Wednesday, July 29, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 29/07/2020 (The Economist)




The Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
29/07/2020

Các trường hợp mắc covid-19 tăng đột biến ở một số nước vốn đối phó tốt với căn bệnh này. Đức ghi nhận 3.611 ca nhiễm mới trong tuần qua; người đứng đầu cơ quan y tế công cộng của đất nước đã chỉ trích người Đức “lơ là” giãn cách xã hội. Còn Trung Quốc công bố 64 ca mới vào thứ Ba, nhiều nhất kể từ tháng 3. Phần lớn là ở Tân Cương, gây lo ngại về khả năng lây nhiễm trong các trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ.

Các cổ đông của McDonald sẽ buồn lòng khi đọc báo cáo thu nhập tệ nhất trong 13 năm qua của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này. Nguyên nhân chủ yếu là do phong tỏa bên ngoài thị trường cốt lõi Mỹ. Giám đốc điều hành Chris Kempczinski nói bán mang về và giao hàng tại nhà giúp giảm bớt thiệt hại. Chuỗi này có kế hoạch đóng cửa khoảng 200 cửa hàng ở Mỹ trong năm nay.

Bộ trưởng tư pháp William Barr đã bảo vệ cách chính quyền Mỹ xử lý các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Portland, Oregon và các thành phố khác của Mỹ. Trong một phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Hạ viện về sự tàn bạo của cảnh sát, quyền bầu cử và sự can thiệp của ông vào các vụ án lớn, ông Barr nói “những kẻ  bạo loạn  và vô chính phủ đã làm tổn hại các cuộc biểu tình hợp pháp” chống lại bất công chủng tộc. Đảng Dân chủ cáo buộc ông giúp sức cho chương trình nghị sự chính trị của Tổng thống Donald Trump.

Cuộc họp ủy ban chính sách tiền tệ của Fed mở đầu với thông báo mở rộng chương trình cho vay khẩn cấp được thiết kế để bảo vệ nguồn vốn ngắn hạn và thị trường nợ doanh nghiệp khỏi tác động của covid-19, cũng như các khoản vay dành cho doanh nghiệp cỡ vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chương trình này, ban đầu dự kiến ​​kết thúc vào tháng 9, sẽ tiếp tục thêm ba tháng nữa.

Pfizer báo cáo lợi nhuận giảm 32% trong quý hai so với cùng kỳ năm trước. Các sếp công ty đổ lỗi cho những hạn chế do covid gây ra làm tổn hại doanh số và tiếp thị. Gã khổng lồ ngành dược phẩm đã điều chỉnh doanh thu dự kiến ​​năm 2020 từ 48,6 tỷ đô la lên 50,6 tỷ đô la, vì họ dự đoán hạn chế sẽ được nới lỏng. Phân tích này chưa bao gồm lợi nhuận tiềm năng từ vắc-xin covid-19 mà hãng đang phát triển cùng công ty Đức BioNTech.

Trong một dấu hiệu cho thấy đà hồi sinh gần đây của Peugeot, nhà sản xuất ô tô Pháp đã kiếm được một khoản lợi nhuận nhỏ trong nửa đầu năm 2020, ngay cả khi doanh thu giảm 34,5% xuống còn 25,1 tỷ euro (29,5 tỷ đô la) vì đại dịch covid-19. Đối thủ đến từ Nhật Bản, Nissan, thì kém may mắn hơn. Họ dự đoán một khoản lỗ hoạt động 470 tỷ yên (4,5 tỷ đô la) trong năm nay.

Cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bị kết án bảy tội danh bao gồm lạm quyền, vi phạm hình sự về lòng tin và rửa tiền bởi Tòa án Tối cao Kuala Lumpur. Đây là phiên đầu tiên trong năm phiên tòa hình sự xét xử các cáo buộc ông Najib làm mất tích hàng tỷ đô la từ một quỹ đầu tư nhà nước thời ông còn đương chức những năm 2009-2015. Ông phủ nhận hành vi sai trái, nhưng bị kết án 12 năm tù và phạt 210 triệu ringgit (49 triệu đô la).

TIÊU ĐIỂM

Fed bàn về chính sách tiền tệ
Cục Dự trữ Liên bang xem ra sẽ không thay đổi nhiều về chính sách khi cuộc họp của họ kết thúc hôm nay, vào thời điểm quan trọng cho nền kinh tế Mỹ. Ủy ban chính sách tiền tệ họp lần cuối hồi đầu tháng 6, trong bối cảnh kinh tế vừa chớm phục hồi và số ca nhiễm covid-19 mới giảm. Dù vậy, chủ tịch Fed Jerome Powell đã hứa lãi suất sẽ ở mức thấp vô thời hạn khi nền kinh tế lấy lại những gì đã mất sau vụ sụp đổ trong mùa xuân.
Giờ đây số ca nhiễm tăng vọt. Phục hồi đã chậm lại. Áp lực đang thúc giục Fed phải làm nhiều hơn. Chính sách tiền tệ mới theo hướng nới lỏng đồng nghĩa với việc thử nghiệm các chính sách phi truyền thống, như giới hạn lãi suất dài hạn, dù không thật rõ về tính hiệu quả. Trong khi đó, tương lai vẫn còn bất định. Đại dịch sẽ tệ đến đâu? Quốc hội sẽ bơm thêm các kích thích tài khóa nào khi một số chương trình hết hạn vào cuối tháng 7? Ông Powell sẽ biết nhiều hơn trong cuộc họp tiếp theo của Fed, vào tháng 9. Đến lúc đó sẽ rõ liệu có cần kích thích tiền tệ thêm hay không.

Mâu thuẫn trong xã hội Thái Lan thêm chồng chất sau đại dịch
Nội các Thái Lan dự kiến sẽ đồng thuận kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia lần thứ tư – ngay cả khi không có ca nhiễm covid-19 mới nào tại địa phương  được báo cáo trong nhiều tháng. Chính phủ được quân đội hậu thuẫn từ lâu đã muốn áp dụng chính quyền quân quản. Nhưng giới sinh viên Thái Lan muốn các tướng già phải nghỉ. Họ yêu cầu thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người từng là tổng chỉ huy quân đội, phải từ chức, chấm dứt giết hại các nhà hoạt động chống quân chủ và yêu cầu một hiến pháp mới. Hiến pháp hiện tại trên thực tế là không thể thay đổi được và  cho phép giới quân sự-bảo hoàng được nắm quyền vĩnh viễn.

Chiến lược đánh bại virus bằng mọi giá của chính phủ nhìn chung tương đối thành công. Nhưng nền kinh tế đang sụp đổ. GDP dự kiến giảm sâu nhất trong lịch sử. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế quan trọng đã từ chức. Du lịch đã sụp đổ. Mức nợ hộ gia đình, bất bình đẳng và nghèo đói đều tăng. Virus có thể mang lại sự thay đổi về kinh tế và chính trị. Hoặc có thể nó  lại kích hoạt một chu kỳ biểu tình, bầu cử và đảo chính khác.

CEO của các hãng công nghệ lớn điều trần trước Quốc hội Mỹ
Một làn sóng tin tức về các hãng công nghệ lớn sẽ tràn ngập trong hôm nay. Tại một phiên điều trần quốc hội, các giám đốc điều hành của Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon, Apple và Facebook sẽ đối mặt với các câu hỏi từ các nhà lập pháp. Đây là lần đầu tiên họ xuất hiện cùng nhau ở Washington. Ngày mai, cả bốn công ty đều công bố kết quả quý, lần đầu tiên cùng một ngày (công bố thu nhập đã bị hoãn lại cho phù hợp với phiên điều trần).

Các giám đốc điều hành sẽ không nói gì quá thú vị. Họ sẽ xuất hiện cùng một lúc và trực tuyến, do đó sẽ không có những màn đối đáp kịch tính và tự ứng biến (mặc dù có người cho rằng họ sẽ phải đối mặt với một số cáo buộc công ty của họ lạm dụng vị thế thống trị thị trường). Ngược lại, kết quả tài chính sẽ có những thông tin thú vị. Chúng bao gồm quý đầu tiên bị covid-19 ảnh hưởng toàn bộ thời gian và sẽ cho thấy thiệt hại, nếu có, đối với ngành công nghệ.

Đức họp bàn cải cách quản lý tài chính sau vụ Wirecard
Hôm nay, ủy ban tài chính của Hạ viện Đức sẽ thảo luận về hệ quả từ sự sụp đổ khó tin của Wirecard, hãng xử lý thanh toán kỹ thuật số vừa nộp đơn phá sản một vài tuần trước. Trước các khiếu nại rằng vụ gian lận trên quy mô lớn đã không bị phát hiện trong nhiều năm, chính phủ tuyên bố sẽ cải cách giám sát tài chính.

Tuần trước, Bộ Tài chính đã trình bày kế hoạch 16 điểm nhằm tăng cường sức mạnh của BaFin, cơ quan quản lý tài chính của Đức, theo đó sẽ đặt các công ty như Wirecard trực tiếp dưới quyền giám sát của BaFin (phần lớn hoạt động kinh doanh của Wirecard trước đây được điều hành bởi chính quyền quận Thượng Bavaria). Olaf Scholz, bộ trưởng tài chính và Peter Altmaier, bộ trưởng kinh tế, sẽ tham gia cuộc họp ở Quốc hội. Các chính trị gia cho rằng kế hoạch của ông Scholz là chưa đủ. Và Ủy ban Châu Âu đang xem xét để cơ quan giám sát ngân hàng EU phụ trách các công ty fintech, thay vì các cơ quan quản lý quốc gia.

Các ngân hàng Châu Âu chuẩn bị công bố thu nhập quý
Đại dịch chắc chắn gây tổn thất tín dụng nặng nề cho các ngân hàng Châu Âu. Mùa công bố thu nhập quý hai sắp tới có thể tiết lộ thêm một chút về tổn thất thực tế. Giao dịch bận rộn trên các thị trường tài chính ít nhất có thể giúp mảng ngân hàng đầu tư của Barclays và Deutsche Bank, cả hai công bố thu nhập hôm nay, bù đắp được một phần những rắc rối đó (như tại UBS, công bố hồi tuần trước, và tại các đại gia Phố Wall).
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã yêu cầu những người cho vay khu vực đồng euro không trả cổ tức và không mua lại cổ phiếu trong năm nay, và “hết sức cẩn trọng” về tiền thưởng, nhằm bảo toàn vốn trong cơn bão. Các nhà tư vấn tại Oliver Wyman ước tính các ngân hàng châu Âu sẽ phải chịu mức giảm tín dụng  400 tỷ euro (tương đương 470 tỷ đô la) cho tới năm 2022, với nhiều năm thu nhập yếu theo sau đó. Đây gần như tương đương với tổn thất do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2010-2012 gây ra. Điều đó rất tệ nhưng có thể chịu đựng được. Nó đỡ hơn nhiều so với khủng hoảng toàn cầu 2007-2009 và ngày nay các ngân hàng cũng ở thế vững chắc hơn.







No comments:

Post a Comment