Saturday, August 1, 2020

LỖI "HỆ THỐNG"! (Mạc Văn Trang)



Lỗi “hệ thống”!

Mạc Văn Trang

01/08/2020

https://baotiengdan.com/2020/08/01/loi-he-thong/

 

Tại hội nghị Kỷ niệm 90 năm ngày ra đời ngành tuyên giáo, sáng 31/7 năm 2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc một bài diễn văn quan trọng trước hàng trăm đại biểu ưu tú nhất của giới khoa học, văn nghệ sĩ của Đảng CS.

 

Trong bài diễn văn đó đã có những sai sót nghiêm trọng mà dư luận đã phê phán, chẳng hạn có ba văn nghệ sĩ nổi tiếng vẫn sống sau chiến tranh, còn nhận giải thưởng Hồ Chí Minh rồi mới mất mà bị coi là đã sĩ hy sinh trong chiến tranh.

 

Đặc biệt nhà văn Nguyên Ngọc với bút danh Nguyễn Trung Thành vẫn đang sống ung dung mà cũng bị coi là đã hy sinh. Lỗi này là sai lầm của một chuỗi có hệ thống.

 

1. Người chọn thư ký để viết một diễn văn quan trọng đã chọn nhầm người;

 

2. Một thư ký dù giỏi đến đâu, khi viết một bài diễn văn quan trọng như vậy cần phải tham khảo ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực chuyên ngành, mới có thể hoàn thiện văn bản. Trường hợp này chắc không cần tham khảo ai?

 

3. Người đứng đầu ngành tuyên giáo nhất thiết phải đọc trước diễn văn này. Như vậy hoặc không đọc tức thiếu trách nhiệm, hoặc đã đọc mà không phát hiện ra thì trình độ Không thể chấp nhận;

 

4. Thủ tướng trước khi đọc bất kỳ bài diễn văn nào cũng phải xem trước một, hai lần. Lần trước thủ tướng đã mắc lỗi đọc mấy chữ viết tắt CLMV gây cười trong cộng đồng, mà không rút kinh nghiệm. Lần này cũng không xem trước cho kỹ, nên mắc sai lầm nghiêm trọng.

 

5. Hàng trăm đại biểu trí thức ưu tú của đảng ngồi nghe chăm chú mà sau đó không ai có ý kiến nhắc nhở thủ tướng về sai sót để kịp thời khắc phục? Nếu nhắc ngay để thủ tướng xin lỗi mọi người và sửa ngay thì đâu đến nỗi toang ra xã hội!

 

6. Các phóng viên báo chí, các tổng biên tập báo cho đăng một bài quan trọng như vậy mà cũng không phát hiện ra những sai sót?

 

Như vậy là cả một hệ thống để cho những sai sót đi qua một cách như không ai kiểm soát.

 

Vì vậy đủ biết có bao nhiêu văn bản dù nói đã thông qua hết cấp này đến cấp khác mà vẫn rất nhiều sơ hở, sai sót là điều dễ hiểu.

 

“Lỗi hệ thống” này là thuộc về thành tựu của ngành tuyên giáo đó!

 

***

1 COMMENT

 

Quang Minh Vu

Có bài viết cẩu thả này, trước hết là do...thủ tướng "được chỉ định", nghĩa là thủ tướng do đảng thích thì đảng đưa lên (mà chắc gì là đảng đưa, chỉ do một nhóm người đưa lên có lẽ đúng hơn), thư ký của thủ tướng là do thủ tướng chọn (chắc là cánh hẩu), không cần biết năng lực đến đâu, nên những thông tin tối thiểu cũng không nắm được. Còn về "tuyên ráo", phải nói rằng năng lực của cu Thưởng khá tệ. Nguyên nhân cũng lại do đảng chọn người thôi (mà do một vài người chọn chứ chẳng phải do cả đảng). Nếu nói là do "lỗi hệ thống" cũng không sai. Nhưng lỗi gì cũng là do con người cả ! Phải nói rằng cái bộ máy chính quyền - vốn đã ngớ ngẩn - ngày càng trở nên...ngu ngơ, xơ cứng đến cùng cực ! Đảng lãnh đạo đấy !

 

 

-------------------------------------------

 

Thủ tướng phải có lời xin lỗi

Lưu Trọng Văn

31/07/2020  lúc 19:29 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2721525968172623&id=100009457401127

 

Nhân 90 năm thành lập ngành Tuyên giáo, Thủ tướng có bài phát biểu chào mừng tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ có đoạn như sau:

 

“Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không ít văn nghệ sĩ ngã xuống chiến trường trong tư thế người chiến sĩ như nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Trần Hiếu Minh, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý …

 

Anh Đức (bút danh của Bùi Đức Ái), Phan Tứ (bút danh của Lê Khâm), Nguyễn Sáng (bút danh của Nguyễn Quang Sáng), Trần Hiếu Minh (bút danh của Nguyễn Văn Bổng) đều không chết trong chiến tranh.

 

Anh Đức và Nguyễn Quang Sáng cùng mất năm 2014, Phan Tứ mất năm 1995, Nguyễn Văn Bổng mất năm 2001 đều cách cột mốc 1975 rất xa.

 

Bốn nhà văn trên đều rất nổi tiếng và đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm Hòn Đất, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Chiếc lược ngà, Mẫn và tôi, Rừng U Minh, Con trâu… viết về chiến tranh ở miền Nam mà bất cứ ai quan tâm tới văn hoá đọc và nền văn học hiện đại thời chống Mỹ và là học sinh phổ thông đều biết.

 

Đó là chưa kể: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng vẫn luôn xuất hiện cùng các tác phẩm và các hoạt động văn học nghệ thuật trên tivi, báo chí, sách vở sau 1975 bất cứ ai thường xuyên xem tivi, đọc báo đều biết.

 

Đó là chưa kể: Hầu như bất cứ ai sinh ra, lớn lên ở đất học truyền thống Quảng Nam không thể không biết và tự hào về nhà văn đồng hương Phan Tứ, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh để biết ông chết già hay hy sinh trong chiến tranh, nhà văn Nguyễn Văn Bổng cũng quê Quảng Nam từng là lãnh đạo Hội Nhà văn VN và tổng biên tập báo Văn nghệ rất nổi tiếng sau 1975.

 

Đặc biệt bất cứ lãnh đạo đảng và chính quyền Quảng Nam nào qua các thời kì cũng từng có mối quan hệ quen biết với nhà văn Nguyên Ngọc tác giả “Đất nước đứng lên”, người thường xuyên có mặt ở những sự kiện truyền thống và văn hoá ở Quảng Nam, để tìm hiểu về Nguyên Ngọc mà biết Nguyễn Trung Thành chính là bút danh của Nguyên Ngọc đang sống sờ sờ ở Hội An với tuổi 89.

 

Để xảy ra lỗi nặng này, nhất là lỗi bảo người còn sống đã chết trước hết do kẻ ngu dốt nào đã viết phát biểu cho thủ tướng dẫn ra 8 nhà văn hy sinh trong chiến tranh mà trật đến 5 người.

 

Sau đó là lỗi của thủ tướng không ý thức được nguyên tắc “không được phát biểu, chỉ đạo những lĩnh vực vì lý do nào đó mình không am hiểu.”

 

Thủ tướng cần cách chức ngay kẻ nào quá ngu dốt viết phát biểu cho thủ tướng vì làm tổn hại uy tín của thủ tướng nhất là thủ tướng đang ở tuyến đầu vất vả chỉ huy chống đại dịch.

 

Đồng thời không thể có cách khác là thủ tướng trực tiếp công khai xin lỗi gia đình nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng

và xin lỗi nhà văn Nguyên Ngọc vì nhầm lẫn… chết người trên.

 

Khi đoàn xe của thủ tướng đi vào phố cổ Hội An gây dư luận, lập tức thủ tướng đã xin lỗi và nhận trách nhiệm về việc này. Dư luận đã cảm thông và chia sẻ.

 

Hy vọng lần này cũng vậy bởi vì việc chung trước mắt thủ tướng đang chỉ đạo đúng đắn quyết liệt chống đại dịch rất vất vả, người Dân sẵn sàng bỏ qua khi thủ tướng dũng cảm cầu thị thấy lỗi, nhận lỗi, xin lỗi.

 

Là chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch QH cũng là con người vì vậy không phải việc gì cũng biết đó là lẽ đương nhiên.

 

Vấn đề sẽ không còn là đương nhiên nếu chính các vị ở vị trí trên không ý thức được điều đó.

 

186 BÌNH LUẬN

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment