Thursday, September 24, 2020

DÂN CHỦ QUÁ NHIỀU KHI CŨNG KHÔNG TỐT (Lê Mạnh Hùng)

 


Dân chủ quá nhiều khi cũng không tốt

Lê Mạnh Hùng

Sep 23, 2020

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dan-chu-qua-nhieu-khi-cung-khong-tot/

 

Trong lịch sử, thế giới Athens vẫn được coi như là cái nôi của nền dân chủ, nơi đầu tiên trên thế giới mà người dân thường có tiếng nói và có quyền quyết định số phận của mình và đất nước mình. Nhưng ít có ai biết đến rằng Athens cũng là nấm mồ của dân chủ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/A1-Dan-chu-nhieu-khong-tot-1536x1024.jpg

Người biểu tình chặn xa lộ trong một cuộc biểu tình kêu gọi cách chức Chánh Biện Lý Jackie Lacey của Los Angeles County, California, hôm 1 Tháng Bảy, 2020. (Hình minh họa: Valerie Macon/AFP via Getty Images)

 

Nếu dân chủ đưa Athens từ một tiểu quốc nhỏ lên thành một tấm gương cho cả thế giới thì nó cũng làm cho đế quốc Athens sụp đổ và nền dân chủ tàn lụi.

 

Người xưa định nghĩa “dân chủ” – quyền cai trị của người dân – một cách rất là trực tiếp mà có lẽ bây giờ không có ai còn theo: toàn dân tụ họp quyết định mọi việc, từ việc bỏ nhiệm các viên chức cai trị (qua việc rút thăm), cho đến quyết định chiến tranh hay hòa bình. Đó chính là lý do các vị cha già sáng lập ra nước Mỹ hoài nghi chế độ dân chủ (toàn thể Hiến Pháp mới không hề nhắc đến chữ dân chủ) bởi vì lúc đó dân chủ vẫn còn giữ ý nghĩa cổ Hy Lạp của nó. Cái thể chế dân chủ mà họ thành lập với việc bỏ phiếu bầu những người lãnh đạo thì khác với nền dân chủ Hy Lạp như một ngôi nhà hiện đại so với một đền thờ cổ Hy Lạp.

 

Thành ra ta có thể nói rằng dân chủ có nhiều mức độ và nhiều khi dân chủ quá chưa chắc đã tốt. Phương Tây nổi lên và phồn thịnh chi phối nhân loại là nhờ nguyên tắc đó. Và để cho nền dân chủ có thể tồn tại nay đã đến lúc quay trở lại nguyên lý đó.

 

Không có một chiều hướng toàn cầu được người ta nhắc đến và tìm hiểu nhiều hơn là cuộc khủng hỏang dân chủ trong những năm vừa qua. Nó có một trường hợp điển hình tại ngay chính nước Mỹ với Tổng Thống Donald Trump khuyến dụ rằng ông có thể không chấp nhận nhường chức nếu thất bại trong cuộc bầu cử Tháng Mười Một sắp tới.

 

Dựa trên con số khổng lồ những tài liệu được các nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge thu thập, ông Trump không phải là người độc nhất. Những hoài nghi của dân chúng về chế độ dân chủ đang gia tăng trên toàn thế giới. Ngay cả tại Mỹ số người bất mãn với chế độ dân chủ Mỹ cũng tăng vọt lên. Và nó thể hiện qua sự hấp dẫn của các cuốn sách như “The Road to Unfreedom” và “How Democracy Ends.”

 

Thế nhưng không bắt buộc một chế độ chuyên chế sẽ thay thế cho chế độ dân chủ hiện nay. Giữa dân chủ và độc tài còn có nhiều thể chế khác mà có thể bớt dân chủ hơn nhưng cuối cùng cũng không phải là độc tài.

