Friday, July 24, 2020

VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ KHI KHUYẾN KHÍCH TRUNG QUỐC ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ CAO? (RFA)




RFA
2020-07-23

.
Ảnh minh họa. Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. 
Courtesy: shtp.hochiminhcity.gov.vn

Khuyến khích Trung Quốc đầu tư công nghệ cao

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Hội nghị trực tuyến Phiên họp lần thứ 12 Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Việt Nam-Trung Quốc, diễn ra vào sáng hôm 21/7, là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Đài RFA ghi nhận Việt Nam từng đặt ra mục tiêu sẽ ưu tiên đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào công nghệ cao, thân thiện môi trường trong kế hoạch đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Và, Việt Nam cũng được giới chuyên gia đánh giá là cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á thu hút các tập đoàn sản xuất thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Vào tối ngày 22/7, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định với RFA liên quan thông tin Việt Nam kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao và thân thiện với môi trường:
“Trung Quốc là một đại cường quốc ở kế bên Việt Nam, và có những tiềm năng về tài chính và công nghệ cao. Việt Nam thì mở cửa làm ăn với tất cả các quốc gia thân thiện. Nếu Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam một cách sòng phẳng thì tốt thôi. Mình hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc thì cũng không có gì khác biệt với các doanh nghiệp lớn khác. Việc phòng ngừa những gì bất trắc hay không tốt thì đấy là trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam.”

Thách thức và rủi ro

Những ích lợi từ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường chưa được các cơ quan bộ, ngành của Chính phủ ghi nhận, nghiên cứu và phổ biến thông tin đến công chúng. Tuy nhiên, những tồn tại thực tế từ các dự án lớn và quan trọng ở trong nước mà doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện làm dấy lên quan ngại rằng có thể có rất nhiều rủi ro một khi Chính phủ Việt Nam khuyến khích Trung Quốc đầu tư thêm nữa về công nghệ cao.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, xác nhận với RFA về thực trạng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam:
“Đúng là trước đây cũng có rất nhiều doanh nghiệp tự ý, chứ không phải là chủ trương của Nhà nước, tiếp nhận của Trung Quốc những nhà máy có công nghệ quá cũ, quá ô nhiễm bị đào thải rồi mang sang Việt Nam. Trong đó, có những trường hợp như xi-măng lò đứng đã thấy khá rõ rồi hoặc kể cả một số nhà máy nhiệt điện thì cũng có ý kiến cho rằng công nghệ quá cũ.”

Mặc dù vậy, Giáo sư Đặng Hùng Võ đồng thời cũng ghi nhận:
“Đến bây giờ chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Trung Quốc cũng là một nước mạnh về công nghệ. Thí dụ như là công nghệ thứ 4, trí tuệ nhân tạo và kết nối internet, kết nối vạn vật chẳng hạn. Trung Quốc cũng đạt được những thành tựu đáng kể và theo tôi trong nhiều mặt cũng ngang ngửa với công nghệ của Mỹ. Thế thì chủ trương của Chính phủ Việt Nam, một việc là khuyến khích Trung Quốc đầu tư vào công nghệ hiện đại, ở đây tôi cho rằng ý là công nghệ thế hệ thứ 4 và đấy là chủ trương chung. Thế còn thực hiện nó như thế nào thì chính tôi cũng có cảm giác là nhiều khi đến khi thực hiện thì doanh nghiệp với doanh nghiệp; liệu rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ thông minh, có đủ trí tuệ, có đủ cách thức để có thể yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc phải làm đúng như quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Tôi nói thật là bản thân tôi cũng nghi ngờ về chuyện ấy.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ, đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành rằng để phòng ngừa những bất trắc và rủi ro trong các dự án đầu tư FDI là thuộc về trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.

“Tôi cho rằng khuyến khích đầu tư vào công nghệ hiện đại thì nó phải gắn với quá trình kiểm soát đầu tư. Việc dự án đầu tư chấp nhận hay không chấp nhận thì hoàn toàn phía Việt Nam quyết định.”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng theo ghi nhận của ông thì hiện tại pháp luật Việt Nam chưa tập trung chú trọng vào chính sách khuyến khích áp dụng sử dụng công nghệ mới. Do đó, cần phải thay đổi rất nhiều để có thể tương thích với những công nghệ và kỹ thuật mới khi doanh nghiệp FDI, mà đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ còn nhấn mạnh về vai trò của người dân thực hiện quyền giám sát trong lĩnh vực đầu tư FDI:
“Tôi vẫn động viên ở Việt Nam là nên đưa người dân vào thực hiện quyền giám sát để kiểm soát quyền lực. Trong đó, có các trí thức, có các chuyên gia, có những người có kiến thức nếu được giám sát thì tôi tin rằng họ có thể có những ý kiến để yêu cầu phía Việt Nam phải bắt đối tác của mình thực hiện đúng cam kết với những điều đã ghi nhận trong dự án đầu tư đó. Nếu nói rằng có rủi ro hay không thì tôi cho rằng chắc chắn cũng có rủi ro. Nhưng mà bản thân thị trường thì chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Và người lãnh đạo thông minh thì sẽ làm cho rủi ro đó bằng không. Nếu không thông minh và thậm chí có thể xảy ra nhóm lợi ích riêng, chẳng hạn thì cũng có thể đấy là một điều mà phải cương quyết chống để sao cho các dự án đầu tư của Trung Quốc phải đúng như cam kết và đúng với pháp luật Việt Nam.”

