Thursday, July 23, 2020

ÔNG TRUMP GỬI HÀNG TRĂM ĐẶC VỤ LIÊN BANG ĐẾN CÁC THÀNH PHỐ (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
23 tháng 7 năm 2020

Tổng thống Donald Trump sắp sửa điều động lực lượng an ninh liên bang đến các thành phố của Mỹ trong một chiến dịch dẹp “tội phạm”. Chicago và hai thành phố khác do đảng Dân chủ điều hành hiện đang nằm trong tầm ngắm của tổng thống đảng Cộng hòa giữa lúc bạo lực đang gia tăng.

Nhưng việc điều động lực lượng liên bang đến Portland, tiểu bang Oregon đã gây tranh cãi. Giới chức địa phương nói rằng bước đi này đã làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh biểu tình đang diễn ra.

Lực lượng an ninh liên bang ở Portland hôm 21/7

Luật và chỉ thị đã trở thành các lá bài quan trọng trong nỗ lực muốn tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tháng 11.

Kể từ sau cái chết của người đàn ông da đen không vũ trang, George Floyd hôm 25/5, khi đang bị khống chế tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở hàng loạt thành phố tại Mỹ, đôi khi đưa đến tình trạng bất ổn xã hội.

Cùng lúc, bạo lực liên quan tới súng đã tăng mạnh ở các khu vực đô thị, gồm các thành phố New York, Philadelphia, Los Angeles, Chicago và Milwaukee.

Chiến dịch Legend là gì?

Chiến dịch này được đặt theo tên của cậu bé LeGend Taliferro, 4 tuổi, người đã chết sau khi bị bắn vào mặt lúc đang ngủ trong nhà ở thành phố Kansas hồi tháng Sáu. Mẹ của cậu đã có mặt trong buổi công bố chiến dịch của tổng thống hôm thứ Tư.

Trong chiến dịch này, đặc vụ từ Cục Điều tra liên bang (FBI) và các cơ quan liên bang khác sẽ phối hợp làm việc với lực lượng hành pháp địa phương, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.

Ông Trump - người tỉ lệ ủng hộ bị giảm sút trong các cuộc thăm dò giữa lúc kinh tế Mỹ bị đại dịch Covid-19 làm tê liệt - nói: "Sự gia tăng bạo lực làm chấn động lương tâm toàn quốc".
Ông đổ lỗi điều này là "một cú sốc kinh hoàng về các vụ xả súng, giết chóc, và tội ác bạo lực". Ông nói thêm: "Cuộc đổ máu này sẽ kết thúc."
Tổng thống, người cáo buộc đảng Dân chủ yếu kém trong việc phòng chống tội phạm, nói: "Trong những tuần gần đây, một phong trào cực đoan đang triệt phá và giải tán sở cảnh sát của chúng ta".
Ông nói rằng đấy là nguyên nhân khiến "các vụ xả súng, lạm sát, giết người và tội ác bạo lực bùng nổ kinh hoàng".
"Cảnh chém giết này phải kết thúc", ông nói.

Tỷ lệ ủng hộ tổng thống tính từ đầu năm 2020

Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người có mặt bên ông Trump, cho biết đã điều khoảng 200 đặc vụ liên bang tới thành phố Kansas, Missouri, và sẽ điều một lực lượng "tương đương" tới Chicago và khoảng 35 người khác đến Albuquerque, New Mexico.

Một ngân sách hơn 60 triệu đôla cũng được cung cấp để thuê thêm người cho lực lượng cảnh sát ở các thành phố bị ảnh hưởng.

Ông Barr cho biết các nhân viên liên bang sẽ sẽ tham gia vào việc "dẹp tội phạm kinh điển", không giống như việc triển khai các đặc vụ của Bộ An ninh Nội địa được gửi đến để "bảo vệ chống bạo loạn và đám đông bạo động" ở Portland.

Bộ trưởng Tư pháp trước đó đã phát lệnh thực hiện một cuộc truy quét liên bang tương tự, nhằm vào các hoạt động tội phạm đang gia tăng tại bảy thành phố của Hoa Kỳ hồi tháng 12 năm ngoái.

Điều gì đang xảy ra ở những thành phố này?

Tối thứ Ba, đặc vụ liên bang đã bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng vào người biểu tình ở Portland, nơi đã trải qua 54 đêm biểu tình liên tiếp.

Nhân viên liên bang sử dụng các loại công cụ, vũ khí kiểm soát đám đông, trong nỗ lực giải tán hàng trăm người tụ tập bên ngoài tòa án liên bang.

Nhân viên đặc vụ bị tố cáo sử dụng xe không có phù hiệu chạy quanh thành phố lớn nhất của tiểu bang Oregon trong trang phục quân đội và tùy tiện bắt giữ một số ít người biểu tình.

Thị trưởng Lori Lightfoot của thành phố Chicago hôm thứ Ba xác nhận rằng đặc vụ liên bang sẽ được triển khai đến thành phố để hỗ trợ cảnh sát địa phương.

"Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác, nhưng chúng tôi không hoan nghênh chế độ độc tài", bà Lightfoot nói trong một cuộc họp báo, cảnh báo rằng nhân viên liên bang không nên thực hiện các chiến thuật tương tự những gì họ sử dụng ở Portland.

Trong một sự kiện mới nhất ở Chicago, ít nhất 14 người bị bắn bên ngoài một nhà tang lễ trong vụ tấn công bị nghi liên quan đến băng đảng.

Những sự cố gây giết người tại thành phố này tăng 34% so với năm ngoái, theo báo Chicago Sun-Times.

Một cuộc khảo sát của FBI năm 2018 cho thấy tỷ lệ tội phạm bạo lực ở Albuquerque cao gấp 3,7 lần mức trung bình quốc gia. Tỷ lệ giết người và hiếp dâm cao hơn gấp đôi mức trung bình quốc gia trong năm đó.

Trong khi đó, trong năm 2020, Kansas City đang tiến đến con số kỷ lục về số vụ giết người, theo báo Kansas City Star. Thành phố hiện đã có 110 vụ giết người, với 50 vụ khác được ghi nhận trên toàn khu vực thủ phủ mở rộng.

                                                       ***

Chống tội phạm hay tranh cử?
Phân tích của Tara McKelvey, Kansas City

Nhiều người ở thành phố Kansas nói rằng kế hoạch của tổng thống không phải là điều mà nơi đây cần. Thành phố Kansas nghiêng về phe Dân chủ, và nhiều người phản đối chính sách của tổng thống cũng như phương pháp ban hành luật và chỉ thị đầy hung hăng của ông.

Thường thì trong các chiến dịch bầu cử, người ta thường hay sử dụng các chương trình chống tội phạm, và giới chỉ trích tổng thống nói rằng sáng kiến này nhắm vào người ủng hộ bảo thủ của ông ở vùng nông thôn hơn là những người sống ở Kansas City và các khu vực đô thị khác.

Giới chỉ trích ông Trump nói rằng sáng kiến này không thực sự là một nỗ lực chống lại tội phạm đô thị, và cho rằng đấy chỉ đơn giản là cách để ông khơi dậy sự nhiệt huyết trong số những người ủng hộ tổng thống trước cuộc bầu cử

                                                                ***

Tại sao tội phạm tăng vọt?

Các chuyên gia tư pháp hình sự lưu ý rằng làn sóng tội phạm đã bùng nổ giữa lúc đại dịch virus corona gây nên thất nghiệp hàng loạt.

Diễn đàn Nghiên cứu Hành pháp về Cảnh sát, một tổ chức phi lợi nhuận về thực thi pháp luật, nói với ABC News rằng, việc cho phép phóng thích sớm cho tù nhân để ngăn chặn lây lan của Covid-19 trong nhà tù, tại nhiều nơi, là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm gia tăng.

Cảnh sát thành phố New York thì đổ lỗi rằng sự tăng đột biến tội phạm ở đây là do luật cải cách tại ngoại, quy định thẩm phán phải thả các bị cáo đang chờ xét xử về các tội nghiêm trọng. Tương tự, các chuyên gia tư pháp hình sự cho biết, lệnh buộc ở nhà đã gây khó khăn cho cảnh sát trong việc tiếp cận cộng đồng, trong khi vụ giết Floyd đã làm mất lòng tin vào các cơ quan thực thi pháp luật trong các khu vực mà họ phục vụ.

Giám đốc Sở Cảnh sát New York, Terence Monahan, gần đây nói sự thù địch nhằm vào cảnh sát trong vài tháng qua đã khiến một số người tin rằng "cảnh sát không thể làm gì được nữa".

Cũng có ý kiến cho rằng một số cơ quan thực thi pháp luật có thể đang chùn bước trong bối cảnh tinh thần chống cảnh sát lan rộng.

Theo CBS News, thành viên nghiệp đoàn cảnh sát Chicago gần đây đã nhắn tin qua điện thoại khuyên nhau không tình nguyện làm thêm giờ, hạn chế các vụ bắt giữ và gọi điện cáo ốm để gây áp lực với chính quyền về sự cần thiết của lực lượng hành pháp.








No comments:

Post a Comment