Friday, July 24, 2020

BẰNG CHỨNG SỐNG VỀ VIỆC TRUNG QUỐC DIỆT CHỦNG NGƯỜI DUY NGÔ NHĨ (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 24/07/2020 - 08:08

« Mỗi ngày học viên rơi rụng dần, trong khi ban đầu họ đều khỏe mạnh. Họ dần yếu đi, có người thậm chí còn đi không nổi (...) Một trại khác dành cho nữ, hầu hết là các nữ sinh viên Duy Ngô Nhĩ du học, bị bắt khi về Tân Cương thăm gia đình. Tháng 12/2017, một đợt nữ tù trẻ được thả ra ở Urumqi, một số bị tra tấn đến nỗi phải cưa tay hoặc chân, số khác trở nên điên loạn. »

Biểu tình ngày 03/07/2020 gần Nhà Trắng kêu gọi chính quyền Mỹ có biện pháp trước tình trạng Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. © REUTERS/Leah Millis

Sau khi một bản báo cáo về việc Trung Quốc cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ triệt sản được công bố, nhật báo Libération đã gặp được một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ tị nạn tại châu Âu. Là nạn nhân bị triệt sản, người phụ nữ này cũng là nhân chứng vì từng làm việc trong các trại « cải tạo » ở Tân Cương. RFI xin giới thiệu bài viết (đã được lược bớt).

Cưỡng bức triệt sản phụ nữ

« Tất cả các phụ nữ tuổi từ 18 đến 50 tại khu phố tôi ở Urumqi đều được triệu tập ngày 18/07/2017 để « khám miễn phí » và bắt buộc. Vào lúc 8 giờ sáng, hàng người đã rất dài trước bệnh viện. Khi đến lượt tôi, chẳng có khám phụ khoa lẫn hỏi han gì cả. Họ bắt tôi nằm xuống, dạng chân ra và đặt vào một vòng tránh thai. Một sự thô bạo khủng khiếp. Tôi bật khóc, cảm thấy bị hạ nhục, bị tấn công cả về tính dục lẫn tâm lý. Nhưng tôi làm việc trong một trại cải tạo, và biết những gì chờ đợi mình nếu cưỡng lại. Có những cô gái rất trẻ. Tôi không thấy bất kỳ một phụ nữ người Hán nào ».

Qelbinur Sidik Beg lúc đó 48 tuổi, có một con gái duy nhất đang học về y sinh học tại châu Âu. Nếu có thêm con thứ hai không phải là bất hợp pháp, vì cách đó bốn năm Trung Quốc đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, và các sắc tộc thiểu số ở Tân Cương cho đến năm 2016 vẫn có quyền sinh ba con. Nhưng bà là người Duy Ngô Nhĩ, như 11 triệu người Hồi giáo nói tiếng Thổ khác đang bị chế độ cộng sản đàn áp.


Phóng viên Libération gặp Qelbinur Sidik Beg hôm 14/07/2020 tại một nước châu Âu mà bà không muốn tiết lộ. Bà đưa cho xem lệnh triệu tập còn lưu trong điện thoại : « Tất cả phụ nữ từ 18 đến 59 tuổi (độ tuổi cao nhất hàng năm lại được lùi thêm) đều phải đến. Nếu không hợp tác sẽ bị trừng trị ». Bek cho biết, nếu một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ muốn sinh con, từ nay phải được phép của ba cơ quan : công an, cơ quan nơi làm việc và ủy ban nhân dân.

Cuộc đời của người giáo viên tốt nghiệp khoa văn minh Trung Hoa trường đại học Urumqi, xuất thân từ một gia đình gia thế, đã bị đảo lộn vào ngày 01/07/2017, khi được tuyển làm giáo viên trong một trại « cải tạo chính trị », vào lúc khởi đầu một chiến dịch tống giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, do cấp cao nhất ở Bắc Kinh quyết định.

Điều kiện giam giữ tồi tệ, cưỡng hiếp, tra tấn, triệt sản, sự vô nghĩa của công việc giảng dạy…Lời chứng độc đáo rất chi tiết của bà khẳng định tất cả những thông tin mà tờ báo đã thu thập được từ ba năm qua, từ những người tù hiếm hoi được thả hay thân nhân của họ, và những báo cáo, điều tra do các nhà báo và nhà nghiên cứu tiến hành, cho dù đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chụp lên vùng đất này một bức màn sắt. Một minh họa quý giá tiết lộ những gì diễn ra bên trong hệ thống nhà tù, không thông qua xét xử và bạo lực khủng khiếp, nhắm vào một nhóm sắc tộc dưới danh nghĩa « huấn nghiệp » và chống khủng bố.

Quá trình đồng hóa Tân Cương bỗng trở nên thô bạo

Qelbinur Sidik Beg sinh năm 1969 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương cách Bắc Kinh 3.000 km, trong một gia đình có sáu người con. Tân Cương là vùng đất mênh mông thưa dân nằm ngay trục giao thương Trung Á, với cư dân hầu hết theo đạo Hồi : người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan…

Cho đến thập niên 90, dù Tân Cương bị Trung Quốc cộng sản sáp nhập năm 1949, văn hóa truyền thống và nghệ thuật địa phương vẫn phổ biến, ngôn ngữ chính là Duy Ngô Nhĩ được viết bằng chữ Ả Rập, lên trung học mới dạy tiếng Hoa. Beg nhớ lại : « Chúng tôi có những hàng xóm người Hán và người Hồi giáo, chúng tôi chơi với nhau, vẫn chưa hề có thù hận. Các anh chị em tôi đều tốt nghiệp đại học, trở thành công an và quan chức hoặc kinh doanh phát đạt. Tôi coi mình là công dân Trung Quốc, thấy rằng chính quyền đã làm tốt trong việc phát triển kinh tế và giáo dục ở các vùng nông thôn ».


Cú sốc đầu tiên diễn ra năm 2004, khi trường học Duy Ngô Nhĩ nhận lệnh phải trở thành « song ngữ », tức tiếng Hoa và tiếng Anh. Rồi sau vụ nổi dậy ở Urumqi năm 2009 và các vụ tấn công được cho là từ những người Duy Ngô Nhĩ đòi độc lập, cỗ máy thực dân của Bắc Kinh tăng tốc. « Kỳ thị chủng tộc ngày càng mạnh. Mẹ tôi phải cầu nguyện lén. Trong mùa chay Ramadan, hiệu trưởng trường tôi phân phát thức ăn nước uống để tìm ra những học sinh khả nghi ».

Năm 2016, Tân Cương bị đặt trong vòng kiềm tỏa của bí thư tỉnh ủy Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), từng hoành hành ở Tây Tạng. Lấy cớ chống cực đoan, ly khai và khủng bố, quá trình đồng hóa trở nên thô bạo. « Họ bắt người vào ban đêm. Tại khu nhà tôi ở, những cư dân ở tầng một, tầng hai rồi tầng bốn lần lượt biến mất, tờ giấy « Cấm vào » được dán ngoài cửa. Ở trường, các bé học sinh khóc hỏi vì sao mẹ bị bắt. Mỗi đêm tôi đi ngủ mặc nguyên trang phục ban ngày, vì không muốn bị đưa đi trong lúc mặc đồ ngủ ».

Trong địa ngục cải tạo

Ngày 28/02/2017 Qelbinur Sidik Beg được triệu tập đến ủy ban nhân dân. Bà không ngạc nhiên vì là người chịu trách nhiệm quản lý nhân sự và cơ sở dữ liệu. Cùng với bà có bảy giáo viên khác : sáu người Hán và một người Duy Ngô Nhĩ. Ba cán bộ cho biết « chính quyền đã tập họp những người ít học » và họ được chọn để giảng dạy. Bà ký vào những mẫu đơn trong đó có cam kết không được tiết lộ với ai, nếu không « cả gia đình sẽ bị trừng phạt ».

Từ năm 2014 một đồng nghiệp xuất thân từ vùng quê xa đã nói với bà về một trại cải tạo ở cách Urumqi 1.000 km, và hai năm sau, cũng người này hoảng loạn cho biết cha mẹ và ba người anh của mình bị bắt. Công an nói : « Cầu nguyện à ? 10 năm tù. Đọc kinh Coran hả ? 8 năm tù ». Phụ nữ trong vùng bị buộc thắt ống dẫn trứng. Beg nghĩ rằng điều này không thể xảy ra ngay tại thủ phủ. Ở Tân Cương, một hố sâu lớn ngăn cách người thành thị và thôn quê, nói tiếng quan thoại là ưu thế quan trọng để có tương lai.

Ngày 01/03, theo cuộc hẹn bí mật, Qelbinur Sidik Beg đứng đợi lúc 7 giờ sáng ở một trạm xe buýt, gọi điện cho một công an viên đến đón. Bà được đưa đến một khu nhà bốn tầng ở ngoại ô, nằm sau một ngọn núi, bao quanh là những bức tường rào kín kẽm gai, vào bằng một cửa sắt điều khiển bằng điện. Có các công an vũ trang, khoảng 12 nhân viên, cán bộ, y tá, giáo viên. Từ các màn hình trong phòng điều khiển, bà thấy 10 xà lim, mỗi xà lim có 10 người tù. Các phòng giam chật hẹp này chìm trong bóng tối, cửa sổ bị đóng kín bằng các tấm kim loại. Không có giường, chỉ có mền trải trên sàn cho 97 tù nhân. Họ mới nhập trại cách đó hai tuần, vẫn còn nguyên râu tóc, trong đó có 7 phụ nữ.


Trong cuộc trao đổi với nhà báo, Qelbinur Sidik Beg cho biết rất chi tiết, miêu tả thêm bằng hành động. Đôi khi bà bật khóc và ra khỏi phòng để cố trấn tĩnh.

« Học viên vào lớp theo từng nhóm 10 người. Họ mang xiềng xích ở tay và chân. Khi tất cả đã ngồi vào những chiếc ghế nhựa, không có bàn, người ta cho tôi vào lớp. Có nhiều người đàn ông đã trên 70 tuổi với bộ râu dài. Lẽ ra tôi phải tỏ ra kính trọng họ, nhưng họ vẫn cúi đầu, một số người khóc. Tôi chào ‘Salam aleikoum’, nhưng không ai trả lời. Tôi hiểu rằng mình đã nói một điều bị cấm tiệt ». Sau khi liếc qua 8 camera giám sát, bà tự giới thiệu và bắt đầu bài học tiếng Hoa đầu tiên, lòng thầm cầu nguyện được sống sót ra khỏi địa ngục này.

Đến trưa, Qelbinur Sidik Beg giúp phân phát thức ăn cho các « học viên ». « Người ta đổ cháo vào chén, nhưng tôi chẳng thấy hạt gạo nào, chỉ toàn nước nóng ». Mỗi người được một « momo » (bánh bao hấp kiểu Tây Tạng). Tại một xà lim toàn người già, bà âm thầm cho thêm hai bánh bao, nhưng sau bữa ăn một công an hạch hỏi vì sao thiếu hai cái bánh, may mà một nhân viên đỡ lời, nói bà đếm nhầm. Định lấy nước pha trà, nhưng các đồng nghiệp vội vàng ngăn lại : « Không, đừng uống, nước trong bình đó dành cho tù nhân, chưa sôi ».

Những cái chết bí ẩn và nạn tra tấn tù nhân

Qelbinur Sidik Beg có hợp đồng sáu tháng. Sau ba tuần lễ đầu, bà quen dần với 97 học viên. Họ không có tên, chỉ có một con số in lên chiếc áo màu cam. Có một học viên rất đẹp trai và thông minh tên Salim (tên đã được đổi), là một trong những người giàu có nhất Urumqi trước khi gia tài bị Nhà nước phong tỏa. Mỗi ngày anh đều năn nỉ bà giáo cho thêm vài phút nhìn thấy ánh sáng mặt trời, qua một khe vuông 20 cm trong phòng học. Đến một hôm Salim biến mất, anh bị cao huyết áp và chết vì xuất huyết não.

Một nam học viên nữa mà bà rất quý vì rất tích cực, nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được thoát ra. Anh ngã bệnh vì nhiễm trùng, và chết trước khi đến bệnh viện. Thanh niên này và Salim qua đời chỉ sau ba tuần vào trại. Mỗi ngày học viên rơi rụng dần, trong khi ban đầu họ đều khỏe mạnh. Họ dần yếu đi, có người thậm chí còn đi không nổi.


Ngày 20/03, tầng một của trại được những người mới đến lấp đầy, họ bị cạo trọc. Khác với lớp đầu tiên gồm nhiều tu sĩ lớn tuổi, lần này là các trí thức, doanh nhân, sinh viên, mà tội duy nhất là dám sử dụng Facebook vốn bị cấm tại Trung Quốc. Dạy tiếng Hoa cho họ trở thành vô nghĩa, Beg bèn phân phát những bài ca cộng sản. Cửa vào lớp chỉ mở hé với một sợi xích treo ngang, buộc học viên phải bò vào hoặc nhảy qua. Tâm trạng hoảng loạn có thể đọc thấy trong ánh mắt họ. Và rồi mỗi giờ lại có 100 người khác được gởi đến. Học viên được vào nhà vệ sinh ba lần một ngày vào giờ ấn định, và tắm mỗi tháng một lần, không quá 15 phút.

Nhiều tuần lễ trôi qua, bà không hé răng về địa ngục mình đang trải qua. Nhưng ngay cả khu nhà ở của Beg cũng trở thành một nhà tù mở, với những vụ bắt bớ xảy ra hàng ngày trên đường phố. Sử dụng WhatsApp hay liên lạc với nước ngoài là đủ để vào tù. Một người hàng xóm nhờ bạn người Hán gọi cho con trai ở Kyrgyzstan bảo đừng về Tân Cương, ngay trong đêm người này đã bị năm công an đến bắt đưa đi mất tích.

Sáu tháng sau, số tù nhân nhập trại đã lên trên 3.000 người, chen chúc 50-60 người một phòng, thay phiên nhau ngủ. Mỗi ngày hai, ba người, đôi khi bảy người bị gọi lên bất kỳ lúc nào. Phòng tra tấn nằm dưới tầng hầm. « Những tiếng kêu la vang vọng trong khắp tòa nhà, tôi nghe thấy khi ăn trưa và đôi khi lúc đang dạy học ». Một nữ công an vốn quen Qelbinur Sidik Beg từ trước vì có con là học trò của bà, bí mật cho biết một số thông tin. Theo đó, có bốn cách tra tấn bằng dụng cụ điện : ghế, găng tay, nón sắt, và dùng gậy điện thọc vào hậu môn.

Số phận nghiệt ngã của các nữ tù là trí thức trẻ

Tháng 9/2017 sau khi hết hợp đồng, Qelbinur Sidik Beg được chuyển sang một trại khác cũng ở Urumqi nhưng dành cho nữ. Đó là một tòa nhà sáu tầng bình thường ngay trong thành phố, đề chữ « Viện dưỡng lão ». Có đến 10.000 phụ nữ bị nhốt tại đây, đầu cạo trọc, chỉ khoảng 60 người là trên 60 tuổi.

Hầu hết là các cô gái trẻ xinh đẹp, học thức. Những thiếu nữ này là sinh viên du học ở Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, châu Âu hoặc Hoa Kỳ, bị bắt giam khi về nước thăm gia đình ; các cô có kiến thức rộng và nói được nhiều ngôn ngữ. Không có toa-lét cho tù nhân, chỉ có một chiếc xô được đem đổ mỗi tuần một lần. Không khí hôi thối khủng khiếp, nhiều người đổ bệnh vì tình trạng mất vệ sinh.

Mỗi thứ Hai, 10.000 nữ tù nhân xếp hàng tại phòng y tế. Y tá tiêm truyền tĩnh mạch, lấy máu và cho uống một viên thuốc màu trắng. Một nữ y tá nói với bà Beg họ cần calcium vì sống trong bóng tối, lấy máu để xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, còn thuốc uống giúp dễ ngủ. Bà tự hỏi vì sao lại cần nhiều calcium như thế.


Một hôm đang lên cầu thang, Qelbinur Sidik Beg gặp một nữ công an đang chuyển xác một nữ sinh viên. Chỉ có bà và người công an này là người Duy Ngô Nhĩ trong trại, họ thường nói chuyện với nhau trong sân, nơi không có camera. Người này cho biết thuốc cho uống nhằm ngừa thai, thậm chí thuốc này còn được cho vào bánh bao, nhưng cô sinh viên vẫn có kinh và chết vì mất máu, và dặn bà giữ kín.

Khác với trại trước có nhiều nhân viên là người sắc tộc, ở trại nữ này cán bộ toàn là đàn ông người Hán. Một cô gái bị gọi đi lúc đang trong lớp, hai tiếng sau khi trở về tỏ ra đau đớn không ngồi được, công an la mắng và đưa đi. Beg không bao giờ gặp lại cô sinh viên ấy. Người nữ công an cho biết mỗi ngày có bốn, năm cô bị gọi lên để các cán bộ hiếp dâm tập thể, đôi khi dùng dùi cui điện cho vào chỗ kín và hậu môn.

Tháng 11/2017, đến lượt Qelbinur Sidik Beg bị xuất huyết, được cho đi nằm viện một tháng. Tháng 12/2017, một đợt nữ tù trẻ được thả ra ở Urumqi, một số bị tra tấn đến nỗi phải cưa tay hoặc chân, số khác trở nên điên loạn.

Một phần ba hàng xóm người Duy Ngô Nhĩ mất tích

Beg không bao giờ quay lại trại cải tạo nữa. Tháng 2/2018, bà đi dạy ở trường tiểu học cũ, nhưng đến ngày 16/04/2018, Beg cùng với 11 đồng nghiệp Duy Ngô Nhĩ khác bị buộc ký giấy về hưu tuy chưa đến tuổi quy định.

Thất nghiệp, sức khỏe yếu, bà làm đơn xin lại passport (ở Tân Cương, công an tịch thu mọi hộ chiếu) để đi thăm con gái lấy chồng tại châu Âu, nhưng bị cấm xuất cảnh vào phút chót. Hai hôm sau đám cưới, bà bị công an thẩm vấn suốt năm ngày. Họ nói con gái bà tham gia những cuộc biểu tình, Beg cãi lại thì công an cho xem Facebook của cô, cho thấy cô con gái đã xem một video bị cấm. Họ đòi con gái bà phải khai báo các thông tin cá nhân. Bị sách nhiễu, cô đành gởi các tài liệu mà họ đòi hỏi.


Trong số 600 cư dân người Duy Ngô Nhĩ tại khu nhà của Qelbinur Sidik Beg, có đến 190 người biến mất trong vòng hai năm. Tại tầng một rồi tầng hai, những người nhập cư Trung Quốc dọn đến ở các căn hộ bỏ trống.

Năm 2019, nhờ các mối quan hệ, bà được phép rời Trung Quốc để đi chữa bệnh, nhưng phải đến trình diện  23 cơ quan khác nhau, ở mỗi nơi đều phải làm cam kết sẽ trở về sau một tháng (tuy có visa ba tháng), nếu không lương hưu sẽ bị cắt. Chồng bà cũng có visa sang châu Âu, nhưng bị buộc ở lại cho đến khi bà quay về.

Đến châu Âu vào tháng 10/2019, chính quyền Trung Quốc không ngớt quấy nhiễu, bà khai là vẫn còn phải nằm viện. Rồi đại dịch lan đến, Qelbinur Sidik Beg không thể  trở về Tân Cương. Rốt cuộc bà quyết định xin tị nạn, và đấu tranh cho dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Trung Quốc và kể cả chồng bà vẫn chưa biết điều này.






No comments:

Post a Comment