Friday, July 3, 2020

NẠN KỲ THỊ NGƯỜI MỸ GỐC Á - PHẦN CUỐI (Nguyễn Thanh Việt - Time)




Nguyễn Thanh Việt  -  Time
Ian Bùi dịch
02/07/2020

Tiếp theo phần 1 — phần 2  —  phần 3 và 4

V

Sự có mặt của tôi, của ba mẹ tôi cũng như của đại đa số người Việt và Hmong trên đất nước này, đến từ cái gọi là Chiến tranh Việt Nam tại Đông Nam Á mà nước Mỹ đã góp phần. Cuộc chiến ở Lào được gọi là “Mật Chiến” bởi nó do CIA điều khiển và giữ bí mật không cho dân Mỹ hay biết. Bên trong nước Lào, người Hmong là một sắc dân thiểu số vô-quốc-gia. Các cố vấn CIA hứa hẹn nếu họ giúp CIA đánh cộng sản, Hoa Kỳ sẽ lo lại cho họ dù thắng hay bại, và có thể giúp họ lập một xứ sở riêng.

Khoảng 58,000 người Hmong đã bỏ mình chiến đấu bên cạnh người Mỹ, họ đánh cộng sản và giúp tìm kiếm phi công Mỹ bị bắn rơi trong những đợt thả bom bí mật ở Lào. Nhưng khi chiến tranh chấm dứt, CIA đã bỏ rơi đồng minh Hmong và chỉ đem một số nhỏ ra khỏi Lào sang Thái Lan. Những người kẹt lại phải chịu sự trừng phạt từ kẻ thù cộng sản.

Đó là tại sao gương mặt của Tou Thao ám ảnh tôi. Không chỉ vì chúng tôi nhìn hơi giống nhau bởi đều là người gốc Á, mà còn vì chúng tôi đến Mỹ do lịch sử chiến tranh của Hoa Kỳ. Đối với chúng tôi cuộc chiến ấy là một thảm kịch, cũng như nó là một thảm kịch đối với những người Mỹ Đen được gởi sang để “bảo đảm quyền tự do ở Đông Nam Á mà chính họ không tìm thấy ở Tây Nam Georgia hay ở Đông Harlem”, như Martin Luther King Jr. chua chát nói trong bài diễn văn “Beyond Vietnam”.

Trong bài nói chuyện cực kỳ kích tiến ấy, ông lên án không những nạn kỳ thị chủng tộc mà cả chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa quân sự, chủ nghĩa đế quốc và cỗ máy chiến tranh của Hoa Kỳ. Trong một bài diễn văn khác, ông kêu gọi chúng ta hãy nhìn “xã hội một cách toàn diện”, nghĩa là “phải nhận thức được rằng kỳ thị chủng tộc, bóc lột kinh tế và chiến tranh đều liên quan với nhau”.

Từ đó đến nay nước Mỹ không thay đổi gì mấy. Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia được xây dựng bằng chiến tranh và cho chiến tranh. Đó là tại sao “Vietnam”, ý nói Chiến tranh Việt Nam, vẫn tiếp tục ám ảnh một nước Mỹ luôn mắc kẹt trong một cuộc chiến bất tận. Và đó là tại sao gương mặt Tou Thao ám ảnh tôi. Nó là gương mặt một người chia sẻ một phần lịch sử với mình và đã hành động như tôi e mình cũng sẽ làm nếu phải đối mặt với bất công: không làm gì cả.

Trong bài thơ viết cho Tou Thao tựa đề “In the Year of Permutations” (Trong Năm của Hoán Thể), thi sĩ Hmong Mai Der Vang nói, “Hãy sống với chính mình sau cái việc anh đã không làm”. Rằng Tou Thao đã “a tòng thêm sức mạnh / đè lên trên chiếc cổ … Chưa hề được chấp nhận / chỉ là một con tốt”.

Dù cuộc sống một cảnh sát viên người Mỹ-gốc-Hmong có khác một kỹ sư Mỹ-gốc-Tàu tiêu biểu của thiểu số gương mẫu, hay một nhà văn Mỹ-gốc-Việt như tôi chăng nữa, thì sự lựa chọn về mặt đạo đức vẫn giống nhau. Đồng thanh hoặc đồng loã. Lớn tiếng chống lại, hay ngoảnh mặt quay lưng trước sự lạm dụng quyền lực. Nếu người Mỹ gốc Á chúng ta chọn thái độ thứ nhì, thì chúng ta quả thật là thiểu số gương mẫu xứng đáng được hưởng các quyền lợi cũng như mọi hiểm hoạ của nó.

Thách đố của chúng ta là làm thế nào vừa là người Mỹ-gốc-Á vừa tưởng tượng ra một thế giới cao xa hơn, nơi đó ta không cần phải làm người Mỹ gốc Á nữa. Đây không phải là vấn đề về hội nhập hay đa văn hoá. Đây là một thực tại mâu thuẫn, di sản của mầm mống mâu thuẫn cơ bản tạo nên cơ chế chính trị của nước Mỹ—nỗi khát vọng bình đẳng cho mọi người gắn liền với nhu cầu khai thác tài nguyên và lợi dụng người thiểu số được đánh dấu bởi màu da, khởi đầu từ nguồn gốc chinh phục người thổ dân và nhập cảng người nô lệ. Hoa kỳ là một ví dụ thành công của dự án thuộc địa, nhưng ở đây ta không gọi nó là thuộc địa. Thay vào đó ta gọi nó là “Giấc Mơ Mỹ”. Đó là lý do tại sao, như Mai Der Vang viết, “Giấc Mơ Mỹ sẽ không cứu nổi chúng ta”.

Người Mỹ gốc Nhật tại Los Angeles tiễn đưa thân nhân bị trục xuất về Nhật, tháng 10/1941. Nguồn: Hulton-Deutsch Collection/Corbis/Getty Images

Trong một đất nước mà mọi người đều bình đẳng thì lẽ ra cũng không có người “Mỹ gốc Á”, nhưng vì nạn kỳ thị chủng tộc cứ dằng dai, còn giới tư bản thì luôn cần lao động rẻ dựa trên chủng tộc, nên người “Mỹ gốc Á” vẫn còn. Chỉ khi nào chủ nghĩa kỳ thị và chủ nghĩa tư bản chấm dứt thì mới hết còn người Mỹ gốc Á. Trước vấn đề nan giải này, người Mỹ gốc Á có thể chọn thái độ biện hộ theo khuôn mẫu, tìm cách chứng minh điều bất khả là cái bản sắc “American”. Hoặc chúng ta có thể chọn khuôn mẫu của công lý, đòi hỏi quyền bình đẳng cho mình và mọi người dân.

Nếu chúng ta không hài lòng với những hạn chế và bất cập của nước Mỹ, đang được phô bày cực rõ trong cơn đại dịch này, thì đây chính là thời điểm ta có thể góp phần thay đổi cơ chế để đất nước này tốt đẹp hơn.

Nếu bạn tin nước Mỹ đang gặp cơn nguy khốn, thì kẻ chịu trách nhiệm nào phải người di dân mà là những đại gia có cổ phần trong các hãng xưởng; hãy nhìn vào các tay CEO ngay đây chứ đừng đổ thừa người nước ngoài; nếu nổi giận thì hãy giận các đại xí nghiệp chứ đừng giận người thiểu số; nếu muốn hét thì nên hét vào mặt các tay chính trị gia của cả hai đảng, chứ đừng hét vào mặt kẻ cô thế không có quyền hay tiền để sẻ san.
Khác với năm 1992, nhiều người Mỹ thuộc mọi thành phần đã nghiệm ra điều này. Xưa khi nổi xung họ xuống đường đốt phá Koreantown. Giờ họ bao vây Toà Bạch Ốc trong ôn hoà.

Để làm cho nước Mỹ thật sự vĩ đại, chúng ta phải đòi hỏi giới cầm quyền và giai cấp tài phiệt san sẻ quyền lực cùng sự sung túc. Bằng không chúng ta sẽ luôn luôn bị chia rẽ bởi sắc tộc. Đi tìm một Tou Thao giữa lằn ranh Hmong-Đen hay Đen-Á, lầm tưởng sắc tộc là vấn nạn và đáp án duy nhất, sẽ không cho ta thấy thông số chết người sau đây: Năm 2015, trong khi tỉ lệ người nghèo trên toàn quốc là 15.1%, nó là 24.1% cho người da Đen, và 28.3% cho người Hmong.

Vấn đề là sắc tộc, và giai cấp, và chiến tranh — một quốc gia gần như lúc nào cũng có chiến tranh ngoài biên giới, rồi khích người nghèo và thiểu số sắc tộc trong nước nội chiến lẫn nhau để họ bận rộn tranh giành chút tài nguyên thừa cặn. Ngày nào cơ chế da trắng thượng tôn lai ghép với tư bản bóc lột còn, ngày ấy còn những người viết các tấm bảng như: “Thêm một doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa bởi [điền vào chỗ trống]”, bởi đầu óc kỳ thị của con người luôn muốn đổ lỗi cho kẻ yếu thay vì kẻ mạnh.

Những người viết các tấm bảng như thế đang tham dự trò chơi chính trị căn cước thuộc loại nguy hiểm nhất, chủ nghĩa dân tộc Mỹ quốc, mà ngay từ thuở ban đầu đã được xây dựng bằng người da trắng có tài sản. Hệ thống công an, được thiết lập để bảo vệ những người da trắng, người có tài sản và đồng minh của họ, đến nay vẫn còn tiếp diễn. Dân da Đen dĩ nhiên quá rành chuyện này bởi đa số là hậu duệ những con người khi xưa từng bị xem là tài sản.

Ba mẹ tôi, khi mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, đã được dạy bài học này một cách tận tình. Hồi mới mở chợ New Saigon, ba mẹ cứ dặn tôi đừng bao giờ gọi cảnh sát nếu có chuyện. Ở Việt Nam, công an không tin tưởng được. Công an là tham nhũng. Nhưng ít năm sau, khi bị một tay súng (da trắng) tông cửa vô nhà dí súng vào mặt chúng tôi, và mẹ tôi đã chạy thoát được ra ngoài để cứu gia đình, tôi gọi cảnh sát.

Những người cảnh sát viên hôm đó là trắng và Latinô (nâu). Họ nói năng nhẹ nhàng và đối xử với chúng tôi rất lịch sự. Chúng tôi là nạn nhân. Chúng tôi có tài sản. Tuy nhiên bao giờ cũng sẽ có kẻ treo tấm bảng như kia vì địa vị của chúng tôi — những người có tài sản, những người tị nạn đang tạo dựng Giấc Mơ Mỹ, những người hàng xóm hiền lành bên cạnh người da trắng — lúc nào cũng mong manh dễ đánh mất.

Nhưng, kẻ treo tấm bảng đó đã không hiểu một sự thật căn bản: nước Mỹ là một doanh nghiệp được dựng lên bằng cách làm cho các doanh nghiệp khác phải dẹp tiệm. Đấy là chu kỳ tự nhiên của chủ nghĩa tư bản mà một giấc mơ Mỹ (gốc Á) đa văn hoá, công ty hoá, xuyên Thái Bình Dương có thể hoà điệu một cách dễ dàng. Ba mẹ tôi, những nhà tư bản bẩm sinh, đã thành công trong cái vòng xoay ấy cho đến khi chính mình cũng bị nó đào thải và phải dẹp tiệm.

Hồi ba mẹ tôi mới đến đây, thành phố San Jose không ngó ngàng gì tới khu vực downtown. Nhưng một khi Silicon Valley trỗi dậy, thành phố bỗng đổi chiến thuật. Nhận ra rằng một trung tâm kỹ thuật tân tiến cần phải có một gương mặt hiện đại, thành phố đã dùng quyền trưng dụng đất đai của nhà nước để buộc ba mẹ tôi phải bán tiệm lại cho chính phủ. Ngày nay đối diện New Saigon khi xưa là một toà Đô Chánh mới toanh sáng loáng, và đối diện nó sẽ là một hí viện nhạc giao hưởng, cũng sẽ mới và đẹp không kém.

Tôi thật sự yêu ý tưởng một dàn nhạc đại hoà tấu vươn lên từ mảnh vườn tị nạn tên New Saigon, nơi ba mẹ tôi không chỉ đổ mồ hôi mà cả máu do bị bắn trong một đêm trước Giáng Sinh. Nhưng rồi nhiều năm sau đó, mảnh vườn của ba mẹ tôi vẫn chỉ là một bãi đậu xe không ai chăm sóc. Cuối cùng thành phố phải bán nó đi với giá nhiều triệu đô la. Giờ đây người ta xây một khu condo đắt tiền trên phần đất xưa là Giấc Mơ Mỹ của ba mẹ tôi, nơi hai người từng gian nan phấn đấu. Dàn đại hoà tấu bị tắt tiếng luôn. Âu cũng là câu chuyện nước Mỹ.

Youa Vang Lee phát biểu trong cuộc biểu tình tại Minneapolis ngày 31/5. Nguồn: Brooklynn Kascel—Polaris

Cũng như câu chuyện này: mẹ của Fong Lee, bà Youa Vang Lee, tuần hành trước toà nhà quốc hội của Minnesota cùng đoàn biểu tình ‘Hmong 4 Black Lives’ ủng hộ người da Đen sau vụ thảm sát George Floyd. “Tôi phải có mặt nơi đây”, bà nói. Tuy bà dùng tiếng Hmong, nhưng cảm xúc của bà ai cũng có thể hiểu, không cần thông dịch.

Con tôi cũng bị giống vậy”.


Nói túm lại là chiến tranh Việt nam là do Mỹ gây ra, sự nghèo đói của dân da màu là do đám dân da trắng. Lấy hết tiền của đám giầu da trắng (1% dân số), chia cho dân da màu (99% dân số); có làm chúng ta giầu lên không (nếu được chia công bình). Theo tác giả chủ nghĩa tư bản gây ra bất công. Vậy chủ nghĩa xã hội sẽ giải quyết được vấn đề? Hãy nhìn VN, Venezuala, TQ, kể cả các nước ở châu Âu, có còn bất công không? Hồi ở VN, thường xuyên nghe những luận điệu này. Nay đã đuổi Mỹ đi, quyết xây dựng XHCN. Có khá hơn không?
.
KHÔNG




No comments:

Post a Comment