Thursday, July 30, 2020

COVID-19 : CUỘC CHẠY ĐUA TÌM VẮC-XIN ĐANG TỚI ĐÂU? (Anh Vũ - RFI)



Covid-19 : Cuộc chạy đua tìm vắc xin đang tới đâu ?

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 30/07/2020 - 11:36

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200730-covid-19-cu%E1%BB%99c-ch%E1%BA%A1y-%C4%91ua-t%C3%ACm-v%E1%BA%AFc-xin-kh%E1%BA%AFp-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-%C4%91ang-t%E1%BB%9Bi-%C4%91%C3%A2u

 

Trong khi trận đại dịch Covid-19 đã làm gần 700 nghìn người thiệt mạng trên thế giới và đà lây lan vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, vắc xin có lẽ là cứu cánh duy nhất để ngăn chặn virus SARS-ConV-2 đưa thế giới thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

 

Các nhà khoa học, phòng thí nghiệm trên khắp thế giới từ nhiều tháng qua đang lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra liều thuốc chủng công hiệu, an toàn phòng ngừa Civid-19.  Dù một số kết quả thử nghiệm lâm sàng gần đầy tỏ ra khả quan, nhưng đến nay thế giới vẫn chưa có loại vắc xin nào được coi là thành phẩm hoàn chỉnh. Cùng lúc, các cường quốc cũng lao vào cuộc chạy đua khốc liệt nhằm tìm ra liều thuốc quý tạo ra một cuộc cạnh tranh toàn cầu.

 

Trên thế giới hiện có bao nhiều « ứng viên vắc xin » ?

 

Trong ghi nhận gần đây nhất, ngày 24/07, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) thống kê hiện trên thế giới có 25 « ứng viên vắc xin » đang được đánh giá trong những thử nghiệm lâm sàng ở người ( giữa tháng 6 chỉ có 11).

 

Ngoài các thử nghiệm đã tiến hành, WHO cũng đã thống kê được 139 dự án nghiên cứu vắc xin đang trong giai đoạn tiền lâm sàng.

 

Đây là một tin tốt, vì như giải thích với AFP của ông Daniel Floret, phó chủ tịch Ủy ban tiêm chủng, thuộc Cơ quan Y tế cấp cao Pháp (HAS), «  càng có nhiều ứng viên vắc xin, và nhất là càng nhiều loại vắc xin, thì người ta lại càng có nhiều cơ may đạt được kết quả nào đó ».

 

Đa số các thử nghiệm nói trên vẫn còn đang trong « công đoạn 1 » ( tức nhằm đánh giá độ an toàn sản phẩm), hoặc ở «  công đoạn 2 »  ( thăm dò hiệu quả ).

 

Chỉ có 4 ứng viên vắc xin vào được vòng sâu hơn là « công đoạn 3 », tức là được đánh giá hiệu quả trên quy mô lớn. Ứng viên mới nhất là của công ty Mỹ Moderna. Công ty Mỹ đầu tuần này đã bắt đầu giai đoạn cuối, trong đó sẽ thử nghiệm trên 30 nghìn người tình nguyện.

 

Tiếp đến, dự án của Trung Quốc cũng bước vào công đoạn 3 từ giữa tháng 7. Đó là nghiên cứu của phòng thí nghiệm Sinopharm, đã được thử nghiệm ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, với trên 15 nghìn người tình nguyện. Dự án thứ 2 của Sinovac, thử nghiệm trên 9 nghìn nhân viên y tế Brazil, có đối tác là viện nghiên cứu Butantan của Brazil.

 

Dự án thứ 4 đang trong giai đoạn 3 là của châu Âu, do đại học Oxfortd hợp tác với công ty AstraZeneca ( Anh và Thụy Điển) tiến hành. Vắc xin đã được thử nghiệm ở Anh Quốc, Brazil và Nam Phi.

 

Các kết quả thử nghiệm hiện thế nào ?

 

Các kết quả sơ bộ của hai ứng viên vắc xin, một của đại học Oxford ( ở giai đoạn 1 và 2), và một của công ty Trung Quốc Cansino ( cho giai đoạn 2) đã được công bố hôm 20/07 trên tạp chí khoa học The Lancet. Kết quả được đánh giá khá khích lệ. Cả hai vắc xin đều tạo được «  phản ứng miễn dịch mạnh », sản sinh ra được kháng thể và bạch huyết bào T.  

 

Ngoài ra, hai vắc xin trên đều được người bệnh tiếp nhận tốt, không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận. Các phản ứng phụ thường xảy ra khi tiêm vắc xin là đau đầu, sốt, mệt mỏi và đau ở  vết tiêm chủng.

 

Mặc dù vậy vẫn còn quá sớm để rút ra kết luận. «  Người ta vẫn còn chưa biết các mức độ miễn dịch có thể bảo vệ trước nhiễm trùng, hay vắc xin này có thể bảo vệ những người yếu bị nhiễm nặng Covid-19 », một giáo sư virus học thuộc đại học Nottingham ( Anh Quốc) nhận xét.

 

Mặt khác, một nghiên cứu của Anh công bố hồi giữa tháng 7 nhắc nhở là miễn dịch dựa trên kháng thể có thể biến mất chỉ trong vòng vài tháng đối với trường hợp Covd-19. Điều này có nguy cơ làm phức tạp hóa việc triển khai vắc xin hiệu quả lâu dài.

