Monday, July 27, 2020

TINH THẦN VÀ QUYỀN LỰC (Hamvas Béla)




Hamvas Béla
Nguyễn Hồng Nhung dịch 
27/07/2020

Nghiên cứu của tôi dựa trên một số tiên đề. Tiên đề đầu tiên của Werner Bergengruen, nhà thơ Đức (1892-1964), vang lên như sau: „Bàn tay sạch không kiếm ra quyền lực, kẻ kiếm được, bàn tay kẻ đó không thể còn sạch.”

Tiên đề thứ hai của Lão Tử, trong Đạo Đức Kinh: „Dân chúng trở nên khó bảo bởi vì kẻ cai trị đã can thiệp quá nhiều. Kẻ nào biết nhiều nhưng không làm theo điều biết, kẻ đó đánh mất mình.

Tiên đề thứ nhất là gì? Nó nói về mối quan hệ giữa quyền lực và bàn tay sạch. Nhưng, bàn tay sạch nghĩa là gì chứ? Trước hết là cái gì đó chắc chắn, trực tiếp, ai cũng biết và là cái không thể hiểu chệch đi trong suy nghĩ của con người. Con người thường vô cùng kinh ngạc, nhất là ở nơi công cộng, ở các thể chế hành chính, các tòa án, các viện đề ra pháp luật, rằng có những nhân tố sau các bức tường đóng vai trò như các hiện thực, nhưng giữa những bức tường nó không còn là hiện thực nữa.

Trường hợp thường xuyên nhất là các vụ án báo chí. Hiện thực đối với tác giả các bài báo khác so với hiện thực của tòa án, nơi kết án các bài báo. Thậm chí hơn thế nữa. Quan tòa rời khỏi ghế quan tòa, mời người viết bài báo bị kết án một điếu thuốc, trong khoảnh khắc đó quan tòa bước vào hiện thực. Các nhà xã hội học biết rất rõ về hai hiện thực - thế gian khác hẳn nhau này. Họ biết, một xác định vang lên trên phố, trong các câu lạc bộ, giữa mọi người với nhau, bên cạnh khói thuốc lá mang một ý nghĩa nội dung, đặc tính, hình thức khác hẳn. Quan tòa bước xuống bục và nhận biết cái xác định này, thậm chí thừa nhận, nhất trí và cùng quan điểm. Nhưng đứng trên bục, quan tòa kết án chính kẻ đưa ra quan điểm ấy.

Chúng ta giả định rằng ta đang nói về hành động phạm luật của một chức năng văn phòng. Tờ báo viết, sự coi trọng chức năng này đáng ngờ. Quan toà cũng biết thế, rành rành y như những người khác. Trên nền tảng nào? Trên cơ sở các kiến thức cực kỳ nhạy cảm, trực tiếp, bên trong, mang tính xã hội, nổi bật lên từ hành vi trực tiếp của văn phòng chứ không phải từ các hành động chức năng. Nhưng trong giây phút xử án như một quan tòa nghi ngờ về tính trung thực của chức năng, dù kiến thức trực tiếp mách cho quan tòa biết điều nhà báo viết cũng là điều ông ta biết, nhưng ông ta làm ra vẻ không hề biết và làm như một quan tòa không biết và không thể biết nổi. Không phải vì điều này không có trong các văn bản, mà bởi vì những điều này không được phép có trong bất cứ loại văn bản nào hết.

Thế là từ lĩnh vực hiện thực xã hội trực tiếp bỗng nhiên những điều này trở nên mang tính chất tưởng tượng và phi hiện thực, hay như người ta gọi: vượt quá khuôn khổ sự chính thống đương nhiệm cho phép. Trong cái khuôn khổ chính thống đương nhiệm này nhận thức trực tiếp không có hiệu lực. Quan tòa có thể kết án vào ngày hôm sau, khi đơn vị chức năng đứng trước ông ta, nhưng ông ta không dựa trên kiến thức trực tiếp, mà chỉ và duy nhất dưới ảnh hưởng của thực tế mà ông ta biết trong phạm vi chính thống đương nhiệm. Điều cần nhấn mạnh ở đây là: các nhân tố không phải là bằng chứng đã ghi chép, chẳng phải các lời khai nhân chứng, chẳng phải hiện trường rành rành không chối cãi, mà cái quyết định, chỉ và duy nhất rằng: trong khuôn khổ đương nhiệm cho phép, nó là cái gì, xuất hiện như thế nào và trọng lượng của nó ra sao.

Còn cụm từ „bàn tay sạch” không mang tính chính thống đương nhiệm mà nằm trong lĩnh vực của tri thức trực tiếp. Không là một từ ngữ cần chứng minh, cần chứng nhận, cần đưa ra bằng chứng. Một cách trực tiếp ai cũng hiểu nghĩa là gì. Nhưng vang lên trước sự chính thống đương nhiệm là không thể, bởi nếu có liên quan đến một ai, khó có thể cản trở lòng tự trọng, còn nếu vang lên một cách chung chung, nó chỉ là một âm thanh rỗng.

Đối với tri thức trực tiếp, cụm từ này cực kỳ phong phú, nhiều mặt, là một sự lay chuyển toàn bộ với một cá nhân. Nó không chỉ có nghĩa là không có những khuất tắt hậu trường, không chạm vào cái không phải của nó, không mang nhiều ẩn ý, không dựng bẫy cho ai, không chống trả lại ai, không ẩn một ý đồ bạo lực, không đầy ngờ vực, không ác ý. Cụm từ này mang ý nghĩa trực tiếp hơn, rõ ràng hơn, giản dị hơn nhưng cùng lúc không thể nắm bắt.

Giờ đây xuất hiện một từ khác không kém phần quan trọng: quyền lực. „Macht ist böse – quyền lực là độc ác” Jakob Burchardt nói. Dưới quyền lực là cái gì? Trước tiên không chỉ là những khuất tất hậu trường, những diễn đạt nhiều ẩn ý, việc đặt bẫy, sự mua chuộc và khả năng có thể mua chuộc, sự nghi ngờ và ác ý. Còn nhiều hơn thế, thậm chí hoàn toàn khác. Quyền lực không chạm vào bản chất câu hỏi con người đặt ra một cách đạo đức: bàn tay sạch là đạo đức tốt, còn quyền lực là đạo đức xấu. Sẽ là sự nhầm lẫn lớn nhất nếu sử dụng góc độ đạo đức ở đây. Con người sẽ rơi vào cái bẫy sai lầm của các nhà xã hội học thế kỷ vừa qua, những kẻ thử làm rõ tình thế bằng mâu thuẫn giữa „chính trị và đạo đức”.

Vậy, cái gì đây? Trên nhiều ngôi mộ của các vua Ai cập cổ đại có ghi dòng chữ: „Ta tháo bánh của các cỗ xe chiến binh ra và lắp vào những cái cày, từ các thanh gươm ta chế thành lưỡi liềm, từ những lá cờ chiến trận cắt khâu thành quần áo trẻ em”. Hoặc một chính khách Hy Lạp cổ đại là Perikles đã thốt lên khi hấp hối: „Ta bước vào cánh cổng của thần Hades một cách thản nhiên bởi đến một người dân Athen duy nhất cũng không vì ta mà rơi nước mắt”. Ở đây một cái gì đó lóe sáng khi nói về bản chất của quyền lực và bàn tay sạch.

Các vua Ai Cập cổ đại và chính khách Perikles đã minh chứng bản thân: họ đã làm cái mà người ta ủy quyền cho họ. Nếu có một kiểu hành vi trái ngược với kiểu hành vi của Perikles sẽ là một người thốt lên bên giường bệnh của mình: „Không ai trong cả nước lại không rơi nước mắt vì điều ấy.” Và đây là thứ quyền lực, như Burckhardt nghĩ: „Đây là quyền lực ác độc mà nhân dân khổ sở dưới ách của nó và vì nó cả nước rỏ lệ.” Không là một cái xấu về mặt đạo đức. Còn nhiều hơn thế nữa. Như thể bàn tay sạch cũng không hề là cái tốt một cách đạo đức và quyền lực cũng không phải là sự độc ác theo quan điểm đạo đức.

Bước tiếp cận gần hơn: Voltaire viết trong vở bi kịch „Mohamed”: „ những kẻ lừa bịp táo bạo được phép hay không được phép mang đến cho nhân loại một sự nô lệ mới? Được phép lừa bịp hay không, kể cả khi bằng trí tuệ đi chăng nữa?” Những kẻ lừa bịp táo bạo kêu lên: ”Nếu mi theo ta mi sẽ là người anh hùng!” Nhưng người ta đốp ngay vào mặt Mohamed: „Dis plutôt des brigands - tốt nhất mi hãy nói là một kẻ cướp .” Từ xác định này trong quyền lực có vẻ như có một cái gì đấy kinh khủng, tiêu diệt, hạ nhục, cái mang lại một sự nô lệ mới cho nhân loại. Cách thức tự chứng minh của các Farao và Perikles từ đây có thể hiểu. Cái họ muốn nói là: chúng tôi không mang lại sự nô lệ mới. Chúng tôi không nuôi dưỡng bọn cướp - bàn tay chúng tôi sạch và một giọt nước mắt cũng không rơi vì chúng tôi. Trong đặc tính của quyền lực có một cái gì đó mang lại sự nô lệ, làm nước mắt rơi và làm bẩn bàn tay nhân danh nó để hành động.

Như vậy ý nghĩa thực của tiên đề kiểu Bergengruen là: ai muốn giữ sự trong sạch cho đôi tay mình, hãy đừng nắm giữ quyền lực; và kẻ nào thu nhận quyền lực, bàn tay kẻ đó không thể sạch. Tại sao? bởi vì: „die Welt ist so beschaffen- đây là tính chất của thế gian, là đặc tính của các sự vật.” Bàn tay sạch bởi phi quyền lực, càng sạch càng không, còn kẻ nào thu nhận quyền lực, bàn tay của kẻ ấy không còn sạch nữa và quyền lực càng mạnh tay càng ít sạch.

                                                ***

Tinh thần không muốn sự nhầm lẫn, những con đường hậu trường, sự cưỡng bức, hay nói cách khác là không muốn nước mắt phải rơi. Nói theo ngôn ngữ của Voltaire: không muốn làm nô lệ. Nó muốn chính điều ngược lại của tất cả. Chúng ta biết chưa từng có một thời đại nào đã tạo ra những kế hoạch rêu rao vì lợi ích của nhân loại như ngày hôm nay. Số lượng những nỗ lực và sáng tạo tinh thần để cố gắng thực hiện một trật tự sống ít nô lệ hơn quả thực không đếm xuể. Nhưng cùng lúc đó cũng chưa có thời đại nào làm nước mắt rơi và tạo ra sự nô lệ nhục nhã nhiều đến thế.

Có người cho rằng: đây là các mâu thuẫn kiểu Platon trong hình mẫu hiện đại. Platon đã nghĩ ra nhà nước, nhưng khi nhà nước bạo chúa tạo dựng, ông không thể làm gì khác ngoài việc hoặc là đứng về phía tinh thần, lúc đó nhà nước sẽ sụp đổ, hoặc duy trì trật tự lúc đó cần đặt lý thuyết về nhà nước sang một bên. Nhưng tình thế ngày hôm nay không giống tình thế thời Platon.

Ngày hôm nay tinh thần không nằm trong một số con người thiên tài mà trực tiếp sống trong toàn bộ nhân loại, trực tiếp tác động và không có ý định thừa nhận bất cứ loại quyền lực gì mang tới sự nô lệ và làm rơi nước mắt, kể cả khi bắt buộc phải vâng lời nó trong một khoảng thời gian. Trong thời đại của Platon, sự thất bại của tinh thần là hoàn toàn, bởi vì xuất phát từ một vài con người và vì thế tinh thần không hoàn thành nổi nhiệm vụ của nó. Ngày nay tình thế hoàn toàn khác. Ngày nay tinh thần chỉ đang được chuẩn bị và thật sự là chưa được động đến. Hoàn cảnh của ngày nay là tinh thần trước hết chỉ nhìn một cách mỉa mai sự gắng sức tuyệt vọng của quyền lực không có bàn tay sạch và tránh xa nó.

Vậy cách giải quyết là cái gì? Cách giải quyết còn khá xa. Giờ đây chỉ có thể làm được một bước. Bước này dẫn đến tiên đề thứ hai xuất phát từ Lão Tử và vang lên như sau: „Dân chúng trở nên khó bảo bởi vì kẻ cai trị đã can thiệp quá nhiều.” Nghĩa là Lão Tử đã nói: „một quyền lực tốt là hành động ít, càng ít càng tốt và tốt nhất là đừng làm gì cả.” Cái quyền lực nào là thứ quyền lực không làm gì cả? Quyền lực tinh thần. Nhưng tốt hơn nữa là con người ngay lập tức lựa chọn hai hiện thực khác hẳn nhau. Cái chúng ta gọi là quyền lực, là thứ nếu không từ bỏ bàn tay sạch không thể đạt tới; và và thứ quyền lực thứ hai, theo kiểu Lão Tử, quyền lực tinh thần, chúng ta gọi nó là sự ngự trị.

Tất cả mọi người đều biết quyền lực phải nuôi nó bằng một gắng sức và chi phí lớn, bằng một bộ máy khổng lồ. Nó cần phải mệt mỏi, cần gắng sức biết bao, cần bảo đảm cho bản thân, nói theo ngôn ngữ của Lão Tử: quyền lực hùng hục hành động nhưng cuối cùng cũng chẳng đạt được tới bất kỳ điều thiết yếu nào, bởi vì nó không chỉ huy nổi dân chúng.

Và tất cả mọi người cũng đều biết sự ngự trị của tinh thần không cần tới bất kỳ cái gì: không cần chi phí, chẳng bộ máy, chẳng các tổ chức, các thể chế. Trong đặc tính của sự ngự trị có một cái gì đó trực tiếp. Lĩnh vực của nó là một hiện thực dễ hiểu trực tiếp dành cho tất cả mọi người. Trái lại ngày nay quyền lực là một thứ đương nhiệm có tính chất thủ thuật giữa các bức tường. Quyền lực và sự ngự trị có quan hệ với nhau giống như một phiên tòa và một lời phán xử của vua Solomon hay Harun al Rashid hay của nhà vua Hungary Mátyás.

Phán xét của tòa án giữa các bức tường là một bản án của quyền lực trừu tượng, mang tính đương nhiệm; Lời phán xử kiểu của vua Solomon thì trực tiếp, có tính hiện thực và là một phán xử tinh thần ngự trị. Phán xét kiểu đầu tiên làm rơi nước mắt và luôn luôn làm nước mắt rơi, bởi vì đấy là đặc tính của nó. Quyền lực không bao giờ mang đến bình an, không bao giờ trong sạch, rõ ràng và thấu suốt. Còn sự ngự trị trái lại vừa sáng sủa, vừa trong sạch, vừa thấu suốt, ta có thể nói, là một kiểu ngự trị của Perikles không làm nước mắt rơi.

Trong quyền lực luôn luôn có một cái gì phá vỡ, tiêu diệt của quỷ sứ; trái lại sự ngự trị cao quý, bất khả xâm phạm và siêu nhiên. Từ những tính chất này cho thấy quyền lực phi tinh thần còn sự ngự trị mang tính chất tinh thần. Bởi vậy quyền lực cần hành động, cần xây dựng lên các tổ chức lớn, cần làm việc không ngừng, cần ràng buộc, quay cuồng, xua đuổi, mang lại sự phục vụ; nhưng dù nó xây dựng, hoạt động, quay cuồng đến đâu nó vẫn rỗng tuếch và vô sinh. Bởi vậy nó ma quỷ và tàn phá và bởi vậy Burckhard mới nói: Macht ist böse (Quyền lực là độc ác). Nhưng cũng chính vì thế sự ngự trị không cần đến các tổ chức, đến chi phí, đến lao động; sự ngự trị có một cái gì đó lớn hơn mọi sự gắng gỏi… đó là tinh thần. Tinh thần nhiều hơn hoạt động

                                                          ***

Giờ đây chúng ta đứng trên điểm đỉnh phức tạp của vấn đề. Mọi cái đan vào nhau, chéo nhau, soi sáng nhau và gây căng thẳng cho nhau: quyền lực và sự ngự trị, bàn tay sạch và sự dúng chàm, trong và ngoài các bức tường, chính thống đương thời và hiện thực trực tiếp, sự phá hủy ma quỷ và sự sáng tạo có hiệu quả.

Trong vị trí này, hành vi của tinh thần tuyệt đối thụ động, thậm chí cần phải tuyệt đối thụ động. Tại sao? Bởi vì chỉ như vậy nó mới giữ gìn được cái quan trọng nhất đối với nó: bàn tay sạch. Trong khoảnh khắc nó trở nên tích cực nó lập tức bị ràng buộc. Tinh thần cần phải thụ động bởi vì nó chỉ cần làm một cái gì đó ngay lập tức đã quá nhiều và lập tức đánh mất ngay sự dẫn dắt trên đầu dân chúng.

Bởi vì thoạt nhìn quyền lực chỉ đạo dân chúng; nói đúng hơn quyền lực biến dân chúng thành kẻ hầu hạ, chỉ đạo trên đầu dân chúng, làm nước mắt họ rơi. Nhưng kẻ chỉ dẫn thật sự không phải là quyền lực mà là tinh thần, là sự thụ động, sự không hành động. Đấy là thứ biết rằng quyền lực có thể làm cái nó muốn nhưng quyền lực không có chân lý. Chỉ tinh thần có chân lý. Nhưng vị trí ngày hôm nay của tinh thần lại là sự bi thảm. Sự bi thảm này là gì? Là, bắt buộc phải nhìn thấy sự tàn phá ma quỷ của quyền lực, nhưng cùng lúc bắt buộc phải trở nên thụ động và ở lại vị trí thụ động.

Thụ động vì nếu ai hành động kẻ đó đánh mất sự ngự trị trên đầu dân chúng, và thụ động vì kẻ nào thu được quyền lực, tay kẻ đó không thể sạch. Sự thụ động này của tinh thần vừa bắt buộc vừa không. Một phần vì tác động của các hoàn cảnh, mặt khác đây là một hành vi tự nguyện: đây là sự thượng đẳng bên trong nó, là sự chắc chắn, là sự thật của ý thức tự thân và sự quý phái. Đây là cái mà bản chất bên trong của nó là: sự kiên nhẫn, sự kiên định, sự tự phủ định và tri thức. Nó đợi. Nó biết, điều như thế này, như đang có, tồi tệ. Nhưng nó không thể làm khác, ngoài chờ đợi. Đây là tính chất anh hùng ca bên trong nó.

Hành vi của tinh thần ngày hôm nay trước hết là điều này. Nơi nào con người nhìn đến, tất cả đều xa, tất cả mọi nơi đều đứng ngoài. Mang tính chất anh hùng ca, bởi tinh thần đứng đối diện với quyền lực ma quỷ trong bản chất tuyệt đối tự thân: trong sự thụ động, trong sự không hành động, trong khoảng cách của nó và nhìn. Bắt buộc phải nhìn. Bắt buộc không làm gì khác chỉ nhìn, bởi nó chỉ cần động đậy, nó sẽ bị mất ngay lập tức. Đây là tính chất bi thảm-anh hùng ca của tinh thần ngày hôm nay: nhìn và không hành động, biết và bất động.

Nhưng vị trí bi thảm của tinh thần ngày hôm nay không trở nên hoàn toàn mà đáng rúng động hơn, sâu sắc hơn và vô phương giải quyết. John van Ruysbroeck, nhà văn huyền bí Đức nói: kẻ nào biết nhiều mà không sống theo thế, kẻ đó đánh mất bản thân. Tinh thần biết nhiều; nó biết hết. Nó thấy cái gì là sự khác biệt giữa quyền lực và sự ngự trị, giữa hiện thực và chính thống đương thời, giữa sự tàn phá ma quỷ và sáng tạo hiệu quả, giữa sự nô lệ và tự do. Tinh thần nhìn thấy và biết, và không thể làm, một bước tiến lên cũng không, bởi nó sẽ đánh mất ngay bàn tay sạch và đánh mất tác động đối với dân chúng.

Nhưng cùng lúc nó nhìn thấy và biết sự trái ngược là kẻ nào biết nhiều mà không sống theo như thế, kẻ đó thất bại. Như vậy nó bị thất bại hai lần. Hoặc là nó từ bỏ sự thượng đẳng và lúc đó từ bỏ hạt nhân cơ bản của bản chất mình; hoặc nó giữ nguyên thụ động, không sống theo cái nó biết và nó sẽ thất bại. Nó không sống theo như thế, hay là cái đúng như vậy: nó không mang bản thân mình ra, không tạo dựng không gian cho mình, không đẽo cày từ các bánh xe chiến binh và khâu quần áo trẻ con từ lá cờ chiến trận. Nó không hành động, không thể hành động, bởi nó sẽ hết; nhưng nó cũng sẽ hết, nếu nó không hành động. Nó có hai con dường và cả hai đều dẫn đến sự mất mát.

Từ các cách giải quyết quyền lực ngày hôm nay, có thể thấy một tình thế nghiêm trọng. Nói về sự bất lực của hệ thống đại biểu nhân dân trong quá khứ gần đây là thừa, nơi chưa hề xuất hiện một cá nhân đủ khả năng đứng ngoài mọi hiệu lực. Có vẻ như đại biểu nhân dân giải quyết được các vấn đề của nhà nước, nhưng sau rốt té ra đó không phải sự ngự trị mà chỉ là quyền lực, thậm chí là một giải pháp quyền lực thất bại. Tại sao? Bởi vì trong đó hầu như không có tinh thần, và theo thời gian là một sự lãng phí thứ tinh thần ít ỏi chứa trong đó. Không gì chính xác hơn như nhận định của Voltaire về dân chủ: đến với một sự vinh quang nhưng mang lại sự nô lệ lớn hơn hết thảy từ trước tới giờ.

Sau sự thất bại của giải pháp quyền lợi của đại biểu nhân dân có hai khả năng mở ra: một là quay lại thời kỳ có vua, hai là tiến đến sự độc tài. Cả hai đều là cách giải quyết tuyệt đối, thẳng tắp, mở, đầy mâu thuẫn với sự bóc trần chủ nghĩa tự do dân chủ bằng những hình thức che đậy và các khuynh hướng giấu giếm của nó. Bởi vì trong nền dân chủ luôn nổi lên một điều: đứng sau các lý thuyết không thổ lộ ra là các cá nhân điều khiển nhà nước. Chế độ quân chủ và nền độc tài tạo dựng một tình thế mở. Một cá nhân ra lệnh là thứ có thể nhìn thấy.

Nhưng, chế độ quân chủ không thể thành hiện thực bởi nhu cầu nghiêm chỉnh của khả năng này giờ đây thiếu vắng trong nhân loại. Thiếu vắng khả năng của nhu cầu này vì cái nó mong muốn chỉ còn là hoài niệm chứ không phải nhu cầu lịch sử thật sự. Còn từ nhà nước độc tài nổi bật lên điều này: khi sự điều khiển nhà nước bắt đầu là lúc tinh thần trong nhà nước ấy bị đánh mất. Tiên đề của Bergenruen chưa bao giờ đúng đến thế: kẻ nào thu được quyền lực, bàn tay của kẻ đó không thể còn sạch sẽ. Đây là bi kịch của mọi kẻ độc tài và của mọi nền độc tài. Những ý đồ của nó có thể sâu sắc, đúng đắn, nghiêm chỉnh và minh bạch, nhưng không một điều nào có thể hiện thực hóa. Nó muốn được ngự trị, nhưng chỉ còn lại quyền lực, nó muốn trở thành hiện thực, nhưng chỉ trở nên một sự hợp pháp đương nhiệm. Nó muốn mang lại tự do, nhưng cái nó mang lại thực chất chỉ là một sự nô lệ mới.

Tinh thần nhìn rất rõ điều này. Nhưng nếu tách ra, lúc đó nó từ bỏ mình, còn nếu không tách ra, lúc đó nó mâu thuẫn với chính bản thân. Cả hai cách đều tồi tệ: nếu nó nắm lấy quyền cai trị, sẽ tồi tệ bởi cần từ bỏ bản chất của nó, nếu không nắm quyền cai trị, sẽ tồi tệ bởi nó biết nhiều mà không sống theo như vậy và lúc đó nó đánh mất bản thân, bị thất bại.

                                                          ***

Trái ngược với quan điểm này có một ý kiến khác, rõ ràng nhất qua một phát biểu đại loại như sau của Rathenau: ”Sự phát triển chỉ có thể tiến lên phía trước bằng những bước nhỏ….không phải vì thiếu những ý đồ tốt từ quyền lực, mà vì quyền lực sợ rằng với những bước đi lớn hơn hệ thống phục vụ sẽ bị dừng lại và toàn bộ bộ máy cai trị sẽ sụp đổ.” đây là tóm tắt một loại ý kiến được mệnh danh là sự chiết trung, sự chừng mực, một sự trung dung được rêu rao là hợp lý và lạc quan.

Người ta không nhận ra quan điểm này sai lạc ở đâu. Quan điểm chiết trung có chừng mực này tin rằng: kẻ thu nắm quyền lực, bàn tay của kẻ ấy quả thật không trong sạch, nhưng điều này cũng chả sao. Mặt khác: đúng là quyền lực hành động (can thiệp) quá nhiều, nhưng ít nhất nó không phải không làm gì. Sau cùng bản chất ý kiến kiểu Rathenau này với sự giảng giải của Ruysbroek như sau: đúng là kẻ nào biết nhiều nhưng không sống theo như vậy, kẻ đó đánh mất bản thân – nhưng điều này vô cùng khó khăn – vậy chúng ta hãy cứ thử sống được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Cần xem xét kỹ cái hành vi chiết trung rất sợ các bước đi lớn, có vẻ mang thiện ý tuy thiếu vắng hẳn sức mạnh và sự quyết định của tinh thần này. Trước tiên, điều không còn nghi ngờ gì nữa, đây là nỗi sợ hãi các bước tiến lớn, con đường chiết trung này là một sự ngoan ngoãn nghe lời nhất định, là thứ sẵn sàng tính sổ với cả các sức mạnh ngoài tinh thần, thực chất là một sự mở cửa – một hướng đi xuống. Đây là đặc tính nội hàm biến nó thành sự chiết trung, thành chừng mực, thành sự ngoan ngoãn cho phép. Nhưng tinh thần thì thẳng thắn, nghiêm khắc, cứng cỏi và tự chủ. Sự chiết trung rơi từ độ cao xuống mức độ thấp, sẵn sàng đong đếm, mặc cả, cân nhắc. Và thế gian dưới nó là loại thế gian gì? Là một thứ thế gian mang tính chất tinh thần ít ỏi. Và khi nhường chỗ cho sự chừng mực, sự chiết trung nhường chỗ cho một quá trình có thể gọi là một xu hướng đi xuống.

Đây không chỉ có trong các vấn đề của quyền lực và sự ngự trị. Khi văn học từ bỏ sự tuyệt đối bên trong nó, văn học bắt đầu vâng lời, xuống cấp, đến gần với loại văn học ba xu rẻ tiền. Khi người họa sĩ, nhà điêu khắc sẵn sàng từ bỏ một số nguyên tắc của các nhiệm vụ vĩnh cửu của hội họa và điêu khắc, họ mở cửa cho thứ đồ rởm trong nghệ thuật xuất hiện. Khi khoa học từ bỏ sự thật tuyệt đối, nó đánh mất sự nghiêm chỉnh của mình. Chúng ta có thể nói đến các loại nghệ thuật rởm, khoa học rẻ tiền, nhưng chúng ta cũng có thể nói đến các xã hội và các nhà nước rẻ tiền.

Nhà văn từ bỏ những đòi hỏi cao siêu nhất định chỉ để tác phẩm ai cũng hiểu được, để tác phẩm dễ tiếp cận hơn, để đạt tới nhiều địa hạt hơn và để dễ nhận ảnh hưởng từ đám đông hơn. Các vấn đề quyền lực kiểu Rathenau cũng có các lý luận tương tự. Càng ngày sự đông đảo càng biến thành nhân tố cho chuẩn mực.

Ở chỗ này người ta sợ những bước đi lớn lật nhào trật tự hệ thống, ở chỗ kia người ta sợ hình thức quá trong sạch, tư tưởng quá sắc sảo, ngôn ngữ quá quý phái và quá nghiêm trang, hành vi quá cao cả sẽ làm tác phẩm trở nên khó hiểu. Trong nghệ thuật và trong khoa học nỗi sợ mở ra một khả năng mặc cả, và bên cạnh tinh thần, xuất hiện đồ rởm và đồ rẻ tiền, hàng mã. Giám đốc nhà hát sợ vở kịch quá sâu sắc và nghiêm trang, kẻ cầm đầu nhà nước sợ các phương pháp giải quyết quá táo bạo. Tất cả mọi người đều biết cái gì là đúng, nhưng tất cả đều cố gắng chừng mực hóa. Không thể, người ta nói, làm tất cả cùng một lúc.

Và thế là hoàn cảnh bị các môi trường tấn công liên tiếp theo sẽ là: sự ngoan ngoãn thỏa thuận không dừng lại. Luôn luôn cần phải thỏa thuận tiếp. Luôn luôn cần từ bỏ nhiều hơn và luôn luôn sự mặc cả diễn ra với những sự việc quan trọng hơn. Văn học và nghệ thuật trở nên rẻ tiền, truyền sang khoa học và bắt đầu rẻ tiền hóa cả nhà nước lẫn xã hội và sau cùng đến tôn giáo. Các đồ vật cũng xuất hiện đồ rẻ tiền: đồ gỗ rẻ, quần áo, thức ăn rẻ, đạo đức rẻ, sự giao tiếp, đối thoại rẻ tiền. Đặc trưng của tất cả những thứ này là sự tùy tiện, sự xuống cấp mở toang và vô giới hạn, không thể gim giữ nổi, là kết quả của sự chừng mực hóa.

Hôm nay từ bỏ cái này, ngày mai cần từ bỏ nhiều hơn, ngày kia còn nhiều hơn nữa. Trang phục rẻ tiền: từ chất liệu vải không tên nhưng lòa loẹt; đồ gỗ rẻ tiền ai cũng nhận biết ngay, mỏng manh rẻ rúng nhưng bóng bẩy để đánh lừa con mắt. Trong các thành phố lớn ai cũng biết từ „đồ cũ” dùng để chỉ những mặt hàng đã sử dụng rẻ tiền, gốc gác của chúng là những đồ vật nghiêm chỉnh, tốt, giản dị, bền, dễ dùng, nhưng sự quý phái của chúng mất dần và khi mất hẳn chúng chỉ còn là những đồ vật phi thẩm mỹ và gần như hết giá trị.

Các giai cấp xã hội cũng rẻ tiền hóa. Ở châu Âu trong thế kỷ 18 là giai cấp cầm quyền, trong thế kỷ 19 là giai cấp quý tộc và thị dân, sang đến thế kỷ 20 là giai cấp công nhân và giờ đây đang đến lượt giai cấp nông dân. Ngày nay sự xâm nhập của văn hóa hóa chất, đường, bánh kẹo rẻ tiền, giả danh, đầu độc, vô giá trị – là sự rẻ tiền hóa đời sống. Các món ăn cũng bị rẻ tiền hóa, bởi vì ở các gia đình của chúng ta, các món ăn được cha mẹ, bà chúng ta nấu thơm ngon, lành mạnh sạch sẽ đã trở thành các món ăn nhanh rẻ tiền, thành đồ hộp, gói sẵn ở các quầy hàng, các quán ăn bình dân. Khuôn mặt của con người, các cá tính, ngôn từ, số phận đều từ từ xuống cấp, mất đi, tan ra.

Nhiều tác giả quan tâm đến quá trình xuống cấp này: sự thỏa thuận, sự mặc cả đã làm đau đầu con người như thế nào, quá trình xuống cấp mở ra ra sao. Nietzsche và Evola là những người đã tiếp cận đến hiện tượng thế gian này một cách cô đọng nhất. Trong tác phẩm lớn của Evola „Sự nổi loạn của thế giới hiện đại” ông đặt tên sự biến đổi này là quá trình nhân hóa (con người hóa). Trong nghĩa của thuật ngữ này cái tính chất người chỉ quyền lực mà chúng ta đang nói đến ngược hẳn với tính chất của sự ngự trị là mang tính chất thần thánh.

Cũng Evola chỉ ra bản chất của nền dân chủ chính là quá trình nhân hóa này và tại sao cần phải giải tán cái trật tự sống dân chủ. Sự rẻ tiền hóa đời sống có thể nói như sau: đời sống ba xu hóa, rẻ tiền hóa đặc trưng bằng sự dân chủ của nó và là cái xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống con người. Đây là sự chuyển động ngược lại của tinh thần. Giờ đây tất cả đều ba xu hóa: ẩm thực, đạo đức, nội thất, thành phố, cá tính con người, tôn giáo, nghệ thuật, sự giải trí giờ đây là thời gian của các xã hội và các nhà nước ba xu hóa, rẻ tiền hóa. Đây là sự từ bỏ hoàn toàn của tinh thần. Bởi vì ai đã từ bỏ tinh thần trong một điểm, sẽ từ bỏ nó trong mọi điểm. Tinh thần không chịu nổi ai ngoài chính nó. Nếu đưa nó vào cái khác, nó rút lui. Hoặc nói như trên nền tảng của Ruysbroek: kẻ nào quay lưng lại với tinh thần, kẻ đó đánh mất bản thân, bị thất bại.

                                                          ***

Và đây là câu trả lời cho quan điểm của Rathenau. Cái gọi là sự chiết trung có chừng mực nói về việc giữ gìn để sự phát triển tiến lên từng bước thực chất chỉ là sự phi tinh thần hóa, thậm chí là sự nhượng bộ để phi tinh thần hóa khi ta đề cập tới các vấn đề của trật tự đời sống. Nhưng điều quan trọng nhất lại là: thứ chiết trung kiểu Rathenau không phải là vấn đề của sự căng thẳng giữa quyền lực và sự ngự trị, hay nói cách khác không phải là một thí nghiệm thử hình thành một hình thức vĩnh cửu, tuyệt đối của trật tự đời sống người, mà thực ra chỉ nói đến hai ý đồ: hòa bình và sự thịnh vượng.

Chủ nghĩa hòa bình (pacifizmus) và ý đồ thịnh vượng có liên quan đến nhau. Cả hai đều là sự tuyên bố nhân đạo tính. Là những đứa con của nền dân chủ tự do của thế kỷ 18 và 19 và đều không hề nói về tinh thần trong chủ nghĩa hòa bình (sự kinh hoàng chiến tranh), cũng không trong ý đồ thịnh vượng (sự kinh hoàng về nạn nghèo khổ). Thứ trật tự đời sống này tạo ra một ngành khoa học đặc biệt cho nó để thực hiện nó: ngành kinh tế học. Đây là khoa học của sự sợ hãi vô nghĩa lý từ chiến tranh và sự nghèo đói. Nhưng cùng lúc ngành kinh tế học cũng là lĩnh vực cổ điển của tinh thần tự từ bỏ bản thân. Và mọi vấn đề nổi lên từ lĩnh vực này: đều mang tính chất thực hành.

Thực hành là gì? Nhà triết học Hungary Szabó Lajos tuyên bố: thực hành không là gì khác ngoài một lý thuyết bị tước, bị rút. Thực hành là tinh thần bị đắm chìm, bị chìm xuống. Bởi vậy tất cả những gì chỉ mang tính chất thực hành đều phi tinh thần, hòa bình và thịnh vượng phi tinh thần, bởi cả hai điều không liên quan gì đến những vấn đề của quyền lực và sự ngự trị, thậm chí nó còn muốn giải quyết các vấn đề của trật tự đời sống bằng khóa trái hoàn toàn các câu hỏi giữa quyền lực và sự ngự trị.

Nó không nhìn thấy rằng chiến tranh và nạn nghèo đói chỉ có thể bắc cầu qua một điều: một trật tự đời sống đúng đắn. Và điều nay không mang tính chất thực hành mà là vấn đề của tinh thần. Rathenau đưa ra sự thực hành và dẫn đến điều cần phải đến: một trật tự đời sống ba xu, rẻ tiền. Nếu con người muốn đề cập nghiêm túc tới sự giải quyết những câu hỏi của một trật tự đời sống, lúc đó cần gạt những sự vụ của hòa bình và thịnh vượng sang một bên. Lúc đó, một lần nữa cần làm lộ ra nỗi căng thẳng giữa tính chất người-quyền lực và sự ngự trị-thánh thần để tạo ra một cách giải quyết như thế nào đó.

Giờ đây vị trí của tinh thần chỉ có thể có hai kiểu: hoặc phê phán hoặc cô lập. Trên mọi lĩnh vực. Trong nghệ thuật đối ngược với sự thao túng của các tác phẩm rẻ tiền chính là sự thụ động hoặc chối bỏ của tinh thần, cũng như trong các phong trào xã hội, hoặc những lĩnh vực khác. Bước vào cái đang đang hiện hành, tinh thần không muốn – nó không thể bước vào tham dự. Quan hệ hợp lý duy nhất của tinh thần là: phản đối. Sự ứng xử duy nhất chứng nhận nó: phê phán. Từ đây có thể hiểu tính chất thụ động của tinh thần thời hiện tại. Bởi vậy nó là một nền văn học phê phán lớn. Bởi vậy nó là sự nổi loạn và lên án, bởi vậy nó là nền văn học của sự khủng hoảng toàn bộ. Trong âm thanh phê phán này nó tuyên bố: tinh thần không cho phép. Có một kiểu hành vi khác của tinh thần: sự cô lập. Còn lại một mình, khó hiểu, bất lực, bởi không bao giờ tác động đến thế gian nữa. Không tiếp nhận, thậm chí khước từ. Sự cô lập này một phần vì bắt buộc, mặt khác bởi sự thượng đẳng của tinh thần không chịu nổi sự pha tạp hỗn loạn. Nếu muốn đi tìm những nét cụ thể của gương mặt tinh thần, giờ đây chỉ có hai kiểu: phê phán và cô lập, cả hai kiểu tránh xa các sự kiện, thời đại, xã hội, nhà nước, không có mối quan hệ với những điều trên, chỉ còn lại với mình và một mình.

Bởi vì tinh thần đồng nhất với chính bản thân nó nên nó là trật tự đời sống của một sự sống vĩnh cửu thực chất. Lão Tử viết: „ Cả thế gian cho rằng trật tự đời sống của sự sống vĩnh cửu thật tuyệt vời nhưng không thể thích nghi với hiện thực. Nhưng chính sự tuyệt vời trong nó là không thể thích nghi với hiện thực. Bởi việc có thể thích nghi diễn tiếp sẽ dẫn đến những tiểu tiết vụn vặt” Đây là tính chất cơ bản nhất của tinh thần. Không quan tâm đến sự thích nghi. Nó nói điều nó muốn, điều nó nghĩ, thậm chí điều nó theo.

Tất cả những gì không chạm nổi đến tinh thần đều thử bắt tinh thần im lặng, hoặc né tránh, hoặc bóp nghẹt, hoặc xua đuổi tinh thần. . Nhưng không làm nổi, bởi vì nếu xảy ra, cần phải bước vào quan hệ với tinh thần, và kiểu gì cũng phải bước vào mối quan hệ với tinh thần, và lúc đó kiểu gì cũng phải sụp mắt xuống và lặng nghe tinh thần vì một nỗi xấu hổ. Có vẻ rằng ngày nay ở đâu cũng xuất hiện tinh thần, và tất cả những gì đang có của thời đại đều phải sụp mắt xuống và lặng nghe.

Tinh thần, ngày nay không ở trong thời đại mà đứng ngoài thời đại. Nó nhìn thời đại, một cách thượng đẳng, một cách nghiêm khắc và không khoan nhượng. Khuôn mặt tinh thần của thời đại ra sao? – Thời đại này không có khuôn mặt tinh thần. Cái đặc trưng nhất của thời đại này là sự thụ động hoàn toàn đứng về mặt tinh thần.

Tinh thần đã ra khỏi thời đại, đứng ngoài nhìn vào, xa lạ, từ trên nhìn xuống, lạnh lùng, xa xôi, trong một sở hữu tri thức khủng khiếp, nói rằng: tất cả những gì ta làm, vô ích và thiếu ta các ngươi không đạt tới bất kỳ cái gì. Và tinh thần nhìn với một cái nhìn và một khoảnh khắc không thể không cảm thấy và là một cái nhìn không thể trốn tránh. Nó nhìn quyền lực, xã hội, các thói quen, các ngành nghệ thuật, nhìn đời sống thường nhật, đời sống cá nhân riêng tư và từ những cái nó nhìn thấy, nó không chấp nhận bất cứ điều gì.

Và nếu người ta bảo: tinh thần thật là tuyệt vời nhưng không thể thích nghi với hiện thực, nó sẽ trả lời: Như Lão tử đã nói, chính cái tuyệt vời trong tinh thần là sự không thích nghi với hiện thực, như thể chưa từng thích nghi, bởi vì sự thích nghi tiếp tục chỉ dẫn đến những tiểu tiết vụn vặt. Và tất cả mọi người đều biết, tinh thần đúng. Nhiều hơn cả sự thích nghi – tinh thần giữ gìn một trật tự đời sống của một sự sống vĩnh cửu thật sự.

Ngày nay tinh thần đứng ngoài thời đại và bi thảm. Bi thảm bởi nó bất lực, nó thụ động từ sự bắt buộc, bị khóa lại và bị bỏ bê. Nhưng từ nền tảng này nổi lên một câu hỏi từ một khía cạnh khác, với đủ thẩm quyền: Phải chăng đối với một thời đại đã loại bỏ tinh thần, đã trốn tránh tinh thần, một thời đại không muốn biết đến tinh thần, sự loại bỏ này, sự trốn tránh này có ý nghĩa hay không? hay chính là một bi thảm sâu sắc hơn và tối tăm hơn cả vị trí của tinh thần ngày hôm nay.

tháng 7, 2020
Nguyễn Hồng Nhung
(dịch từ nguyên bản tiếng Hungary)

Hamvas Béla

Tiểu sử tác giả


Hamvas Béla sinh ngày 23.3.1897 tại Eperjes (nay thuộc Slovakia) trong một gia đình Thiên Chúa giáo. Năm 1898 vì nghề nghiệp của cha, gia đình ông chuyển đến Bratislava. Năm 1915, sau khi tốt nghiệp trung học, Hamvas Béla tình nguyện gia nhập quân đội, sau một năm, bị thương, ông trở về nhà và bắt đầu đọc Kant, Rimbaud, Dostoiepxki, Schopenhauert, nhưng trước hết ông đọc Nietzsche. Năm 1919, cha ông vì từ chối không tuyên thệ trung thành với nước Slovakia, nên cả gia đình ông bị đuổi ra khỏi Bratislava, chuyển đến Budapest. Từ 1919-1923 ông học khoa Hungary-Đức tại Đại học PazmányPéter, ông làm nhà báo 3 năm tại báo Tin tức Budapest Szozat. Từ 1927-1948 ông làm thủ thư tại thư viện thành phố. Thời gian này ông viết các bài nghiên cứu, tiểu luận, các bài phê bình cho 25 thể loại tạp chí, trong đó có những tạp chí nổi tiếng như Athenaeum, Nyugat. Hamvas Béla cùng Kerényi Károly thành lập nhóm Đảo, một liên minh tinh thần lấy từ truyền thống Hi Lạp cổ, nhóm này tập trung đông đảo các nhà văn, nhà triết học có tên tuổi của Hungary như: Szerb Antal, Németh László, Kövendi Dénes, Dobrovits Aladár, Molnár Antal và nhiều người khác. Nhưng sau ấn phẩm gồm ba tập (1935-1936) nhóm Đảo tan rã, một hoạt động cộng đồng tinh thần như thế không thể thực hiện được. Hamvas Béla đã ghi lại những kinh nghiệm cay đắng trong cuốn Hyperion Hungary: “Tôi ở đây giữa mọi người, trên trái đất này, mọi ý định của tôi đều không có kết quả, mọi từ ngữ của tôi vô ích, mọi kế hoạch của tôi tan vỡ, tôi đã thất bại, không ai nhận ra tôi, tôi trở nên thừa thãi, và không được chấp nhận.”Trong những năm 1930-1940 ông viết gần ba trăm tiểu luận. Đối với ông viết là thực hành yoga.

Ông lấy người vợ thứ hai, một bạn đời tinh thần rất quan trọng, bà Kemény Katalin (1909-2004), người sau khi Hamvas Béla mất, đã cùng Dúl Antal, một đại diện của hậu thế rất ngưỡng mộ ông, cùng chăm lo việc xuất bản các tác phẩm của ông. Trong thời kì Thế chiến thứ II, Hamvas Béla ba lần bị gọi vào quân ngũ, nhưng không ngăn cản được công việc dịch thuật của ông, như tác phẩm của các tác giả: Lão Tử, Böhme, Hêraclit, Khổng Tử, Henoch. Năm 1943-1944 ông viết tập I tác phẩm Scientia Sacra, cuốn sách đánh dấu giai đoạn sáng tác thứ hai của nhà văn. Với cuốn sách này, ông gia nhập trường phái truyền thống với những nhân vật ưu tú nhất của thời đại: Julius Evola, René Gúenon và Leopold Ziegler. Hamvas Béla cắt nghĩa: Truyền thống là sự trường tồn phi thời gian của tinh thần. Các tác phẩm của Hamvas – đầu tiên và duy nhất – lập ra một vũ trụ truyền thống, bằng sự tạo dựng nền tảng linh hồn nhận thức ra tinh thần. Trong thời kì chiến tranh, tập tiểu luận triết học đầu tiên ra đời: Câu chuyện vô hình (1943). Năm 1964 ông về hưu. Trong ba năm cuối đời Hamvas Béla hoàn thành nốt các tác phẩm khác trong đó có Scientia Sacra tập II nổi tiếng. Ông viết chủ yếu là tiểu luận, một thể loại tự do, như một thí nghiệm thể loại. Mọi sáng tác của ông, kể cả tiểu thuyết đều ở dạng tiểu luận.

Ngày 7.10.1968 ông mất sau một cơn chảy máu não. Cho đến tận những năm 70 của thế kỉ XX, tác phẩm của Hamvas Béla chủ yếu chỉ lưu truyền dưới dạng bản thảo đánh máy. Bắt đầu từ những năm 80, dần dần tác phẩm của Hamvas Béla được ra mắt công chúng, nhưng vẫn bị kiểm duyệt, ví dụ tiểu thuyết Karneval (1985) bị cắt xén trước khi được in.

Năm 1990, Hamvas Béla được truy tặng giải thưởng Kossuth.

Năm 1996: Giải thưởng Di Sản Hungary.

Năm 2001: Giải thưởng Vì Nghệ Thuật Hungary.

Ngày nay Hamvas Béla được đánh giá là một trong những nhà văn, nhà triết học vĩ đại nhất của châu Âu thể kỉ XX, và trong nền văn hóa Hungary.

Nguồn : Wikipédia ; Nguyễn Hồng Nhung dịch






No comments:

Post a Comment