Saturday, July 25, 2020

TRUNG HOA ĐỐI ĐẦU VỚI THẾ GIỚI (Der Spiegel International)




Posted on July 25, 2020   
Georg Fahrion, Christiane Hoffmann, Laura Höflinger, Peter Müller, Jörg Schindler & Bernhard Zand   -  Der Spiegel International 
DCVOnline biên tập

Một Bắc Kinh táo bạo muốn củng cố quyền lực

Bắc Kinh không ngừng bành trướng quyền lực trên khắp thế giới. Nhưng sự kháng cự đang gia tăng ở khắp nơi — và Đức sẽ sớm đóng một vai trò quan trọng.

Binh lính Trung Hoa đóng quân tại Hong Kong: Sự kết thúc của tự do ngôn luận. Ảnh: Tyrone Siu/ Reuters

Thung lũng Galwan ở rặng Hy Mã Lạp Sơn nằm ở độ cao 4.000 mét (13.123 feet). Đó là một khu vực hẻo lánh với những con dốc phủ tuyết quanh năm. Tuần trước, thung lũng này đã bước vào sân khấu chính trị toàn cầu. Trung Hoa và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất quả địa cầu đã có cuộc xung đột vũ trang trên biên giới của họ — đang tranh chấp — dọc dãy núi Himalaya. Vị trí chính xác của biên giới giữa hai nước từ lâu đã không được giải quyết. Thật vậy, hai nước đã có chiến tranh biên giới năm 1962.

Khi hai quốc gia vũ trang hạt nhân đụng độ, ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng vào đêm ngày 15 tháng 6. Cũng có tin về binh sĩ phía Trung Hoa bị tử thương.

Lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ, sự thù nghịch giữa hai nước láng giềng đã phải trả giá bằng mạng sống của con người. Không bên nào nói là đã nổ súng. Lính canh biên giới trong khu vực thường không mang theo súng. Cả hai chính phủ rõ ràng nhận thức được rằng họ có thể dễ dàng gây ra một cuộc chiến tranh thế giới. Những người lính hai bên có thể đã đánh nhau đến chết bằng đá và gậy. Một số người được biết là đã rơi xuống khe núi trong trận chiến.

Vụ việc cho thấy tình hình ở châu Á có thể leo thang rất nhanh và khiến một cuộc chiến tranh lạnh có thể biến thành nóng bỏng ở bất kỳ thời điểm nào, bất chấp mức độ thận trọng cao vốn có.

Có tuyên bố chủ quyền và lợi ích tròng chéo trong Thung lũng Galwan.

Một mặt, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đang bành trướng quyền lực trong khu vực. Vào cuối tháng 4, trong khi Ấn Độ đang bận tâm với cuộc khủng hoảng coronavirus ngày càng tồi tệ, quân đội Trung Hoa được cho là đã đưa quân vào khu vực biên giới và xâm lấn lãnh thổ Ấn Độ ở một số nơi. Ít nhất đó là những gì chính phủ ở New Delhi cho biết.
Mặt khác, có những quốc gia như Ấn Độ không muốn khoan nhượng đối với chủ nghĩa bành trướng của Trung Hoa.

Không chỉ có mối quan hệ Trung Hoa-Ấn Độ căng thẳng. Tình thần bài Hoa đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Xung đột đôi khi diễn ra một cách công khai, như trong trường hợp của Ấn Độ, và tình cờ xảy ra  tại những nơi khác. Chiến lược-địa lý gia Ấn Độ Brahma Chellaney nói : “Những gì chúng ta đang thấy hiện nay chỉ là khởi đầu của một phản ứng dữ dội trên toàn cầu.”

.
Tách khỏi Trung Hoa

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh đang dẫn đến một “sự thay đổi căn bản” trên cán cân quyền lực toàn cầu, và trong tương lai, liên minh quân sự phương Tây nên hợp tác chặt chẽ hơn với “các nước cùng chí hướng”, như Úc , Nhật Bản, New Zealand và Nam Hàn. NATO phải “bảo vệ một thế giới được xây dựng trên nền tảng tự do và dân chủ, không để bị bắt nạt và ép buộc. Stoltenberg không cần phải đề cập đến Trung Hoa bằng tên. Mọi người đều biết ý ông đang nói đến quốc gia nào.

Ở ngay trung tâm của cuộc đấu tranh giành quyền lực toàn cầu là Hoa Kỳ và Trung Hoa, một siêu cường cũ và một thế lực mới. Sự cạnh tranh của họ thậm chí đã lấn cả vào việc tìm kiếm vaccine trị coronavirus.

Kể từ khi Richard Nixon trở thành tổng thống vào những năm 1970, Washington đã theo đuổi chính sách hợp tác với Bắc Kinh. Mục đích của Hoa Kỳ là hội nhập đế chế bị cô lập và nghèo nàn trước đây vào hệ thống quốc tế, với hy vọng Trung Hoa sẽ đồng chỉnh với phương Tây. Về mặt kinh tế, công thức này được gọi là “thay đổi bằng thương mại”. Mọi chính quyền Hoa Kỳ kế tiếp đều ít nhiều tuân giữ cách giao tiếp này — cho đến khi Donald Trump xuất hiện.

Tổng thống Hoa Kỳ Trump đã chọn chính sách tách rời thay vì quan hệ với Trung Hoa. Ảnh: Jonathan Ernst/Reuters

Năm 2018, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã có bài phát biểu tại Học viện Hudson ở Washington đánh dấu sự tách ra khỏi dòng chính trị truyền thống. Ông cáo buộc Trung Hoa bành trướng, vô đạo đức và nghênh ngang phô trương quyền lực. Ông nói :“Chúng tôi sẽ không để bị đe dọa và chúng tôi sẽ không lui bước.”

Ngày nay, Washington không còn nói về việc tái lập quan hệ, mà là “tách rời” khỏi Trung Hoa.

Thay đổi chính sách của Mỹ đối với Hoa lục đến sau một sự thay đổi nhận thức về phía Trung Hoa. Trong một thời gian dài, Trung Hoa đã tuân theo chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình, chính khách chủ trương đổi mới, “Taoguang yanghui” (thao quang dưỡng hối, “Náu mình chờ thời”)

Nhưng ngay từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, một khái niệm đã lan rộng ở Trung Hoa cho rằng hệ thống của chính họ không chỉ ngang với phương Tây, mà thậm chí có thể còn vượt trội.

Thái độ khiêu khích

Tại một hội nghị của Đảng Cộng sản năm 2017, Chủ tịch và lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình đã nói rõ rằng ông nghĩ rằng thời khắc của Trung Hoa đã đến. Ông tuyên bố một “kỷ nguyên mới” trong đó Cộng hòa Nhân dân sẽ di chuyển “đến trung tâm của sân khấu thế giới.”

Nhà Trung Hoa học người Mỹ Orville Schell gần đây đã viết trong một bài tiểu luận rằng chính sách “Mỹ trước tiên” của Trump và “Giấc mộng Trung Hoa” trở thành một cường quốc toàn cầu của Xi sẽ khó hòa giải với nhau. Schell cho rằng Chiến tranh Lạnh mới là điều chắc chắn. Tốt nhất, nó có thể bị giới hạn nhưng không thể ngăn chặn được.

Sự đối nghịch này cũng đã buộc các nước khác phải chọn một bên. Và mặc dù nhiều quốc gia có thể cảm thấy bị xa lánh vì những chính sách chệch hướng của Trump, nhưng khó có ai sẵn sàng đứng về phíaTrung Hoa.

Nhiều người ở Ấn Độ từ lâu đã cảm thấy bị người hàng xóm lớn của họ đe dọa, và không chỉ kể từ cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan.

Đầu tháng 6, Ấn Độ và Úc đã công bố một thỏa thuận là hai quốc gia sẽ cho phép nhau sử dụng các căn cứ quân sự của họ. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ — được gọi là “Bộ Tứ” theo cách nói địa chính trị — có thể tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung ở Ấn Độ Dương lần đầu tiên sau hơn 10 năm.

Nhưng quốc gia khác đã được báo động do sự bất ổn ở Biển Đông, nơi đã có một số những cuộc xung đột ngày càng tăng trong những tháng gần đây. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bắc Kinh đã chính thức hợp nhất các đảo ở đó thành các khu hành chính của Trung Hoa, thực hiện công tác thăm dò địa chất ở vùng biển Malaysia, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Hoa đâm một tàu cá Việt Nam và một tàu hộ tống của Trung Hoa nhắm vào tàu chiến Philippines.

Hà Nội, cũng như các chính phủ khác thường e dè ở Manila và Kuala Lumpur, đã lên tiếng phản đối. Hoa Kỳ đã gửi ba hàng không mẫu hạm đến khu vực. Lần cuối cùng Hải quân Hoa Kỳ thể hiện sức mạnh như vậy ở Ấn Độ-Thái Bình Dương là ba năm về trước. Tuần trước, một máy bay quân sự của Hoa Kỳ cũng đã bay qua Đài Loan, một quốc gia chỉ trích Bắc Kinh mà Washington vẫn duy trì quan hệ đặc biệt. Trung Hoa, vốn coi Đài Loan là một phần của lãnh thổ của mình, và gọi thái độ của Mỹ là “hành động khiêu khích”.

Các cuộc biểu tình chống Trung Hoa ở Ấn Độ: phản ứng dữ dội trên toàn thế giới. Ảnh: Jaipal Singh/EPA-EFE/Shutterstock

Quan hệ căng thẳng

Có vẻ như không phải ngẫu nhiên mà xung đột giữa Trung Hoa và phương Tây đang đến hồi gay cấn khi thế giới bị phân tâm vì đại dịch coronavirus, một dịch bệnh bùng phát trước tiên ở Trung Hoa chứ không nơi nào khác.

Shi Yinhong (时殷弘, Thì Ân Hoằng), giáo sư chính trị tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, tin rằng một mặt, Trung Hoa đang cảm thấy bị vùi dập và áp bức do những cáo buộc họ đã gây ra đại dịch và bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của nền kinh tế. Mặt khác, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng coi cuộc khủng hoảng là cơ hội để bành trướng quyền lực. Logic của họ là như thế này: Chúng ta có thể yếu, nhưng những người khác hiện còn yếu hơn nhiều.

Những lời hoa mỹ của ngoại giao Trung Hoa đã thay đổi đáng kể. Trở lại những năm 1990, một số đảng viên Cộng sản đã bắn tỉa vào Bộ Ngoại giao, gọi đó là “Bộ của bọn phản bội”, bởi vì giới ngoại giao Trung Hoa được cho là rất tôn trọng phương Tây. Ngày nay, những người được gọi là “Chiến Lang” đang chỉ huy ở đó. Thế hệ giới hoạch định chính sách đối ngoại mới này được đặt tên từ một bộ phim bom tấn về tinh thần yêu nước, trong đó một chiến binh Trung Hoa phải đối đầu với đám lính đánh thuê người Mỹ — với kho vũ khí đầy ấn tượng và những câu đối thoại hấp dẫn.

Một đại diện của thế hệ ngoại giao mới là Zhao Lijian (赵立坚, Triệu Lập Khiên), người được thăng chức phát ngôn viên Bộ Ngoại giao sau khi tự nhận mình là người dùng Twitter chính trị trong một cuộc hành quân ở Pakistan. Vào tháng 1, đại sứ Trung Hoa tại Thụy Điển, Gui Congyou (桂从友, Quế Tòng Hữu), đã so sánh các nhà báo chỉ trích Trung Hoa với các võ sĩ hạng ruồi đã dại dột khiêu khích võ sĩ hạng nặng.

Không phải tất cả các nhà ngoại giao Trung Hoa đều ủng hộ phong cách đối đầu. Nhưng những người ôn hòa như Cui Tiankai (崔天, Thôi Thiên Khải), đại sứ Trung Hoa tại Washington, đang bị gạt ra ngoài lề, hoặc họ đang trên đường về hưu. Giáo sư chính sách Shi Yinhong (时殷弘, Thì Ân Hoằng) nói:
“Hầu như tất cả các mối quan hệ đối ngoại của chúng ta đều theo chiều hướng xấu.”

Đôi khi căng thẳng leo thang quá đáng cũng chỉ vì những bình luận vội vàng. Trung Hoa đôi khi cũng dùng áp lực kinh tế nghiệt ngã để áp đặt ý chí lên đối thủ. Úc, đối tác thương mại quan trọng nhất từ ​​trước đến nay là Trung Hoa, đang nhận hậu quả của việc này. Chính phủ ở Canberra đã yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về đại dịch ở Vũ Hán. Do đó, Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu thịt bò từ bốn lò mổ thịt của Úc và đánh thuế 80% trên với lúa mạch của Úc. Khách du lịch Trung Hoa cũng được cảnh cáo không nên đi du lịch tới Úc do sự đe dọa sẽ bị tấn công vì sự phân biệt chủng tộc. Gần đây nhất, Bộ Giáo dục Trung Hoa khuyên sinh viên không nên đi du học tại Úc.

Thái độ của Canberra đối với Trung Hoa có khuynh hướng làm mối quan hệ thêm nguội lạnh. Thủ tướng Scott Morrison nói :
“Chúng tôi là một quốc gia giao dịch mở, nhưng tôi không bao giờ đánh đổi các giá trị của chúng tôi vì sự ép buộc từ bất cứ nơi nào.”

Ngọn gió chính trị ngược chiều

Không nơi nào là quyết tâm của Trung Hoa lợi dụng cuộc khủng hoảng coronavirus vì lợi ích của chính nó rõ ràng hơn là ở Hong Kong. Vào tháng 5, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp đặt luật an ninh quốc gia mới ở thuộc địa cũ của Anh. Điều này sẽ cho phép Bộ An ninh Nhà nước Trung Hoa lần đầu tiên hoạt động trên lãnh thổ Hong Kong.

Giới phê bình coi đây không chỉ là sự chấm dứt tự do ngôn luận ở Hong Kong, mà còn là sự vi phạm hiệp ước quốc tế giữa Trung Hoa và Anh, trong đó họ đồng ý rằng thành phố này được hưởng “quyền tự trị cao độ” cho đến năm 2047.

Hôm thứ Tư, trong một tuyên bố chung, các bộ trưởng ngoại giao của G-7 đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” của họ về các hành động của Trung Hoa.

Trên hết, đó là cựu cường quốc thực dân Anh đang chịu áp lực. Cuối năm 2015, Thủ tướng David Cameron khi đó vẫn đang phát cuồng về một “kỷ nguyên vàng” sắp xảy ra trong quan hệ giữa Anh và Trung Hoa. Những bức ảnh tuyệt đẹp của Cameron và Xi được dàn dựng, cho thấy họ đang nhấm nháp rượu bia trong một quán rượu ở vùng quê nước Anh.

Người kế nhiệm của Cameron, ông Boris Johnson, tự mô tả mình là một người “yêu Trung Hoa” và đã làm hết sức với tư cách là thị trưởng của London để thu hút giới đầu tư Trung Hoa. Nhưng bây giờ, ông đã cảm thấy bắt buộc phải có một lập trường rõ ràng.

Nếu Trung Hoa áp dụng hết mình luật an ninh mới, Johnson cho biết London sẽ “không có lựa chọn nào khác” và sẽ cung cấp giấy nhập cảnh giá trị 12 tháng cho gần 3 triệu công dân Hong Kong đang có hoặc đủ điều kiện để có sổ thông hành của Anh ở nước ngoài. Anh Quốc sẽ mở cho những người đó một “con đường đến quyền công dân.”

Các dấu hiệu khác cũng đang cho thấy xung đột. Một là, trên thực tế là Anh đang xét lại quyết định hồi tháng 1 liên quan đến việc cho phép công ty cung cấp dụng cụ mạng Huawei của Trung Hoa trong việc mở rộng mạng 5G của Anh. Đại sứ Trung Hoa tại Vương quốc Anh, Liu Xiaoming (晓明, Lưu Hiểu Minh), đe dọa rằng nếu Anh Quốc loại Huawei, các công ty Trung Hoa có thể hủy bỏ việc xây dựng một nhà máy điện hạch tâm và một mạng lưới đường xe điện mới cho tàu vận tốc cao trên đảo quốc.

Trước tin đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã nhảy vào: Nếu Trung Hoa rút lui, ông hứa, Hoa Kỳ sẽ vui vẻ nhận làm những công việc đó.

Từ đối thủ cạnh tranh đến thù địch

Trung Hoa đang đứng đầu những ngọn gió chính trị không chỉ từ các chính phủ, mà còn từ cả từ các nghị viện. Thành viên bảo thủ của quốc hội Tom Tugendhat, chủ tịch ủy ban đối ngoại, đã thành lập Tập đoàn nghiên cứu Trung Hoa tại quốc hội Anh. Các thành viên của tập đoàn đó đã chỉ trích Trung Hoa và đã vận động hành lang trong nhiều tháng để đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Hoa trong nhiều lĩnh vực của đời sống ở Anh. Tugendhat nói : “Trung Hoa đang thách thức hệ thống quốc tế dựa trên pháp luật. Chúng ta phải bảo vệ hệ thống pháp trị này.”

Một nhóm các nghị sĩ quốc tế đã tập hợp lại vào đầu tháng 6 như một phần của cái gọi là Liên minh liên Nghị viện về Trung Hoa muốn đạt được hiệu quả tương tự. Đồng chủ tịch gồm những đại diện từ một nhóm đa dạng như Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Marco Rubio, và Reinhard Bütikofer, thành viên người Đức của Nghị viện châu Âu thuộc Đảng Xanh.

“Thủ tướng Đức chưa nghe thấy tiếng chiêng.”
Nils Schmid, nghị sĩ Đức

Một người cùng đảng của ông, Omid Nouripour, một thành viên của quốc hội Đức, người cũng tham gia góp ý : “Tất nhiên, chúng ta phải làm việc với Trung Hoa. Tuy nhiên, sáng kiến ​​này đã quá hạn. Câu hỏi về hệ thống không còn được che giấu nữa, nó đã được thể hiện rõ ràng từ phía Trung Hoa.”

Ngay cả Liên minh châu Âu, từ lâu vốn đã khoan nhượng đối với Trung Hoa, giờ đây đang cho thấy họ sẵn sàng hơn để khẳng định lập trường. Năm 2019, Ủy ban châu Âu lần đầu tiên ngừng mô tả Trung Hoa không chỉ là một đối thủ cạnh tranh kinh tế, mà còn là một “đối thủ về mặt hệ thống.” Nhân viên ngoại giao trưởng của EU, Josep Borrell, hồi tháng Năm kêu gọi châu Âu “mạnh hơn” đối với Trung Hoa.

Điều này cũng đã xảy ra, ít nhất là về mặt kinh tế. Sau một số vụ thâu tóm ngoạn mục các công ty châu Âu của các tập đoàn Trung Hoa, gây ra sự phản đối mạnh mẽ của công chúng, các quy tắc mới để xem xét các khoản đầu tư đã được xác lập để bảo đảm tính minh bạch cao hơn đã có hiệu lực kể từ tháng 4 năm 2019.

Thứ tư tuần trước, Ủy viên cạnh tranh EU Margrethe Vestager đã trình bày bạch thư mới của bà. Nó có những đề nghị về cách EU dự định hành động trong tương lai chống lại các công ty từ các nước thứ ba, như Trung Hoa, dùng trợ cấp của nhà nước để phá hoại thị trường nội bộ của EU.

Đức bước lên

Giới đàm phán EU cũng đang tiến gần hơn đến mục tiêu để đạt được thỏa thuận bảo vệ đầu tư theo kế hoạch dài đối với Bắc Kinh. Thỏa thuận này cho phép các công ty EU tại Trung Hoa có thể vào thị trường Hoa lục với điều kiện cạnh tranh tương đối công bằng. Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan nói, một điều quan trọng mà thỏa thuận này đòi hỏi là Trung Hoa phải chấm dứt việc bắt buộc chuyển giao kỹ thuật. Các công ty nước ngoài muốn sản xuất tại Trung Hoa phải cho người Trung Hoa thấy kỹ thuật của họ.

Thỏa thuận nói trên sẽ là một bước quan trọng. EU thường gặp khó khăn trong việc gửi tín hiệu mạnh cho Trung Hoa — dù đó là thông điệp về nhân quyền hay chống lại đại dịch.

Đó là lý do tại sao Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn phát triển một lập trường thống nhất cho châu Âu đối với Bắc Kinh. Bà đã tuyên bố chính sách Trung Hoa của châu Âu là một trong những chủ đề trung tâm của nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng EU của Đức, sẽ bắt đầu vào ngày 1 tháng 7.

Merkel đang giữ một vị trí tốt. Trong mọi trường hợp, bà ấy không muốn đi theo con đường tách rời của Hoa Kỳ. Norbert Röttgen, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại quốc hội Đức, nói: “Một chính sách nhằm cô lập Trung Hoa không phải là lợi ích của Đức và châu Âu.” 

Đồng thời, Đức cũng ngày càng chỉ trích Trung Hoa về tham vọng của họ đối với quyền lực thế giới.

Câu hỏi đặt ra là liệu thủ tướng Đức có phải là người thích hợp để nhận lãnh trách nhiệm hay không. Giới  phê bình bà coi bà là một người ủng hộ thầm lặng, cho rằng các chính sách của bà là một chiều và hướng tới lợi ích của các doanh nghiệp Đức.

Tuần trước, chính phủ Đức đã công bố chương trình dự thảo cho nhiệm kỳ chủ tịch của Hội đồng EU; so với phiên bản trước đó, dự thảo này có giọng điệu có phần sắc nét hơn. Đức muốn yêu cầu “có đi có lại trong tất cả mọi lĩnh vực chính sách” từ phía Trung Hoa. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “giá trị” châu Âu. Nhưng những điều đó trên thực tế có nghĩa một cách cụ thể là gì vẫn là chuyện của tương lai. Nils Schmid, người phát ngôn về chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ Xã hội tại quốc hội Đức nói :
“Angela Merkel bị kẹt trong một nhận thức lỗi thời về Trung Hoa. Thủ tướng chưa nghe thấy tiếng chiêng [báo động].”

© 2020 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

***

Nguồn: 

Georg Fahrion, Christiane Hoffmann, Laura Höflinger, Peter Müller, Jörg Schindler & Bernhard Zand
24.06.2020







No comments:

Post a Comment