Wednesday, June 24, 2020

HỒI KÝ BẠCH CUNG (John Bolton)




June 18, 2020

Lời dịch gi: Sau đây là một trích đoạn trong quyển sách sắp xuất bản của John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia dưới quyền Donald Trump từ tháng 4, 2018 đến tháng 9, 2019. Nguyên bản tiếng Anh đến từ Wall Street Journal. -ianbui

John Bolton và TT Trump (Alex Wong)

Chiến lược của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong hơn bốn thập niên qua được dựa trên hai mệnh đề cơ bản. Thứ nhất là nền kinh tế Trung Quốc sẽ thay đổi và không thể đảo ngược bởi sự thịnh vượng ngày một gia tăng do các chính sách thiên thị trường tự do, đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều, sự kết nối với thị trường toàn cầu ngày càng sâu sắc, và các chuẩn mực kinh tế quốc tế sẽ ăn sâu vào hệ thống. Cho phép Trung Quốc gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) năm 2001 là hiện thực của ý tưởng này. 

Mệnh đề thứ hai là khi Trung Quốc giàu lên thì nền chính trị mặc nhiên sẽ cởi mở hơn. Và một khi Trung Quốc dân chủ hơn, họ sẽ tránh né chuyện tranh giành làm bá chủ khu vực hay toàn cầu, từ đó nguy cơ xung đột — nóng hay lạnh — với cộng đồng quốc tế sẽ suy giảm theo.

Từ trong cơ bản hai mệnh đề này đều sai. Sau khi được gia nhập WTO, Trung Quốc hoàn toàn đi ngược mọi dự đoán. Họ đã chơi khăm WTO bằng cách theo đuổi một chính sách kinh tế quốc doanh biến dạng, núp bóng một tổ chức mậu dịch tự do. Họ ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác; buộc công ty ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ cho mình; và tiếp tục quản lý nền kinh tế theo kiểu độc tài.

Trung Quốc chính thức gia nhập WTO

Về mặt chính trị, Trung Quốc ngày càng xa rời thay vì hướng đến dân chủ hoá. Với Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tìm ra một nhà lãnh đạo quyền lực và một chính phủ tập trung nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Những cuộc đàn áp tôn giáo và chủng tộc quy mô vẫn tiếp diễn. Đồng thời Trung Quốc thiết lập một đội ngũ đáng gờm để phục vụ chiến tranh mạng; lần đầu tiên sau 500 năm họ thành lập một lực lượng hải quân biển sâu; họ tăng cường kho vũ khí hạt nhân và tên lửa. Và nhiều thứ khác nữa.

Tôi cho những cái đó là mối đe doạ lớn đối với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Chính phủ Obama trước đây gần như chỉ ngồi nhìn nó xảy ra. 

Tổng thống Trump, từ góc cạnh nào đó, chính là hiện thân của mối quan tâm ngày càng lớn của nước Mỹ về Trung Quốc. Ông nhận ra một sự thật then chốt rằng sức mạnh quân sự chính trị phải dựa trên một nền kinh tế cường thịnh. Trump hay nói việc ngăn chận không cho Trung Quốc tăng trưởng một cách bất công, bằng đồng tiền của Mỹ, là cách tốt nhất để đánh bại Trung Quốc về mặt quân sự. Điều này về cơ bản là đúng.

Nhưng câu hỏi đặt ra là Trump phải làm gì trước mối đe doạ đó. Ban cố vấn của ông bị phân hoá nặng nề trong tư tưởng. Một số thì thuộc thành phần “mê gấu trúc”, như bộ trưởng Tài Chánh Steven Mnuchin; một số thì ủng hộ mậu dịch tự do, như chủ tịch hội đồng kinh tế quốc gia Larry Kudlow; còn một số là diều hâu đối chọi Trung Quốc, như Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, nhà đàm phán thương mại hàng đầu Robert Lighthizer hay cố vấn thương mại cho tổng thống Peter Navarro.

Sau khi nhận chức cố vấn an ninh quốc gia cho Trump vào tháng Tư, 2018, tôi phải đóng một vai trò vô vọng nhất trong cả đám: Ép chính sách mậu dịch với Trung Quốc vào trong một khuôn khổ chiến lược rộng lớn hơn. Chúng tôi nghĩ ra được một khẩu hiệu khá kêu: “Một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.” Nhưng khẩu hiệu suông không phải là chiến lược, và chúng tôi đã cố gắng hết sức để không bị hút vào trong cái lỗ đen của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Ngay từ ngày đầu, giải quyết vấn đề mậu dịch đã diễn ra trong hỗn loạn. Ông Trump thích làm việc theo kiểu gom người lại thành các đội quân nho nhỏ, trong phòng Bầu Dục hoặc Phòng Roosevelt, để cho họ tranh cãi những đề tài phức tạp rất dễ gây tranh cãi này. Và cứ như thế lặp đi lặp lại, cũng chỉ bao nhiêu đó vấn đề để rồi cuối cùng chẳng có giải pháp nào cả. Hoặc tệ hơn nữa là hôm trước giải quyết thế này, vài hôm sau hoàn toàn ngược lại. Họ làm tôi muốn điên cái đầu.

Cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, 2018 đã cận kề mà cuộc thương thuyết với Trung Quốc vẫn chưa đi tới đâu. Mọi con mắt giờ dồn về hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng sau ở Buenos Aires, là lúc Trump và Tập sẽ có cơ hội gặp gỡ riêng. Đối với Trump đây là cuộc hẹn hò trong mộng. Chỉ có hai tay anh chị, gạt hết đám Âu Châu ra rìa, ngồi lại với nhau để “làm ăn”.

Có gì để lo? Với Lighthizer thì có rất nhiều. Ông ta sợ Trump sẽ quá nhượng bộ khi được thả lỏng.

Trong buổi ăn tối ở Buenos Aires ngày 1 tháng 12, Tập khởi sự bằng những lời lẽ ngọt như đường ngon như mật, khen Trump không ngớt. Hắn đọc làu làu các câu thần chú chắc chắn đã được đám cận thần soạn trước kỹ lưỡng. Trump thì ngược lại, thích gì nói nấy. Không một ai phía Hoa Kỳ biết ông ta sẽ phát ngôn câu gì kế tiếp.

Cuộc họp Mỹ-Trung tại Buenos Aires, 2019. (Pablo Monsivais/AP)

Một sự kiện nổi bật đáng ghi nhận: Tập thổ lộ ông ta muốn làm việc với Trump sáu năm nữa. Trump trả lời rằng nhiều người nói điều luật giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống nên được bãi bỏ đối với ông. Tập than nước Mỹ sao có nhiều bầu cử quá, mà ông ta thì không muốn đổi qua làm việc với người khác. Trump gật gù tán thành.

Cuối cùng thì Tập cũng đi thẳng vào vấn đề, nêu ra điều kiện của Trung Quốc: Hoa Kỳ rút lại các mức thuế quan hiện hành do Trump áp đặt; hai bên sẽ kềm chế cạnh tranh qua việc thao túng tiền tệ; đồng ý không có những hành vi ăn cắp trên mạng (tử tế hết sức); Mỹ cần dẹp bỏ các loại thuế Trump đề ra, hoặc chí ít cũng đồng ý không áp đặt thêm thuế mới. Rồi Tập bồi thêm, “Người dân họ muốn vậy.” Lúc ấy tôi thật sự lo Trump sẽ gật đầu đồng ý với những đề xuất của Tập.

Xém chút nữa chuyện đó đã xảy ra. Trump đơn phương đề nghị mức thuế sẽ tại vị ở 10% thay vì tăng lên 25% như ông từng đe doạ trước đây. Để đổi lại, Trump chỉ yêu cầu Trung Quốc nhập cảng thêm một số nông phẩm từ các tiểu bang có ảnh hưởng trong cuộc bầu cử. Nếu Tập đồng ý thì tất cả các mức thuế sẽ được Hoa Kỳ gia giảm. Thật là ngoạn mục đến … nghẹt thở.

Xong Trump quay qua hỏi Lighthizer ông có bỏ sót điều gì không. Lighthizer phải cố gắng lắm mới chuyển hướng cuộc đối thoại trở về với thực tại, tập trung vào những vấn đề cơ cấu và bẻ gãy đề nghị của Tập. Khi buổi họp kết thúc, Trump cho biết Lighthizer sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc thương lượng, Jared Kushner cũng sẽ tham gia — nghe đến đây phía Trung Quốc chợt sáng mắt mỉm cười.

Nước cờ quyết định lộ ra vào tháng Năm, 2019, khi Trung Quốc vi bội một số điều khoản trong giao ước đang thành hình, kể cả những vấn đề cơ cấu. Đối với tôi, đây là bằng chứng Trung Quốc không nghiêm túc mà chỉ nói đùa.

Ngày 18 tháng 6, một tuần trước khi họ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka, Nhật Bản, Trump nói chuyện với Tập qua điện thoại. Khởi đầu cuộc gọi, Trump nói ông ta rất nhớ Tập, và điều khiến ông nhận được nhiều sự ủng hộ nhất là thoả hiệp thương mại với Trung Quốc mà ông nghĩ sẽ có lợi cho ông rất nhiều về mặt chính trị.

Trump & Tập tại G20, Osaka 2019 (Reuters)

Trong cuộc họp tại Osaka ngày 29 tháng 6, Tập nói với Trump rằng mối quan hệ Mỹ-Trung là quan trọng nhứt trên thế giới. Ông ta nói một số chính khách Mỹ (không đưa tên) có những phán đoán sai lầm khi họ kêu gọi một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.

Tôi không biết lúc đó Tập muốn ám chỉ những người của đảng Dân Chủ, hay ai đó trong nhóm chúng tôi đang ngồi tại bàn họp. Nhưng Trump thì ngay lập tức cho rằng Tập đang nói về phe Dân Chủ. Ông tán đồng trong đảng Dân Chủ có nhiều người rất ghét Trung Quốc. Và rồi như một cú sốc, Trump chuyển đề tài sang cuộc bầu cử tổng thống. Ông đề cập đến khả năng kinh tế của Trung Quốc và nhờ Tập giúp một tay cho ông thắng cử. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của nhà nông ở Mỹ, cũng như việc Trung Quốc mua thêm đậu nành và lúa mì sẽ có ảnh hưởng lớn thế nào đến kết quả bầu cử. Tôi muốn in chính xác lời của tổng thống vào đây, nhưng quy trình khảo duyệt của nhà nước trước khi xuất bản sách đã không cho phép.

Sau đó Trump bàn đến cuộc thương thảo đã sụp đổ hồi tháng trước. Ông yêu cầu Trung Quốc hãy quay lại với các đề nghị mà họ đã rút ra để hoàn tất một thoả thuận thương mại vĩ đại và hấp dẫn nhất lịch sử. Ông đề xuất Hoa Kỳ sẽ không đánh thuế lên $350 tỉ đô la hàng hoá còn lại (theo cách tính của Trump) trong cán cân mậu dịch, nhưng rồi ông lặp lại việc nhờ Tập mua giùm thật nhiều nông sản của Mỹ.

Tập đồng ý cả hai nên khởi động đàm phán trở lại, hoan nghênh việc Hoa Kỳ sẽ không đánh thuế thêm, và đồng ý đội ngũ đàm phán nên bàn thảo lại nông sản như vấn đề ưu tiên hàng đầu. “Ngài là nhà lãnh đạo Trung Quốc vĩ đại nhất trong vòng 300 năm nay!” Trump hoan hô, và vài phút sau sửa lại là “nhà lãnh đạo vĩ đại nhất lịch sử Trung Quốc.”

(còn tiếp)

-ianbui dịch

Nguồn: Wall Street Journal, trích từ quyến “The Room Where It Happened: A White House Memoir” của cưụ Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. https://www.wsj.com/articles/john-bolton-the-scandal-of-trumps-china-policy-11592419564

--------------------------------------

June 19, 2020

Lời dịch giả: Đây là phần hai (và hết) của trích đoạn từ quyển “The Room Where It Happened: A White House Memoir” của John Bolton, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia từ tháng 4, 2018 đến tháng 9, 2019, đăng trên Wall Street Journal. –ianbui

John Bolton & TT Trump

Sau khi tôi từ chức, những cuộc thương thuyết có dẫn đến một “thoả thuận” tạm vào tháng 12, 2019. Nhưng trên thực tế nó không đáng kể như ta tưởng.

Một buổi họp bên lề hội nghị G20 tại Osaka, 6/2019. Từ trái: Wilbur Ross, Mike Pompeo, Donald Trump, John Bolton, Peter Navarro (Susan Walsh/AP)

Những cuộc nói chuyện với Tập không chỉ phản ảnh sự bất nhất của Trump trong chính sách mậu dịch, nó còn cho thấy sự nhập nhằng giữa lợi ích chính trị cá nhân với lợi ích quốc gia. Trump hay lẫn lộn việc tư với việc công, không những trong thương mại mà xuyên suốt mọi vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Tôi không nhớ có bao giờ ông ta đưa ra một quyết định quan trọng nào mà không có những tính toán cho việc tái đắc cử trong đó.

Hãy thử nhìn cách Trump giải quyết mối nguy hiểm từ công ty viễn thông Hoa Vi (Huawei) và ZTE của Trung Quốc. Wilbur Ross [bộ trưởng Thương Mại] và nhiều nhân vật khác đã liên tục thúc đẩy chính phủ Mỹ áp dụng các điều lệ cũng như hình luật cho những hành vi phạm pháp, kể cả việc hai công ty này không thèm đếm xỉa gì đến luật cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iran và những quốc gia bất hảo khác. Mục đích quan trọng nhất của những “công ty” như Hoa Vi và ZTE là xâm nhập các hệ thống thông tin kỹ thuật và viễn thông, đặc biệt là 5G, để đặt chúng dưới sự kiểm soát của Trung Quốc (mặc dù cả hai công ty này đều không đồng ý với cách mô tả đó, dĩ nhiên).

Trump, ngược lại, xem nguy cơ này không như một vấn đề về chính sách cần được giải quyết mà là một cơ hội để biểu lộ thiện chí đối với Tập. Chẳng hạn như hồi năm 2018 Trump đã rút lại các biện pháp trừng phạt mà Ross và Bộ Thương Mại đã áp đặt lên ZTE. Năm 2019 Trump ra đề nghị sẽ không truy tố Hoa Vi nếu công ty này hỗ trợ cuộc thương thảo mậu dịch mà mục đích chính, dĩ nhiên, là để giúp Trump thắng cuộc bầu cử 2020.

Những cuộc trò chuyện như thế nhiều vô kể. Chúng tạo ra khuôn mẫu cho những hành vi sai trái không thể chấp nhận được, đồng thời xói mòn tính chính danh của vị trí tổng thống. Nếu như mà những người trong đảng Dân Chủ ủng hộ cuộc đàn hạch năm 2019 đừng dồn hết nỗ lực vào việc tấn công mặt trận Ukraine, nếu như họ chịu khó bỏ thì giờ điều tra có hệ thống cách hành xử của Trump trong mọi chính sách đối ngoại, kết quả cuộc đàn hạch có thể đã rất khác.

Người dân Hồng Kông xuống đường năm 2019 (The Standard)

Trong lúc các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, người dân Hồng Kông ngày càng bất mãn bởi sự hiếp đáp của Trung Quốc. Đạo luật dẫn độ xuất hiện như chiếc ngòi nổ. Đầu tháng 6, 2019 các cuộc biểu tình lớn bùng phát mọi nơi.