 

Như ta có thể để một khoảng cách xa hơn giữa những người cai trị và những người bị trị mà không làm giảm quyền tối hậu của người dân: quyền quyết định những ai cai trị mình. Có nhiều cách để làm việc này. Một khoảng cách dài hơn giữa hai lần tuyển cử sẽ giúp người ta có một cái tầm nhìn xa hơn và giảm tần số tranh chấp giữa các nhóm cử tri.

 

Một cách khác là trao nhiều quyền hạn cho các chuyên gia sẽ phi chính trị hóa nhiều lãnh vực chính sách tế nhị. Nếu đề nghị này có vẻ “elitism” thì ta cũng đã có những tiền lệ. Việc tạo quyền quyết định chính sách tiền tệ cho các Ngân Hàng Trung Ương đã giúp giảm thiểu tầm mức nghiêm trọng của các chu kỳ kinh tế.

 

Và việc ngăn chặn những hình thức dân chủ trực tiếp (trưng cầu dân ý) nếu mà có trước đó tại Anh thì tình hình xã hội Anh đã bớt phân hóa so với hiện nay. Hoa Kỳ may là không có vấn đề này tại mức liên bang, nhưng việc lạm dụng điều này tại tiểu bang lớn nhất, California đã làm cho tiểu bang này tàn tệ. May là California là một tiểu bang mà hầu như chưa có gì có thể làm phá sản.

 

Trong cuốn “The Wake Up Call,” một cuốn sách mới ra đời về vụ dịch bệnh toàn cầu hiện nay, các tác giả John Micklethwait và Adrian Wooldridge tìm hiểu thể chế các quốc gia thành công nhất trong việc chống dịch bệnh. Và họ kết luận không phải cứ nhà nước chuyên chế là thành công. Các yếu tố chính là khả năng cai trị và niềm tin của dân chúng vào nhà nước.

 

Điều mà các tác giả chỉ nói phớt qua là nhiều quốc gia này hoạt động ở một mức cách xa với dân chúng hơn là những điều người ta nghĩ về dân chủ. Singapore với nền “dân chủ hướng dẫn” là một trường hợp điển hình. Nhưng có những trường hợp tế nhị hơn. Ngoại trừ một thời gian rất ngắn, Nhật Bản chỉ có một đảng cai trị. Đài Loan cũng có một mô hình tương tự trong hầu hết lịch sử độc lập của mình. Ngay cả Đức cũng có một giới hạn trong Hiến Pháp chống lại trưng cầu dân ý và từ 1982 đến nay mới có ba vị thủ tướng.

 

Bất kỳ một cải tổ nào đi về hướng đó chắc chắn là sẽ bị chửi là phản dân chủ. Nhưng thật ra không có một quan hệ tuyến tính nào giữa mức độ nhân quả và sự an lạc của dân chúng (demos). Và cũng không có một chứng cớ nào là sự nổi lên của các phong trào chống đối “anti-politic” của những năm qua là do việc người dân thiếu quyền hạn.

 

Định chế ít được dân chúng tin tưởng nhất tại Mỹ là Quốc Hội, mà Hạ Viện với nhiệm kỳ hai năm biến nó thành một cơ quan vận động tranh cử nhiều hơn là một cơ quan lập pháp. Tối Cao Pháp Viện, một định chế không do ai bầu được người ta tin tưởng hơn là phủ tổng thống; và quân đội, mà đa số dân chúng không có tiếp xúc bao nhiêu là định chế được nhiều sự tin tưởng của dân chúng nhất.

 

Tình trạng này lại còn đúng hơn ở Anh. David Cameron, ông thủ tướng mà cuộc trưng cầu dân ý về Brexit dẫn đến tình trạng rối ren hiện nay, chỉ trong vòng năm năm tổ chức ba cuộc trưng cầu dân ý. Cùng với việc cải tổ Viện Quý Tộc và tản quyền cho các địa phương có thể nói là thời gian mười năm trước Brexit là thời gian dân chủ nhất của nước Anh. Nhưng kết quả những hành động này chỉ dẫn đến môt sự khinh thị của dân đối với nhà nước chứ không hề làm tăng niềm tin của họ vào nhà nước. [qd]

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment