Tuesday, June 2, 2020

GEORGE FLOYD & NGƯỜI DA ĐEN Ở MỸ (Nguyễn Tuấn)





Tên anh trở thành biểu tượng cho đấu tranh chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Anh cũng là một người da đen 'fit' đúng vào cái profile tiêu biểu của người da đen ở Mĩ. Nhưng có phải đó là do nên công lí kì thị của Mĩ như nhiều người nói, hay là do những vấn đề tồn tại trong cộng đồng người da đen. Những con số thống kê sẽ trả lời câu hỏi đó.

1. George Floyd

Anh sanh năm 1973 ở Fayettville, North Carolina. Nhưng anh ta lớn lên ở Texas, theo học Trường trung học Yates High School, và ở đó anh trở thành cầu thủ có hạng. Có lẽ vì lí do gia đình George bỏ học. Theo báo chí, năm 2009 anh ta bị kết án 5 năm tù giam vì tôi xâm nhập nhà và cướp (robbery and home invasion), mãi đến năm 2013 mới được tại ngoại. Năm 2014, sau một thời gian tìm không được việc làm, George di cư đến Minneapolis và định cư trong khu phố chủ yếu là người da đen.

Ở Minneapolis anh ta làm 2 việc: vừa lái xe truck ban ngày và vừa làm bảo vệ cho một nhà hàng ban đêm. Những người bạn anh ở nhà hàng cho biết anh là người tử tế, và rất thích mọi thực khách chào anh một tiếng. Nhưng vì dịch bệnh, nên thành phố Minneapolis bị 'lockdown' và anh ta mất việc làm. Có thể nói George là nạn nhân của dịch Vũ Hán.

Hôm thứ Hai (25/5/2020), một nhân viên bán hàng của một tiệm chạp phô (Minneapolis) gọi điện cho cảnh sát báo rằng George dùng tiền giả (20 đôla). Cảnh sát đến còng tay anh ta, đè xuống mặt đường. George bị viên cảnh sát Derek Chauvin dùng đầu gối đè xuống cổ làm cho nạn nhân không thở được. Câu nói của George làm ám ảnh cả thế giới "Tôi không thở được". Thế nhưng chẳng hiểu lí do gì mà viên cảnh sát vẫn dùng biện pháp đó. George được chở vào bệnh viện, nhưng anh qua đời ở đó.

Những người quen biết mô tả George Floyd là người có trách nhiệm xã hội. Sau khi ra tù, anh làm việc thiện nguyện, giúp cộng đồng, và từng lên tiếng chống lại bạo động dùng súng. Anh còn được mô tả là người cha gương mẫu, rất thương con gái 6 tuổi hiện đang sống với mẹ ở Houston (Texas).

Cái chết của Floyd dấy nên một loạt biểu tình bắt đầu từ Minneapolis lan sang nhiều thành phố có đông người da đen cư ngụ. Thật ra, không còn là biểu tình bình thường chống sự tàn ác của cảnh sát nữa, mà đã biến thái thành bạo loạn và hôi của. Rất nhiều video và hình ảnh cho thấy những kẻ tham gia biểu tình, người da đen và cả da trắng, xông vào đập cửa kính các tiệm bán hàng và lấy hàng hoá, kể cả nhiều loạ hàng mắc tiền như kim cương, vàng và đồng hồ.

Có lẽ những gì xảy ra nằm ngoài sự tưởng tượng của George Floyd. Nếu còn sống, chắc anh ta không muốn nhìn những cảnh tượng như hiện nay.

2. Người da đen ở Mĩ

Người da đen ở Mĩ có một lịch sử 300 năm. Họ đã trải qua và chịu không biết bao nhiêu bất công và kì thị của người da trắng. Ai cũng biết vào thế kỉ 17 và 18 người da đen bị bọn cai trị da trắng bắt cóc từ Phi Châu và chở sang Mĩ làm nô lệ. Mãi đến thế kỉ 19 nhờ tranh đấu, tình trạng nô lệ mới giảm. Ngay trong thế kỉ 20, trong giới y khoa người da trắng có thời làm thí nghiệm (mà ngày nay được xem là vô đạo đức) trên người da đen. Có thể nói rằng người Mĩ da trắng thế hệ trước đã phạm những tội tày trời chống lại người da đen. Đó là sự thật lịch sử mà không ai có thể phủ nhận.

Hiện nay, trong thực tế cái khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa hai nhóm da đen và da trắng vẫn còn rất xa. Chúng ta thử nhìn qua vài con số thống kê:

(a) Dân số. Theo số liệu thống kê census 2016, nước Mĩ có 41.4 triệu người da đen (gốc Phi Châu), chiếm 12.7% tổng dân số Mĩ [1].

(b) Thu nhập bình quân mỗi gia đình da đen là 35400 USD, thấp hơn gần 40% so so với thu nhập gia đình da trắng là 60250 USD [2]. Tỉ lệ hộ nghèo ở người da đen là 26%, trong khi đó ở người da trắng là 10%. Tỉ lệ thất nghiệp ở người da đen là 9.2%, còn người da trắng là 4.4% (số liệu 2015).

(c) Giáo dục. Theo số liệu census 2000, 72% người da đen tuổi 25+ tốt nghiệp trung học, trong khi tỉ lệ này ở người da trắng là 84%. Chỉ có 14% người da đen có bằng cử nhân trở lên, so với 26% ở người da trắng và 44% người Á châu [3].

(d) Khả năng học của người da đen cũng thấp xa so với người da trắng và Á châu. Chẳng hạn như số liệu năm 2018 cho thấy điểm SAT (môn toán) trung bình như sau: Mĩ da đen 463, Mĩ da trắng 557, Á châu 635. Ngay cả điểm SAT môn đọc và viết cũng vậy: học sinh da đen có điểm thấp (483), so với Mĩ gốc Á châu (588), da trắng (566), và Mĩ Latino (501) [4].

(e) Tội phạm. Năm 2014, có 6.8 triệu người Mĩ bị bắt giam trong tù; trong số này có 2.3 triệu người da đen (34%) [5]. Lưu ý rằng, người da đen chỉ chiếm 12.7% tổng dân số Mĩ.

(f) Tỉ lệ bắt giam. Cục Thống kê Công lí (Bureau of Justice Statistics) cho biết khoảng 38% ''dân số" tù là người da đen (tổng số tù nhân chừng 7 triệu), kế đến là người da trắng (35%), và người Hispanics (21%). Tỉ lệ bị bắt giam ở người da đen là 141 (tính trên 10,000 dân), còn ở người da trắng là 27.5. Nói cách khác, người da đen có xu hướng bị giam cao gấp 5 lần so với người da trắng.

(g) Người da đen có xu hướng phạm tội chống người da trắng cao gấp 50 lần người da trắng phạm tội chống người da đen. Tỉ lệ người da đen phạm tội bạo động chống người da trắng là 1013 tính trên 10,000 dân số, và con số này cao 57.5 lần so với tỉ lệ người da trắng phạm tội bạo động chống người da đen (17.6) [7].

Những sự thật trên (dĩ nhiên là chưa đầy đủ) nhưng cũng đủ để 'vẽ' một bức tranh về tình cảnh người da đen ở Mĩ. Khoảng cách giữa người da đen và da trắng quá xa. Khoảng cách giữa người da đen và Á châu lại càng xa hơn nữa. Lưu ý rằng người da đen đã có mặt ở Mĩ 300 năm.

Khoảng cách giữa người da đen & người da trắng ở Mỹ

3. Người da đen và công lí Mĩ

Nhưng đối với giới lãnh đạo cộng đồng da đen, những khoảng cách đó là do người da trắng gây nên. Họ có lí thuyết gọi là "Victimology", có thể hiểu là "Nạn nhân học", cho rằng người Mĩ da đen là nạn nhân của chủ nghĩa kì thị chủng tộc do người da trắng chủ trương; rằng sự tiến bộ của cộng đồng người Mĩ da đen lệ thuộc vào hành động ăn năn, hối cải của người da trắng (về những việc họ phạm phải trong quá khứ). Một quan điểm rất phổ biến cho rằng nền công lí Mĩ thiên vị người da trắng và chỉ để trừng phạt người da đen. Những người theo quan điểm này trích dẫn những dữ liệu về tội phạm để làm cơ sở cho lí luận của họ.

Nhưng sự thật thì không đơn giản như thế.

Nghiên cứu khoa học xã hội cố gắng tìm câu trả lời có phải hệ thống tư pháp gây bất công cho người da đen, và một cách ngắn gọn: kết luận của rất rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống công lí Mĩ không có tính kì thị chủng tộc. Hai trăm năm trước đây thì có thể có, nhưng ngày nay thì không có chuyện kì thị chủng tộc trong hệ thống tư pháp Hoa Kì.

Một nghiên cứu (năm 1993) về mối liên quan giữa chủng tộc và mức độ hoặc hình phạt đối với các tội phạm về ma tuý, và tác giả không tìm ra bất cứ mối liên quan nào. Số lượng thuốc bán ra, tiền sử tội phạm, tội phạm có vũ khí hay không, và các đặc điểm khác về tội phạm giải thích tất cả những khác biệt về hình phạt giữa người da đen và da trắng. Chủng tộc không có ảnh hưởng đến mức độ phạt.

Có sự kì thị về án tử hình giữa nguời da đen và da trắng? Năm 1994, Giáo sư Stanley Rothman và Stephen Powers điểm qua các chứng cớ nghiên cứu khoa học xuất bản sau 1972 và họ đi đến kết luận rằng không có sự khác biệt về án tử hình giữa phạm nhân da đen và da trắng. Tính từ 1976 đến 1993, có 2716 người đang chờ tử hình, 36% trong số này là người da đen; và trong số 226 người bị tử hình, 38% là người da đen.

Thập niên 1980s là thời gian những người da đen cho rằng chiến dịch chống lại vấn nạn ma tuý làm cho người da đen dễ bị … cầm tù. Nhưng số liệu thực tế cho thấy một bức tranh khác: năm 1980, gần 47% tù nhân trong các nhà tù tiểu bang là người da đen, và 34% tù nhân trong các nhà tù liên bang là người da đen. Mười năm sau (1990), người da đen chiếm 49% dân số tù tiểu bang và 31% dân số tù liên bang. Thời gian bị giam trung bình ở người da đen là 25 tháng, so với 24 tháng ở người da trắng – không có sự khác biệt đáng kể.

Tương tự, một nghiên cứu của RAND năm 1991 về cướp của và ăn trộm trên 14 thành phố lớn của Mĩ cũng không tìm ra bất cứ mối liên quan nào giữa chủng tộc và mức độ phạt. Năm 1995, nhà thống kê học Patrick Langan phân tích dữ liệu của 42,500 bị cáo thuộc 75 quận hạt lớn của nước Mĩ, và ông cũng không tìm thấy mối liên quan nào giữa chủng tộc (da đen) và mức độ phạt. Người da đen cũng như người da trắng có cùng hình phạt và mức độ phạt (“no evidence that, in the places where blacks in the United States have most of their contacts with the justice system, that system treats them more harshly than whites.”) Một nghiên cứu tổng quan mới đây cũng đi đến kết luận rằng không có sự kì thị, hệ thống tư pháp áp dụng bình đẳng cho người da đen cũng như người da trắng [8].

Tuy nhiên, người da đen ngày nay có nhiều cơ hội hơn thế hệ cha anh của họ trước đây. Kì thị chủng tộc ở Mĩ là một hành vi phi pháp và chánh phủ Mĩ đã tạo mọi điều kiện cũng như ưu tiên cho người da đen. Mĩ đã có tổng thống người da đen. Còn số bộ trưởng, quan chức cao cấp, tướng lãnh gốc da đen thì nhiều không thể kể hết.

4. Một thoáng với cộng đồng người da đen

Tôi có chút trải nghiệm về thái độ của người da trắng đối với người da đen vào cuối thập niên 1990. Khi tôi mới sang Mĩ và tìm nơi mướn nhà, mấy người trong đại học khuyên tôi là tuyệt đối tránh những nơi có nhiều người da đen. Họ rất thẳng về lời khuyên, vì họ nói tình hình tội phạm ở khu vực đông người da đen không phải là nơi lí tưởng để cư trú.

Phải một thời gian sau tôi mới nhận ra sự thật này. Nơi tôi tạm trú chỉ cách khu người da đen có 2 con đường, nhưng trời ơi, khác nhau một trời một vực. Khu người da trắng thì sạch sẽ, nhà cửa tươm tất, bãi cỏ xanh rì, và đường xá yên tĩnh. Ngược lại, khu vực 'của' người da đen thì rất bề bộn, và nhìn từ xa cứ như là một khu tồi tàn. Đọc báo địa phương tuần nào cũng thấy tin về tội phạm, mà tuyệt đại đa số xảy ra ở cộng đồng người da đen. Sự khác biệt hay tách biệt hoàn toàn không phải kì thị, mà chỉ là vấn đề an ninh.

Có lần tôi đi công tác bên Mĩ và do tình hình khan hiếm khách sạn ở Baltimore, tôi phải ở một khách sạn gần khu người da đen. Tối nào đi bộ từ hội nghị về khách sạn, tôi cũng chứng kiến những cảnh buôn bán thuốc, những thanh thiếu niên nhìn người đi ngang một cách đáng sợ. Có một lần họ tiến đến gần tôi để … xin thuốc lá! Ngay ngày hôm sau tôi phải chuyển khách sạn.

Hai năm trước khi ghé qua Atlanta, nơi cũng có nhiều người da đen cư trú, và cái kinh nghiệm ở Baltimore khơi dậy. Hai anh em tôi (tôi và Thạch) mỗi khi đi từ hội nghị về khách sạn ngang qua cái công viên mà người da đen rất đông, và không nói ra, có lẽ các bạn cũng biết họ làm gì. Thật ra, ngay ở trạm xe điện và trong hội nghị, người ta liên tiếp cảnh cáo chúng tôi nên tránh xa khu vực "nhạy cảm", hiểu theo nghĩa có đông người da đen.

Tôi nghiệm ra rằng những hành động phản xã hội của cộng đồng người da đen chính là yếu tố gây nên sự bất bình đẳng giữa cộng đồng da đen và da trắng. Và, cái vòng tròn luẫn quẫn: người da trắng sợ người da đen, và nỗi sợ đó nuôi dưỡng sự thù hằn của người da trắng; ngược lại, thực tế nuôi dưỡng sự hoài nghi của người da đen về công lí nước Mĩ.

Nhưng có lẽ thay vì đổ thừa người da trắng và công lí Mĩ, có lẽ cộng đồng người da đen nên nhìn lại mình. Tại sao đã hơn 100 năm với những cơ chế pháp lí và điều kiện kinh tế - xã hội ưu tiên, mà khoảng cách giữa người da đen và da trắng vẫn còn quá xa? Chính Martin Luther King từng khuyên người da đen nên tỏ ra có trách nhiệm xã hội (ông nói "we’ve got to do something about our moral standards. We know that there are many things wrong in the white world, but there are many things wrong in the black world too.") King kết luận rằng người da đen không nên cứ đổ thừa cho người da trắng [về những thất bại của họ] ("We can’t keep on blaming the white man. There are things we must do for ourselves").

______________






No comments:

Post a Comment