Ngày 12 tháng 6 là lần đầu tiên tôi nghe phản ứng của Trump, khi ông ta được cho biết có gần 1 triệu rưỡi người đã xuống đường hôm Chủ Nhật trước. “Lớn chuyện rồi đây,” ông nói. Nhưng liền ngay sau đó ông tiếp, “Tôi không muốn xía vô,” và, “Chúng ta cũng có vấn đề nhân quyền vậy.”

Khi đó tôi rất mong Trump sẽ dùng những gì đang xảy ra tại Hồng Kông làm đòn bẩy trong cuộc thương thuyết với Trung Quốc. Nhưng có lẽ tôi khờ quá. Cùng tháng đó, nhân kỷ niệm 30 năm cuộc thảm sát người biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn, Trump nhất định không đưa ra một tuyên bố chính thức nào từ Bạch Cung. “Chuyện đó đã 15 năm rồi,” Trump nói (sai). “Đâu ai quan tâm đến nó nữa chi. Tôi đang cố gắng đạt một thoả thuận. Tôi không muốn gì khác.” Vậy là kể như xong.

Trong khi đó thì cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh vẫn tiến hành. Trong bữa tiệc Giáng Sinh tại Bạch Cung năm 2018, Trump hỏi tôi cớ chi chúng tôi bàn thảo việc xử phạt Trung Quốc vì cách họ đối xử với người Duy Ngô Nhĩ — một sắc dân theo đạo Hồi sinh sống chủ yếu ở tỉnh Tân Cương về phía Tây Bắc.

Tại bữa tiệc khai mạc hội nghị G20 ở Osaka năm 2019, lúc không ai có mặt ngoài thông dịch viên, Tập nói với Trump là thật ra hắn đang cho xây các trại tập trung ở Tân Cương. Theo lời thông dịch viên của chúng tôi kể lại, Trump nói với Tập là ông ta nên tiến hành việc xây trại, vì đó đích xác là chuyện cần phải làm. Matthew Pottinger, nhân viên cao cấp nhất về Á Châu của Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với tôi rằng Trump cũng đã từng có phát biểu tương tự trong một chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 11 năm 2017.

https://vietopian.files.wordpress.com/2020/06/img_4153.jpg
TT Trump và phu nhân Melania trong chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 11, 2017; bìa phải là chủ tịch Tập. (Jonathan Ernst/Reuters)

Được nghe rao giảng hơi nhiều bởi các nhà tài phiệt làm giàu nhờ đầu tư tại Đại Lục, Trump luôn tỏ vẻ bực mình khó chịu khi có ai nhắc tới Đài Loan. Trump rất khoái so sánh bằng cách chỉ ngón tay vào đầu cây bút lông Sharpie và nói, “Đây là Đài Loan,” xong chỉ vào chiếc bàn làm việc Resolute Desk trong phòng Bầu Dục và nói, “Còn đây là Trung Quốc.” Những cam kết và nghĩa vụ đối với một đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ bao lâu nay giờ chỉ còn có vậy.

Năm 2020 lại có thêm sấm động từ Trung Quốc qua cơn đại dịch coronavirus. Trung Quốc đã che giấu, nguỵ tạo và bóp méo thông tin về dịch bệnh; bịt miệng y sĩ và những người chống đối; cản trở nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới và những cơ quan khác trong việc truy tìm thông tin chính xác; mở ra các chiến dịch tin giả và tìm đủ mọi cách để nguỵ biện rằng coronavirus không phải đến từ Trung Quốc.

Có rất nhiều điều đáng để chỉ trích trong phản ứng của Trump, khởi đầu bằng sự khẳng định không ngơi và ngoan cố rằng dịch bệnh đã được “kềm chế” và sẽ không gây thiệt hại kinh tế gì cho lắm. Phản xạ tự nhiên của Trump xưa nay là dùng miệng lưỡi để gỡ bí, nhưng với một cuộc khủng hoảng sức khoẻ cộng đồng trầm trọng như vầy nó chỉ làm cho ông và đất nước mất uy tín thêm. Những phát biểu của Trump càng lúc càng giống như trò chữa cháy chính trị chứ không phải những lời khuyên có trách nhiệm nhằm bảo vệ sức khoẻ của người dân.

TT Trump họp báo trong mùa đại dịch với Mike Pompeo (trái) và bác sĩ Anthony Fauci (phải).

Tuy nhiên cũng có một số chỉ trích thật không đáng. Chẳng hạn như chuyện nhân sự của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) được tôi thu vén lại khi mới vào làm việc trong Bạch Cung được vài tháng. Để giảm bớt tình trạng chồng chéo hay trùng lặp, và để tăng cường sự phối hợp và hiệu năng, sẽ hợp lý hơn nếu ta nhập uỷ ban lo về ‘Sức khoẻ Toàn cầu và Phòng thủ Sinh học’ của NSC vào uỷ ban ‘Vũ khí Sinh học, Hoá học và Hạt nhân’. Dịch bệnh và các cuộc tấn công sinh học có nhiều điểm giống nhau; không những vậy, kiến thức y khoa và y tế cần thiết để chống lại chúng cũng đi đôi với nhau. Phần lớn các nhân viên làm việc cho uỷ ban ‘Sức khoẻ Toàn cầu’ đã được chuyển sang uỷ ban tổng hợp mới, nhưng họ vẫn tiếp tục làm việc y như trước.

Cơ cấu nội bộ của NSC cùng lắm chỉ như sự rung động yếu ớt của một cánh bướm trong cơn sóng thần hỗn loạn của Trump. Dù cho người đứng đầu Bạch Cung có thờ ơ, các viên chức có hiểu biết trong NSC đã làm đúng nhiệm vụ của mình trong cơn dịch: họ đã đề nghị các biện pháp ngăn ngừa lây bệnh như đóng cửa và giãn cách xã hội rất lâu trước khi Trump đề xuất chúng hồi đầu tháng 3. Đội An ninh Sinh học của NSC đã hành động đúng như ta mong muốn. Chỉ có chiếc ghế đằng sau cái bàn Resolute Desk là bị bỏ trống.

Trong bầu không khí trước mùa bầu cử 2020, Trump bỗng bẻ quẹo ngôn ngữ sang chống Trung Quốc. Mệt mỏi vì chưa đạt được một thoả thuận mậu dịch đáng kể, lo lắng vì ảnh hưởng chết người từ đại dịch có thể đánh chìm chiếc xuồng chính trị của mình, Trump đổi sang chiến thuật đổ thừa Trung Quốc, tất nhiên có dư lý do. Nhưng ta hãy đợi xem lời nói của Trump rồi sẽ đi đôi với hành động hay không. Chính phủ đưa ra những tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ lãnh hậu quả từ việc đàn áp người biểu tình Hồng Kông. Nhưng tới giờ vẫn chưa thấy Hoa Kỳ áp dụng bất cứ sự trừng phạt nào.

Quan trọng hơn hết, màn tạo dáng này của Trump có sẽ còn sau ngày bầu cử? Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump không dựa trên một nền tảng triết lý, đại chiến lược hay chính sách nào cả. Nó chỉ dựa trên Trump. Đây là điểm cần ghi nhớ cho những ai nghĩ rằng mình biết Trump sẽ làm gì trong nhiệm kỳ thứ hai — nhất là những người luôn nhìn Trung Quốc bằng cặp mắt thực tế.

-ianbui dịch

Nguồn: Wall Street Journal, trích từ quyến “The Room Where It Happened: A White House Memoir” của cưụ Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. https://www.wsj.com/articles/john-bolton-the-scandal-of-trumps-china-policy-11592419564







No comments:

Post a Comment