Tiến sĩ Ngô Trí Long, trong một lần trao đổi với RFA về Việt Nam thu hút đầu tư FDI, đã từng khẳng định theo ghi nhận của ông thì:
“Cuộc chống tham nhũng của Việt Nam đã bước đầu đi vào thực chất hơn. Phải nói thẳng như vậy! Và với cuộc chống tham nhũng đi vào thực chất thì chắc chắn tất cả những rào cản, những tệ nạn đó sẽ được đẩy lùi và cũng sẽ là một điều kiện để tạo thu hút thêm cho môi trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.”

Thế nhưng, vẫn có ý kiến của giới chuyên gia rằng Việt Nam còn rất lúng túng trong lĩnh vực đầu tư công nghệ cao. Theo như Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, cho biết ông quan sát thấy Việt Nam chưa bao giờ nghĩ đến hoặc là rất ít khi nghĩ về những công nghệ gì mà Việt Nam có lợi thế tập trung vào để phát triển.

“Chẳng hạn, tôi có coi 3 đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) thì tôi thấy về chuyên môn chẳng có gì cả. Những bản báo cáo, những bản nghiên cứu hoàn toàn không có gì đáng nói đến. Thế mà họ nói công nghệ cao…Cuối cùng thì chia các khu đất cho công ty này, công ty kia và cơ bản thì cũng là được đầu tư ưu đãi đất đai và miễn thuế. Và cơ bản thì chỉ là xây nhà bán và khu đánh bạc. Thế thôi.”

Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng cảnh báo rằng nếu như Việt Nam cố gắng lôi kéo các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và trong đó bao gồm cả nhà đầu tư Trung Quốc, mà những tập đoàn đó chỉ hưởng lợi nhiều và chia chác cho quan chức Việt Nam thì Việt Nam sớm muộn gì cũng trở thành bãi rác công nghệ của thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào công nghệ cao và thân thiện với môi trường trong bối cảnh các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng “thâu tóm” doanh nghiệp Việt giữa dịch COVID-19.

Truyền thông trong nước, vào cuối tháng 4, dẫn nguồn từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy riêng trong tháng 4 năm 2020 có hơn 100 lượt nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, dưới hình thức mua bán & sáp nhập, gọi tắt là M&A. Và, tổng số giao dịch từ đầu năm 2020 đến thời điểm cuối tháng 4 của các doanh nghiệp Trung Quốc theo hình thức M&A lên đến tổng vốn hơn 230 triệu USD. Số liệu này tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2019, với số tiền tăng thêm khoảng 65 triệu USD.

-------------------------

RFA
2020-07-24

Truyền thông trong nước hôm 24/7 cho biết an ninh sân bay ở Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào tối ngày 24/7 đã phát hiện 2 hành khách Trung Quốc mang giấy tờ giả có tên Việt Nam định lên máy bay đi TP Hồ Chí Minh. Cả hai người trước đó đã nhập cảnh lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở tỉnh Hà Giang.

Hiện cả hai hành khách này đều đã được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Công an Hà Nội phòng lây lan COVID-19.

Theo Tuổi Trẻ, gần đây cơ quan chức năng Việt Nam liên tục phát hiện các trường hợp nhập cảnh qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam, có đoàn lên đến hàng chục người, gây ra nguy cơ lây lan COVID-19 rất lớn.

Gần đây nhất là trường hợp công an tỉnh Quảng Nam phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đang lưu trú tại tỉnh này.

TP Đà Nẵng mới đây cũng phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và lưu trú tại thành phố này.

Việt Nam trong nhiều tuần qua không phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng tuy nhiên vẫn phát hiện thêm những ca nhiễm COVID-19 là người từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Y tế tính đến tối ngày 24/7, Việt Nam có tổng cộng 413 ca nhiễm COVID-19 từ đầu năm đến nay. Trong số này, 273 ca là người nhập cảnh được quản lý ngay.

Trường hợp mới nhất được ghi nhận là một thủy thủ người Myanmar làm việc trên tàu IPANEMA. Tàu này xuất cảnh Nhật Bản hôm 16/6 và nhập cảnh Cảng Hòn Gai của Việt Nam hồi ngày 23  tháng 6 vừa qua.

Người thủy thủ phải cách ly trên tàu, đến này 6/7 được đưa đi cách ly tại Khách sạn Vân Long, tỉnh Quảng Ninh.

Đến ngày 9/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả lúc đó âm tính với SARS-CoV-2. Vào ngày 23 tháng 7, mẫu xét nghiệm của bệnh nhân dương tính với chủng virus này.

Bệnh nhân được chuyển đến cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương Cơ sở 2.







No comments:

Post a Comment