Tuesday, August 25, 2020

KHI BỘ THÔNG TIN & TRUYỀN THÔNG CÓ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG (Tuấn Khanh)

 


Khi Bộ Thông tin và truyền thông có lực lượng vũ trang

Tuấn Khanh  

Thứ Ba, 08/25/2020 - 11:44 — tuankhanh

https://www.rfavietnam.com/node/6448

 

Cuối tháng 8 năm 2020, có một bản tin khá lạ xuất hiện trên cổng thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nội dung của bản tin này tiết lộ về một đợt tập luyện bắn súng với đạn thật của lực lượng dân quân tự vệ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

Thoạt nghe thì không có gì đặc biệt. Nhưng nghĩ lại thì có cái gì đó khác hơn bình thường về việc một Lực lượng dân quân tự vệ riêng đang hình thành, với trang phục và quy cách hoàn toàn chuyên nghiệp. Hình ảnh và nội dung của bản tin này khiến nhiều người phải suy nghĩ.

 

Bản thân ngành truyền thông đã là một sức mạnh riêng biệt.  Nay nó còn được bổ sung thêm một lực lượng dân quân tự vệ cụ thể. Nó nhắc đến những câu chuyện lịch sử kinh hoàng về lực lượng hồng vệ binh của  người cộng sản Trung Hoa.

 

Non một thế kỷ, thời gian đủ dài cho người ta có thể nhìn lại và hiểu rằng Hồng vệ binh là gì. Hồng Vệ Binh (Red Guards), theo quan sát của các nhà sử học và xã hội học chuyên về Trung Hoa, đến cuối cùng, cũng chỉ là những đứa trẻ không nhận được một hệ thống giáo dục nhân bản và hoàn thiện. Tuy nhiên, khác với trẻ em “hư” tại những quốc gia khác, Hồng Vệ Binh được nuôi dưỡng, khuyến khích, và hỗ trợ bởi thượng tầng kiến trúc chính trị quốc gia Trung Hoa. Hình thành một cách tự phát từ các thành phần thanh thiếu niên cực đoan hóa bởi lý tưởng Mao, phong trào nhanh chóng trở thành món đặc sản “điên khùng nhất” của Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản tại Trung Quốc.  

 

Lịch sử của Hồng vệ binh là sự điên cuồng tuyên truyền theo sự chỉ đạo của bộ ngành truyền thông Cộng sản. Lực lượng đó, có cả những tổ được vũ trang, sẵn sàng chà đạp tất cả những ai dám nghi ngờ hay bất thuận với những chủ thuyết bất hợp lý đó. Máu và nước mắt  là nền cho tất cả những gì được kể lại liên quan đến hồng vệ binh.

 

Từ 30 tháng 4 năm 1975, ở Việt Nam cũng xuất hiện những thành phần như vậy. Tên gọi của chúng là những kẻ tự đeo băng đỏ, thành phần 30-4. Có thể đó là những đứa trẻ hay thậm chí là những người đã trưởng thành. Nhiệm vụ của họ làm đi khắp nơi để lập lại những khẩu lệnh và tư tưởng từ lực lượng chiến thắng chính quyền miền Nam, và sẵn sàng dập tắt mọi tiếng nói không đồng ý hay khác biệt.  Những kẻ như vậy có thể không có quân phục hay huy hiệu nhưng cũng được vũ trang.

 

Năm 2017, Một lực lượng tương tự như vậy hình thành ở phía Bắc Việt Nam có tên là hội Cờ Đỏ. Lực lượng này tổng hợp được cả hình ảnh của thời kỳ đấu tố năm 1954 cho đến các nhóm 30 tháng 4 trong những ngày chấm dứt chiến tranh. Sức mạnh vũ trang lớn nhất của họ, đó là sự đồng thuận và tản lời của chính quyền trong việc họp có thể hành hung hay sách nhiễu bất kỳ ai theo chỉ đạo.   

 

Nếu chiếu theo bản tin này đưa ra thì Bộ thông tin và Truyền thông là một cơ quan dân sự có một lực lượng tác chiến hùng hậu, có thể được nói là lớn nhất hiện nay về mặt xã hội. Nếu  tính luôn con số 90000 dư luận viên được bất ngờ tiết lộ cách đây vài năm, vẫn đang hoạt động trên các mạng lưới xã hội internet để hỗ trợ tinh thần truyền thông chủ đạo của nhà nước, cho đến việc thành lập khối AK47 tác chiến An ninh mạng trực tiếp tấn công, truy lùng những người khác biệt chính kiến, ép buộc các  nhân viên của khối hành chính nhà nước phải tham gia đóng góp và yểm trợ cho khối AK47… Thì nay, cái tên gọi lực lượng dân quân tự vệ của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy sức mạnh trấn áp từ không gian mạng cho đến đời thường là đáng ngạc nhiên.

 

Khi nhà nước hình thành một lực lượng đối kháng, tức trong tiêu chí phải có đối thủ. Vậy đối thủ của Lực lượng dân quân tự vệ Bộ thông tin truyền thông, bao gồm những lực lượng khác có liên quan kể trên, là ai?   

--------------------

 

Tham khảo thêm ở:

 

https://mic.gov.vn/Pages/TinTuc/144105/Luc-luong-dan-quan-tu-ve-Bo-TT-TT-huan-luyen--kiem-tra-ban-dan-that.html?fbclid=IwAR27M0IN2S-XkAiRWqnn0af5OVWgR6YBncbmtQ-R_Oze3AvyQ3loEucWRIA

 

tuankhanh's blog

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment