GẠO
NẾP KHAU PHẠ, CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN
https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10159122675761122
Mười ngày rồi mình không
viết được một dòng nào, trang nhà đóng bụi rồi. Hôm nay viết nhanh mấy dòng vì
có một chuyện nhỏ thú vị. Viết nhanh rồi chút nữa đi chùa cúng thất thứ tư của
ông bạn cùng nhà.
Chiều hôm qua, chị Chi
Lan đến thắp nhang cho anh ấy. Trong những câu chuyện hàn huyên về “ông anh” của
cả hai chị em (anh Phước vẫn thường dịu dàng gọi chị Chi Lan bằng em) có câu
chuyện về lúa nếp và cốm Khau Phạ. Một món quà chị Chi Lan mang từ Hà Nội vào,
vừa mở tờ giấy báo gói kín những hạt lúa be bé xanh màu cốm là nghe nức thơm
hương lúa, chao ơi là thơm. Chị nói, đây là gạo đồ, không phải cốm, mà hương
thơm thật dịu, thật mộc dễ thương. Khau Phạ, Mù Cang Chải, mình đã nghe những
cái tên mộc mạc này mấy lần.
Gạo nếp và cốm trồng tại
thung lũng Khau Phạ là do đồng bào người H’mông và người Thái, trên những thửa
ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, rải khắp các sườn đồi. Lúa nếp Khẩu Ón Tan
xanh như ngọc, mềm dẻo và thơm nức này được làm thật tinh tế, công phu. Sáng
tinh mơ bà con ra đồng hái những bông lúa còn đẫm sương đêm, đang ở trong thời
kì uốn câu sữa mang về nhà tuốt. Lúa được tuốt xong là phải đem đi “đồ” ngay mới
giữ được màu xanh non và hương thơm đặc trưng. Việc bảo tồn giống lúa và cốm
Khâu Phạ cần có một khâu quan trọng: thương mại hóa hạt nếp và cốm để tiếp tục
sản xuất. Chị Chi Lan kể, Hai đứa con mình (Tuấn Anh, con trai và Thu Giang,
con dâu) mang lò (bếp thế hệ xanh, không khói) lên Khâu Phạ bán và nghe những
câu chuyện bà con đang tìm mọi cách gìn giữ giống lúa nếp này. Mà muốn giữ giống
lúa quí, chỉ có cách là bảo quản, chế biến và tiêu thụ được dòng sản phẩm này
thường xuyên. Sau đó, hai bạn trẻ gặp được một nhóm tình nguyện viên đã lập ra
"Khau Phạ friends" và hai bạn có tham gia một số hoạt động để giúp
dân địa phương bảo tồn giống và phát triển sản phẩm và đưa sản phẩm về bán ở Hà
Nội.
Bảo tồn các giống bản địa
là câu chuyện lớn mà ít được Việt Nam lưu ý, trong khi các nước Asean, Trung Quốc
đang cấp tập truy tìm giống bản địa của Việt Nam và biến dần thành của họ. Như
giống xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, Thanh long Bình Thuận. cá ba sa An Giang...dần
bị đẩy lùi vì các loại giống năng suất cao hơn được thương lái các nước vào đặt
hàng nông dân mình trồng và bao tiêu. Vì sự sống, nông dân đang chặt dần xoài
Hòa Lộc, xoái cát Chu để trồng xoài Tứ Quí của Đài Loan, đã có lần tôi nghe tiếng
than thảng thốt của hai cô bạn Ino Mayu (chuyên gia phát triển công đồng) và
Kim Thanh (chuyên gia về chuỗi thực phẩm và tiêu chuẩn) khi các bạn len lõi sống
và làm việc với các công đồng nông dân đồng bằng.
Những ngày quá buồn,
không tập trung nghĩ ngợi được, tôi cũng gắng viết xong được một bài cho cuốn
sách sắp xuất bản của bạn bè “Tài nguyên bản địa và vấn đề Phát triển bền vững”.
Bài có đoạn thế này: “Cuối tháng 9/2020, tôi gặp cô Ino Mayu, một chuyên gia
phát triển công đồng người Nhật đang thực hiện dự án “Seed to table- từ hạt giống
đến bàn ăn” mà cô chủ trương và Bộ Ngoại Giao Nhật tài trợ và nghe chuyện Mayu
đang hướng dẫn cho học sinh một trường phổ thông trung học của tỉnh Đồng Tháp
đi tìm những loại giống bản địa của các thứ cây thông dụng như: bầu, bí, khoai,
mướp. Cô cho tôi xem hình ảnh cô cùng các học trò người Mường của tỉnh Hòa Bình
đang treo ngược lên trần nhà các nhánh lúa họ sưu tầm và củng bảo quản.
Mayu nói, đáng lo lắm chị,
các nguồn tài nguyên bản địa (tự nhiên) của nông nghiệp Việt Nam như nước, đất
và rừng thì đang cạn kiệt dần do sự lạm khai thác, đồng thời các loại giống bản
địa cũng đang mất dần đi cùng với sự xuất hiện của các loại giống lai. Vì dụ
các giống sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, khoai, lúa bản địa đang bị thất
tán, không loại trừ bị trộm mất , là bị mất một tài sản vô cùng quí giá mà
không thể tìm lại được Vì vậy, rất cần quảng bá các tri thức, kỹ thuật và hệ thống
quản lý để gìn giữ các loại giống bản địa, thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện
với sinh thái và nhân rộng các mô hình quản lý tài nguyên tự nhiên có hiệu quả”.
Giống bản địa là vô cùng
quí, nước nào cũng có chính sách bảo vệ . Mình đang làm gì với những tài nguyên
quí nhất của đất nước này?
PS. Sau khi đăng bài, bạn Thu Giang (có đề cập trong bài) có nói rõ thêm:
vừa qua, đã có 1 nhóm các bạn tình nguyện viên Hà Nội, đứng đầu là bạn Kien
NguyenQuang đã thành lập nhóm Khau Phạ Friends để hỗ trợ đồng bào ở bản Ít Thái
tại thung lũng Khau Phạ bảo tồn văn hóa bản địa, bao gồm giống nếp quý Khẩu Ón
Tan.
Thu Giang và chồng, bạn
Tuấn Anh có tham gia một số hoạt động với nhóm này, chứ không phải là nhóm cựu
học sinh Amsterdam. Đường link của nhóm Khau Phạ friends, một tổ chức phi chính
phủ đây: https://www.facebook.com/KhauPhaFriends/
bạn có thể tìm hiệu về sản
phẩm dịch vụ qua địa chỉ này.
No comments:
Post a Comment