Sunday, August 30, 2020

ĐẠI DỊCH SẼ CÒN KÉO DÀI TỚI 2021 và LÂU HƠN NỮA (Phan Ba, theo FOCUS Online)

 


Đại dịch sẽ còn kéo dài cho tới 2021 và lâu hơn nữa

Phan Ba, theo FOCUS Online

Posted on Tháng Tám 27, 2020 by Phan Ba

https://phanba.wordpress.com/2020/08/27/dai-dich-se-con-keo-dai-cho-toi-2021-va-lau-hon-nua/#more-12819

 

Hiện đang có vài kịch bản và tiên đoán cho đại dịch cúm Tàu. Chúng cố gắng dự đoán những điều gì sẽ đến với chúng ta trong những tháng và năm tới đây. Có một điều là chắc chắn: Sars-CoV-2 cũng sẽ đồng hành cùng chúng ta vào năm 2021 và lâu hơn thế nữa.

 

Tháng 6 năm 2021 – cho đến lúc đó thế giới sẽ ở trong tình trạng đại dịch một năm rưỡi. Virus Sars-CoV-2 vẫn còn ở trong người dân của hầu hết các quốc gia, mặc dù dịch bệnh đã chậm lại. Lockdown tạm thời là tình trạng bình thường mới. Vắc-xin được phê duyệt sẽ bảo vệ khỏi bị lây nhiễm trong vòng tối đa sáu tháng.

 

Nhưng các hợp đồng quốc tế mà trong đó những quốc gia giàu có hơn đảm bảo cho mình số liều vắc xin nhiều hơn sẽ khiến cho nó không đến được với tất cả các quốc gia ở cùng một mức độ. Tổng cộng, khoảng 250 triệu người sẽ bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới tính đến ngày ấy và 1,75 triệu người sẽ chết. Số ca bị lây nhiễm Covid-19 được xác nhận hiện đang tăng lên đến 24 triệu, với gần 815.000 trường hợp tử vong (tính đến ngày 24 tháng 8).

 

Với những kịch bản như thế, các nhà dịch tễ học cố gắng thăm dò diễn tiến tiếp theo của đại dịch. Họ cần phải giúp các bác sĩ và nhà chức trách chuẩn bị đối phó với sự lây lan của virus Vũ Hán trong tương lai và hạn chế điều này càng nhiều càng tốt. Trong một bài báo mang tính tổng quan, tạp chí khoa học “Nature” đã đúc kết một số tiên đoán này, do các nhà nghiên cứu từ nhiều tổ chức hàng đầu đưa ra.

 

Covid-19 sẽ ở lại với chúng ta

 

Các mô hình khác nhau về thời điểm và dự đoán. Tuy nhiên, chúng thống nhất ở hai điểm: Covid-19 sẽ ở lại với chúng ta, và tiến triển tiếp theo của đại dịch phần lớn phụ thuộc vào những yếu tố hiện còn chưa được biết đến. Vẫn chưa rõ liệu con người có trở nên miễn dịch vĩnh viễn với mầm bệnh hay không, hay là sự lây lan của nó thay đổi theo mùa trong năm.

 

Tuy nhiên, biến số quan trọng nhất là các quyết định của chính phủ và công dân. Những thay đổi trong lối sống thật sự có thể làm giảm sự lây lan của virus, nếu như đại đa số người dân tuân thủ chúng, Joseph Wu từ Đại học Hồng Kông, xác nhận.

 

Trong khi đó, đại dịch diễn tiến không giống nhau ở mọi nơi trên thế giới. Các quốc gia như Trung Quốc, New Zealand và Rwanda đã có thể làm giảm con số lây nhiễm xuống một mức thấp sau các đợt lockdown kéo dài khác nhau. Sau đó, họ lại nới lỏng các biện pháp và chờ đợi đại dịch bùng lên lại. Ở các quốc gia khác – trước hết là Mỹ và Brazil – các ca lây nhiễm đã tăng nhanh sau khi chính phủ nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp phòng chống hoặc không hề áp dụng chúng trên toàn quốc.

 

Nhóm thứ hai này khiến các chuyên gia lo lắng. Đối với Nam Phi, quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về các trường hợp mắc bệnh Covid-19, các nhà nghiên cứu dự kiến ​​sẽ có khoảng 1 triệu người mắc bệnh vào tháng 8 hoặc tháng 9 và sẽ lên đến 13 triệu vào đầu tháng 11.

 

Tin tốt: Số người bị lây nhiễm không tăng nhiều sau các hạn chế

 

Tuy nhiên, theo bài của báo “Nature”, cũng có một tin tốt. Nó cho thấy rằng người dân đã duy trì các biện pháp vệ sinh như rửa tay và đeo khẩu trang sau khi lockdown, và qua đó đã giúp ngăn chặn dịch bệnh. Các nhà nghiên cứu tại Imperial College London lưu ý rằng ở 53 quốc gia có những hạn chế nghiêm ngặt, sau khi những biện pháp ấy kết thúc, con số lây nhiễm đã không tăng nhiều như dự đoán dựa trên dữ liệu trước đó.

 

Theo tính toán mô hình của các nhà khoa học Brazil, các đỉnh điểm lây nhiễm trong vài năm tới đây có thể được ngăn chặn nếu như 50 đến 65% người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp này.

 

Nói chung, chiến lược tốt nhất để chống lại đại dịch là xét nghiệm cho đủ, cách ly các ca mới và tìm kiếm những tiếp xúc của họ. Các nhà dịch tễ học của London School of Hygiene & Tropical Medicine (LSHTM) mô phỏng nhiều đợt bùng phát với các nguy cơ lây nhiễm khác nhau, dựa trên 5, 20 hoặc 40 ca bệnh mới. Nó cho thấy rằng việc xác định nhanh chóng những người có tiếp xúc là rất quan trọng. Để kiểm soát được một đợt bùng phát, cần phải xác định 80% số này trong vòng vài ngày. Vấn đề là ở những vùng có hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi tuần, hầu như không thể xác định được 80% số người có tiếp xúc.

 

Theo một nghiên cứu của một nhóm tại Viện Công nghệ Massachusetts dựa trên dữ liệu xét nghiệm Covid-19 từ 86 quốc gia, số ca nhiễm virus Vũ Hán trên toàn cầu thực sự có thể nhiều gấp 12 lần và số ca tử vong cao hơn 50% so với báo cáo chính thức.

 

Hiện nay đã có thể thấy rõ rằng mùa hè không làm virus chậm lại một cách thống nhất. Tuy nhiên, thời tiết ấm áp có thể khiến cho việc ngăn chặn Sars-CoV-2 ở những vùng ôn đới trở nên dễ dàng hơn. Các chuyên gia dự kiến ​​lây nhiễm sẽ gia tăng ở các vùng đất có nhiệt độ  lạnh hơn vào nửa cuối năm 2020. Điều này có thể được suy ra từ sự biến động theo mùa của nhiều loại virus cảm lạnh, chẳng hạn như cúm và các virus corona khác.

“Tôi dự đoán tỷ lệ nhiễm Sars-CoV-2 và có thể cả diễn biến của bệnh sẽ tồi tệ hơn vào mùa đông”, nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki từ Yale School of Medicine ở New Haven (Connecticut, Mỹ) khẳng định. “Có những dấu hiệu cho thấy không khí khô của mùa đông thúc đẩy sự ổn định và lây truyền những virus đường hô hấp.”

 

Thêm vào đó, khi thời tiết lạnh hơn, mọi người có xu hướng ở trong những không gian đóng kín, nơi có nguy cơ bị lây nhiễm từ những giọt nước nhỏ. Các mô phỏng từ nhóm nghiên cứu của nhà sinh vật học Richard Neher ở Đại học Basel cho thấy những biến động theo mùa có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của virus, điều này sẽ gây khó khăn cho việc ngăn chặn đại dịch ở Bắc Bán Cầu vào mùa đông tới đây.

 

Neher cho biết, mặc dù nguy cơ tái nhiễm đối với những người lớn đã nhiễm Covid-19, cũng giống như với bệnh cúm, có thể giảm xuống. Nhưng điều đó phụ thuộc vào khả năng miễn dịch đối với virus suy giảm nhanh như thế nào. Ngoài ra, sự kết hợp giữa Covid-19, virus gây cúm và các virus đường hô hấp khác vào mùa thu và mùa đông sẽ gây ra những nguy cơ mới, theo nhà nghiên cứu người Mexico Velasco-Hernández. Ông đã tạo một mô hình về việc những virus đó tương tác với nhau ra sao.

 

Nghiên cứu cho thấy vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước

 

Liệu bị lây nhiễm các virus corona khác có bảo vệ chống lại Sars-CoV-2 được hay không, đây là điều còn chưa rõ. Trong một thí nghiệm nuôi cấy tế bào, các kháng thể chống lại một loại virus cũng có tác động đến loại virus kia, nhưng thường không thể vô hiệu hóa nó được.

 

Để chấm dứt đại dịch, mầm bệnh phải được tiêu diệt trên toàn thế giới – điều mà hầu hết các chuyên gia tin rằng gần như không thể trước sự phân bố rộng rãi của nó – hoặc là tất cả mọi người có khả năng miễn dịch đầy đủ thông qua lây nhiễm hay vắc-xin. Để đạt được điều này, tùy thuộc vào quốc gia, phải có khoảng 55 đến 80% dân số đã được miễn dịch.

 

Các xét nghiệm cho thấy cho đến nay chỉ có một tỷ lệ nhỏ nhân loại bị nhiễm bệnh. Các nhà dịch tễ học đã tính toán tỷ lệ lây nhiễm từ 3 đến 4% cho 11 quốc gia châu Âu cho tới ngày 4 tháng 5. Tại Hoa Kỳ, một phân tích hàng nghìn mẫu huyết thanh cho thấy kháng thể chỉ có trong 1% đến 6,9% dân số vào tháng 5, tùy thuộc vào địa điểm.

 

Đại dịch năm 2021 tiến triển như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào thời điểm có vắc xin và hệ thống miễn dịch có thể duy trì sự bảo vệ trong bao lâu. Nhiều loại vắc-xin mang lại một sự bảo vệ trong nhiều thập kỷ, chẳng hạn như vắc-xin ngừa bệnh sởi và bại liệt, trong khi hiệu lực của những vắc-xin khác, bao gồm cả những loại vắc-xin chống lại bệnh ho gà và cúm, giảm dần theo thời gian. Tương tự như vậy, một số bệnh vì lây nhiễm virus có thể tạo một khả năng miễn dịch lâu dài, trong khi những bệnh khác chỉ mang lại phản ứng tạm thời.

 

Câu hỏi quan trọng về khả năng miễn dịch

 

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu biết rất ít về việc khả năng miễn dịch đối với Sars-CoV-2 có thể kéo dài bao lâu. Một nghiên cứu trên những bệnh nhân đã hồi phục cho thấy rằng các kháng thể trung hòa tồn tại trong cơ thể có đến 40 ngày sau khi bắt đầu bị lây nhiễm. Theo các nghiên cứu khác, mức độ kháng thể giảm xuống sau vài tuần hay vài tháng. Nếu Covid-19 tuân theo một mô hình tương tự như của bệnh phổi SARS, các kháng thể có thể duy trì ở mức cao trong khoảng 5 tháng và sau đó mức độ của chúng sẽ giảm xuống trong 2-3 năm tiếp theo.

 

Ngoài các kháng thể, một số tế bào miễn dịch cũng bảo vệ cơ thể trước lần lây nhiễm thứ hai. Tuy nhiên, người ta biết rất ít về vai trò của chúng trong lây nhiễm Sars CoV-2. Chỉ khi quan sát một số lớn người trong một thời gian dài thì mới có thể biết rõ. Nếu thiếu vắc-xin, hoặc nếu những người bị bệnh không còn miễn dịch vĩnh viễn sau khi bị nhiễm, thì sẽ có nguy cơ virus lưu hành thường xuyên, lan rộng trong người dân. Đây là trường hợp, ví dụ, với bệnh sốt rét, giết chết hơn 400.000 người mỗi năm.

 

Nếu như chỉ miễn dịch tạm thời, con người có thể bị nhiễm lại nhiều lần, dẫn đến những đợt bùng phát hàng năm. Dựa trên một nghiên cứu đã phân tích xu hướng trong 8 trận đại dịch cúm, Covid-19 có thể tồn tại đáng kể trong ít nhất 18 đến 24 tháng tiếp theo, với một loạt các đỉnh điểm giảm dần hoặc giống như một ngọn lửa âm ỉ với sự lan truyền liên tục nhưng không có dạng sóng rõ ràng.

 

Mặt khác, khả năng miễn nhiễm với Sars-CoV-2 thực sự có thể là vĩnh viễn. Sau đó, bệnh sẽ thuyên giảm ngay cả khi không có vắc xin và mầm bệnh sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu chỉ có khả năng miễn dịch trung bình kéo dài khoảng hai năm, ban đầu vi rút có thể biến mất trước khi xuất hiện trở lại vào khoảng năm 2024.

 

Phan Ba, theo FOCUS Online

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment