Saturday, August 1, 2020

NHỮNG KINH NGHIỆM VỀ KỲ THỊ CHỦNG TỘC CỦA TÔI TẠI HOA KỲ (Carolee Giaouyen Tran)



Những kinh nghiệm về kỳ thị chủng tộc của tôi tại Hoa Kỳ

Carolee Giaouyen Tran

DCVOnline lược dịch

Posted on August 1, 2020   

http://dcvonline.net/2020/08/01/nhung-kinh-nghiem-ve-ky-thi-chung-toc-cua-toi-tai-hoa-ky/

 

Tôi tin tưởng rằng cuối cùng, chính tính nhân bản, cuộc vận động của chúng ta và những hành động tử tế của con người đối với con người sẽ cho chúng ta liều thuốc mạnh nhất để chữa lành vết thương chủng tộc, chính trị và xã hội, và để làm cho thế giới của chúng ta thành một nơi tốt đẹp hơn.

 

https://caroleetran.files.wordpress.com/2020/04/cropped-giftsadversity_fc.jpg

Nguồn: Bodhichitta PRESS; 1 edition (April 12, 2020)

 

Như đa số người Việt Nam khác đến Hoa Kỳ vào năm 1975, cuộc sống của gia đình tôi ở đây bắt đầu rất khiêm tốn. Lúc đó tôi  mới 8 tuổi. Cuối tháng 10 năm 75, chỉ một tuần sau khi chúng tôi định cư tại thành phố Lafayette, California, ba tôi bắt đầu làm việc tại một công ty sắt vụn xe hơi, với mức lương là 2.50 đôla/giờ. Chủ công ty là một giáo hữu tại cùng nhà thờ với gia đình người Mỹ đã bảo lãnh chúng tôi. Lúc đó, ba tôi 35 tuổi và công việc này là một bước đi xuống thật thấp trong đời ông. Từ một thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông thành một người quét dọn. Ba tôi không hề phàn nàn về sự thay đổi này. Ông hãnh diện đã có khả năng mưu sinh một cách lương thiện, biết ơn đã được cơ hội để chăm sóc gia đình mình.

 

Với lương tâm chức nghiệp cao, trong vài năm, ba tôi được thăng lên chức vụ quản lý cho một sở trong công ty. Trong chức vụ này, ba tôi có một người đồng-quản lý là một người Mỹ da trắng tên Lew, từng là cựu quân nhân ở chiến trường Việt Nam. Họ làm việc bên nhau mỗi ngày và sớm trở thành bạn, coi nhau là “work brothers” (anh em trong công việc).

 

Ba tôi đã nhiều lần trải qua sự kiện hận thù vì chủng tộc ở sở làm. Ông kể cho chúng tôi nghe,  nhiều người khách hàng đàn ông hung hăng gọi ông bằng những từ thóa mạ như “gook” (‘người da vàng’), “chink” (‘thằng Tàu’), hoặc “commy” (‘cộng sản’), và hét vào mặt ông những từ hạ cấp khác. Họ hét kên, “Cút về nước mày đi, thằng Tàu – Mày không phải ở đây!” “Cút ra khỏi nước tao, đồ cộng sản! Về nước của mày đi.”

 

Vài lần, khách hàng nhổ nước miếng vào ông.

 

Tôi cảm thấy muốn bảo vệ cho ba và rất đau lòng khi biết ông phải chịu đựng những sự sỉ nhục và sự thù hằn như vậy. Nhưng ông cố trấn an tôi rằng :

“Không ai có thể xúc phạm được ba với những lời hay hành động dốt nát và hận thù của họ. Cách cư xử của họ nói nhiều về bản chất của họ hơn là về ba. Ba biết mình là ai – một tín hữu Ki-tô tốt, hết lòng lo cho gia đình mình, một người chiến sĩ đã đổ máu và chiến đấu cho đất nước mình cho đến phút cuối cùng. Không có điều gì do bất cứ ai nói hay làm có thể thay đổi được điều này.”

 

Nhiều lần ông Lew đến nhà chúng tôi ăn và kể cho chúng tôi nghe những vụ kỳ thị chủng tộc khác đối với ba tôi mà chính ông chứng kiến. Lew và ba tôi nói đùa với nhau và đôi khi còn cười về sự quái đản của những vụ hận thù vì chủng tộc mà ba tôi là nạn nhân. Tôi biết ơn Lew khi ông bày tỏ sự phẫn nộ của ông đối với những kẻ kỳ thị như vậy, và những khi ông chia sẻ cách khéo léo giải tỏa những cãi lý này để bảo vệ ba tôi. Tôi cảm thấy ấm lòng và cảm động khi nghĩ đến hai người cựu chiến binh can đảm này, đã sống sót qua khỏi những hiểm nguy trên chiến trường, đang cùng nhau tiếp tục đấu tranh ở mặt trận chống thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Tình bạn sâu đậm của họ xây dựng trên nền móng của sự quan tâm, khâm phục, và kính trọng lẫn nhau.

 

Khi ba tôi kể lại những câu chuyện như vậy, ông dùng nó để dạy chị em tôi về sự quan trọng của việc đối xử với mọi người bằng lòng tốt và sự kính trọng, bất kể về màu da, tôn giáo, nghề nghiệp, hay địa vị của họ trong xã hội. Ông nhấn mạnh với chúng tôi về tầm quan trọng của sự siêng năng, cần mẫn, và mưu cầu một cuộc sống lương thiện cho gia đình mình.

 

                                                      ***

 

Khi bắt đầu đi học năm 1975, Kim Uyên, em gái tôi, và tôi là hai đứa trẻ da màu duy nhất trong trường. Điều này khiến chúng tôi nổi bật và trở thành mục tiêu để những đứa trẻ khác soi mói và trêu chọc. Mặc dù việc các bạn học của chúng tôi tò mò về những người mà họ cho là khác lạ là điều tự nhiên, nhưng sự chú ý quá mức khiến chúng tôi cảm thấy bị coi là không quan trọng và không được đón nhận với thiện cảm. Bọn con nít đến rờ và chạm vào người, tóc, mặt mũi, tây chân của Betty (Kim Uyên) và tôi. Những đứa khác thì nhạo báng và chế nhạo cách chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, hoặc khi chúng tôi cố gắng nói tiếng Anh. Dù tôi cũng tò mò đối với những đứa trẻ này, đặc biệt là những đứa trẻ có đôi mắt xanh lam, hoặc xanh lá cây, hoặc tóc đỏ, tóc vàng, nhưng tôi không dám nghĩ đến việc chạm vào người hay mặt chúng

 

Thử thách khó khăn nhất khi tôi lên học lớp ba là Bà D, cô giáo của tôi. Bà là một phụ nữ trung niên cao lớn, mập mạp, không thân thiện, và đầy vẻ nghiêm khắc, lạnh lùng, không vui vẻ, và độc đoán. Bà D hiếm khi mỉm cười và thường la hét. Bà cũng dùng hình phạt đánh đập để kiểm soát và đe dọa học trò. Nếu học sinh nào làm lỗi trong lớp, bà sẽ hét tên họ lên, gọi họ lên đứng trước lớp và bảo họ cúi xuống. Rồi bà dùng một cái mái chèo gỗ dày đánh đòn họ trước cả lớp học. Dĩ nhiên, những hành động trừng phạt như vậy và sự đe dọa của chúng đã khiến tất cả bọn học trò chúng tôi phải ngoan ngoãn. Và vì tôi vẫn đang vật lộn để học và nói tiếng Anh, sự thiếu kiên nhẫn và nghiêm khắc của bà D đã khiến tôi lúc nào cũng sợ hãi.

 

Cơn ác mộng lớn nhất đến trong tuần thứ hai của tôi trong lớp, vào giờ ra chơi. Chỉ do sự bất đồng vì một quả bóng. Một con bé đến gần và giựt quả bóng ra khỏi tay tôi trong khi tôi đang chơi. Vì thế, tôi chạy đến và lấy lại quả bóng. Con bé này lập tức chạy đến mách với cô giáo, và tôi không thể nói kịp để giải thích câu chuyện. Bà giáo D xồng xộc kéo tay tôi đi vào lớp học trống rỗng, bảo tôi cúi xuống, và đét tôi ít nhất năm cái thật mạnh. Đau quá – mông tôi tưởng chừng đang bốc cháy và đầu tôi quay mồng vì chóng mặt. Tôi cảm thấy nhục nhã và tức giận vì bị phạt bất công trong khi không thể tự vệ. Tôi thề sẽ cố gắng học tiếng Anh chăm chỉ hơn để không bao giờ rơi vào hoàn cảnh bất lợi như vậy nữa.

 

                                                             ***

 

Vài tuần sau, tôi lại gặp một bất ngờ lớn trong một lễ nguyện bắt buộc hàng tuần. Tại các buổi lễ này, chúng tôi thường phải ngoan ngoãn, hát, cầu nguyện, đọc kinh và lắng nghe bài giảng của mục sư. Giữa buổi lễ ngày hôm đó, bà giáo D kéo tôi ra khỏi chỗ ngồi và lên sân khấu. Sau đó bà ấy, mục sư và ba giáo viên khác đặt tôi vào giữa một vòng tròn họ hình thành xung quanh tôi. Họ tiến hành đặt tay lên tôi và cầu nguyện một lúc thật lâu mà tôi cảm thấy như không bao giờ chấm dứt. Tôi bắt đầu toát mồ hôi khi cảm giác muốn ngất đi và kinh hãi siết chặt lấy tôi. Tôi không hiểu điều gì đang xảy ra, nhưng tôi nhớ đã nghe thấy cụm từ “Nhận Chúa Giê-xu là Chúa và Đấng cứu thế của bạn.” Sau một lúc không biết bao lâu, tôi được đưa xuống sân khấu và trở về chỗ ngồi trong hàng ghế.

 

Nhưng sự thử thách gay go này đã không ngừng ở đó. Sau buổi lễ, tôi bị bà giáo D đưa đến một căn phòng trống cạnh nhà nguyện. Tôi ngồi im lặng đợi ở đó trong khi bà ấy và một giáo viên khác trò chuyện sôi nổi với nhau, nói thêm những chữ mà tôi không hiểu. Càng lúc tôi càng sợ, tự hỏi tại sao mình lại bị giữ trong phòng này và họ sẽ làm gì tôi sau đó. Khi các học sinh khác đã vào lớp học, hai giáo viên này kéo tôi đi quanh trường, đưa tôi vào từng lớp học. Khi chúng tôi vào mỗi lớp, một trong hai giáo viên vui mừng và với giọng cao vút thông báo. Tôi nghe loáng thoáng được cụm từ “Nhận Chúa Giê-xu là Chúa và Đáng cứu thế” trong những lời họ nói. Sau thông báo của họ là tiếng vỗ tay và cổ vũ của mọi người trong lớp. Trong khi bị kéo đi quanh trường, tôi cảm thấy như có nút thắt trong bụng, một cục u ở cổ họng, và cả người như bị hóa đá vì sợ hãi. Đồng thời, tôi sợ đến nỗi không dám bày tỏ bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào, vì sợ rằng tôi có thể bị bà D. trừng phạt nhiều hơn nữa.

 

                                                           ***

 

Hơn 40 năm sau, tôi và các em tôi đều đã trở thành những chuyên gia thành công nhờ làm việc siêng năng và sự bền chí. Sau khi vượt qua nhiều nghịch cảnh, chướng ngại, và chấn thương, tôi trở thành một chuyên gia tâm lý lâm sàng (clinical psychologist) và là giáo sư dạy tại Đại học California, Davis. Chồng tôi, Ladson Hinton, cũng là giáo sư tại đại học này. Tôi đã hy vọng rằng sự kỳ thị chủng tộc mà gia đình tôi và tôi đã trải qua nhiều năm trước chỉ là quá khứ. Tôi đã lầm.

 

Ngày 9 tháng 11 năm 2016, tôi đã bị choáng váng vì chiến thắng của Tổng thống của Donald Trump. Nó làm tôi tự hỏi liệu nước Mỹ đã đi lạc hướng.

 

Những ngày sau cuộc bầu cử, tôi thấy mình cảm thấy sợ hãi và xúc động mỗi khi nghe tin tức. Tôi rất kinh hoàng và tức giận vì sự khinh miệt của Trump đối với người di cư và người tị nạn, cách ông ta đánh đồng họ với những kẻ khủng bố và tội phạm. Bầu không khí thù nghịch, hăm dọa và không hiếu khách mà ông và chính quyền của ông đang tạo ra để chống lại người di cư cho người ta cảm thấy không phải chỉ vô nhân đạo, bất công và kỳ thị chủng tộc mà còn giống như một cái tát vào mặt những người này. Tôi đặc biệt hoảng hốt và phẫn nộ vì cách đối xử vô nhân đạo của Trump đối với những đứa trẻ di cư, tách biệt chúng khỏi cha mẹ và nhốt chúng vào chuồng. Vô số trẻ em kể cả Felipe Gomez Alonzo và Jakelin Caal Maquin, 8 và 7 tuổi, đã chết dưới sự giám sát của chính phủ Mỹ. Những đứa trẻ này trút hơi thở cuối cùng trên trái đất này mà không có một người nào trong gia đình ở bên cạnh.

 

https://sl.sbs.com.au/public/image/file/87ae0457-2bac-4b4b-8ebc-9ddaa66f8a8b

Jakelin Caal Maquin, 7 tuổi và Felipe Gomez Alonzo, 8 tuổi, đã chết sau khi bị các nhân viên canh phòng biên giới Mỹ-Mexico bắt giữ. Nguồn: AAP

 

Tôi lo cho những đứa trẻ di cư này và tự nhiên cảm thấy như “đồng bệnh tương lân” với chúng. Tôi nhớ lại cuộc chạy trốn của chính mình và nỗi đau buồn và kinh hoàng tôi cảm thấy khi bị tách rời khỏi gia đình, trong khi chúng tôi trốn khỏi Việt Nam năm 1975. Tôi rùng mình khi nghĩ đến những gì các trẻ em này phải trải qua khi chúng bị kéo ra khỏi vòng tay của cha mẹ, và không biết liệu họ có được đoàn tụ hay không. Nghiên cứu đã cho thấy rằng những chấn thương như vậy có tác động ngắn hạn và dài hạn ở não bộ, về phát triển tâm, sinh lý và xã hội của trẻ em. Khi tôi suy nghĩ về hoàn cảnh của những đứa trẻ này, một câu nói của Tiến sĩ Martin Luther King Jr. cứ vang vọng mãi trong tâm trí tôi

“Sau cùng, chúng ta sẽ nhớ, không phải lời nói của kẻ thù, mà là sự im lặng của bạn mình.”

 

Dr. Martin Luther King Jr.

 

Lời nói của Tiến sĩ King gặm nhấm tôi và buộc tôi phải suy nghĩ và tự xét mình. Tôi tự hỏi mình có thể làm gì để giúp những đứa trẻ này. Tôi mệt mỏi, quay vòng giữa những cảm giác tức giận, sợ hãi và tuyệt vọng. Đồng thời, tôi biết tôi không thể là người bạn im lặng mà tôi phải làm một việc gì đó! Là một người tị nạn, tôi cảm thấy có trách nhiệm sâu sắc trong việc lên tiếng khiển trách Trump và chính quyền của ông ta vì những cố gắng ma quỷ hoá, và phi nhân hóa người tị nạn bằng cách gọi họ là những kẻ “xâm lược”, “tội phạm”, hay “những kẻ khủng bố”. Là một chuyên gia tâm lý và một người mẹ, tôi cảm thấy có một nghĩa vụ, bổn phận đạo đức phải lên tiếng chống lại tác hại do chính quyền đang gây ra cho những đứa trẻ vô tội này.

 

Sau cùng, tôi quyết định rằng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ chúng bằng cách nói lên thêm về kinh nghiệm của tôi khi là người tị nạn Việt Nam. Tôi sẽ cố gắng nhân bản hóa chúng ta là ai và minh họa rằng chúng ta, những người tị nạn, là thành viên xây dựng xã hội, là những người có đóng góp quý giá cho đất nước này. Tôi hy vọng rằng bằng cách chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi có thể gầy dựng lòng trắc ẩn và sự thông cảm nhiều hơn cho những người di trú và tị nạn.

 

Vì thế tôi đã chấp nhận lời mời ở nhiều nơi để nói chuyện về kinh nghiệm là một người tị nạn của mình. Tôi đã nói chuyện với nhật báo, tạp chí, trên đài phát thanh, và hàng ngàn sinh viên đại học tại các trường đại học khác nhau. Tôi tin rằng những sinh viên này đại diện cho niềm hy vọng lớn nhất cho tương lai của chúng ta – họ có thể và làm được để thúc đẩy các diễn ngôn và hành động chính trị xã hội của đất nước này nhằm hướng tới sự khoan dung, công bằng và bình đẳng hơn. Trong các lớp học, câu lạc bộ và các tổ chức của họ, tôi đã nói về những gì chính tôi và gia đình tôi đã trải qua khi còn là người tị nạn. Tôi nói rõ ràng và can đảm khi chỉ trích Tổng thống Trump và chính quyền của ông về chính sách nhập cư, cách đối xử vô nhân đạo của họ đối với các gia đình di cư, và cách họ miêu tả người di trú một cách tiêu cực. Tôi cũng nhấn mạnh với các sinh viên này tầm quan trọng của sự tham gia vào các hoạt động công dân và chính trị, và kêu gọi họ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018.

 

Vào tháng 3 năm 2017, tôi đã được lời mời từ đài truyền hình công ở Sacramento, KVIE, để thu hình nói về kinh nghiệm trốn khỏi Việt Nam của tôi. Chương trình này sẽ được phát hình vào mùa thu, cùng lúc với bộ phim tài liệu “Cuộc chiến Việt Nam” của Ken Burns. Câu chuyện của tôi là một phần của bộ video mang tên “Câu chuyện chiến tranh Việt Nam của tôi”. Tôi đã chấp nhận yêu cầu này và xem nó như một cơ hội để chia sẻ với công chúng về kinh nghiệm của tôi và gia đình tôi như những người tị nạn. Tôi hy vọng rằng câu chuyện của chúng tôi sẽ đánh thức ý thức nhân bản chung ở những người khác và thúc đẩy sự thông cảm lớn hơn đối với những người di trú. Đã có cuộc hẹn để thâu hình tại studio.

 

Vào ngày đã định, tôi đến đài KVIE. Phòng quay phim lạnh cóng. Điều này làm tôi thật lo lắng, vì tôi không chịu lạnh được do hậu quả của bệnh bại liệt. Tôi cũng bị chứng run cơ bản, một bệnh rối loạn thần kinh gây ra sự run rẩy không kiểm soát được ở tay và đầu. Khi tôi lạnh, cơn run có thể trở nên nghiêm trọng khiến tôi trông có vẻ như người mắc bệnh Parkinson. Tôi yêu cầu họ tăng nhiệt độ nhưng được bảo rằng phòng thu hình cần được giữ lạnh vì ánh sáng có thể làm cho nó quá nóng. Vì vậy, tôi đã không làm lớn chuyện và chỉ tiếp tục với việc ghi âm. Tôi đã nói hơn một giờ về việc tôi thoát khỏi Việt Nam và quá trình định cư của gia đình tôi.

 

Vào ngày 12 tháng 9 năm 2017, tôi đã nói chuyện tại một buổi thảo luận lớn của KVIE cho cả bộ phim tài liệu của Ken Burns và KVIE về Việt Nam. Hai ngày sau, tôi được Beth Ruyak phỏng vấn cho chương trình Insight, tại đại phát thanh Capital Public Radio. Cuộc thảo luận tập trung vào hai bộ phim tài liệu và kinh nghiệm của tôi như một người tị nạn Việt Nam.

 

Trong cả hai buổi nói chuyện này, tôi nói về tầm quan trọng của việc nhân bản hóa bộ mặt chiến tranh bằng cách thảo luận về sự kinh hoàng, mất mát nhà cửa, gia đình, và đất nước, và sự đau khổ do chiến tranh gây ra. Tôi cảm ơn các cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam đã chiến đấu cho đất nước chúng tôi và xin lỗi họ vì sự đối xử tồi tệ mà họ nhận chịu khi trở về nước Mỹ. Tôi một lần nữa chỉ trích Trump và chính quyền của ông về việc ma quỷ hóa và đối xử tàn tệ với người di cư. Tôi nói với khán giả rằng tôi đến đây để nói lên một hình ảnh khác về những người di cư và người tị nạn là những công dân siêng năng, tuân giữ luật pháp, những người không có sự lựa chọn nào khác nên mới phải trốn khỏi quê hương của mình vì hoàn cảnh chiến tranh và bạo động. Chúng tôi đã trốn thoát để tìm kiếm đất sống yên lành và cơ hội được sống một cuộc sống hữu ích – những điều căn bản mà tất cả mọi con người phấn đấu để đạt được.

 

Tôi cũng kêu gọi khán thính giả suy nghĩ về hoàn cảnh của tám trăm ngàn Dreamers (đây là những thiếu niên di trú không có giấy tờ chính thức đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ, đã sống và đi học ở đây, và trong nhiều trường hợp họ coi mình là người Mỹ) và gia đình của họ, những người đang sống trong sợ hãi và một tương lai bất an, không chừng. Tôi kêu gọi họ gây áp lực với Quốc hội để khôi phục Chương trình Hành động Trì hoãn cho Trẻ em (DACA, Deferred Action for Childhood Arrivals), và thúc đẩy việc cho nhập tịch của những thiếu niên này. Cuối cùng, tôi đã thách thức khán thính giả suy nghĩ họ sẽ làm gì nếu chiến tranh và bạo động bùng nổ ra ở ngay nơi họ đang sống. Họ muốn cộng đồng thế giới đối xử với họ như thế nào?

 

- https://assets.change.org/photos/5/zj/td/bMzjtdYoqhrlyjf-800x450-noPad.jpg?1530202302

- https://assets.change.org/photos/5/zj/td/bMzjtdYoqhrlyjf-800x450-noPad.jpg?1530202302

Bảo vệ và giữ chương trình Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA). Nguồn Change.org

 

Trong suốt tháng 9 và tháng 10 năm 2017, bộ phim tài liệu của tôi đã được đài KVIE phát sóng nhiều lần. Đối với tôi, phần ý nghĩa nhất khi tham gia dự án này là nghe ý kiến của công chúng và tìm hiểu câu chuyện của mình đã ảnh hưởng họ như thế nào. Nhiều người đã gọi, viết và chia sẻ ý kiến cho rằng bộ phim tài liệu đã khiến họ hiểu biết sâu sắc và có đánh giá cao hơn đối với những người di trú, người tị nạn, và cuộc đấu tranh của họ. Ngay sau khi “Câu chuyện chiến tranh Việt Nam của tôi” được phát hình, tôi đã biết, nhờ KVIE, rằng bộ phim này đã được đề cử giải Emmy trong khu vực. Dù không thắng giải, được đề cử vẫn là một vinh dự.

 

VIDEO : KVIE DIGITAL STUDIOS

My Vietnam War Story - Carolee GiaoUyen Tra

Carolee GiaoUyen Tran mới tám tuổi khi Sài Gòn thất thủ. Khi quân đội cộng sản Bắc Việt tiến về Saigon, cha Carolee, một Thiếu tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã có kế hoạch cho gia đình ông trốn thoát và không biết liệu ông sẽ gặp lại họ nữa không. Mời bạn đọc theo dõi hành trình định mệnh của Carolee, khi gia đình bà tìm nơi tị nạn và một cuộc sống mới ở Mỹ. Nguồn: PBS Phát hình ngày 24/07/2017

 

                                                                ***

 

Vào chiều chủ nhật đẹp trời ngày 24 tháng 9 năm 2017, tôi trở về nhà sau một ngày cuối tuần đi chơi thật vui với những những người bạn của tôi từ thời đại học, những người mà tôi coi là chị em tâm đầu ý hợp với mình. Chúng tôi là bạn từ ba mươi lăm năm và đã luôn giúp đỡ, lo lắng cho nhau trong lúc vui cũng như khi hoạn nạn. Bất kể việc gì xảy ra trong cuộc sống, chúng tôi luôn dành ít nhất một cuối tuần để gặp nhau mỗi năm. Trong những chuyến họp mặt này, chúng tôi cập nhật tin tức, hoàn cảnh gia đình, chia sẻ những í quyết làm cha mẹ, trao đổi với nhau những cuốn sách hay nên đọc và cùng nhau thưởng thức những bữa ăn tuyệt vời. Năm nay, chúng tôi đã đi lên núi gần hồ Tahoe, California.

 

Sau khi về nhà và lên tiếng hello nhanh với chồng và con của chúng tôi, Ladson, Carina và Mika, tôi đã đi đến gym tập thể dục. Theo thói quen, tôi tập thể dục năm lần một tuần để tự chăm sóc sức khỏe bản thân. Sau khi tập xong, tôi luôn đến bồn nước nóng ngoài trời, xem như phần thưởng cho mình. Tôi dùng thời gian yên tĩnh này để thiền và để giảm sự nhức mỏi và cơn đau kinh niên của tôi, tàn dư của bệnh polio (sốt tê liệt) lúc nhỏ.

 

Sau năm phút ngâm mình thư giãn, tôi nghe thấy một tiếng nước văng bắn lên. Một người đàn ông da trắng khoảng 50 tuổi bước vào bồn nước nóng. Tôi sẽ gọi ông ta là John. Chúng tôi đã nhìn nhau và cười xã giao. Sau đó, tôi nhắm mắt lại và tiếp tục thiền. Một phút sau, ông ta lên tiếng hỏi

 

“Bà có phải đang thiền không? Bà giống như là đang thiền vậy.”

 

Tôi gật đầu, không nói gì. Sau đó, John tiếp tục nói với tôi rằng ông ta đã nghe một thành viên câu lạc bộ khác bảo rằng tôi đã sống ở Boston một thời gian. Rồi ông ấy bắt đầu nói về “tên khủng bố đánh bom ở Boston” và “tại sao gia đình của tên ấy đáng lẽ không bao giờ nên được đưa vào đất nước này”, và “tất cả những người tị nạn đều là kẻ gian trá và nên bị tống về nước”. John cũng ngang nhiên khoe rằng hắn là một chuyên gia về công nghệ thông tin và có thể tìm được chi tiết hay thông tin về mọi việc và mọi người. Mặc dù tôi đã nhìn thấy John ở câu lạc bộ nhiều lần, tôi chưa bao giờ trao đổi nhiều hơn một vài lời xã giao với hắn ta, và tôi cũng chưa bao giờ nói với hắn bất cứ điều gì về bản thân mình.

 

Tôi mở mắt ra và nói dứt khoát rằng :

“Tôi không nghĩ rằng tất cả những người tị nạn phải bị trả về nước. Đừng nói chuyện với tôi nữa, tôi đang thiền.”

 

Rồi tôi lại nhắm mắt lại.

 

John làm lơ lời yêu cầu của tôi và tiếp tục lên giọng với tôi rằng hắn “ghét tất cả người da đen và người Mexico”, “tất cả bọn chúng đều là tội phạm”, và “chúng là thủ phạm của đa số các tội ác và tại sao nhà tù đầy rẫy bọn chúng.”

 

Tôi không trả lời. Cùng lúc đó, một người đàn ông khác bước vào bồn nước nóng. Tôi cảm thấy bớt căng thẳng và hy vọng rằng John sẽ chuyển sự chú ý của mình sang người mới vào. Nhưng không, John lại lên giọng cao hơn và nói “Hey, Hey, bà có nghe không? Bà có nghe thấy những gì tôi vừa nói không?”

 

Tôi vẫn lặng yên. Rồi John hét lên “Bà có phải là dân tị nạn không? Tôi biết bà là ai mà!”

Sự khinh miệt trong giọng nói của John đã làm tôi lạnh xương sống. Tôi tự hỏi làm thế nào mà ông ta biết rằng tôi là một người tị nạn và tại sao ông ta lại nói đến chuyện này. Tôi mở mắt ra và thấy John đang trừng mắt vào tôi. Tôi nói với ông ấy một lần nữa rằng tôi không muốn nói chuyện.

 

Rồi John bắt đầu hét lên :

“Chắc bà đọc những thứ thối hoắc như tờ New York Times, phải không! Tôi phát điên lên vì bọn ngu dốt mấy người không biết suy nghĩ cho mình!”

 

Tôi đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt ông ta và nói với giọng bình tĩnh nhưng cứng rắn :

“Ông phải ngừng ngay tức khắc, nếu không tôi sẽ báo cảnh sát ông quấy rối!”

 

“Không, mày cần phải tự học, đồ chó. Mày phải biết suy nghĩ, bitch!”

 

Tôi nhìn sang người đàn ông trong bồn tắm và hỏi :

“Ông có nghe thấy ông ấy vừa gọi tôi là gì không?”

 

Người đàn ông kia lắc đầu, không nhìn và không dám nói gì.

 

Câu trả lời thụ động và thờ ơ của người đàn ông kia dường như khuyến khích John tiếp tục leo thang sự tức giận của y. Ông ta hét lên những tiếng thóa mạ, chửi mắng tôi với những từ tục tĩu đê tiện nhất, trong khi tôi liên tục bảo hắn ngừng lại.

 

Sau khoảng năm phút dai dẳng mạ lị bằng những lời cay độc của y, tôi bước ra khỏi bồn nước nóng và đi về phía phòng thay quần áo, trong khi y vẫn tiếp tục hét lên những lời lẽ tục tằn. Khi tôi bước vào phòng thay của phụ nữ, tôi thấy không có ai cả. Lúc này tôi cảnh giác cao độ. Tim tôi đập thình thịch và óc tôi căng thẳng. Tôi tự hỏi liệu John có xông vào phòng của phụ nữ và tiếp tục la ó thịnh nộ của y không. Tôi cố nghĩ sẽ phản ứng thế nào nếu y làm như vậy. Tôi có phải hét lên để được người khác đến cứu hay không? Nếu không ai nghe tôi kêu thì sao? Tôi phải ra khỏi đây ngay!

 

Tôi vội bước vào một phòng tắm, khóa cửa và thay quần áo thật nhanh. Khi tôi bước ra khỏi phòng tắm, một người phụ nữ mà tôi chưa bao giờ gặp bước vào phòng với sự lo ngại và hỏi tôi :

“Bà có OK không? Tôi nghe tên ấy hò hét. Bà thật can đảm đối đầu với hắn. Y quá hung hăng! Lúc nãy, tôi sợ y sẽ dở thói vũ phu với bà.”

 

Tôi biết ơn người phụ nữ ấy đã đến để xem tôi có việc gì không. Tôi có cảm tưởng bà ấy như một thiên thần do Chúa và Mẹ Mary gửi đến để giúp tôi. Tôi cảm ơn lòng tốt và hỏi tên và xin số điện thoại của bà. Tôi nói với bà ấy rằng tôi muốn báo với chủ của câu lạc bộ về hành động hận thù của John và sẽ thật biết ơn nếu bà có thể làm chứng cho việc này. Bà cho tôi biết tên (tôi sẽ gọi bà ấy là Stacey), và nói rằng bà ấy sẽ rất sẵn lòng giúp bằng bất cứ cách nào. Stacey và tôi đến quầy tiếp khách của câu lạc bộ và báo việc này với một nhân viên. Sau đó tôi đi thẳng về nhà.

 

Khi về đến nhà, tôi kể với chồng và các con tôi, Ladson, Carina và Mika, về những gì vừa xảy ra và sau đó đi thẳng vào máy tính của tôi để viết xuống tất cả những chi tiết vẫn còn nhớ.

 

Lúc đó, Carina và Mika mới mười chín và mười bốn tuổi. Ladson (chồng tôi) và tôi thật buồn và thất vọng vì con gái chúng tôi đã phải va chạm với thực tế của nạn kỳ thị chủng tộc – nhắm vào mẹ chúng và ở ngay thành phố của mình. Chúng tôi đến sống ở thành phố này (Davis, California) và nghĩ rằng những chuyện như vậy sẽ không xảy ra với chúng tôi ở đây, một thành phố đại học có tiếng là cấp tiến. Chúng tôi đã sai.

 

Trong các bữa ăn tối, gia đình tôi đã có nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến chủng tộc và công bằng xã hội. Tối hôm đó, chúng tôi bàn về sự không khoan dung đối với người khác ý với mình là một vấn đề lớn trong xã hội, sự kỳ thị chủng tộc ngày càng thấy rõ, và thật không may cho một số sắc dân và tôn giáo nhất định bị kỳ thị nhiều hơn so với những nhóm người khác, và tất cả mọi người trong chúng ta phải có trách nhiệm lên tiếng chống lại những sự bất công này. Các con tôi hỏi :

“Mẹ có định bỏ việc đi tập thể dục trong ít lâu không?”

 

Tôi trả lời :

“Không. Chúng ta không bao giờ để những người như John hăm dọa hoặc thay đổi cách sống của mình.”

 

Tôi nói với các con là ngày hôm sau tôi sẽ báo với cảnh sát và chủ câu lạc bộ về John. Nếu John cố làm bất cứ điều gì, tôi sẽ dùng luật pháp để truy tố y. Ladson tự hỏi liệu John có thể đã xem phim tài liệu của tôi trên đài KVIE và vì thế nhắm mục tiêu vào tôi.

 

Sau bữa tối, tôi xem điện thoại làm việc của mình và thấy đã nhận được bốn tin nhắn từ một điện thoại mà tôi không nhận ra lúc 8 giờ 24 tối. Khi tôi mở và đọc những tin nhắn, tôi nhận ra ngay John là người đã gửi chúng. Chúng gồm các bài báo, biểu đồ và tỷ lệ bị tù ở California phân loại theo chủng tộc. Trong tin nhắn của hắn, John nói rằng hắn gửi  tôi những thông tin này để “giáo dục” tôi và “chứng minh” rằng “đa số các tội ác ở Mỹ đều do người da đen và người châu Mỹ La Tinh (Hispanics) vi phạm.”

 

Nhận được những tin nhắn của John làm tôi cảm thấy như y xâm phạm không gian cá nhân của tôi. Tôi nói với Ladson về những tin nhắn và sau đó quay trở lại phòng của chúng tôi để thiền, một việc tôi làm mỗi tối trước khi đi ngủ. Khi tôi ngồi trên gối thiền, lời của ba tôi như vọng lại :

“Không ai có thể xúc phạm được mình với những lời hay hành động dốt nát và hận thù của họ. Cách cư xử của họ nói nhiều về bản chất của họ hơn là về mình.”

 

Ba tôi đã bảo tôi điều này từ nhiều năm trước, khi tôi rất lo cho sự an toàn của ông trong thời gian ông là nạn nhân của nhiều hành động hận thù chủng tộc. Ông đã ngẩng mặt và không để cho sự ngu dốt và sự độc ác của người khác ảnh hưởng đến mình. Bây giờ, những lời dạy bảo chín chắn của ông đã đem lại cho tôi sự thoải mái và cân bằng khi chính tôi phải đối đầu với sự kỳ thị chủng tộc.

 

Sáng hôm sau, tôi đến phòng tập thể dục và nói về những chuyện đã xảy ra đêm hôm trước với chủ câu lạc bộ thể dục, người mà tôi sẽ gọi là Sheri,. Tôi đọc cho cô ấy bản ghi nhận của tôi về sự việc và đưa cho cô ấy một bản sao. Tôi cũng cho cô ta thông tin liên lạc của Stacey, vì bà ấy là nhân chứng. Sheri bảo tôi rằng cô ấy sẽ xét đến vấn đề và nói chuyện với tôi sau buổi tập.

 

Khi tôi gặp cô ta sau đó, Sheri tỏ ra hối tiếc và quan tâm đến những gì đã xảy ra cho tôi. Sau đó cô ấy gọi cho John khi tôi vẫn còn ở đó để báo cho y biết rằng tư cách thành viên câu lạc bộ của y đã chấm dứt. Lúc đầu John cố gắng chối mọi thứ. Y nói rằng “chúng tôi chỉ nói chuyện thôi,” Khi Sheri nói với y rằng có những nhân chứng đã báo cáo, y hét lên và hăm dọa Sheri. Sau khi Sheri tắt điện thoại với John, cô lập tức làm báo cáo với sở cảnh sát và bảo nhân viên của mình hãy hết sức cảnh giác và chỉ thị cho họ gọi 911 nếu John đến phòng tập thể dục. Cô ấy cũng bảo tôi rằng cảnh sát đã khuyên tôi nên đến sở cảnh sát ngay lập tức để báo cáo về “hate crime” (tội thù hận) này.

 

Tôi rời phòng tập và đi thẳng đến sở cảnh sát. Nhan viên cảnh sát Tim (không phải tên thật của ông ta) đã tiếp tôi, và dẫn tôi vào một căn phòng không có cửa sổ. Tôi đã đọc cho ông ấy nghe những gì tôi đã viết về việc xảy ra tối hôm qua và nói với ông những gì đã xảy ra với Sheri tại phòng tập thể dục sáng hôm đó, và luôn cả việc viên cảnh sát mà cô ấy nói chuyện đã bảo tôi đến sở để báo cáo  về “hate crime” (tội thù hận) này. Tôi nói nhân viên cảnh sát Tim rằng những lời kỳ thị chủng tộc của John và cơn thịnh nộ của y làm tôi thật lo sợ. Tôi muốn biết những gì tôi có thể làm để bảo vệ bản thân mình vì hắn đã gửi cho tôi bốn  tin nhắn.

 

Nhân viên cảnh sát Tim, người khoảng mới hơn ba mươi, có một nét mặt lạnh lùng và nói với tôi với một giọng vô cảm, đơn điệu :

 

“Đây không phải là một tội phạm. Ông ta chưa làm điều gì bất hợp pháp. Ông ta có quyền theo Tu chính án thứ nhất (tự do ngôn luận) và có thể nói bất cứ điều gì ông ta muốn nói. Để nó thực sự trở thành một tội ác, ông ta phải gây ra tổn thương đến cơ thể hoặc đe dọa ngay lập tức đến tính mạng của bà. Ngoài ra, số điện thoại của bà thông tin đã công bố.  Vì thế ông ấy có thể tha hồ gửi tin nhắn cho bà khi ông ấy muốn. Nếu bà không muốn điều đó xảy ra, bà phải tìm cách xóa số điện thoại của mình.”

 

Viên cảnh sát Tim

 

“Như vậy là tôi không có thể làm gì để tự bảo vệ bản thân mình à?”

 

“Không, không có gì cả.”

 

Tôi sững sờ và im lặng nhìn viên cảnh sát.

 

Tôi nói :

“Tôi thật bối rối, không hiểu tại sao một viên cảnh sát khác cũng từ sở cảnh sát này mới bảo tôi đến đây để làm báo cáo ngay lập tức, nếu những gì ông nói là đúng.”

 

Ông Tim thở dài và trả lời :

“Tôi nghĩ, nếu muốn bà có thể điền vào đơn báo cáo vụ thù hận đó.”

 

Tôi đã trả lời ngay lập tức:

 “Vâng. Tôi chắc chắn muốn làm điều đó.”

 

Ông Tim yêu cầu tôi đưa cho ông bản tôi đã viết về sự việc xảy ra tối hôm qua. Rồi Tim bất chợt đứng dậy và đưa tôi ra ngoài :

“Tôi có thể có một phó bản của báo cáo sau khi hoàn tất không?”

 

“Tôi không biết làm thế nào để bà có thể có phó bản hay thủ tục ra sao nữa.”

 

“Tôi có thể nói chuyện với người khác biết thủ tục này không?”

 

Tim trả lời :

“Đi gặp người khác đi, ở phía trước.”

 

Rồi ông nhanh chân bước ra khỏi phòng.

 

                                                               ***

 

 

Rời sở cảnh sát, tôi cảm thấy choáng váng, thất vọng và tức giận. Tôi mất tinh thần với cách viên cảnh sát Tim đối xử với tôi. Nó làm tôi hiểu rõ hơn lý do tại sao một số nạn nhân đã chọn không đi báo cảnh sát về những tội ác họ gặp phải, và cảm thông hơn với sự bị tổn thương thêm lần nữa  vì họ bị cơ quan thi hành pháp luật đối xử một cách tiêu cực.

 

Một người bạn tôi xin phép để hỏi ý kiến của một nghị viên hội đồng thành phố đáng tin, mà cũng là bạn của cô ấy, để dò xem sự việc xảy ra với viên cảnh sát Tim có thích đáng hay không. Nghị viên hội đồng thành phố này đã lập tức gửi email và giới thiệu tôi với ông cảnh sát trưởng. Viên cảnh sát trưởng đã liên lạc và mời tôi nói chuyện trực tiếp với ông về chuyện đã xảy ra. Tôi cảm ơn ông đã sớm hồi âm và thu xếp để gặp ông vào tuần sau.

