Wednesday, May 27, 2020

THẾ GIỚI HÔM NAY : 27/05/2020 (The Economist)




The Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy dịch
27/05/2020

Tập Cận Bình kêu gọi các sĩ quan quân đội tăng cường sẵn sàng chiến đấu vũ trang. Khi phát biểu bên lề Nhân Đại ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc cho biết đại dịch covid-19 đã tác động sâu sắc đến an ninh và sự phát triển của đất nước. Bất chấp mối lo ngại này, chính phủ tuần trước đã đề xuất với quốc hội là trong năm nay mức tăng chi tiêu quốc phòng sẽ là 6,6%, giảm so với 7,5% hồi năm ngoái.

Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi coronavirus khởi phát, đã hoàn thành xét nghiệm 6,5 triệu người trong mười ngày. Chiến dịch này theo sau những lo ngại rằng covid-19 đã xuất hiện trở lại sau khi lệnh phong tỏa thành phố hồi tháng 1 dường như đã kiểm soát được dịch bệnh. Các quan chức tuyên bố khoảng 3 triệu xét nghiệm đã được tiến hành trước chiến dịch vừa rồi, trong một thành phố khoảng 11 triệu dân.

Chính phủ Afghanistan cho biết họ sẽ thả 900 tù nhân theo thỏa thuận hòa bình với Taliban được ký hồi tháng 2, theo đó ​​quân đội nước ngoài sẽ rút khỏi đất nước. Bất chấp thỏa thuận, thù địch vẫn tiếp diễn. Thông báo được đưa ra sau đợt ngừng bắn ba ngày nhân dịp lễ Eid của người Hồi giáo kết thúc.

Costa Rica trở thành quốc gia Trung Mỹ đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Phán quyết của tòa án hiến pháp nhằm dỡ bỏ lệnh cấm chính thức có hiệu lực vào nửa đêm thứ Hai. Ngay lập tức sau đó, một cặp đôi đồng tính nữ đã kết hôn trên truyền hình quốc gia, chứng kiến bởi một công chứng viên đeo khẩu trang. Carlos Alvarado giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 2018 một phần nhờ vận động xóa bỏ luật cấm hôn nhân đồng giới.

Hãng hàng không LATAM Airlines của Chile, hãng hàng không lớn nhất của Mỹ Latinh, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11. Avianca, hãng hàng không quốc gia Colombia, cũng đã làm như vậy vào đầu tháng này. Các hãng hàng không trên khắp thế giới đang khốn khổ vì coronavirus làm hạn chế đi lại, ngưng trệ các chuyến bay và khiến mọi người không thể bay. Không giống như các hãng hàng không Mỹ và châu Âu, các hãng Mỹ Latinh vẫn chưa được nhận tiền giải cứu.

Warner Music Group cho biết họ dự định gây 1,8 tỷ đô la bằng cách bán cổ phần. Đợt IPO này, dự kiến ​​ được định giá vào ngày 2 tháng 6, có thể là lớn nhất năm 2020 cho đến nay. Công ty thu âm lớn thứ ba thế giới này từng lên kế hoạch IPO hồi tháng 3 nhưng đã phải dời lịch vì covid-19.

Bộ trưởng năng lượng của Alberta, một tỉnh giàu tài nguyên của Canada, cho biết bây giờ là thời điểm tuyệt vời để tiếp tục thúc đẩy một đường ống gây tranh cãi, khi phong tỏa toàn quốc do coronavirus ngăn các cuộc biểu tình lớn diễn ra . Việc mở rộng đường ống dẫn dầu Trans Mountain bị các nhà môi trường và các nhóm bản địa phản đối. Thủ tướng Justin Trudeau hậu thuẫn dự án này vì lý do kinh tế.

TIÊU ĐIỂM

NASA và SpaceX tiếp tục hợp tác
Mười năm trước, Barack Obama công bố kế hoạch dựa vào các công ty tư nhân để tiến hành các chuyến đi của Mỹ tới Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Hôm nay NASA dự định sẽ sử dụng một tên lửa của SpaceX, công ty tên lửa do Elon Musk điều hành, để khởi động chuyến bay có người lái đầu tiên tới ISS kể từ khi chương trình tàu con thoi của họ kết thúc vào năm 2011.

Hợp tác giữa NASA và SpaceX trông rất lạ. Bản chất thận trọng của cơ quan này trái ngược với bản chất liều mạng của ông Musk. Tuy nhiên, trong tám năm qua, SpaceX đã tiến hành được 20 trong số 34 chuyến bay hậu cần không người lái thành công của NASA tới ISS, trở thành tay chơi chủ đạo trong ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ. Ông Musk không phải là tỷ phú duy nhất tìm cách thống trị ngành công nghiệp. Tháng trước, cả SpaceX và Blue Origin, thuộc sở hữu của ông chủ Amazon Jeff Bezos, đã thắng được các gói thầu trị giá gần 1 tỷ đô la của NASA để phát triển tàu đổ bộ cho nhiệm vụ tiếp theo lên Mặt trăng.

Kinh tế Thái Lan đếm từng ngày tới thời điểm mở cửa
Hôm nay Thái Lan sẽ công bố dữ liệu sản xuất công nghiệp của tháng 4. Sản lượng nhà máy dự kiến giảm tháng thứ 12 liên tiếp, thể hiện quá trình phi công nghiệp hóa kéo dài của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á. (Tỉ trọng của ngành chế tạo trong GDP đạt đỉnh 31% hồi năm 2010; hiện giờ có thể là 25%.) Đại dịch đang giáng đòn đau vào nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và du lịch của nước này. Ít nhất 7 triệu người đã thất nghiệp.

Chính phủ được quân đội hậu thuẫn đã yêu cầu 20 người Thái giàu nhất (không ai trong số họ giàu lên nhờ ngành chế tạo) giúp nâng đỡ nền kinh tế. Nhưng họ sẽ không thể làm gì nhiều. Chỉ khi nào biên giới mở cửa mới giúp được các doanh nghiệp vốn phụ thuộc vào người tiêu dùng này. Các cựu tướng lĩnh hiện đang điều hành Thái Lan đã dỡ bỏ phong tỏa, nhưng vẫn đóng cửa biên giới cho đến ít nhất là tới cuối tháng Sáu. Nhu cầu đối với hàng Thái – và các dịp lễ Thái Lan – chắc sẽ mất một thời gian mới phục hồi.

Mỹ chậm rãi mở cửa trở lại
Ở nhiều nơi, dịp cuối tuần mừng Ngày Tưởng niệm (Memorial Day) chẳng khác gì mọi ngày. Đám đông đổ về các bãi biển mới mở cửa, kể cả khi các khách sạn ở một số nơi vẫn đóng cửa và các nhà hàng bị hạn chế một nửa công suất. Chỉ có ba bang – Illinois, New Jersey và Delaware –và Washington, DC, là vẫn đóng cửa, nhưng ngay cả họ cũng đã dỡ bớt các hạn chế đối với một số hoạt động và kinh doanh. Và hầu hết các bang tái mở cửa đều giữ lại các hướng dẫn về giãn cách xã hội và vệ sinh.

Trong khi đó, chia rẽ chính trị đã trở lại. Covid-19 tấn công vào các khu vực nghiêng về Đảng Dân chủ đông dân – như thành phố, đặc biệt là những nơi mà nhiều người dân phụ thuộc vào giao thông công cộng – nặng nề hơn so với các vùng nghiêng về Đảng Cộng hòa. Tại Washington, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đã họp trở lại, trong khi Hạ viện do Dân chủ lãnh đạo thì chưa. Tổng thống Donald Trump rất muốn đưa nước Mỹ trở lại bình thường, mặc dù điều đó khó xảy ra trong ngắn hạn. Trừ một vài cuộc biểu tình nhỏ, ồn ào không đại diện cho tất cả, hầu hết người Mỹ đều vẫn cảnh giác với việc mở cửa trở lại hoàn toàn, và ủng hộ các biện pháp giãn cách xã hội.

Tây Ban Nha mở cửa nhưng viễn cảnh không rõ ràng
Sau mười tuần thực hiện một trong những lệnh phong tỏa chặt chẽ nhất thế giới, Tây Ban Nha sẽ mở cửa trở lại. Cư dân của Madrid và Barcelona trong tuần này có thể gặp gỡ xã hội và lui tới các cửa hàng không thiết yếu và cà phê sân thượng. Theo kế hoạch mở cửa ba giai đoạn phức tạp của Pedro Sánchez, thủ tướng đảng Xã hội, nhiều phần còn lại của đất nước sẽ tiến xa hơn, với những bãi biển và trung tâm mua sắm được mở cửa trở lại.

Tâm thế này phản ánh virus đã thoái lui. Nhưng nỗ lực của ông Sánchez, người bị ám ảnh với sự trở lại của virus, để quản lý việc mở cửa là rất khó khăn. Khi môi trường chính trị căng thẳng của Tây Ban Nha quay lại, ông chỉ thắng suýt soát trong cuộc bỏ phiếu quốc hội để kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 7 tháng 6 như ông muốn. Vẫn chưa rõ có kéo dài tình trạng này thêm nữa hay không. Chính phủ đang đề nghị tăng tốc mở cửa và cho các vùng tiếng nói lớn hơn. Họ không có nhiều lựa chọn.

EU tìm cách thông qua quỹ phục hồi
Hôm nay, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ công bố các đề xuất cho ngân sách bảy năm của Liên minh, và cho một quỹ phục hồi vốn sẽ chuyển tiền trợ cấp tới các nền kinh tế khó khăn nhất. Đối với một số nước châu Âu (như Tây Ban Nha và Ý) bị hạn chế bởi tỷ lệ nợ công cao hơn các nước khác (như Đức và Hà Lan), nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng cần có một phản ứng chung của EU.

Ủy ban có khả năng dựa vào một đề xuất Pháp-Đức về một quỹ trị giá 500 tỷ euro (550 tỷ đô la) được tài trợ bằng cách vay chung, nằm ngoài ngân sách EU và cấp tiền cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên đều mặn mà với cách phân phối này. Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển ủng hộ các khoản vay với các điều kiện ràng buộc đi kèm các khoản tiền cứu trợ. Quỹ này có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào việc “bốn kẻ tằn tiện” này có thể bị đánh bại trong cuộc họp lãnh đạo vào tháng 6 hay không.







No comments:

Post a Comment