Monday, July 27, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 27/07/2020 (The Economist)




The Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch
27/07/2020

Trong bối cảnh số ca nhiễm covid-19 được xác nhận trên toàn cầu đạt 16 triệu, với ít nhất 644.000 trường hợp tử vong, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo sẽ không thể quay lại “bình thường cũ”. Trong một dấu hiệu cho thấy căn bệnh đang lây lan nhanh chóng, hơn một triệu ca nhiễm mới vừa được ghi nhận chỉ trong bốn ngày. Gần 40 nước báo cáo mức tăng ca nhiễm trong ngày kỷ lục vào cuối tuần qua.

Một số quốc gia, bao gồm Anh và Na Uy, đã tái áp dụng cách ly đối với khách du lịch từ Tây Ban Nha sau khi số ca nhiễm mới tăng lên ở Catalonia. Tui, hãng tổ chức tour du lịch lớn nhất Châu Âu, đã hủy tất cả các chuyến đi nghỉ tại Tây Ban Nha lục địa trong hai tuần tới. Trong khi đó, báo El País công bố một cuộc điều tra ước tính rằng số người chết tại  Tây Ban Nha do covid-19 có thể cao hơn 60% so với con số chính thức là 28.432.

Bão nhiệt đới cấp 1 Hanna đổ bộ vào bờ biển Texas, đe doạ tàn phá một khu vực của nước Mỹ vốn đã bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Hơn 283.000 ngôi nhà và doanh nghiệp bị mất điện do bão. Thống đốc Texas Greg Abbott đã ban hành một tuyên bố thảm họa cho 32 quận dọc đường đi của bão Hanna.

Quốc hội Somalia đã loại bỏ thủ tướng nước này, Hassan Ali Khaire, trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sự ra đi của thủ tướng diễn ra trong bối cảnh tranh cãi giữa ông và tổng thống Mohamed Abdullahi Mohamed về cuộc bầu cử vào tháng 2 năm sau. Thủ tướng khẳng định vẫn tiến hành; trong khi tổng thống muốn hoãn lại vì lo ngại an ninh.

Hơn 700 lính cứu hỏa đã chiến đấu với một trận cháy rừng quét qua một phần của miền trung Bồ Đào Nha gần thị trấn Oleiros. Một lính cứu hỏa đã thiệt mạng vì tai nạn đường bộ trong khi đối phó với ngọn lửa; sáu người khác bị thương. Ở Pháp, một tình nguyện viên của nhà thờ đã thừa nhận châm lửa đốt cây đàn từ thế kỷ 17 của Nhà thờ Nantes, cùng với một số cửa sổ kính màu.

Các cuộc biểu tình Black Lives Matter tiếp tục diễn ra ở các thành phố trên khắp thế giới. Một người đã bị bắn chết trong một cuộc biểu tình ở Austin, Texas. Ở Portland, Oregon, xảy ra những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và quân đội liên bang. Nhưng một số cuộc biểu tình được lên kế hoạch cho tuần này tại Úc đã bị lệnh của tòa án phải ngừng lại vì cảnh sát lo ngại các cuộc tụ họp có thể khiến covid-19 lây lan.

Ngay trước ngày Chiến thắng của Triều Tiên, nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa ở một thị trấn biên giới sau khi thông báo ca nhiễm covid-19 “đầu tiên”, một người di cư vượt biên trái phép từ Hàn Quốc. Nước này được cho là có một ổ dịch lớn hơn nhiều so với điều họ thừa nhận. Việc công bố trường hợp đầu tiên có thể là một lời cầu xin giúp đỡ từ nước ngoài để chống lại căn bệnh.

TIÊU ĐIỂM

Triều Tiên mừng Ngày Chiến thắng
Triều Tiên hôm nay kỷ niệm Ngày Chiến thắng, ngày ký hiệp định đình chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Nhiều khả năng sẽ có các sự kiện lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tất nhiên không có một chiến thắng nào ngoài thế đình chiến bế tắc của một cuộc chiến đẫm máu; di sản là một bán đảo Triều Tiên bị chia cắt. Ở miền Bắc lịch sử không nhằm phục vụ sự thật mà là để phục vụ chế độ độc tài của Kim Jong Un.

Một lời nói dối khác là cuộc chiến được khởi đầu bởi đế quốc Mỹ và những con rối Hàn Quốc của họ, chứ không phải là do Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc. Năm 2018, trong một giai đoạn hoà hoãn ngắn, ông Kim và người đồng cấp Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in, đã đồng ý ký một hiệp ước hòa bình cuối cùng. Nhưng ông Kim đã hung hăng trở lại.

Về tin tức sáng sủa hơn, nhóm nhạc toàn nữ được yêu thích của nhà độc tài, ban nhạc Moranbong (Mẫu Đơn Phong), mà hôm nay có khả năng sẽ biểu diễn, sắp tuyển thành viên mới. Trong một quá trình xét tuyển được giám sát bởi em gái của Kim, các ứng viên phải cao ít nhất 165cm và vững chắc về ý thức hệ.

Tổng thống Philippines đọc thông điệp quốc gia
Hôm nay, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ đọc thông điệp quốc gia hàng năm của ông trước một quốc hội đang thực hiện giãn cách xã hội. Đất nước của ông đang ở trong tình trạng tương tự như nhiều nước khác. Những nỗ lực ngăn chặn đại dịch covid-19 đã làm tê liệt nền kinh tế,  cho đến nay là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Đây là một dịp tốt để vạch ra kế hoạch phục hồi kinh tế.

Đặc điểm chính của tổng thống là ông có xu hướng để lại những vấn đề mà ông không biết, chẳng hạn như kinh tế, cho các bộ trưởng của mình. Độ dài của bài nói sẽ cho thấy liệu kế hoạch phục hồi kinh tế có đủ bền vững hay không. Nếu bài phát biểu của ông Duterte ngắn gọn và có sức thuyết phục, nó có thể được viết bởi một cấp dưới, và do đó có thể chứa một số thông tin kinh tế hợp lý. Nhưng nếu đó là một trong những bài độc thoại lan man, mạnh miệng, phần lớn là ngẫu hứng thường thấy của ông, thì niềm tin của giới kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Các hãng mỹ phẩm Ấn Độ và vấn đề phân biệt chủng tộc
Một phụ nữ, người đang gặp khó trong công việc, phải thường xuyên đối diện với những lời lăng mạ từ đồng nghiệp về làn da nâu của mình. Cô chuyển sang dùng loại kem làm sáng da mới nhất và trở thành người thành công. Một phụ nữ khác thì sử dụng sản phẩm đó để cải thiện triển vọng hôn nhân của mình. Trong các quảng cáo truyền hình, các đại gia hàng tiêu dùng thường rao bán các loại mỹ phẩm làm bất an  những người có da sẫm màu ở Ấn Độ.

Giữa những cuộc biểu tình và những lời buộc tội về phân biệt chủng tộc, Hindustan Unilever, công ty con ở Ấn Độ của gã khổng lồ Anh-Hà Lan, hồi đầu tháng này đã bỏ chữ “fair” (da sáng) khỏi kem bôi da “Fair & Lovely”. Công ty đã đổi tên thương hiệu thành “Glow & Lovely” dành cho nữ và “Glow & Handsome” dành cho nam. Công ty cho biết các quảng cáo cũ của họ là “không phù hợp với các giá trị hiện tại của thương hiệu”. Hôm nay, Emami, một tập đoàn Ấn Độ, sẽ tuyên bố tại tòa rằng họ đã sử dụng tên “Glow & Handsome” một tuần trước khi Hindustan Unilever đổi tên thương hiệu. Cuộc chiến pháp lý này, trong một thị trường đông đúc trị giá 670 triệu đô la một năm, hứa hẹn sẽ nảy lửa.

Anh và EU vẫn bế tắc trong đàm phán
Các cuộc đàm phán không chính thức giữa Anh và EU tiếp diễn trong tuần này, trước phiên chính thức vào giữa tháng 8. Sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6, mục tiêu là đạt được sự thống nhất về các nguyên tắc chủ yếu cho một thỏa thuận thương mại vào cuối tháng 7, nhưng mục tiêu này đã bị từ bỏ. Khác biệt lớn vẫn còn đó, đặc biệt là đối với EU, bên nhấn mạnh vào các điều kiện sân chơi bình đẳng để ngăn chặn việc giảm các tiêu chuẩn xã hội, lao động và môi trường,  hay về các quy định trợ cấp nhà nước và về việc EU được tiếp cận ngư trường của Anh.

Cả hai bên gợi ý rằng vẫn chưa thể có thỏa hiệp cho đến tháng 9. Nhưng với việc không bên nào muốn bị lợi dụng nếu nhượng bộ, sẽ chẳng có bên nào chịu ngỏ lời. Do Anh bác bỏ việc gia hạn quá trình chuyển tiếp sang năm sau, đàm phán sẽ nóng lên vào tháng 10. Nguy cơ Anh rời đi vào ngày 31 tháng 12 mà không có thỏa thuận thương mại vẫn còn cao.

Trump cử lực lượng liên bang đến các thành phố
Vào ngày 26 tháng 6, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép các sĩ quan thực thi pháp luật cấp liên bang “hỗ trợ”  việc bảo vệ tài sản liên bang trước “những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và những kẻ cực đoan cánh tả”. Ở Portland, Oregon, các sĩ quan liên bang đã dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán các cuộc biểu tình. Họ cũng đã kéo lê những người biểu tình không vũ trang khỏi đường phố, đẩy họ vào những chiếc xe tải không phù hiệu và đưa họ đến những địa điểm không được tiết lộ.

Cảnh sát liên bang cũng đã được gửi đến Seattle và Thành phố Kansas; ông Trump có kế hoạch gửi thêm tới Chicago, Detroit và Albuquerque. Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuyên bố các đặc vụ liên bang sẽ giúp chống lại tội phạm bạo lực, mà theo truyền thống là nhiệm vụ của cảnh sát bang và địa phương. Một số người nghi ngờ rằng ông Trump, hiện bị đối thủ Dân chủ Joe Biden dẫn trước trong hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến, muốn khơi dậy hơn là dập tắt tình trạng bất ổn –  điều tốt hơn cho một chiến dịch tranh cử dựa trên cương lĩnh luật pháp và trật tự. Thời điểm 1967-68, lần gần nhất nước Mỹ phải đối mặt với tình trạng bất ổn lan rộng như vậy, Tổng thống Lyndon Johnson cũng đã phái lực lượng liên bang xuống ổn định các thành phố. Nhưng khác với hiện tại, lúc đó các quan chức địa phương yêu cầu được trợ giúp.






No comments:

Post a Comment