 

Đến ngày hẹn, khi thư ký của viên cảnh sát trưởng dẫn tôi vào văn phòng của ông, tôi cảm ơn ông đã tiếp tôi. Tôi trình bày chi tiết về “sự kiện hận thù” (“hate incident”) tôi đã gặp và hỏi ý ông xem tôi có thể làm gì được. Ông cảnh sát trưởng là người tử tế và có những góp ý hữu ích. Ông bảo, nếu John gới tin nhắn, tôi nên nhắn lại ngay với y “Đừng nhắn tin cho tôi nữa. Ông đang quấy rầy tôi.” Sau đó tôi nên báo ngay sự việc cho cảnh sát, và họ sẽ giải quyết vấn đề này. Ông cảnh sát trưởng cũng nói rõ sự khác biệt giữa báo cáo “hate crime” (tội thù hận) và nộp bản báo cáo “hate incident” (sự kiện hận thù). Điều xảy ra với tôi là một “hate incident” (sự kiện hận thù) và tôi đã làm đúng khi báo cho cảnh sát và nộp bản báo cáo. Ông cũng cho biết đã có sự gia tăng đáng kể về số tội phạm thù hận và sự kiện hận thù ghét xảy ra trong thành phố này kể từ sau cuộc bầu cử năm 2016.

 

Tôi đặt vấn đề với ông cảnh sát trưởng về những gì đã xảy ra với viên cảnh sát Tim. Tôi nói với ông ấy cách giao tiếp của Tim với tôi cho thấy sự vô cảm, xua đuổi và đổ lỗi. Tôi e rằng các ứng xử như vậy có thể làm chấn thương những nạn nhân đã cố gắng báo cáo tội ác và không khuyến khích những nạn nhân khác lên tiếng tố cáo. Tôi cảm ơn ông cảnh sát trưởng đã giải thích sự khác biệt giữa tội gây thù hận [một tội hình sự như tấn công, dọa nạt, phá hoại người khác vì sắc tộc, tôn giáo, v.v.] và sự kiện hận thù [hành động gây cảm giác bất an cho người khác] và hỏi lý do tại sao ông Tim đã không cho tôi biết rằng tôi có thể nộp đơn báo cáo cho đến phút chót và tại sao ông ta dường như muốn ngăn tôi làm việc đó. Ông cảnh sát trưởng xin lỗi tôi vì chuyện đã xảy ra và trấn an tôi rằng ông sẽ “hướng dẫn Tim để thực hiện những thay đổi cần thiết.”

 

Tôi cũng đề nghị ông nên có thêm những buổi huấn luyện cho nhân viên cảnh sát viên của ông vì những gì đã xảy ra với tôi và một số cuộc chạm trán gần đây giữa cảnh sát và dân chúng trong cộng đồng chúng tôi. Ông cảnh sát trưởng nói rằng nhân viên cảnh sát của ông thường xuyên được huấn luyện về tính nhạy cảm, nhưng có lẽ đã đến lúc họ cần một khóa ôn tập.

 

                                                       ***

 

Sự kiện hận thù xảy ra ở phòng tập thể dục đã làm tôi mở mắt và giật mình. Tôi chưa bao giờ bị ai nói như vậy và tôi cũng chưa bao giờ phải trực tiếp nhận lãnh những lời cay độc như vậy. Sự kiện này khiến tôi băn khoăn không biết có phải những tu từ của Trump về sự phẫn uất của người da trắng và việc ông ma quỷ hóa những người di cư đã khuyên khích những người như John nhắm và công kích dân di cư hay không.

 

John và những người như ông ta chưa bao giờ chịu tìm hiểu sự thật về thống kê tội phạm của nước Mỹ. Về số tội phạm đã gây ra, người da trắng thực sự phạm tội nhiều hơn bất kỳ nhóm dân tộc nào khác ở Hoa Kỳ – nó hợp lý vì họ chiếm đa số. Sự tiêu biểu quá mức tội phạm người da đen và gốc châu Mỹ La tinh trong các nhà tù có thể được quy cho sự kỳ thị chủng tộc vốn có trong các hệ thống hành pháp và tư pháp của chúng ta, có khuynh hướng bắt giữ, kết án và bỏ tù các nhóm người này với tỷ lệ cao hơn và cho họ bản án dài hơn, dù đã phạm cùng những tội ác mà người da trắng đã phạm phải. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu trong hai mươi năm qua cho thấy người da trắng tăng lên 130% trong số tội phạm về ma túy, cùng lúc tội phạm người da đen giảm đi 50%. Đồng thời, đối với các tội phạm tương tự về ma túy, người da trắng thường được những dịch vụ như cai nghiện trong khi người da đen dễ bị đưa vào nhà giam hơn. Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy những người di cư luôn có tỷ số phạm tội ít hơn so với người Mỹ bản xứ.

 

Những thống kê thuyết phục này buộc tất cả chúng ta phải suy nghĩ lại và khiến chúng ta phải trực diện đối đầu với những người bêu diếu người di cư và người da màu là tội phạm. Chúng ta cũng cần phải bênh vực và đòi guồng máy hành pháp đối xử bình đẳng hơn đối với tất cả những người phạm tội theo luật, bất kể chủng tộc. Với tỷ lệ tù đày đáng kinh ngạc ở nước Mỹ của chúng ta so với các nước đang phát triển khác, việc nên làm là đầu tư nhiều tiền hơn vào các chương trình cải huấn những người phạm tội bất bạo động vi phạm lần đầu thay vì đưa họ vào tù. Những người bị tù có thể được hưởng lợi từ nhiều chương trình chú trọng vào việc huấn nghệ cho họ, thay đổi luật lệ, và và việc huấn nghiệp để giúp họ chuẩn bị cho cuộc sống ngoài nhà tù sau khi mãn án. Một thí dụ điển hình là các nhà tù có những chương trình giảm căng thẳng và thiền cho tù nhân đã thấy chúng có hiệu quả và hữu ích.

 

Tất nhiên, những tu từ thù hận của Trump đối với người di cư đã ảnh hưởng đến nhiều nới khác chứ không chỉ đến thành phố nơi tôi sinh sống. Nó trùng hợp với sự gia tăng tội ác hận thù và các nhóm hay tổ chức thù hận trên khắp nước Mỹ. Trung tâm Southern Poverty Law Center báo cáo rằng trong năm 2018, con số nhóm thù hận [đối với người da màu] ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hai mươi năm. Các nhóm này đã giết chết ít nhất bốn mươi người ở Hoa Kỳ và Canada vào năm 2018, tăng gấp đôi con số của năm trước. Thống kê từ FBI năm 2017 cho thấy tội phạm thù hận tăng lên 30% và the Liên đoàn chống phỉ báng [Anti-Defamation League] đã tiết lộ rằng những nhóm “da trắng siêu đẳng” [“white supremacist”] và các nhóm cực hữu khác đã chủ mưu trong phần lớn các vụ giết người vì cực đoan ở Hoa Kỳ trong năm 2017.

 

Việc Trump từ chối không chịu lên án nhóm “da trắng siêu đẳng” vì ngôn từ và tội ác kỳ thị chủng tộc của họ được minh họa bằng sự miễn cưỡng không nhận sự ủng hộ của David Duke (một cựu lãnh đạo cao cấp của nhóm Ku Klux Klan) khi Trump ra tranh cử tổng thống. Phát biểu của Trump cho rằng “Có những người rất tốt ở cả hai bên” sau cuộc biểu tình “Thống nhất cánh hữu” (“Unite the Right”) ở Charlottesville, Virginia, nơi mà người biểu tình phản đối cánh hữu Heather Heyer bị giết, và mô tả của Trump về Haiti và các nước châu Phi như “hố phân” ( “shitholes”), là những thí dụ điển hình về sự mù quáng và ngấm ngầm ủng hộ các nhóm thù hận để họ tiếp tục những hoạt động ác ôn. Trên thực tế, nhiều người “da trắng siêu đẳng” đã tung hô tên Trump tại các cuộc tập hợp và xác định ông là người ủng hộ cho mục đích của họ. Sự điên cuồng chống người di cư được Trump châm dầu vào lửa, với lới lẽ tuyên truyền so sánh các đoàn lữ hành di cư như đoàn quân “xâm chiếm” biên giới Hoa Kỳ, đã thúc đẩy một người “da trắng siêu đẳng” giết chết mười một tín đồ Do Thái giáo tại giáo đường The Tree of Life ở Pittsburg, Pennsylvania.  Một người khác đã giết hai mươi hai người khác ở El Paso năm 2019. Nghi phạm trong vụ nổ súng ở New Zealand, người đã giết năm mươi người Hồi giáo tại hai nhà thờ Hồi giáo vào tháng 3 năm 2019, đã ca ngợi Trump và nhấn mạnh ông là “một biểu tượng của bản sắc da trắng tân tạo và mục đích chung”.

 

 

VIDEO : Umbrella Hammer Man Spotting

             https://www.youtube.com/watch?v=CFvRD7w6DoA&feature=emb_logo

Cảnh sát thành phố Minneapolis cho biết ‘Người đàn ông che dù’ đeo mặt nạ là một người trong nhóm ‘da trắng thượng đẳng’ băng đảng Hells Angels, đập cửa kính nhằm kích động bạo loạn trong cuộc biểu tình ngày May 27, phản đối việc George Floyd bị cảnh sát giết chết. Nguồn: YouTube/Star Tribune (28 Jul, 2020)

 

Hơn nữa, sự dễ dàng và thường xuyên mà ông tổng thống này nói dối, cùng với sự bốc đồng, nhỏ mọn, và thiếu đạo đức của ông, là những điều thật đáng lo ngại. Cách đối xử với phụ nữ của ông ta cũng thật đáng thương – khi ông hạ cấp họ xuống như một đồ vật bằng cách đưa ra những nhận xét thô lỗ về ngoại hình của họ, hay gọi họ bằng những biệt danh thô lỗ, và khoe khoang về việc quấy rối tình dục họ. Những hành động này thật đặc biệt thất kinh khi người ta hiểu rằng là tổng thống, ông ta đương nhiên là một mô hình mẫu mực cho người khác.

 

Việc Trump và chính quyền của ông biến những người Hồi giáo, người Mexico, người di cư và di dân da màu làm cái bung xung là việc làm bất kính, hạ phẩm giá con người, và thật nguy hiểm. Đất nước này có một lịch sử đen tối gạt ra bên lề nhiều nhóm người để có thể từ chối không cho học có những quyền căn bản: phụ nữ, từ chối, không cho họ quyền bầu cử (và nhiều quyền khác); Người Mỹ da đỏ bản địa, để tước đoạt đất đai và văn hóa của họ; Người Mỹ da đen gốc châu Phi, từ chối không cho họ tất cả mọi thứ quyền, cả trước và sau cuộc giải phóng nô lệ (Emancipation); người Mỹ gốc Nhật, những người đã bị giam trong các trại tập trung và bị tịch thu tài sản trong Thế chiến Thứ hai; các cặp vợ chồng sắc tộc khác nhau, những cuộc hôn nhân của họ không hợp pháp cho đến năm 1967; và những người LGBTQ, từ chối không cho họ quyền yêu thương, kết hôn, sinh con và phục vụ trong quân đội và làm việc trong những ngành nghề khác.

 

Như đã được đưa tin rộng rãi, chính quyền Trump đang vi phạm quyền của hàng ngàn trẻ em di cư bằng cách giam giữ chúng bất hợp pháp trong nhiều tháng. Có thể mất đến hai năm trước khi những trẻ em này được đoàn tụ với gia đình. Một số có thể không bao giờ được đoàn tụ. Luật liên bang ([LT4] &[LT5] ) và một thỏa thuận của tòa án năm 1997 tên  là Flores buộc chính phủ phải trả lại những đứa trẻ này phải cho những người bảo lãnh ở Hoa Kỳ trong vòng hai mươi ngày, trong hầu hết những trường hợp. Biết sự ngược đãi tàn bạo hiện nay đối với trẻ di cư và lịch sử đen tối của Mỹ, tất cả chúng ta cần phải làm hết sức để vạch trần và lên tiếng chống lại mọi hình thức bất công, thù hận và mù quáng. Chúng ta không thể để quá khứ xấu xa của nước Mỹ tái diễn ở đây và bây giờ. Chúng ta hãy chú ý đến lời khuyên của Tiến sĩ Martin Luther King Jr. và đừng là người bạn im lặng.

 

Tôi cũng kêu gọi tất cả người Mỹ và cộng đồng thế giới tham gia và hết sức hỗ trợ người tị nạn trên toàn thế giới. Có lẽ chúng ta có thể bắt đầu bằng cách cho họ thấy tình thương hơn là m aquyr hóa họ. Mỗi phút, có hai mươi người tị nạn trên thế giới phải bỏ nơi sinh sống của họ vì chiến tranh, và hơn nửa triệu người bị từ chối, không được nhận vào các quốc gia ẩn áu an toàn. Khi tôi viết những dòng này, hàng ngàn người tị nạn Venezuela đang chạy trốn cuộc khủng hoảng chính trị đang xảy ra ở đất nước họ.

 

Tôi tin tưởng rằng cuối cùng, chính tính nhân bản, cuộc vận động của chúng ta và những hành động tử tế của con người đối với con người sẽ cho chúng ta liều thuốc mạnh nhất để chữa lành vết thương chủng tộc, chính trị và xã hội, và để làm cho thế giới của chúng ta thành một nơi tốt đẹp hơn.

 

https://caroleetran.files.wordpress.com/2018/10/cropped-b5758352-24d7-4583-8509-894c71bb79ad.jpeg

Về tác giả | Tiến sĩ Trần GiaoUyen Carolee là người tị nạn và là phụ nữ Việt Nam đầu tiên lấy bằng tiến sĩ Tâm lý lâm sàng ở Mỹ. Bà tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Boston và hoàn thành thực tập tại Trường Y khoa Harvard. Bà hiện giảng dạy tại Khoa Khoa học Tâm thần và Các cư xử của Trường Y khoa Đại học California tại Davis và có một phòng mạch tư nhân tại Sacramento, California. Phần của bà trong loạt phim tài liệu My Vietnam War Story, do đài PIE KVIE sản xuất và được phát hình cùng với phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam của Ken Burns, đã được đề cử giải Emmy miền Bắc California năm 2018.

 

© 2020 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

 

***

 

Nguồn: Excerpt of “The gifts of adversity: reflections of a psychologist, refugee, and survivor of sexual abuse” By Carolee Giaouyen Tran, PhD.
DCVOnline lược dịch và minh họa.

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment