùng đưa bà cụ về quận Cam, tới nhà bà con là chị tư Hạnh, hoặc ở trong chùa. Hùng thường đến chùa Bát Nhã, ở Santa Ana ăn cơm với Hòa Thượng Nguyên Trí. Hùng là Công giáo thuận thành nhưng quen rất nhiều tu sĩ Phật Giáo và rất thân với một số thầy.

 

Không ai hiểu mình bằng cha mẹ mình, anh chị em ruột của mình. Minh Thu nói :

- Hùng không chịu lo cho thân của mình chị ơi, Hùng bị Covid-19, em sẽ loan báo cho mọi người để cho những    người đem thức ăn lại cho Hùng phải đi thử nghiệm. Nếu có gì thì phải đi bác sĩ ngay, không chần chờ.

 

Minh Thu lặp đi lặp lại nhiều lần:

- Mình phải lo cho thân của mình, Hùng không biết lo cho mình .

 

Ngày xưa tôi đến nhà Hùng. Tất cả anh chị em của Hùng đều còn nhỏ. Hiền học ở Sài Gòn. Còn lại Thu là chỉ huy trưởng trong gia đình chăm sóc các em. Giọng nói của Thu  sắt lắm. Sau này lấy chồng luật sư, Thu khuyên chồng học bác sĩ, rồi cũng thành bác sĩ.

 

Ba mẹ của Hùng rất hiền. Ông bà là chủ tiệm sách Minh Thu ở đường Phan Đình Phùng. Các sinh viên Võ Bị Đà  Lạt và chiến tranh chính trị không quên nhà sách lớn này?

 

Hùng rất thẳng tính, nhiều khi nói thẳng nói thật bị người khác giận, nhất là nói công khai trên radio. Có lần diễn giả của chương trình   Không Hẹn là một chánh khách trẻ. Khi hội thoại với tôi, xưng là cháu. Hùng chỉnh ngay không được xưng là cháu, phải xưng là tôi.  Điều Hùng nói đúng, nhưng làm mất lòng chánh khách trẻ này. Trường đại học nào dạy về khoa truyền thông cũng đều dạy trên diễn đàn, hay giữa công chúng cách xưng hô của ký giả và diễn giả phải giữ khoảng cách như thưa linh mục và tôi, chứ không thưa cha và con, hay   Hoà Thượng và tôi, chứ không xưng thầy và con. Nhưng cách xưng hô hằng ngày quen rồi, dù có viết vào giấy trước khi lên diễn đàn, hay trước khi hội thoại rồi cũng quên xưng như bình thường, như nói chuyện ở nhà thờ cha và con, thầy và con.

 

Trong những ngày dịch cúm Covid-19 này, Hùng tâm sự với tôi :

- Lúc này niềm tin tôn giáo mạnh lắm chị ơi. Em phát các chương trình tôn giáo nhiều, lặp đi lặp lại thường xuyên. Thầy Thái Hòa giảng hay lắm, do chị Tống Mộng Hoa bảo trợ, chị Hoa là ân nhân của đài.

 

Cứ 2 ngày, Hùng cho phát CD Túi Khôn của sơ Thu Thủy. Những bài trong Túi Khôn rất có giá trị do hội từ thiện Hồng Ân phát hành. Mỗi năm đều có ra CD, làm việc từ thiện cho đồng bào nghèo ở Kontum, miền rừng núi Bắc Việt. Sơ Thủy hay tin Hùng nằm nhà thương, Sơ nói Sơ sẽ cầu nguyện cho Hùng thoát khỏi cơn nguy hiểm này. 

 

Hùng làm việc rất nhanh, nhất là tìm kiếm tin tức trên Internet. Biết Hùng giỏi nên mỗi lần lên chương trình Không Hẹn, không bao giờ tôi nói trước, lên đài xong nhớ việc gì nói việc đó cho tự nhiên, để thính giả biết mình nói chứ không phải nhìn vào giấy đó. Nói thì bao giờ cũng nói từ trái tim của mình, còn nhìn vào giấy đọc là soạn trước. Soạn trước thì văn chương hoa lá cành, vì tôi biết thính giả của tôi là những người có trái tim độ lượng, nghe và tha thứ, ở tôi là người thật việc thật không có văn chương.

 

Hùng thường nói với tôi về Mộng Hoa. Chị Mộng Hoa bảo trợ cho chương trình Phật pháp của thầy Thái  Hòa. Linh mục Anthony Đào Quang Chính cũng là thính giả của chương trình Phật pháp này và khen thầy Thái Hòa rất nhiều. Cụ bà Mary Trần năm nay 97 tuổi tây,  99 tuổi ta, nói với tôi năm nay tôi già, tôi gần bằng tuổi của mẹ Ngô Ngọc Hùng (mẹ của Hùng 100 tuổi). Hùng hay nói với tôi về thăm mẹ. 

 

Cụ Mary Trần nói với tôi: Không biết tôi còn sống đến ngày 18/12/2020 để nghe cha Chính nói chuyện trên đài hay không? Hùng nói để em email yêu cầu cha trở lại trước tháng 12 và Mộng Hoa  cũng nói với tôi em sẽ yêu cầu cha trở lại đài sớm hơn. Linh mục Anthony Đào Quang Chính hiện nay là linh mục chánh xứ của nhà thờ St Catherine Alexandia ở San Bernadino có nhiều sắc dân: Mỹ, Mễ, Ý, Đại Hàn,  v.v. Cha cũng là hạt trưởng của 10 nhà thờ cho nên bận lắm. Cha rất bận, cha làm cho nhà thờ Mỹ nhưng cũng giúp cho đồng bào Việt Nam nhiều lắm. Cha đi thuyết trình khắp nơi, cha có bằng Tiến sĩ giáo dục của đại học Texas và thuyết trình ở đại hội Thánh Mẫu ở Missrouri.

 

Mỗi năm tôi mời linh mục vài ba lần vì linh mục bận lắm. Mấy tháng trước cha lên chương trình Không Hẹn. Một thính  giả ở giáo sứ Bùi Chu Việt Nam đặt một lúc 6 câu hỏi. Tôi đọc liên tục những câu hỏi này, cha Anthony trả lời ngay 2 câu hỏi, còn 4 câu nữa sẽ trả lời lần sau, tôi nghĩ như vậy.

 

Tôi tham dự đại hội  kỷ niệm của đài năm thứ 10 và năm thứ 15. Lần nào tôi cũng gặp anh chị em đặc phái viên từ các tiểu bang khác, từ các quốc  gia khác về tham dự, như học giả Đỗ Thông Minh ở Nhật, anh Đinh Kim Tân và Hồng ở Đức. Có người về từ Pháp, Úc. Ở Cali thì có Đinh Xuân Thái, chủ đài tivi ở Orange County. Lúc đó trong phòng thu hình đâu đủ chỗ ngồi, Thái ngồi dưới đất và nhiều anh ngồi dưới đất để những chiếc ghế nho nhỏ cho phụ nữ.

 

Khi tôi báo tin với Đinh Xuân Thái, chủ đài Little Sài Gòn ở Orange County, rằng Ngô Ngọc Hùng đang nằm nhà thương vì bệnh Covid. Thái sững sờ nói tội nghiệp Hùng.

 

Thính giả đem thức ăn đến đài rất nhiều, nhiều đến nỗi tôi tưởng đây là nhà hàng. Trụ sở của đài 3 tầng biệt lập. Hùng đỗ bánh xèo liên tục tại đài để mời mọi người thưởng thức. Hùng có tài nấu ăn. Đoàn viên Hướng Đạo, người nào cũng biết nấu ăn, nhanh và  ngon. Trụ sở của đài ở ngay góc đường, bên cạnh là nhà của một ông chủ là cựu quân nhân. Hai vợ chồng họ nói với tôi:

- Tôi thương Hùng và đài lắm. Tôi mua nhà bên cạnh, nếu đài không có tiền trả tiền mướn hằng tháng thì tôi sẽ làm thêm phòng sân sau cho đài.

 

Lúc đó tôi biết building, trụ sở của đài đang để bảng bán, giá $350,000 cả nhà và đất, tôi khuyên Hùng nên mua. Chị của Hùng làm địa ốc thì có tiền hoa hồng, cho lại cho em để trả tiền giấy tờ, nhưng lúc đó đài đâu có lợi tức, đài phát thanh đủ trả tiền phố là điều may mắn. Hầu hết các anh chị em làm việc vì say mê nghề nghiệp, vì lý tưởng, chứ không phải vì lương. Rồi tôi đến đài kỷ niệm 15 năm thành lập, lần này trụ sở dời đi địa điểm khác, cũng 2 tầng lầu, trên lầu và dưới lầu, chỗ đậu xe rộng rãi. Anh chị em đến đài rần rần hằng ngày như đi hội chợ. Bà con cũng thường trực mang thức ăn đến. Anh chị em ở Boston, New York, Floria, Texas, Oklahoma, New Jersey, Porland, Michigan v.v.  cũng lái xe ngày đêm đến đài để dự đại hội. Đến đài tôi vui lắm, thường xuyên có mặt trong các chương trình của người khác. 

 

Cô Jackie Bong là mạnh thường quân cho học trò của  giáo sư Nguyễn Văn Bông, là giáo sư trường luật và viện trưởng quốc gia hành chính ở VN trước năm 1975, ở nhờ. Nhiều người mướn khách sạn rồi đến ở nhờ nhà người quen thân để nói chuyện. Lần thứ nhất ở nhà cô Bông vui lắm, nói chuyện suốt đêm, đa số là chuyện cũ ở VN và chuyện mới là đi biểu tình chống Cộng Sản khi có phái đoàn Cộng Sản đến Mỹ. Lần thứ nhì, tôi ở nhà cô giáo Tống Mộng Hoa. Bác sĩ Y Đức thì ở dưới lầu, tôi và Tina ở trên lầu nhìn ra cửa sổ có những cây to hoa rực trời. Sau nhà là rừng cây, nhà của Mộng Hoa và anh Huyền, như tựu nghĩa đường. Buổi sáng  có người nhấn chuông,  mọi người dậy thật sớm ra vườn sau. Có người mới đến như ký giả Thanh Trúc, và một bằng hữu của Hoa cũng ra vườn tập Hoàn Nhiên Khí Công, món võ này có 18 thế, biến thế mấy trăm thế, chỉ cần học thuộc 3 thế là đủ, 3 thế này chú trọng vào thở. Thở để sống, hết thở ra đi.

 

Mọi người từ khắp nơi về D.C, tiếng nói reo vui, hợp rồi tan. Từ đó đến giờ tôi chưa gặp lại anh chị em. Phòng phát thanh Từ Đức vẫn hoạt động gồm anh Đinh Kim Tân, cô Hồng, linh mục Đinh Xuân Minh, v.v. Phái đoàn ở Đức, ở Úc hùng hậu lắm. Phái đoàn ở miền Bắc Cali cũng rất hùng hậu. Ở Seatle, Boston có anh Phạm văn Đảm, Phong Trào giáo dân v.v. 

 

Ở D. C người tiếp tay và giúp đỡ đài cũng nhiều lắm. Chị Sinh, phu nhân luật sư Sinh, thường xuyên gọi vào đài với lý lụân sắt bén. Những người ở Florida, San Diego, nhất là những người  trẻ làm ban đêm, thì tiếng nói của đài phát thanh là nhu cầu tinh thần của họ.

 

Nói làm sao hết về những người thương mến đài mà tôi đã gặp những lần đại hội. Nhớ những đêm Hồng, Tina Vũ và tôi ở lại nhà Tống Mộng  Hoa. Hoa thường khen con của bằng hữu hơn khen con của mình, dù con mình là luật sư, vì các cháu nói tiếng Việt giỏi, còn con của Hoa thì không thông thạo tiếng Việt. Tôi thường khuyên: Đừng buồn vì là rừng về cội, bây giờ các cháu không nói được Tiếng Việt, thì vài ba chục năm nữa cũng sẽ nói được tiếng Việt mà thôi.

 

Những người có lòng mà tôi đã gặp thì nhiều lắm, nhưng bây giờ có người không còn nữa. Như những lần đại hội văn hóa ở New York, Hùng thường xuyên có mặt, và đài cũng đã gây qũy cho ban tổ chức. Người về từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Đêm đêm xuống phòng khách của khách sạn Carter của ông bà Trần Đình Trường. Chị Trường là người đàn bà đẹp nhẹ nhàng, là tỷ phú nhưng rất khiêm tốn. Chị thường nấu thức ăn cho phái đoàn. Chị đã cho ở khách sạn miễn phí mà còn ân cần tiếp đãi, hình ảnh của chị, một phụ nữ đẹp, đẹp từ khuôn mặt, và đẹp từ trái tim làm cho mọi người nhớ mãi.   

 

Ở khách sạn Carter ở New York, ở nhà cô Jackie Bông, nhà cô giáo Tống Mộng Hoa ở D.C, ở nhà nào cũng vui vẻ, nói năng tự nhiên làm cho những người trung niên quên tuổi của mình, giỡn như hồi còn  trẻ ở trường học.

 

Anh chị em cộng tác với đài nhiều người có tài lắm. Người có tác phẩm đã xuất bản như cô giáo Mộng Hoa đã xuất bản sách, nhà giáo Ngô Đức Diễm ở San Jose, học giả Đỗ Thông Minh xuất bản rất nhiều sách, cựu đại tá không quân Vũ Văn Lộc, Huỳnh Lương Thiện ở San Francisco, v.v. Tôi viết còn thiếu nhiều lắm, vì anh chị em cộng tác với đài rất nhiều, nhớ người nào tôi ghi tên người đó, còn những người không ghi tôi xin lỗi.                   

                                 

Bây giờ Ngô Ngọc Hùng đang nằm bệnh viện vì Covid-19. Số phận của chủ đài và đài gắn liền với nhau. Cũng như thầy Quang Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang (cũng là diễn giả của đài này nhiều năm) vừa ra đi, báo Trúc Lâm thành lập 26 năm cũng đi theo thầy.  Các chị của Hùng là Ngô Thị Hiền, Minh Thu, người nào cũng có khả năng tài chánh và khả năng điều  hành cơ sở thương mại, hy vọng giữ được đài này .

 

Làm chương trình Không Hẹn lâu năm. Thỉnh thoảng tôi đi theo phái đoàn từ thiện đi Á Châu, thăm và giúp người nghèo. Kỹ Sư Nguyễn Mạnh Chí điều hành thế tôi. Khi nghe tin Ngô Ngọc Hùng nằm nhà thương, Chí cũng cầu nguyện cho Hùng. ông bà cụ cố Quân Vũ, cũng cầu nguyện cho Hùng. Nhiều đồng hương cầu nguyện, hy vọng Hùng thoát qua cơn nguy ngập này.

 

Mỗi lần nghe một người thân nằm bệnh viện, tôi chỉ biết cầu nguyện. Tôi càng ngày  tôi càng tin vào sự màu nhiệm của việc cầu nguyện. Sức người có hạn, chỉ có sự cầu nguyện là linh thiêng. Và tôi khám phá ra rằng người nào có niềm tin  tôn giáo thì sống vui vẻ, sống lạc quan, yêu đời, yêu người.

 

Ngô Ngọc Hùng nằm bệnh viện tình hình nguy ngập. Người thân của Hùng, thính giả của đài ở khắp nơi, ở nước Mỹ, Âu Châu, Úc Châu, ở Việt Nam thương Hùng xin cầu nguyện cho Hùng thoát qua sự hiểm nguy này. Khi được tin Hùng được chở vào nhà thương, thở bằng máy, tôi thông tin cho một số các vị lãnh đạo tinh thần như Linh Mục Anthony Đào Quang Chính, Hoà Thượng Minh Mẫn, Hòa Thượng Minh Tuyên, Mục sư David Huỳnh, và một số bằng hữu. Vị nào cũng sẵn sàng cầu nguyện cho Ngô Ngọc Hùng sớm vượt qua tình trạng nguy kịch này.

 

  Trước sự  hiểm  nguy đến tánh mạng chỉ có sự cầu nguyện, cầu nguyện một cách chân thành. 

        Xin Thượng Đế ban phúc lành cho Hùng Ngô .

 

                                              Orange County, 09/01/2020  

                                                    KIỀU MỸ DUYÊN 

                                               (kieumyduyen1@yahoo.com)

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment