Sunday, May 24, 2020

COVID-19 SẼ GÂY ẢNH HƯỞNG ĐẾN THẾ HỆ SINH VIÊN TỐT NGHIỆP NĂM 2020 TRONG SUỐT QUÃNG ĐỜI SẮP TỚI CỦA HỌ (Charlotte Alter - Time)




Charlotte Alter  -  Time
24/05/2020

Truyền thống đại học ở Mỹ và Oxford, Cambridge ở Anh gọi buổi lễ tốt nghiệp cho sinh viên sau 4 năm dùi mài kinh sử là Commencement (sự khởi đầu) vì đúng là như vậy, đây là sự kiện khởi đầu cho những người trẻ đang chuẩn bị vào đời.

Elissa DeFranceschi, tốt nghiệp Đại học Drexel năm 2020, với bạn trai ở Philadelphia. Nguồn: Hannah Beier

Với một người, tốt nghiệp đại học là một bước chuyển tiếp rực rỡ, chặng cuối cùng của hành trình từ niên thiếu sang làm người lớn thật sự, một bước chuyển hầu như chắc chắn phải xảy ra, không giống như những giai đoạn chuyển tiếp khác trong cuộc đời. Những mối quan hệ (tình yêu, hôn nhân, bằng hữu) chấm dứt vì tan vỡ, hay một trong hai người qua đời. Công ăn việc làm chấm dứt vì người ta bỏ việc, hay bị sa thải. Nhưng đời sống sinh viên đại học là một trong những thứ hiếm hoi của con người chấm dứt vì một sự khởi đầu mới tinh khôi, ngoại trừ tình cảnh khi mà một sự khởi đầu mới tinh khôi đã không xảy ra.

Một buổi sáng tháng 3, Clavey Robertson, trong lúc nghỉ xả hơi giữa giờ học, tìm cách lần mò leo lên mái vòm ký túc xá của trường đại học Berkeley, California. Trọn năm nay anh đã vùi đầu vào việc chuẩn bị luận án tốt nghiệp về tình trạng xói mòn của mạng lưới an toàn xã hội kể từ cuộc đại suy thoái, nên Clavey cần để đầu óc được nghỉ ngơi, thư giãn. Từ khoảng cách khá xa, anh có thể nhìn thấy một chấm trắng nho nhỏ: đó là chiếc du thuyền Diamond Princess đang bỏ neo vùng vịnh San Francisco. Trên tàu là những nhân viên phục vụ đã bị nhiễm virus Covid-19.

Hannah Beier, tốt nghiệp Đại học Drexel năm 2020, ngành nhiếp ảnh, đã chụp ảnh các bạn cùng lớp trong khi cách ly. Cô đăng loạt ảnh chân dung này qua FaceTime. Ảnh chụp bởi Hannah Beier cho tuần báo Time số ra 1/6/2020

Hai tháng sau, bước chuyển lên làm người hoàn toàn trưởng thành của Clavey đã bị bế tắc. Anh bỏ không theo dõi buổi lễ tốt nghiệp tổ chức qua mạng và về nhà, sống trong căn phòng thuở ấu thơ nay đã biến thành phòng ngủ dành cho khách vãng lai. Cha mẹ anh bị mất việc làm ở một văn phòng chuyển vận du lịch. Còn chính Clavey cũng mất hy vọng với triển vọng kiếm việc làm. Clavey than thở: “Tôi không còn là một sinh viên viết luận án về thời kỳ đại suy thoái nữa. Giờ đây, tôi đang sống giữa thời kỳ suy thoái”.

Thời kỳ hậu đại học được đánh dấu bằng một giai đoạn tự điều chỉnh, khi các sinh viên rời bỏ mọi tiện nghi quen thuộc của mái trường đại học để chuẩn bị bước vào thị trường việc làm đầy tính bất trắc và cũng đầy chai sạn. Đặc biệt năm nay, các sinh viên tốt nghiệp đã phải đối đầu với một thực tế có nhiều khía cạnh khác thường khiến họ đã không thể nhận diện được. Hơn 90,000 người Mỹ đã tử vong [do đại dịch]. Hàng chục triệu người mất công ăn việc làm. Toàn bộ nền công nghiệp đất nước có nguy cơ sụp đổ.

Con virus của đại dịch đã gây ra những chấn động kinh tế làm rúng động mọi thành phần lứa tuổi trong xã hội. Ra trường đại học giữa cơn hoành hành của đại dịch Covid-19 sẽ để lại những dấu ấn vĩnh viễn cho sinh viên tốt nghiệp (lớp 2020): Trong hồi ức, trong khả năng kiếm sống, và trong cách nhìn nhận ý nghĩa của sự phân công xã hội. Đối với những người trẻ vừa bước vào đời này, cơn đại dịch không chỉ là một cuộc khủng hoảng mang tầm vóc quốc gia, mà còn là khoảnh khắc quyết định cho cuộc đời sắp tới của họ.

Joshua McCaw, tốt nghiệp đại học Drexel University 2020, trong căn phòng ngủ thời thơ ấu của anh ở Brooklyn. Ảnh: Hannah Beier

Ngay cả thời kỳ trước đại dịch Covid-19, lớp tốt nghiệp trong năm 2020 ở vào thời điểm cũng đã biết thế nào là sợ hãi và bất trắc. Phần lớn trong số họ được sinh ra vào năm 1997, 1998 – thuộc về lứa tuổi lớn nhất của thế hệ Z (Người dịch: Thế hệ Z sinh vào những năm 1997 và 2012. Gọi là thế hệ Z vì căn cứ theo thế hệ X – sinh từ 1960 đến 1980, kế đó là thế hệ Y – millennials – sinh khoảng giữa 1980s và 1990s. Sau thế hệ Z sẽ là thế hệ A, tức Alpha). Khi biến cố 9/11 xảy ra thì họ đang ở vào độ tuổi nhà trẻ hay đi học mẫu giáo. Thời thơ ấu của học được đánh dấu bởi những cuộc nổ súng chết (học trò) ở trường học và những thay đổi khí hậu khắc nghiệt. Năm đầu tiên khi họ bước chân vào đại học cũng là năm Donald Trump đắc cử tổng thống; năm cuối cùng rời đại học là năm cả thế giới kinh hoàng vì khủng hoảng đại dịch.

Simone Williams, tốt nghiệp trường đại học A&M ở Florida, phát biểu trong dịp lễ tốt nghiệp tổ chức trên mạng ngày 9 tháng 5: “Chúng tôi đặt chân vào thế giới lúc nó đang rã ra từng mảnh. Đó là biến cố làm cho vận mệnh sắp tới của thế hệ chúng tôi khác biệt hẳn với những người chỉ đi trước hoặc đi sau chúng tôi vài năm”.

Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng, đối với một công dân, những biến cố quan trọng xảy ra trong giai đoạn từ độ tuổi 14 đến 24, sẽ có tác động mạnh đến việc hình thành thái độ chính trị trong suốt quãng đời còn lại của họ. Thế hệ tốt nghiệp năm 2020 cho thấy, họ đã bị ảnh hưởng. Theo một cuộc thăm dò của Viện Chính trị, thuộc trường đại học Harvard đối với những người Mỹ trẻ tuổi, chỉ có 8% người Mỹ – có độ tuổi từ 18 đến 29 – tin rằng chính quyền đã thực hành chức năng của mình như đã được người dân mong đợi; chưa tới 20% xem họ là những người “rất yêu nước”. Thế hệ trẻ Mỹ đang tỏ ra rất hoài nghi sự hữu hiệu của các cơ chế chính phủ và đòi hỏi phải có thêm nhiều giải pháp mới; nói cách khác, họ thất vọng với hệ thống hiện tại, nhưng vẫn bám vào hy vọng sẽ có được một hệ thống mới tốt đẹp hơn trong tương lai.

Brooke Yarsinsky, tốt nghiệp đại học Drexel năm 2020, mừng sinh nhật mình trong căn bếp gia đình ở Marlton, New Jersey. Ảnh: Hannah Beier

Có lẽ dấu ấn vĩnh viễn trong tâm thức những người trẻ thế hệ Z của năm 2020 được định hình bởi những gì kế tiếp sẽ xảy ra. Nếu đội ngũ công nhân trẻ bị buộc phải tự mình lo liệu lấy mọi thứ và với tình trạng thất nghiệp hàng loạt của họ tiếp tục như hiện nay, một tâm trạng hoàn toàn vỡ mộng và tuyệt vọng rộng khắp sẽ là đặc tính vĩnh viễn gắn liền với thế hệ của họ. Phải cần đến một giải pháp thật hữu hiệu, thật mạnh mẽ, đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu của những tài năng trẻ này mới mong phục hồi được niềm tin của họ vào cơ chế.

Hiện nay, thế hệ Z của 2020 vẫn chưa biết rõ trận đại dịch sẽ có những ảnh hưởng như thế nào đối với tương lai của mình. Họ chỉ biết một điều là đại dịch sẽ thay đổi cuộc sống của họ. Adrian Rivera, sinh viên khoa Sử trường đại học Yale, quả quyết: “Mọi thứ đều bị lung lay. Chính ở khoảnh khắc sống còn này chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều gì đã làm hoặc điều gì chưa làm”.

                                                           ***
Trường học thường là nơi ẩn náu để tránh những cơn thịnh nộ của lịch sử. Nhưng những biến cố có tác động làm gián đoạn nếp sinh hoạt thường ngày của lớp học, từ sự kiện tổng thống Kennedy bị ám sát, đến cuộc khủng bố 9/11, lại có khuynh hướng ở mãi với ký ức của giới sinh viên.

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nhiều sinh hoạt trường học hơn tất cả mọi biến cố khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Khởi đầu là một phản ứng khá chậm chạp: ngày 6 tháng 3, trường đại học Washington loan báo hủy bỏ tất cả các lớp học tại trường cho 57,000 sinh viên của mình. Kế đến, trường đại học Stanford nối gót. Vài ngày sau, từ trường Harvard cho đến đại học Michigan, thông báo các lớp học sẽ chuyển tiếp dưới hình thức online. Chẳng bao lâu, hàng trăm trường đại học cũng làm giống như vậy.

Ben Scofield, tốt nghiệp đại học Drexel University năm 2020, ngồi trên giường trong căn hộ mới thuê ở khu Bushwick, Brooklyn. Ảnh: Hannah Beier

Thứ sáu ngày 13 tháng 3, một sự im lặng rợn người bao trùm lên các trường đại học toàn nước Mỹ. Vincent Valeriano, sinh viên tốt nghiệp năm 2020 của trường Iowa State, cảm nghĩ: “Có điều gì đó lạ lùng khó hiểu về cái ngày (thứ Sáu 13) đó, bởi vì mỗi lần bạn bè chúng tôi chào chia tay và nói ‘hẹn gặp sau nhé!’ hay ‘gặp lúc ra chơi nhé!’ tôi đều có cảm giác khiến lòng chùng xuống là tôi sẽ không gặp lại bạn mình nữa. Lời tạm biệt dường nặng nề hơn lúc bình thường”. Kết cuộc là, Vincent ngồi ở nhà trong bộ quần áo mặc ngủ và xem buổi lễ tốt nghiệp của chính mình trên TV.

Với những sinh viên từ năm thứ ba trở xuống, khóa học bị thu ngắn lại là một sự gián đoạn đầy bực bội. Với sinh viên năm tốt nghiệp, thì lại là một biến động thật đột ngột. Sam Nelson, vừa tốt nghiệp ngành báo chí ở trường đại học Missouri, nhận xét: “Sẽ không thể có cái gọi là kết thúc. Tôi biết rằng trong đời sống thật, sự kết thúc đơn giản không hiện hữu, nhưng đây là những khoảnh khắc cuối cùng để tuổi trẻ chúng tôi nói lời chia tay với một đoạn đời vừa trải qua và sẵn sàng bước vào một phần đời mới trước mặt”.

Thế hệ tốt nghiệp năm 2020 ôm nhau để cùng nhau nuối tiếc về khóa học cuối cùng đã bị mất, rồi tản mác ai về nhà nấy với những lời tạm biệt không đủ gởi đến nhau, những người bạn đã từng sống bên nhau hàng mấy năm trời. Những kẻ quen người biết gặp nhau giữa sảnh đường, cùng cười cùng đùa giỡn năm ba câu trong các buổi hội họp đã đơn giản biệt tăm. Các hội đoàn sinh viên nam nữ hủy bỏ các buổi họp mặt thường kỳ, các hoạt động từ thiện, để rồi cố tạo ra những cuộc vui gặp gỡ chén thù chén tạc qua Zoom (Người dịch: Một ứng dụng phần mềm giúp mọi người hội họp với nhau qua đường truyền internet) nhưng vẫn không tạo lại được cái hồn của cuộc sống thật. Với một số cuộc tình mới chớm, những gặp gỡ bất chợt bỗng trở thành sự gắn bó dù là từ một khoảng cách xa xăm. Một số khác lặng lẽ cố quên đi chút mê đắm thời đại học rồi cất bước rời trường không một lời từ giã.

Sarah Pruitt, tốt nghiệp đại học Drexel University khóa 2020, ở nhà với mẹ tại Colchester, Connecticut. Ảnh: Hannah Beier

Sự thiếu vắng của một sự kiện quan trọng như buổi lễ tốt nghiệp đại học đã trở thành nỗi day dứt đặc biệt đối với một số gia đình. Trong ngày được coi là ngày tốt nghiệp, Arianny Pujols, người đầu tiên được sinh ra tại Mỹ trong một gia đình di dân, cũng là người đầu tiên của gia đình tốt nghiệp đại học, vẫn ăn mặc và trang điểm đầu tóc như thể cô sẽ trịnh trọng bước lên bục để nhận bằng tại đại học Missouri State. Cô và gia đình đã tổ chức một buổi lễ ăn mừng nho nhỏ ở sân sau nhà ông nội. Sau đó, Arianny bước ra lề đường với khăn áo mũ mãng tốt nghiệp, tay cầm tấm bảng có hàng chữ “Xin bấm kèn mừng, tôi đã tốt nghiệp rồi đấy!” (Honk, I did it!) giơ lên mỗi lần có xe cộ đi ngang qua.

Brenda Sanchez, 22 tuổi, cha mẹ là di dân đến từ Mexico, cho biết, cha mẹ cô sẽ tiếc vô cùng hai buổi lễ tốt nghiệp, một của cô tại đại học Humboldt State ở California và một của người em cô vào hôm sau. “Cha mẹ tôi không được đi học. Họ không bao giờ có buổi lễ ra trường”. Brenda, bản thân cũng là một di dân, nhờ chương trình DACA của tổng thống Obama nên chưa bị trục xuất về nước, nói tiếp: “Mình cũng cảm thấy buồn chút xíu. Mình cố gắng học để đạt được mảnh bằng, nhưng lại không được thấy chính mình bước lên bục nhận bằng”.

Thay vì học hành xong xuôi rồi hăm hở tiến về tương lai, nhiều người trẻ 2020 lại có cảm tưởng như mình đang đi thụt lùi. Ilana Goldberg, tốt nghiệp đại học Tufts trong một buổi lễ trên mạng, phát biểu. “Chúng tôi đã sẵn sàng để bước vào cuộc đời với tư cách một người lớn trẻ tuổi – có lẽ không hẳn là một người lớn đứng đắn, có lẽ là một người lớn vụng về – nhưng dù gì thì cũng vẫn là một thứ người lớn. Chúng tôi không được coi là nằm trong cơ chế hiện hữu, nhưng lại chưa đủ xa ngoài tầm của cơ chế ấy để có thể tự tìm chỗ đứng riêng của mình trong thế giới ấy”.

Eric Kolarik, lẽ ra sẽ phải có mặt trong buổi lễ tốt nghiệp của đại học Michigan đầu tháng 5; thay vào đó, cậu lại ở nhà, rẫy lá khô, rửa bát đũa phụ mẹ, làm cùng những công việc nhà như khi còn là học sinh trung học. Cậu than van: “Năm nay tôi được 22 tuổi nhưng lại sống đời sống của một cậu học trò Eric 15 tuổi. Coi như là một bước khởi đầu thất bại rồi”.

                                                      ***

Nếu như những người trẻ thế hệ Z của 2020 biết được rằng, việc bị tước đoạt khóa học mùa xuân của năm cuối cùng ở đại học chỉ là chuyện nhỏ nhất trong toàn bộ những khó khăn họ sẽ gặp phải. Thật sự, những người trẻ này đang bị rơi xuống một cái lỗ hổng mênh mông của mạng lưới an toàn xã hội, nằm lọt giữa cơn suy thoái kinh tế mà tác động của nó sẽ định hình tương lai thế hệ 2020 trong thời gian hàng thập kỷ sắp tới.

Trước hết, họ đã bị mất hoàn toàn thu nhập qua những công việc do trường cung cấp để trang trải các chi phí sinh sống trong thời gian đi học. Một số đông có số giờ làm việc chưa đủ dài để có thể nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Và nếu họ được khai là người lệ thuộc (dependent) trong hồ sơ khai thuế của cha mẹ, họ sẽ không nhận được khoản trợ cấp kích thích tiêu dùng $1,200 của chính phủ liên bang. Mặt khác, chưa ai có đủ thời gian để xây dựng được cho mình một ngân quỹ để dành đáng kể.

Destiny, tốt nghiệp đại học Drexel University 2020, tại nhà ở Palmyra, PA. Ảnh: Hannah Beier

John Della Volpe, điều hành văn phòng trưng cầu ý kiến của viện nghiên cứu chính trị, đại học Harvard, nhận xét: “Tôi không chắc họ hoàn toàn hiểu được ý nghĩa của con số 25% thất nghiệp ảnh hưởng một cách không tương xứng đối với thế hệ trẻ như thế nào”. Ông nhắc tới lần suy thoái cuối cùng vừa rồi hồi năm 2009, những sinh viên tốt nghiệp năm đó đã phải đánh vật với mọi cơ hội hiếm hoi có được, giống như họ tham dự vào “trò chơi nghe tiếng nhạc giành ghế”. [Người dịch: Một loại trò chơi mà số ghế luôn ít hơn người chơi 1 chiếc. Người chơi nghe theo tiếng nhạc mà đi vòng quanh những chiếc ghế, hễ nhạc vừa dứt là phải nhanh tay đoạt lấy một chiếc ghế. Vì số ghế ít hơn số người chơi 1 chiếc nên sẽ có người không có được ghế ngồi, phải bị loại. Trong nội dung bài này, tác giả ám chỉ số người kiếm việc nhiều hơn số việc đang có trên thị trường].

Với lớp sinh viên tốt nghiệp của năm 2020, tình hình lại hoàn toàn tương phản. Họ bị đông cứng tại chỗ vì đại dịch, cùng lúc với tất cả mọi người khác cũng bị buộc phải ở trong nhà. Della Volpe nói tiếp. “Hầu như không có một cơ hội ở bất cứ khu vực kinh tế nào. Giống hệt một cuốn phim hoạt họa đang chiếu bị ngưng lại”.

Theo một cuộc thăm dò của hiệp hội quốc gia các trường đại học và hãng xưởng hồi tháng 4, thì 20% các công ty cho biết, họ đang tìm cách hủy bỏ những hợp đồng nhận sinh viên vào học việc của mùa hè (summer internship) năm nay. Kể từ giữa tháng 2 cho đến nay, con số việc làm tuyển dụng thông báo trên mạng lưới ZipRecruiter đã bị giảm sút gần phân nửa. Trong khi đó, cũng theo lời nhà kinh tế học về lao động Julia Pollak của ZipRecuiter, con số việc làm dành cho lực lượng nhân công ở mức chưa có kinh nghiệm (entry-level) giảm hơn 75%. Chỉ mới một năm trước đây, những người đi xin việc với kinh nghiệm ít ỏi có thể dễ dàng có việc làm với đồng lương tuy chưa cao nhưng sẽ nhanh chóng được tăng và những triển vọng sáng sủa cho công việc của mình. Còn bây giờ thì, như Pollak cho biết: “Đối với những người mới tốt nghiệp, tình hình còn đặc biệt khó khăn hơn”.

Sanchez đã phải làm một lúc hai công việc khác nhau, kể cả việc mở một cơ sở gắn lông mi giả để có thể trang trải các chi phí cho việc học hành của mình – trong mấy tuần lễ liên tiếp, đã gởi đi 70 lá đơn xin việc mà vẫn chưa có hồi âm. Williams, vốn mơ ước được làm việc trong ngành kỹ nghệ giải trí, cũng không may mắn gì hơn với 15 lá đơn và hoàn toàn mất hy vọng với việc có thể xin một fellowship làm việc nay đã ngừng không nhận thêm thành viên mới; giờ thì cô đành làm bất cứ việc gì miễn không bị ràng buộc cho qua ngày. Robertson đã dự định sẽ cố tìm một công việc trong lãnh vực hoạt động công đoàn; với tình hình hiện nay, có lẽ anh sẽ phải nghĩ đến việc quay trở lại trường tiếp tục học cao hơn nữa.

Không chỉ những công việc mơ ước của nhiều người đã biến mất khỏi thị trường. Thực tế cho thấy, rất nhiều người trẻ sẵn sàng làm những công việc trong khu vực buôn bán lẻ hay nhà hàng, tiệm ăn trong lúc chờ có được công việc mình mong ước. Theo cơ quan nghiên cứu Pew, trong ngót nghét tổng số 19 triệu công nhân ở độ tuổi từ 16 đến 24, có tới 9 triệu người làm việc trong khu vực dịch vụ. Đột nhiên, những công việc này bỗng bốc hơi bay đi đâu mất.

Theo văn phòng thống kê về lao động, chỉ riêng trong tháng 4, các ngành nghề trực tiếp phục vụ khách hàng đã bị mất đi 47% số lượng nhân công, tức khoảng 7.7 triệu người bị thất nghiệp. Điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây thiệt hại cho những người trẻ tuổi nhiều hơn là các thành phần tuổi tác khác. Cũng theo Pew, hơn phân nửa người Mỹ ở độ tuổi dưới 30 cho biết, trong gia đình họ có người bị mất việc hay bị giảm lương vì ảnh hưởng của đại dịch và những người trẻ tuổi nhất là thành phần bị ảnh hưởng nặng nề về tài chính hơn là những người thuộc thế hệ lớn tuổi hơn.

Ra trường vào thời điểm kinh tế suy thoái sẽ có thể có ảnh hưởng đến rất nhiều thứ từ khả năng thu nhập đến tình trạng sức khỏe và hạnh phúc riêng trong cuộc sống. Các nhà nghiên cứu cho biết, khởi sự nghề nghiệp ngay giữa cơn lốc của suy thoái có thể khiến ảnh hưởng xấu đến thu nhập trong 10 năm kế tiếp, thậm chí còn gây ra thêm nhiều tác động tệ hại khác cả hàng chục năm sau đó.

Một nghiên cứu của trường đại học UCLA và Northwestern cho thấy, những người trẻ ở độ tuổi vào đời những năm suy thoái kinh tế đầu thập niên 1980s có mức tử vong cao hơn, mức tỉ lệ ly dị cao hơn và ít có con cái hơn. Till von Wachter, một học giả kinh tế về lao động, người từng bỏ ra nhiều năm trời nghiên cứu về vấn đề này, đã đặt cho những người trẻ tham gia lực lượng lao động vào thời điểm tệ hại nhất cái tên: “Người tốt nghiệp kém may mắn”.

Hai chị em Camilla Nappa, tốt nghiệp đại học Drexel University 2020 và Sophia Nappa, sinh viên năm thứ 2 của NYU, tự cô lập ở nhà bố ở St. Louis. Nguồn: Hannah Beier

Thay vì can đảm xông pha vào thị trường việc làm đang tơi tả vì đại dịch corona, nhiều người trẻ tốt nghiệp năm 2020 tìm cách lánh nạn vào những chương trình học cao hơn. Lối thoát đó có thể tạo thêm nhiều vấn nạn mới. Tính tới năm học 2019, gần 7 phần 10 sinh viên tốt nghiệp mắc nợ vay để đi học, với trung bình là $30,000 một người. Theo học chương trình sau đại học (cao học, tiến sĩ, nghiên cứu sinh) cũng có nghĩa là sẽ phải vay thêm nợ. Sean Lange, dự định ghi tên vào một chương trình cao học về chính sách công, sau khi tốt nghiệp từ đại học Stony Brook ở New York, cho biết. “Tôi phải vay nợ để đi học tiếp, nhưng lại không có việc làm để kiếm tiền trả nợ”. Tệ hơn nữa, Sean không chắc chắn việc theo học như vậy xứng đáng với số tiền học phí $18,000 một năm phải trả. Nhất là các lớp học của anh sẽ chỉ được giảng dạy online.

                                                        ***
Tất cả những điều không may này – những hồi ức bị bỏ quên, những lời giã biệt không mong đợi, những cơ hội đã một đi không trở lại – sẽ còn bám theo những người trẻ thế hệ Z của năm 2020 suốt đời. Jean Twenge, nhà tâm lý học và là tác giả của “Igen”, nghiên cứu về thế hệ Z và thế hệ Y (Millennials), nhận xét: “Đại dịch corona là một biến cố văn hóa lớn nhất kể từ sau thế chiến II. Nó có một tầm ảnh hưởng to lớn lên tất cả mọi người, đặc biệt là lớp người trẻ”.

Magda tốt nghiệp đại học Drexel University 2020, với gia đình ở Lynbrook, New York. Ảnh: Hannah Beier

Ngay cả trước khi có trận đại dịch Covid-19, phần lớn thế hệ Z tốt nghiệp năm 2020 đã tỏ ra không hài lòng với cách giải quyết của chính phủ về các vấn đề mà thế hệ của họ phải đối đầu. Đây là những sinh viên đã từng tích cực tham dự phong trào đòi kiểm soát súng ống “March For Our Lives”, thời điểm xảy ra những vụ nổ súng ở trường học hầu như hàng tuần, và tổ chức tuần hành phản đối chính phủ đã thụ động trước biến đổi khí hậu.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2008 của cựu tổng thống Obama, họ còn quá trẻ để có thể có tiếng nói tích cực, nhưng đủ trưởng thành để bị thu hút bởi thông điệp về cách mạng tiến bộ của Bernie Sander trong cuộc bầu cử sơ bộ 2016. Đó cũng chính là những người trẻ đủ tuổi đi bầu và đã bỏ phiếu chống Donald Trump ở cuộc bầu cử tổng thống cùng năm. Họ ủng hộ những cải cách về tiền nợ vay đi học của sinh viên, cũng như một chương trình chăm sóc y tế toàn diện cho đất nước. Có thể nói, đây là thế hệ đa chủng tộc nhất trong lịch sử Hoa kỳ.

Thái độ hoài nghi đối với những cơ chế công quyền của họ phần lớn có nguyên nhân từ quan điểm của họ cho rằng chính quyền đã làm quá ít và chưa đủ những việc phải làm. Một nghiên cứu hồi năm ngoái của viện nghiên cứu Pew, cho thấy, 7 phần 10 dân Mỹ muốn chính quyền “phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết các vấn đề xã hội”. Sự khác biệt ý kiến nằm ở khoảng cách thế hệ, không phải quan điểm chính trị: Hơn một nửa thế hệ Z đòi hỏi chính quyền làm nhiều hơn. (Chưa tới 1 phần 3 những người Cộng Hòa ở lứa tuổi già hơn đồng ý với họ).

Hầu như việc bắt buộc phải sử dụng mạng xã hội đã góp phần làm trầm trọng thêm mức độ trầm cảm và lo lắng của thế hệ Z, như nhà tâm lý học Jean Twenge nhận định. Trong lúc phân tích những dữ liệu của cuộc thăm dò toàn quốc về sức khỏe và việc sử dụng thuốc, bà thấy rằng, con số những người trẻ có triệu chứng trầm cảm nặng đã gia tăng 63%, từ năm 2009 đến năm 2017, với một bước nhảy vọt đáng chú ý vào thời điểm 2012, năm mà số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) hầu như rộng khắp.

Trận đại dịch hiện nay lại càng khiến tâm trạng của họ thêm phần lo lắng và vỡ mộng. Viện nghiên cứu Pew còn phát hiện thêm rằng, thanh niên Mỹ ở độ tuổi từ 18 đến 29 dễ bị suy sụp tinh thần vì đại dịch hơn là thế hệ lớn tuổi hơn họ; đồng thời họ cũng ít có hy vọng vào tương lai hơn những công dân lớn tuổi, vốn là những người được cho là dễ bị nhiễm bệnh gây ra bởi virus.

athryn Murashige, tốt nghiệp đại học Drexel University 2020, trong căn nhà gia đình ở Kennett Square, PA. Ảnh: Hannah Beier

Điều này giúp giải thích tại sao những nhà hoạt động trẻ tuổi nhìn tình trạng ảm đạm hiện nay như là một khoảnh khắc bây-giờ-hoặc-không-bao-giờ cho thế hệ của họ. Họ biết rằng trận đại dịch sẽ định hình tương lai của họ, cho dù vẫn chưa biết đích xác hình dáng ấy như thế nào. Varshini Prakash, một lãnh tụ của phong trào Sức Mạnh Thế Hệ Z “Sunrise Movement”, phát biểu: “Hoặc là chúng ta sẽ trở thành một thế hệ kiên cường hơn các thế hệ đàn anh. Hoặc chúng ta sẽ thuộc về một thế hệ có khuynh hướng phủ nhận chính phủ, và sẽ ít muốn tham gia chính trị vì chúng ta nhìn thấy cơ chế đã thất bại trong nhiệm vụ giúp đỡ chúng ta vào thời điểm mà chúng ta cần đến họ nhiều nhất”.

Robert Reich là cựu bộ trưởng Lao động, hiện giảng dạy môn Chính sách Công quyền tại đại học Berkeley, California, nhận xét: “Nhóm người trẻ nhất nước Mỹ có thể bị chấn thương suốt đời. Họ có thể sẽ tự rút lui hẳn cả ở khía cạnh kinh tế lẫn xã hội. Họ có thể đã mất niềm tin vào tất cả các loại cơ chế, và hiện tại thì họ đang thiên về khuynh hướng ấy”.

Ở những quốc gia khác, chẳng hạn như Ai Cập, Tunisia và Tây Ban Nha, tình trạng thất nghiệp rộng khắp của giới trẻ có học vấn đã dẫn tới những bất ổn xã hội hoặc cấp tiến quá khích, phần lớn là do họ cảm thấy mình bị phản bội. Theo Heath Prince, một nhà khoa học nghiên cứu của trường đại học Texas ở Austin, họ nghĩ: “Chúng tôi tin đã có một sự đồng thuận, một loại công ước xã hội rằng, nếu chúng tôi tuân thủ mọi luật chơi sẵn có thì chúng tôi sẽ được cung cấp công ăn việc làm sau khi tất cả những hỗn loạn này chấm dứt”.

Cho đến nay, tình trạng thất nghiệp của những người trẻ tuổi tại Mỹ phần lớn liên quan đến nghiện ma túy và các quan điểm cực đoan cánh hữu – Prince nói thêm – và vẫn chưa gây nên mầm mống gì gọi là sự nổi dậy tập thể. Thế rồi xảy ra tình trạng thất nghiệp chưa bao giờ cao đến mức độ này trong gần 80 năm nay.

Robertson, tốt nghiệp đại học Berkeley, California, chuyên ngành về Giao Ước Mới (New Deal), nói: “Thế hệ chúng tôi không có cảm tưởng rằng chúng tôi được quan tâm đến hay được lắng nghe. Cùng lúc đó, rất nhiều người trong chúng tôi lại bị tước đi tiếng nói về mặt kinh tế. Tôi khẳng định rằng, rất nhiều anh em chúng tôi đã đánh mất niềm tin của mình vào chính quyền”.

Theo một số học giả, các sinh viên và các nhà hoạt động, cách duy nhất để đối phó với tình trạng thất nghiệp tương tự như hồi đại khủng hoảng thập niên 1930s là chính quyền liên bang phải có sự đáp ứng mang tầm cỡ như những cải cách thực hiện ở những năm đó. Chính sách New Deal (Giao Ước Mới) của tổng thống Franklin D. Roosevelt khi ấy gồm nhiều sáng kiến quan trọng, nhằm thúc đẩy giới công nhân trẻ tham gia lực lượng lao động.

Sáu ngày sau khi nhậm chức năm 1933, Roosevelt đề ra chương trình thực hiện những đề án công cộng gọi là Civilian Conservation Corps (CCC): Trong vòng 4 tháng, chính quyền liên bang đã mướn 300,000 công nhân trẻ đảm nhận công việc trồng cây, bảo trì công viên và chăm sóc đường xá. 3 triệu người khác được thu nhận là công nhân làm việc cho chương trình.

Năm 1935, Roosevelt thành lập cơ quan quản trị thanh niên quốc gia (NYA: National Youth Administration) trực thuộc cơ quan quản trị sự tiến triển của các công trình công cộng, nhằm tạo điều kiện cho lớp công nhân trẻ vừa học vừa làm trong các lớp dạy nghề. (Chàng thanh niên trẻ tuổi Lyndon B. Johnson – tức tổng thống Johnson sau này – có được một dịp may chính trị rất sớm khi được đề cử làm quản trị trưởng của chương trình NYA ở tiểu bang Texas lúc ấy). Những thanh niên trẻ tham dự đội ngũ lao động trong thời kỳ New Deal sau này trở thành thành viên của đạo quân yêu nước, quên mình, chiến đấu trong Thế chiến II, ngày nay được đặt tên là “thế hệ vĩ đại nhất”.

Một số các dân cử thuộc đảng Dân Chủ có ý kiến cho rằng, đại dịch Covid-19 cần một giải pháp đối phó tương tự. TNS Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts đã kêu gọi thành lập “một đạo quân kiểm soát virus corona” (Coronavirus Containment Corps) để mở rộng lực lượng y tế công cộng và đội ngũ những nhân viên theo dõi sự lây lan của dịch bệnh nhằm chặn đứng sự hoành hành của con virus. (Warren, một người vốn ngưỡng mộ chính sách New Deal, đã giải thích CCC là NO CoinCidenCe –không phải ngẫu nhiên).

TNS Chris Coons (Dân Chủ ở bang Deleware) TNS Bill Cassidy (Cộng Hòa, bang Louisiana) đã cùng phối hợp vận động việc ban hành một đạo luật quốc gia, nhằm mở rộng chương trình Americorps (một chương trình xã hội tự nguyện) với một ngân quỹ liên bang dành tuyển dụng 750,000 nhân viên sẽ được đào tạo thành một lực lượng y tế công cộng, đối phó với Covid-19. Và những người đề xướng ra một Giao Ước Mới Xanh (Green New Deal) như Prakash và nữ dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez của tiểu bang New York đang nỗ lực để định hình chính sách môi trường của ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, được cho là Joe Biden.

Với những người Cộng Hòa hoài nghi, không muốn mở rộng các chương trình của chính phủ, nên không chắc các đề xướng nói trên sẽ vượt qua được cửa ải Thượng Viện do Mitch McConnell, Chủ tịch đảng Cộng Hòa chiếm đa số, hoặc qua khỏi bàn giấy của tổng thống Donald Trump. Nhưng bối cảnh chính trị hiện nay đã nghiêng về các khuynh hướng xã hội với việc phe Cộng Hòa bằng lòng phê chuẩn những chương trình phục hồi – như việc gởi số tiền kích thích tiêu dùng $1,200/ người đến các công dân Mỹ – mà mấy tháng trước đây không ai có thể nghĩ đến.

Và nếu như đảng Dân Chủ lấy lại được đa số ở Thượng Viện và tòa Bạch Ốc thì những những chương trình cải cách xã hội rộng lớn sẽ đến gần với thực tế hơn nhiều. Những người trẻ từ lâu nghi ngờ khả năng của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề to lớn của đất nước, có thể sẽ khôi phục được niềm tin đã mất của mình. Lange, sinh viên theo học môn chính sách công quyền của đại học Stony Brook, giải thích: “Tôi không tin tưởng chính phủ hiện nay, bộ máy chính quyền hiện nay một chút nào hết. Nhưng tôi vẫn có niềm tin ở một chính quyền lớn mạnh”.

Eric Kolarik đã dành toàn bộ thời gian của khóa học cuối cùng ở đại học Michigan cho một luận án về trận dịch cúm 1918. Hiện giờ, với các lớp học bị hủy bỏ và khả năng kiếm việc bị đóng băng, sách gối đầu giường của Eric là quyển The Great Influenza (Trận cúm vĩ đại – của John M. Barry) cùng với các quyển The Crucible (Cuộc thử thách – kịch của Arthur Miller) và Of Mice and Men (Của chuột và người – của John Steinbeck). Eric nhận xét: “Có một thứ gì đó tạm gọi là nhất trí với nhau giữa những người thuộc thế hệ 2020 và điều đó chẳng phải là kỷ niệm hay ho gì. Người ta sẽ nói: ‘A! anh (chị) là người tốt nghiệp năm 2020’ và mọi người hiểu ngay câu nói ấy mang ý nghĩa gì”.

Trận đại dịch đã đánh dấu sự kết thúc một đoạn đời của thế hệ kém may mắn này. Và cuộc hồi sinh sẽ có thể là mốc khởi đầu cho một đoạn đời khác của họ.

(Những bức ảnh trong bài do Hannah Beier hợp tác với Melissa Nesta để chụp)






No comments:

Post a Comment