Friday, June 26, 2020

CÓ NÊN LOẠI TRUNG QUỐC RA KHỎI TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI? (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 25/06/2020 - 12:40

Đại dịch virus corona đã cho thấy sự tăng tiến về sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhà tư vấn doanh nghiệp Francis Journot trên Le Figaro, một khi Bắc Kinh không tôn trọng quy định của các tổ chức quốc tế, thì không được chiếm một chiếc ghế nào tại đây. RFI xin giới thiệu bài viết.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc : Trung Quốc đã đầu tư vào các định chế quốc tế, nhưng lại vi phạm những quy định của các tổ chức này. Chế độ độc tài ngạo mạn trước đây chủ trương « quyền lực mềm », nay muốn thống trị thế giới, và « lấy thịt đè người » chừng như là nguyên tắc hàng đầu. Vì vậy cần phải lo ngại trước ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Qua cuộc khủng hoảng dịch tễ và ngoại giao, quan ngại sẵn có về nguy cơ một Trung Quốc thù nghịch và hiếu chiến sẽ thống trị thế giới, quét sạch các nền dân chủ nay càng mạnh mẽ hơn. Cần phải kìm hãm ý đồ đế quốc của Bắc Kinh, chừng nào còn có thể.

Trò lừa đảo của Trung Quốc và sự ngây thơ của phương Tây

Trung Quốc, thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới kể từ năm 2001, tuy không còn là quốc gia đang phát triển, nhưng lại luôn được hưởng những ưu đãi liên quan đến quy chế này, trong khi đây là một nền kinh tế chỉ đạo, một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước, chứ không phải là kinh tế thị trường.

Lẽ ra nên kết thúc tình trạng này từ năm 2016, sau thời kỳ chuyển tiếp - mà Bắc Kinh đã đánh cắp công nghệ phương Tây nhưng không hề bị trừng phạt, và vi phạm các quy định của WTO quá nhiều lần. Những người cạnh tranh đành chịu thiệt, không thể đọ sức với các công ty và sản phẩm được trợ giá bởi Nhà nước Trung Quốc chuyên nhúng tay can thiệp.


Ngoài ra, chế độ độc tài Trung Quốc còn nắm một trong năm chiếc ghế thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và như vậy có quyền phủ quyết. Tư thế ưu tiên này cản trở việc bị trừng phạt, đồng thời chặn đứng khả năng đưa Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì việc xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 chẳng hạn.

Ví dụ về việc Trung Quốc lũng đoạn Tổ chức Y tế Thế giới là lời cảnh báo cho chúng ta, vì nhờ ảnh hưởng này, Bắc Kinh đã trì hoãn được việc công bố đại dịch. Sự hiện diện và quyền lực Trung Quốc trong các định chế ấy, một chế độ độc tài có mục đích thống trị thế giới về kinh tế và quân sự, rõ ràng là phản tự nhiên và nguy hiểm.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hiểm họa cho tự do dân chủ và hòa bình nhân loại

Sự chối từ trách nhiệm trong một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người và sự khinh thường nhân loại, khiến chúng ta có thể nghĩ đến điều tệ hại hơn. Say men quyền lực, chắc chắn Tập Cận Bình cho rằng đe dọa quân sự sẽ giúp ông ta thống trị hoàn toàn một phương Tây ngu ngốc và lỗi thời, đã đổi công nghệ và thế thượng phong trong kinh tế thế giới lấy những mảnh vải và nhựa. Một số nhà lãnh đạo chừng như tuyên thệ trung thành với ông Tập, nhưng chiến lược này không phải là không có rủi ro, tới một lúc nào đó có thể dẫn dắt thế giới đến một cuộc Đệ tam Thế chiến.

Ban đầu chỉ giới hạn ở phòng vệ, quân đội Trung Quốc nay đã trở thành một lực lượng đi chinh phục thế giới, mà sức mạnh đang tăng lên khiến khó thể nghi ngờ về mục đích địa chính trị. Việc lập căn cứ hải quân ở Djibouti tại vùng Sừng châu Phi và một pháo đài thống trị Ấn Độ Dương có thể tiếp nhận nhiều chiến hạm lớn, thậm chí hàng không mẫu hạm, đã khẳng định tham vọng ấy. Lực lượng có thể đạt đến 10.000 người vào năm 2026.

Chế độ độc tài Bắc Kinh không phải không biết rằng việc chinh phục châu Phi và sự xâm lăng kinh tế xuyên suốt châu Âu, được đặt cho một cái tên thơ mộng là « Con đường tơ lụa », có thể gây ra sự nổi dậy của những người lao động được trả lương rẻ mạt, và đôi khi bị đối xử tệ hại, không chấp nhận việc Trung Quốc đô hộ châu Phi. Bên cạnh đó là sự chống đối của những người châu Âu bị lừa dối và nghèo đi. Đó là lý do khiến Trung Quốc thường phải dùng đến cách đe dọa và đàn áp, nhưng không ai có thể dự đoán được leo thang bạo lực bao giờ mới dừng lại.

Nỗ lực vũ trang chưa từng thấy trong thời bình

Trung Quốc có quân đội đứng thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Nhưng với nhịp độ hoạt động của tổ hợp kỹ nghệ quốc phòng đứng đầu thế giới về số lượng công nhân, Bắc Kinh có thể tự hào trong một, hai thập niên với tư cách cường quốc hải quân hàng đầu. Hai tàu sân bay và những chiếc khác đang được đóng, một tàu ngầm được xuất xưởng mỗi quý, và một khu trục hạm mới hàng tháng, hợp thành một hạm đội hiện nay đã lên đến 700 chiến hạm, có thể hoạt động tại tất cả các vùng biển.

Trong một bài viết của tờ báo Hồng Kông South China Morning Post đăng ngày 12/05/2020 mang tựa đề « Trung Quốc tung ra tàu ngầm mang đầu đạn nguyên tử mới nhất và nhận được một giải thưởng khoa học », nhà báo Liu Zhen bình luận về các thử nghiệm hỏa tiễn nguyên tử JL3 tầm xa12.000 km, có thể từ vùng duyên hải Trung Quốc phóng sang tận đất Mỹ. Những hỏa tiễn này sẽ được trang bị cho các tàu ngầm thế hệ mới kể từ năm 2025.


Các quan sát viên quân sự Bắc Kinh tuyên bố các vụ thử hỏa tiễn là sự đáp trả chiến lược răn đe Trung Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, không ai tin rằng Trung Quốc sản xuất hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân là do thù nghịch với tổng thống Hoa Kỳ. Các vụ bắn thử được tuyên truyền rầm rộ khi các nhà nghiên cứu được trao các giải thưởng khoa học thuộc loại danh giá nhất của Trung Quốc, một lần nữa lại là sự biểu dương sức mạnh trước thế giới.

Ngân sách của quân đội Trung Quốc là 250 tỉ đô la trong năm 2018 và được tăng lên hàng năm (tăng 7,5% trong năm 2020), có thể gần bằng phân nửa so với Hoa Kỳ trong những năm tới. Nếu tính đến thực tế ngân sách quân sự Trung Quốc nhờ nhân công giá rẻ nhất, nên có thể sản xuất ra một lượng lớn thiết bị hơn so với Hoa Kỳ, rõ ràng là nỗ lực vũ trang này là hiếm thấy, hoặc chưa từng thấy trong thời bình.

Trong khi đó, cách biệt giàu nghèo rất lớn, và 22% dân số đang độ tuổi lao động Trung Quốc bị thất nghiệp trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Sự chuẩn bị ồ ạt như thế cho quân đội, khiến chúng ta không thể không nhớ lại thời kỳ tái vũ trang của Đức quốc xã kể từ năm 1933, trước và trong Đệ nhị Thế chiến.

Một người khổng lồ chân đất sét

Quốc gia một tỉ rưỡi dân được hưởng lợi từ tăng trưởng nhờ làm ăn với phương Tây, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo. Cần khách quan nhìn nhận rằng các doanh nghiệp và người tiêu thụ phương Tây được lợi nhờ giá thành sản xuất thấp, nhưng ngược lại họ cũng phải trả giá đắt vì bị cạnh tranh bất chính, phi kỹ nghệ hóa, thất nghiệp, đời sống bấp bênh, dịch vụ công thụt lùi…

Tuy nhiên, hai thị trường tiêu thụ chính Âu-Mỹ vẫn luôn giữ được chiếc chìa khóa quyền lực kinh tế với Trung Quốc. Hai thị trường này chịu trách nhiệm về tình hình hiện nay, và cần phải có quyết định kìm hãm lại tham vọng điên cuồng của chế độ độc tài cộng sản thô bạo, được lãnh đạo bởi một chủ tịch đầy cuồng vọng, và nhờ độc đảng nên có thể ngự trị, dù có thể là người dân không mong muốn. Việc đặt lại vấn đề về tính chính danh và chính sách của Tập Cận Bình trên trường quốc tế có thể làm yếu đi quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Hoa Kỳ và EU phải đòi hỏi loại Trung Quốc khỏi các định chế quốc tế

Cho dù quan tâm đến lợi ích của Đức, quốc gia châu Âu lệ thuộc Trung Quốc nhiều nhất với khối lượng trao đổi lên đến 200 tỉ euro trong năm 2019, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cần phải phân biệt giữa ngoại giao và phục tùng. Không thể làm ngơ trước chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc, coi đây chỉ là sự đối đầu Mỹ-Trung, lý sự rằng đó là một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai đại cường, không mấy liên quan đến mình. Bởi vì xin đừng nhầm lẫn, người khổng lồ Trung Quốc không vì vậy mà sau đó để yên cho châu Âu, và mỗi bên sẽ nhớ đến sự thiếu sáng suốt của EU.

Nhưng sự khởi đầu một cuộc chiến trong im lặng, với những đe dọa đối với EU và các nước thành viên, lẽ ra đã phải khiến chúng ta mở mắt. Chẳng hạn, Bắc Kinh đòi EU phải làm nhẹ bớt trách nhiệm của Trung Quốc trong bản báo cáo về việc xử lý dịch virus corona, và mới đây còn định ngăn cản một hợp đồng hiện đại hóa các chiến hạm Đài Loan ký với một công ty Pháp. Bắc Kinh tuyên bố : « Chúng tôi một lần nữa khuyến khích Pháp tôn trọng nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa, hủy bỏ dự định bán vũ khí cho Đài Loan để tránh thiệt hại cho quan hệ Pháp-Trung ».

Sẽ là hợp lý nếu Trung Quốc tham gia tài trợ việc tái thiết nền kinh tế thế giới. Và điều tối thiểu mà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen có thể làm cho 27 nước thành viên - đã gánh chịu đại dịch với hàng trăm ngàn người chết và mất đi vô số công ăn việc làm - là cùng với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đòi hỏi Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho các nước khác.


Mặt khác, không thể chối cãi được rằng việc loại Trung Quốc ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có thể làm cường quốc ngoài vòng kiểm soát này trở nên ôn hòa hơn, giúp thế giới trong thời gian dài tránh được nguy cơ một cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc. Cũng cần nhanh chóng có được một sự thỏa thuận lịch sử giữa chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và tổng thống Hoa Kỳ, để đòi hỏi hai tổ chức quốc tế trên thực hiện. Trong một cuộc trao đổi vào cuối tháng Tư với Laure Mandeville, phóng viên chuyên về Hoa Kỳ của báo Le Figaro, thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực châu Âu, ông Philip T.Reeker đã nói : « Chúng ta phải đoàn kết lại trước Trung Quốc ». Đây chính là cơ hội.

Đã hẳn là xu hướng của EU về toàn cầu hóa và tự do mậu dịch tối đa khiến người ta nghi ngờ về một sự thay đổi chính sách như thế. Nhưng nếu nghĩ rằng người dân cũng sẽ không chấp nhận nạn thất nghiệp gia tăng và thắt lưng buộc bụng để trả giá cho thảm họa mà Trung Quốc đã gây ra, Ủy Ban nên hiểu là cần thay đổi cách tư duy. Trước khi phải đối mặt với sự phẫn nộ có thế là hồi kết cho EU, hoặc đối phó với một cuộc chiến tranh mà chính sách thụ động trước Trung Quốc đã tạo điều kiện, và như vậy EU phải chịu trách nhiệm rất lớn.






No comments:

Post a Comment