Monday, May 25, 2020

VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI MỸ CHỐNG CÁCH LY XÃ HỘI, BẤT CHẤP COVID-19? (Gaia Vince - BBC Future)




Gaia Vince
BBC Future
19/05/2020

Các nhà khoa học giỏi nhất thế giới đang được huy động trong nỗ lực giống như trong thời chiến để chiến đấu với dịch virus corona, nghĩ ra vắc-xin, phương pháp điều trị, mô hình hóa các kết quả và tư vấn cho chúng ta.

Đây là một bệnh lây lan nhanh, được sinh ra trong xã hội toàn cầu hóa của chúng ta trong Thế kỷ 21, và nó đòi hỏi phải có khoa học dựa trên bằng chứng mới nhất.

Về điều này, tất cả chúng ta đều đồng ý, bởi vì chúng ta là những người có lý trí trong Thế kỷ 21, phải không?

Donald Trump: 'Giải phóng Michigan!', 'Giải phóng Virginia!'

Điều này chỉ đúng đến một lúc nào đó.

Khảo sát công chúng Mỹ cho thấy thái độ đối với cùng loại virus chết chóc trong cùng một quốc gia bị tác động mạnh mẽ bởi xu hướng bỏ phiếu theo đảng phái.

Các cử tri Cộng hòa nhìn chung ít lo ngại hơn về Covid-19 so với Đảng Dân chủ, và có vẻ như ít muốn ủng hộ các biện pháp phong tỏa ngăn chặn sự lây lan của virus.

Vì Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, nó phụ thuộc hoàn toàn vào vật chủ là con người để chuyên chở và lây lan - càng nhiều người giao lưu như thường thì càng có nhiều cơ hội cho virus sinh sôi và lan truyền, và dịch bệnh ngày càng tồi tệ hơn.

Đó là khoa học. Chỉ bằng cách nhận ra mối đe dọa của dịch bệnh thì mọi người mới được huy động để thay đổi hành vi xã hội bẩm sinh của họ, để làm chậm sự lây lan của nó một cách chủ động.

Tuy nhiên, trong khi các chuyên gia khoa học và y tế ở Mỹ và trên thế giới cảnh báo công chúng về những rủi ro và nhắc lại tầm quan trọng của việc giữ khoảng cách xã hội, thì một số nhà lãnh đạo thế giới không có kiến thức khoa học đã tìm cách coi thường nguy cơ trong nhiều tháng liền.

Các hạn chế đi lại mang tính phòng vệ đã được chính quyền hầu hết các bang ở Mỹ áp đặt, dẫn đến việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh và tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục.

Đáp lại, tại hơn chục bang đã xảy ra các cuộc biểu tình phản đối phong tỏa, khi mà hàng ngàn người Mỹ bảo thủ và cực hữu đòi dỡ bỏ các hạn chế đi lại, bất chấp cái giá phải trả về y tế.

Tại các bang Michigan và Washington, những người biểu tình ủng hộ ông Trump đã cầm súng kêu gọi giành 'tự do' trước 'sự chuyên chế' của các thống đốc.

Với sự ủng hộ của họ, Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter: 'Giải phóng Michigan!', 'Giải phóng Virginia!', và gọi người biểu tình là những người 'yêu nước Mỹ'.


Hồi cuối tháng Tư, hàng trăm người biểu tình đã xông vào Tòa nhà Quốc hội bang Michigan và đe dọa Thống đốc, người đã gia hạn lệnh ở nhà của tiểu bang thêm hai tuần cho đến ngày 15/5.

Michigan là một trong những tiểu bang bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề nhất, với số các ca tử vong mỗi ngày trong tuần đầu tháng Năm là hơn 100 ca.

Vào ngày 1/5, một ngày sau cuộc biểu tình mà khi đó những người xuống đường đã gọi Thống đốc Michigan là 'bạo chúa' và đánh đồng bà với Hitler, ông Trump đã mô tả những người biểu tình này là 'những người rất tốt'.

Trong khi đó, trên khắp nước Mỹ, các cuộc biểu tình chống phong tỏa vẫn tiếp tục.


Tính đảng phái

Những cuộc biểu tình này, vốn đi ngược lại lời khuyên của cơ quan y tế về việc áp dụng các biện pháp nhằm giảm tốc độ lây lan, xảy ra vào lúc các thuyết âm mưu về virus được lan truyền rộng rãi, bao gồm đó là trò lừa bịp (có 13% người Mỹ được thăm dò đồng ý), hoặc con virus này đã được cố tình tạo ra trong một phòng thí nghiệm vũ khí của Trung Quốc (một giả thuyết được gần một nửa dân số Mỹ tin), và công nghệ không dây 5G bằng cách nào đó đã lan truyền virus.

Những giả thuyết như vậy đã được thúc đẩy và lan truyền bởi một số chính trị gia bảo thủ nổi bật và các nhà hoạt động cực hữu, trong đó có Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton.

Và nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả những người thông minh cũng có thể tin vào những thuyết âm mưu như vậy, nếu chúng được diễn đạt đúng cách.

"Nếu chúng ta có tính đảng phái cực độ như ở Mỹ, thì nó sẽ giống như một rừng cây khô và chỉ cần một que diêm để đốt cháy nó và gây ra vấn đề," ông Jay van Bavel, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học New York, nói.

"Đó là những gì chúng ta đã thấy trong vài tháng qua ở Mỹ, khi mà ông Trump lúc đầu không nghiêm túc nhìn nhận con virus, và truyền thông cánh hữu - như Fox News - đã hạ thấp mối đe dọa của đại dịch trong thời gian dài để bảo vệ cơ hội đắc cử của ông Trump. Do đó, chúng ta có công thức cho sự khác biệt trong niềm tin."

Như các cuộc thăm dò đã chỉ ra, ngay từ hồi tháng Hai thì thái độ của người Mỹ đối với nguy cơ Covid-19 gắn chặt với xu hướng bỏ phiếu, với những người Cộng hòa ít lo ngại hơn nhiều về dịch bệnh.

Văn hóa bộ lạc ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận thế giới nhiều hơn là tác động của thực tế.

Hãy xem biến đổi khí hậu do con người gây ra mà vốn có sự đồng thuận khoa học gần như nhất trí trên toàn cầu.

Vấn đề này cũng chia rẽ người Mỹ, nhưng theo một cách không thể ngờ: các cử tri Dân chủ và Cộng hòa càng có trình độ học vấn cao, niềm tin của họ vào biến đổi khí hậu càng khác xa nhau.

Trong số những người Cộng hòa chỉ học hết trung học, có 23% cho biết họ rất lo lắng về biến đổi khí hậu. Nhưng trong số những người Cộng hòa có trình độ đại học, con số đó chỉ là 8%.

Điều này có vẻ phản trực giác, bởi vì những người Cộng hòa có học vấn tốt hơn có nhiều khả năng hiểu được sự đồng thuận khoa học hơn.

Nhưng khi nói đến dư luận, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề khoa học, nó là vấn đề chính trị. Khoa học biến đổi khí hậu tương đối mới và phức tạp về mặt kỹ thuật, và nhiều người Mỹ chấp nhận ý kiến của các nhà lãnh đạo của họ: giới tinh hoa chính trị.

Ngay cả khi những người Cộng hòa có học vấn tốt hơn có thể tiếp cận nhiều hơn những thông tin khoa học về biến đổi khí hậu, họ cũng tiếp xúc nhiều hơn với các thông tin mang tính đảng phái về vấn đề này, và điều này quan trọng hơn.

"Chúng ta đã trải qua ba năm mà người Mỹ tranh luận về những cảm nhận khác nhau về thực tế: chẳng hạn, quy mô của đám đông tại lễ nhậm chức của ông Trump so với lễ nhậm chức của ông Obama. Thật dễ dàng để cho qua việc này vì nó không gây hậu quả gì. Nhưng giờ đây chúng ta có một con virus gây ra rủi ro rất lớn cho sức khỏe của con người," van Bavel nói.

"Và những rủi ro này gây ra hậu quả phi đảng phái bởi vì hầu hết mọi người đều có thân nhân hay làm việc với ai đó thuộc đảng phái chính trị khác. Nếu họ tiếp xúc với virus và nhiễm bệnh, họ sẽ khiến bạn gặp rủi ro. Cho nên có lý do mạnh mẽ để đi tìm cách giải quyết vấn đề này."

Bị cảm xúc dẫn dắt

Do chúng ta đã tiến hóa về mặt văn hóa để có được kiến thức và niềm tin của mình chủ yếu thông qua việc sao chép người khác với độ chính xác cao thay vì bằng cách sáng tạo (bằng cách xem xét bằng chứng và tự quyết định cho mình), chúng ta dễ bị tổn thương trước việc sao chép những mô hình không đáng tin cậy. Tệ hơn nữa, vì chúng ta đã học cách coi trọng cách giải thích lý tính hơn là cách nhìn nhận chủ quan đối với các vấn đề khoa học, chúng ta có thể bị làm cho ảnh hưởng để tin rằng những ý kiến chúng ta sao chép là lý tính, vì vậy khó mà thay đổi chúng hơn.

Bất chấp các chuẩn mực của chúng ta về lý tính và ra quyết định dựa trên bằng chứng vốn đã phát triển trong nền văn hóa, sự tiến hóa sinh học của chúng ta đã không theo kịp và nhận thức của chúng ta tiếp tục bị cảm xúc dẫn dắt.

Vấn đề không nhất thiết là chúng ta sử dụng phần cảm xúc của não bộ nhiều hơn phần lý trí khi ra quyết định, mà là chúng ta tự huyễn hoặc.

Ngay cả các chuyên gia cũng có xu hướng thiên kiến và điều này có nghĩa là họ gây ra những sai lầm đắt giá: những định kiến phi lý mang tính hệ thống trong các tổ chức, nơi mà mọi người tin rằng bản thân họ không kỳ thị chủng tộc, không kỳ thị giới và nắm giữ các vị trí hiện có nhờ vào năng lực hơn là vận may.

Thông thường, vai trò chính của lý trí trong việc ra quyết định thực ra không phải là đi đến quyết định mà là có thể trình bày quyết định như điều gì đó duy lý.

Một số nhà tâm lý tin rằng chúng ta chỉ sử dụng lý trí nhằm quay ngược lại biện hộ cho các quyết định của mình và chủ yếu dựa vào bản năng không có gì hoài nghi của chúng ta để đưa ra quyết định.

Có thể là bản năng vô thức của chúng ta - bất chấp thiên kiến và định kiến nhận thức - có năng lực duy lý hơn là tâm trí xử lý suy nghĩ logic của chúng ta. Rất ít người trong chúng ta có khả năng phân tách hoàn toàn lập luận chủ quan và khách quan của mình trong quá trình ra quyết định - đây là một trong những hứa hẹn của trí tuệ nhân tạo.

Tác động của nỗi sợ

Việc ra quyết định bị yếu tố sinh học và môi trường xã hội của chúng ta tác động.

Hãy xem ảnh hưởng tâm lý và sinh lý của nỗi sợ: người ta đã chứng minh rằng những người bỏ phiếu bảo thủ có xu hướng có amygdala - trung tâm sợ hãi của não - lớn hơn.

Trong một nghiên cứu, một đứa trẻ ba hoặc bốn tuổi càng sợ hãi nhiều chừng nào phòng thí nghiệm, thì thái độ chính trị của chúng sẽ càng bảo thủ chừng đó hơn 20 năm sau.

Tác động của nỗi sợ là ngay lập tức: trong một nghiên cứu, khi những người có tư tưởng tự do gặp mối đe dọa thể xác thì thái độ chính trị và thái độ xã hội của họ tạm thời trở nên bảo thủ hơn.

Các chính trị gia bảo thủ và các nhà chiến lược bầu cử khai thác điểm này, nhằm mục đích đẩy cao nỗi sợ nhập cư của cử tri, chẳng hạn như bằng cách so sánh người nhập cư với vi trùng, nhằm vào các động cơ sâu thẳm của chúng ta vốn đã trải qua tiến hóa sinh học để tránh bị lây nhiễm và bệnh tật.

Trong một nghiên cứu, trong đại dịch cúm H1N1, các nhà nghiên cứu đã nhắc nhở mọi người về sự nguy hiểm của virus cúm rồi hỏi về thái độ của họ đối với nhập cư, sau đó hỏi họ đã tiêm phòng cúm chưa. Những người chưa được tiêm ngừa cúm có khả năng chống nhập cư nhiều hơn những người cảm thấy ít bị đe dọa.

Nhưng trong một nghiên cứu tiếp theo, các nhà nghiên cứu cho mọi người một chút nước rửa tay khô sau khi cảnh báo về cúm. Thiên kiến đối với dân nhập cư không còn nữa.

Làm cho mọi người cảm thấy an toàn đã thay đổi quyết định bỏ phiếu của họ theo hướng tự do hơn. Khi các nhà nghiên cứu yêu cầu mọi người tưởng tượng mình hoàn toàn bất khả xâm phạm trước mọi tác hại, các cử tri Cộng hòa trở nên có lập trường tự do hơn rất nhiều trong thái độ xã hội của họ đối với các vấn đề như phá thai và nhập cư. Trong lý trí là tràn ngập cảm xúc.

Sự chế ngự từ thực tế

Ý nghĩa xã hội của hầu hết các quyết định cũng là yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định. Trong các tình huống rất đảng phái, những người không tuân theo các quy tắc xã hội bằng cách bỏ phiếu chống lại đa số có nguy cơ bị tẩy chay. Do đó, trong những trường hợp như vậy, có thể sẽ hợp lý hơn để các cá nhân đi ngược lại lý trí, vì chúng ta có động cơ duy trì gắn kết xã hội và mạng lưới hỗ trợ hơn là để mình đúng một cách khách quan.

Dù xu hướng chính trị của bạn là gì, Covid-19 sẽ không phân biệt vì nó vẫn kiếm thêm lá phổi để lây nhiễm.

Tuy nhiên, do sự lây nhiễm tự thân nó mang tính xã hội, nên có thể có những người vẫn tiếp tục giao lưu mà không hề sợ hãi rằng tình hình dịch bệnh có thể còn trở nên tồi tệ hơn.

Nói cách khác, lịch sử bỏ phiếu cũng có thể ảnh hưởng đến số phận của bạn.

Không cần phải nói, xu hướng chung liên kết khuynh hướng chính trị với thái độ đối với virus corona không phải là toàn bộ câu chuyện.

Chẳng hạn như ông Rand Paul, Thượng nghị sĩ bang Kentucky, đã tình nguyện vào bệnh viện để giúp đỡ các bệnh nhân trong cuộc khủng hoảng, bao gồm những người mắc virus corona, sau khi chính ông cũng đã mắc bệnh.

Và có dấu hiệu mọi thứ đang thay đổi.

Khi các cử tri Cộng hòa tiếp xúc với những người mà họ biết bị ảnh hưởng bởi virus, họ sẽ xem mối đe dọa nghiêm túc hơn - điều được gọi là 'sự chế ngự từ thực tế'.

"Động cơ của mọi người để đi theo đảng phái bắt đầu trở nên bị đè bẹp trước giá trị của việc phải chính xác và giữ sự khỏe mạnh đối với bản thân và gia đình họ", van Bavel nói.

Cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy hơn 95% cử tri Dân chủ ủng hộ các biện pháp giãn cách xã hội, và phần lớn cử tri Cộng hòa cũng vậy - hơn 80% - cho nên khoảng cách ngày càng thu hẹp.

Do đó, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ ủng hộ của ông Trump đã giảm trong cùng thời gian mà tỷ lệ ủng hộ đối với các thống đốc bang, những người đã đứng ra lãnh đạo đối phó với virus, tăng lên.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.






No comments:

Post a Comment