 

Cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt

 

Khắp nơi trên thế giới, tiến độ nghiên cứu vắc xin được thúc đẩy theo cách chưa từng có. Đặc biệt Trung Quốc, nơi virus SARS – CoV-2 xuất hiện, muốn là nước đấu tiên có vắc xin. Việc gây quỹ quốc tế cũng được nhiều nước tiến hành tấp nập. Điều đó cho phép các công ty có thể triển khai nhanh quy trình sản xuất công nghiệp cùng lúc với các công việc bào chế vắc xin. Bình thường thì hai quy trình trình này tách riêng với nhau.

 

Khác hẳn với châu Âu, Hoa Kỳ một mình một ngựa. Chính quyền Donald Trump đã mở chiến dịch «  Wapr Speed » ( Trên tốc độ ánh sáng) để tăng tốc quá trình triển khai vắc xin nhằm giành được ưu tiên tiếp cận vắc xin cho 300 triệu dân Mỹ. Để làm được như vậy, chính phủ Mỹ đặt cược vào nhiều nơi cùng một lúc, đầu tư hàng tỷ đô la cho các chương trình khác nhau.

 

Hôm 26/07, Nhà Trắng thông báo tăng gấp đôi tiền đầu tư, gần 1 tỷ đô la, để hỗ trợ công ty Moderna triển khai vắc xin. Vài ngày trước đó, liên minh hai công ty Đức - Mỹ BioNTech và Pfizer cho biết Washington có thể sẽ rót cho họ 1,95 tỷ đô la, nhằm bảo đảm có được 100 triệu liều trong trường hợp vắc xin của họ ra đời.

 

Cuộc chạy đua điên cuồng này còn mang dáng dấp của một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada tố tình báo Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công tin tặc để chiếm hữu các nghiên cứu liên quan đến vắc xin. Tại Hoa Kỳ, hai người Trung Quốc đã bị buộc tội tương tự. Mátxcơva cũng như Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc đó.

 

Quá nhanh ?

 

"Để cho phép sử dụng một loại vắc xin phòng Covid-19, các thử nghiệm lâm sàng cần phải chứng minh được độ an toàn cao, tính hiệu quả và chất lượng tốt », Cơ quan quản lý Thuốc Châu Âu (EMA) cảnh báo.

 

Lý do là đi quá nhanh trong thử nghiệm lâm sàng có thể gây ra nhiều vấn đề về độ an toàn, chuyên gia Daniel Floret nhấn mạnh. Theo ông, « một trong những điểm mấu chốt là phải có bằng chứng cho thấy vắc xin không có khả năng kéo theo tình trạng kịch phát bệnh », tức là làm những người khi được tiêm chủng lại bị mắc bệnh nặng.

 

Điều này đã xảy ra khi thử nghiệm với khỉ trong các lần triển khai vắc xin phòng bệnh MERS-CoV và SARS, cũng do hai chủng virus corona gây ra. Ở người, hiện tượng mắc bệnh nặng khi tiêm chủng cũng đã xảy ra trong những năm 1960 với một số loại vắc xin phòng sởi, hay bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh. Các vắc xin này sau đó đã bị hủy bỏ.

 

Mùa thu này, hay sẽ không bao giờ có vắc xin?

 

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA nhận định « có thể ít nhất phải đợi đến đầu năm 2021, một loại vắc xin phòng Covid-19 mới có và được sản xuất với số lượng đủ dùng cho cả thế giới ».

 

Những người lạc quan nhất, bắt đầu là một số hãng dược, bảo đảm mùa thu này có thể có vắc xin, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tin là phải đợi ít nhất đến quý đầu 2021. Đạt được thời hạn mùa thu này có vắc xin thì quả là điều thần kỳ, vì bình thường để cho ra đời một loại vắc xin mới phải mất nhiều năm. Tuy thế vẫn có kịch bản tồi tệ nhất đó là vắc xin sẽ không bao giờ được ra đời.

 

Cho dù các nghiên cứu có thể đi đến đích với thời hạn dài hay ngắn, vẫn còn một câu hỏi cuối cùng, rất quan trọng : Liệu mọi người có chấp nhận tiêm vắc xin trong tâm lý hoài nghi ngày càng lớn đối với việc tiêm chủng ?

 

« Như đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong các đợt dịch sởi, chúng ta đã không trả lời được các lo ngại của mọi người về vắc xin. Nếu chúng ta không rút ra bài học từ những sai lầm trước, toàn bộ chương trình tiêm chủng phòng virus corona đã bị kết liễu trước rồi », Phoebe Danzger, một bác sĩ nhi khoa Mỹ cảnh báo trong một diễn đàn mới đây đăng trên New York Times.

 

Việc triển khai vắc xin chỉ là một phần giải pháp. Việc chấp nhận rộng rãi các loại vắc xin cũng rất cần thiết, các chuyên gia Mỹ thuộc đại học Johns Hopkins và đại học Texas đã nhấn mạnh trong một báo cáo đầu tháng 7.

 

Theo AFP và Le Monde

 

                                                         ***

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Covid-19 : Cuộc chạy đua nhằm bảo đảm nguồn cung cấp vac–xin

 

Virus corona: Mỹ tiến hành thử nghiệm vác-xin lâm sàng đầu tiên

 

Covid-19: Pháp và 3 nước LHCÂ đặt mua 400 triệu liều vac-xin của AstraZeneca

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment