Monday, August 3, 2020

TÊ TÊ, HỔ CỐT và COVID (Jesse Peterson)



Tê tê, hổ cốt và Covid    

Jesse Peterson

Thứ hai, 3/8/2020, 07:39 (GMT+7) 

https://vnexpress.net/te-te-ho-cot-va-covid-4140264.html

 

Chàng trai trẻ nói với tôi rằng anh phải mua cao hổ cốt cho cha mình. Tôi hỏi, bạn có hiểu hành động này rất nguy hại không.

 

"Vì đó là cha tôi, tôi không có lựa chọn nào khác", anh biện minh. Khi mọi người đang bị phân tâm bởi dịch bệnh, một báo cáo về tội phạm động vật hoang dã thế giới năm 2020 của UNODC - Tổ chức chống ma túy và tội phạm có tổ chức Liên Hiệp Quốc được công bố.

 

Bản báo cáo có hơn 130 trang, cái tên Việt Nam được nhắc 120 lần. Trong thông cáo báo chí, UNODC nhắc lại cho công chúng nhớ: Có nhiều bằng chứng gợi ý rằng nCoV xuất phát từ tê tê - cho dù đó có thể không phải nguồn lây trực tiếp sang người. "Covid-19 đã chỉ ra rằng tội phạm với tự nhiên hoang dã không chỉ là mối đe dọa với thiên nhiên, mà còn là với sức khỏe con người", tổ chức này viết.

 

Và ai là những nhà buôn tê tê năng nổ bậc nhất trên thế giới? Đó là người Việt Nam, báo cáo khẳng định.

 

Hơn 29% tê tê bị bắt giữ trên đường vận chuyển toàn cầu từ 2007-2018 có đích đến là Việt Nam. Thực tế, Việt Nam luôn là điểm đến hàng đầu thế giới của ngà voi, tê tê và sừng tê giác, thường chỉ đứng sau Trung Quốc. Có mặt hàng như gỗ giáng hương hoặc ngà voi, Việt Nam là vô địch thế giới. 34% lượng ngà bị thu giữ toàn cầu từ 2015-2019 đang trên đường tới Việt Nam. Tất nhiên, bọn buôn lậu có thể chọn Việt Nam như một điểm trung chuyển đến thị trường lớn nhất thế giới, nhưng hẳn bạn hiểu "nhập khẩu nhiều hơn cả Trung Quốc" ở thời đại này là thống kê khủng khiếp đến thế nào.

 

Nhiều loài động vật quý hiếm đang nhanh chóng biến mất khỏi thế giới này và điều đó có sự đóng góp lớn từ những người Việt Nam và Trung Quốc. Quốc tịch Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm tội phạm buôn bán hổ, tê giác, ngà voi, tê tê... và ngày càng gia tăng ở nhóm hành vi cưa xẻ gỗ rừng, phá hoại tự nhiên trái phép.

 

Tôi thuyết phục chàng trai trẻ rằng bạn có hiểu mình đang tiếp tay hủy hoại tự nhiên không. Sẽ không còn con hổ nào có thể tồn tại cho thế hệ cháu, chắt chúng ta, chỉ 10-20 năm nữa thôi vì niềm tin ăn, uống sản phẩm từ hổ có thể thỏa mãn những cái bụng bia - một niềm tin mê tín.

 

Có ít hơn năm con hổ đang sống trong tự nhiên tại Việt Nam, 186 con sống trong khu bảo tồn. Với khoảng 190 con hổ còn sống ở Việt Nam, bằng cách nào mà những kẻ buôn bán động vật hoang dã vẫn thản nhiên sản xuất cao hổ, rượu ngâm chân hổ để bán? Tôi tự hỏi, làm sao để nhiều người lớn tuổi coi trọng những sản phẩm từ động vật hoang dã dừng lại và nhận ra nhu cầu vô lý của họ; làm sao dừng việc lấp đầy thỏa mãn bản thân trong những chum rượu chứa các loài thú, chim, bò sát bày trong nhà họ như những chiếc cúp may mắn. Tôi tự hỏi có bao nhiêu người trẻ tuổi đã nhìn thấy bộ sưu tập rượu bất hợp pháp của ông, cha họ.

 

Người thanh niên đáp lại tôi, rằng anh phải chiều ý cha vì "gia đình rất quan trọng đối với tôi". Điều này được gọi là sự ngụy biện logic về cảm xúc. Nó có nghĩa là mọi người thường sẽ có hành động không đúng vì cảm xúc đang chi phối họ. Logic này sẽ dẫn đến một hành tinh màu xám.

 

Tôi khá sốc khi đọc đến phần tâm điểm đáng chú ý nhất năm 2019 trong báo cáo. Lực lượng chức năng đã phát hiện và tịch thu nhiều tang vật gồm các con tê tê và vảy tê tê. Đáng kinh ngạc nhất là có 8,8 tấn ngà voi bị bắt khi đang được chuẩn bị vận chuyển đến điểm thu mua ở Việt Nam. Mức độ sản xuất, tiêu thụ ngà voi lớn nhất trên thế giới đến từ Trung Quốc và Việt Nam. Với đủ mọi thể loại, từ gỗ đỏ đến ngà voi, Việt Nam và Trung Quốc là những thủ phạm lớn nhất trong đường dây dù chưa rõ ai đứng đầu. Mức độ tàn phá môi trường hoang dã của Việt Nam cũng ngang bằng Trung Quốc. Điều này nói lên Việt Nam là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

 

Bạn hãy bật Google Earth rồi vào bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới như Montreal, Vancouver hay Ottawa xem tỷ lệ màu xám và màu xanh, sau đó quay lại so sánh với Hà Nội và Sài Gòn. Những thành phố lớn của Việt Nam nhìn giống như đang bị virus bê tông màu xám dần dần gặm hết những mảng xanh cuối cùng. Không đâu xa xôi, chỉ ngay Đà Lạt, thành phố mọi người vẫn nghĩ nó mộng mơ và tươi xanh. Thật ra là nó đã từng như vậy. Nhưng bây giờ, trên Google Earth, nó đang dần dần bị xé nhỏ bởi virus xi măng màu xám, hậu quả từ việc chặt cây xây dựng công trình không được kiểm soát. Giờ thì Đà Lạt cũng giống như Sài Gòn.

 

Vấn đề của Việt Nam là thiếu những giải pháp tận tâm và sáng tạo. Đường Tôn Đức Thắng của Sài Gòn nổi tiếng vì từng có rất nhiều cây xanh lớn. Thay vì tìm giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông ở đó, họ đã chặt hết cây và làm cho con virus màu xám ngày càng phồng lên. Nó dường như không giống bất cứ cách làm nào trên thế giới tiến bộ. Virus xám đang phát triển ngang nhiên. Không có gì lạ khi các bệnh dịch như Covid đã xuất hiện - như một tiếng nói với hy vọng ta nhận ra được cách mình đang đối xử với mẹ thiên nhiên. Nó đơn giản là cách trái đất gửi trả lại những thứ mà con người đã giúi vào tay địa cầu.

 

Có người nói với tôi, thật khó để có thể ngăn chặn hành vi khai thác trái phép, buôn bán bất hợp pháp sản phẩm hoang dã vì nó mang lợi nhuận cao. Nhiều người thừa biết những hành động trên là hoàn toàn sai trái. Mấu chốt ở chỗ, những người giàu có vì mê tín, vì muốn có "rượu thuốc" chữa bách bệnh đã trả tiền để có những sản phẩm này.

 

Canada, Nhật Bản, Đức đã bắt đầu kế hoạch tái tạo môi trường sống từ hàng trăm năm trước theo hướng bảo vệ, giúp đỡ hành tinh sống lành mạnh. Tôi thích sống ở Việt Nam, không phải vì môi trường, mà vì tôi đã kết bạn với nhiều người và tôi quan tâm đến sức khỏe của chính họ. Như với Covid, tôi thực sự hy vọng Việt Nam có thể tìm ra cách để những cái cây và con vật không tiếp tục bị ngã xuống. Khi được coi là quốc gia xanh, ta mới nhận được sự tôn trọng từ thế giới.

 

Jesse Peterson
(Nguyên tác tiếng Việt)

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment