Sunday, May 24, 2020

TẬP PHÁP LUÂN CÔNG CÓ HỢP PHÁP? NGƯỜI TẬP NÓI CÓ, CHÍNH QUYỀN MẬP MỜ (Duy Nguyễn - Luật Khoa)




Duy Nguyễn  -  Luật Khoa
24/05/2020

Pháp Luân Công đã có mặt khắp nơi tại Việt Nam nhưng chính quyền vẫn không có thái độ rõ ràng về hoạt động này.

Một nhóm tập Pháp Luân Công ở khu đô thị Ecopark, Hà Nội. Ảnh: tinhtue.org

Trong nhiều năm qua, tôi luôn đề phòng khi nhìn thấy những người ngồi thiền trong tiếng nhạc nhẹ nhàng trong các công viên hay trên các bờ biển. Họ ngồi đó trong im lặng và thực hành một bộ môn mà tôi có nhiều nghi ngờ: Pháp Luân Công.

Mỗi khi tôi đứng lại xem họ tập luyện thì một ai đó trong nhóm đưa cho tôi những tờ rơi giới thiệu về Pháp Luân Công, tôi nói cảm ơn và rồi rời đi nhanh chóng. Tôi chưa từng đọc kỹ những tờ rơi đó.

Hai tuần trước, trong một quán cơm ven đường ở tỉnh Quảng Nam, hai bạn trẻ đang đi du lịch tình cờ ngồi cùng bàn với một người đàn ông mà họ không quen biết. Bàn chúng tôi ngay cạnh bàn của họ. Khi đã ăn cơm xong, người đàn ông đã luống tuổi đó đưa cho hai người này hai tờ rơi và hai móc gắn chìa khóa của Pháp Luân Công.

Người đàn ông đó nói một cách nhỏ nhẹ vừa đủ để bàn chúng tôi nghe thấy: “Các bạn tìm hiểu rồi tập thử xem, rất tốt đó”. Rồi anh ta rời đi một cách nhanh chóng. Hai bạn trẻ nhìn nhau hơi bất ngờ và e ngại.

Từ tháng 3 đến tháng 5/2020, nhiều người bị bắt và nộp phạt vì “tuyên truyền Pháp Luân Công trái phép” tại Điện BiênQuảng NinhHà TĩnhNghệ AnThái BìnhQuảng NgãiBà Rịa – Vũng TàuĐồng NaiBình PhướcVĩnh Long… 

Nếu bạn có tình cờ nhận được những tờ rơi này thì cũng không có gì là lạ. Vậy Pháp Luân Công có phải là một mối đe dọa đáng lo ngại, đó có phải là “tà đạo” như nhiều người đang truyền miệng?

Trên mạng, cuộc chiến thông tin giữa người tập Pháp Luân Công và người chống bộ môn này rất quyết liệt và hỗn tạp. Tôi đã thử nhưng vẫn không thể dựa vào đó để giải thích những hoài nghi của mình. 

Báo chí trong nước thường không trích lời những người luyện tập bộ môn này. Còn thông tin trên các trang ủng hộ Pháp Luân Công thì có lẽ do chính học viên của bộ môn này thực hiện.

Để giải đáp những hoài nghi của mình, tôi quyết định phỏng vấn bốn người đang tập Pháp Luân Công ở những thành phố khác nhau ở Việt Nam với những câu hỏi giống nhau.

Bài viết này không đưa ra phán xét Pháp Luân Công là tốt hay xấu mà chỉ cố gắng cho thấy sự khác nhau giữa những người đang tập luyện bộ môn này và chính quyền ở các địa phương cũng như báo chí trong nước khi nói về về Pháp Luân Công.


Những người trả lời phỏng vấn

Để không gây phiền phức cho người trả lời phỏng vấn, tôi không nêu tên thật của họ, hãy tạm gọi tên họ lần lượt là Xuân, Hạ, Thu và Đông.

Hai trong số họ là những người tôi gọi ngẫu nhiên từ một danh sách công khai các nơi tập luyện Pháp Luân Công trên mạng, hai người còn lại được tôi lấy từ các đồng nghiệp báo chí của mình. Họ đã giới thiệu bản thân như sau:

Ông Xuân, 40 tuổi, đã tập luyện Pháp Luân Công hơn 10 năm tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông là một người làm nội dung trên Youtube.

Bà Hạ, 78 tuổi, một cán bộ tài chính nhà nước đã về hưu ở thành phố Hồ Chí Minh. Bà tập Pháp Luân Công được khoảng 13 năm.

Anh Thu, 36 tuổi, đã tập Pháp Luân Công được khoảng bốn năm tại tỉnh Kontum.

Và ông Đông là một cán bộ về hưu 69 tuổi ở Nghệ An. Ông bắt đầu tập Pháp Luân Công từ trước lúc về hưu vào năm 2009.

Pháp Luân Công có phải là một tôn giáo?

4/4 người trả lời: Không.

Cả bốn người đều cho rằng đây là một bộ môn rèn luyện sức khỏe và tâm tính.

Họ đều cho rằng xã hội ngày càng có nhiều xung đột và tính thiện của con người đang ngày càng bị mất dần đi. Khi tập Pháp Luân Công, họ tìm được cách ứng xử theo Chân – Thiện – Nhẫn.

Anh Thu, người tập Pháp Luân Công ở Kon Tum, cho rằng “Chân” ở đây là không nói dối, “Thiện” là không làm tổn hại người khác, giống như tính từ bi, và “Nhẫn” là trong mọi trường hợp luôn giữ mình hòa nhã, không nóng giận.

Anh Xuân nói rằng Pháp Luân Công không có hội đoàn, không có tổ chức, không có thứ bậc, những người tập đều như nhau nên không thể gọi là một tôn giáo.

Theo một bài viết năm 2018 của tờ The Economist, Pháp Luân Công được ông Li Hongzhi sáng lập ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc vào năm 1992. Vượt ra ngoài kỳ vọng sức khoẻ như các môn khí công khác, Pháp Luân Công hứa hẹn sự cứu rỗi cho những ai trung thành luyện tập bộ môn này. Ở Trung Quốc, số lượng người tập luyện Pháp Luân Công đã gia tăng đáng kinh ngạc trong thập niên 1990. Năm 1999, Trung Quốc đã cấm bộ môn này vì cho là “tà đạo” và trừng phạt nghiêm khắc những ai thực hành nó.

Tập Pháp Luân Công có ích lợi cho sức khỏe?

3/4 người trả lời là: Có.

Ông Đông là người không công nhận trực tiếp lợi ích về sức khỏe khi tập bộ môn này. Ông nói việc tập luyện là một sứ mệnh của mình, ích lợi sức khỏe là điều đến một cách tự nhiên.

Bà Hạ, 78 tuổi, nói rằng từ ngày tập Pháp Luân Công bà thấy nhịp tim của mình đập bình thường trở lại, thần kinh được thư giãn giúp ngủ ngon hơn.

Anh Thu ở Kon Tum cho rằng: “Ai không tu tâm tính thì mau nản lắm, nhiều người khi tập vì cầu trị bệnh nên được một thời gian ngắn thì nản”.

Ông Xuân cho rằng không chỉ cải thiện về “Tâm” mà thông qua năm bài tập của Pháp Luân Công có thể cải thiện đáng kể về sức khỏe.

Các nghiên cứu chính thức về tác động sức khỏe khi tập luyện Pháp Luân Công vẫn còn rất hạn chế. Năm 2001, nhà báo về sức khỏe và khoa học Christopher Wanjek viết trên The Washington Post rằng các chuyên gia về sức khỏe và khí công có vẻ cởi mở hơn với giả thuyết về tác dụng giảm căng thẳng và tăng cường thư giãn của Pháp Luân Công.

Những người tập Pháp Luân Công ở bãi biển Phạm Văn Đồng tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Hỗ trợ tập Pháp Luân Công tại Quảng Nam.

Phổ biến Pháp Luân Công có phải là nghĩa vụ của người tập?

4/4 người trả lời: Không.

Ông Đông cũng nói rằng việc này là hoàn toàn tự nguyện, “mình thấy người ta chưa biết cái hay của việc tập luyện môn này nên mình thấy tội cho họ thì mình truyền đạt thôi”.

Theo ông Xuân, những tờ rơi phổ biến Pháp Luân Công được in từ tiền túi của người tập và việc phổ biến là hoàn toàn tự nguyện.

“Vì chúng tôi không có các hình thức truyền thông như quảng cáo qua TV, hay như các tôn giáo, nên cần tìm phương thức nào đó để truyền đạt, như nói miệng cho mọi người chẳng hạn. Mặt khác, theo giáo lý thì ‘Thiện’ có nghĩa là phải giúp đỡ mọi người”, ông Xuân nói.

Ông Xuân còn giải thích rằng, học viên Pháp Luân Công thường cố gắng giải thích những đàn áp ở Trung Quốc là vì họ phải nỗ lực để mọi người có thông tin đa chiều, chống lại hệ thống tuyên truyền, vu khống của Bắc Kinh về bộ môn này.

Người học phải luôn tập luyện ở công viên?

4/4 người trả lời: Không.

Cả bốn người đều nói rằng có thể tập ở bất cứ nơi nào, ở nhà hay ở nơi công cộng đều được.

Đối với anh Xuân, tập luyện trong nhà hay ngoài công viên đều có ích lợi khác nhau.

“Mô hình của Pháp Luân Công cũng khuyến khích mọi người tập ngoài trời vì tập ngoài trời mang năng lượng tốt cho cộng đồng, ai may mắn hơn thì thông qua đó sẽ được hướng dẫn tập theo. Chúng tôi vẫn có thể thực hành ở nhà, ở nhà thì có ích cho gia đình, cái trường năng lượng của mình giúp cho gia đình cải thiện sức khỏe và gặp được nhiều may mắn”, anh Xuân giải thích.

Anh cũng nói thêm rằng việc tập luyện là do mọi người chủ động, ai tranh thủ được giờ nào thì tập giờ đấy, chứ không có tính ép buộc.

Bà Hạ nói rằng bà tập ở công viên để hưởng được không khí trong lành, còn tập ở nhà thì tốn tiền điện. Hàng ngày bà tập từ 5 giờ đến 7 giờ sáng.

Ngoài trừ bà Hạ biết đến Pháp Luân Công qua một nhóm người tập luyện ở một công viên, ba người còn lại đều bắt đầu bằng cách tập bộ môn này tại nhà qua các đoạn phim hướng dẫn trên Internet.

Pháp Luân Công có mang lại “thần thông” cho người tập?

4/4 người trả lời là: Không.

Anh Thu cho rằng Pháp Luân Công không có mục tiêu giúp người tập “thần thông biến hóa”.

“Đó là tin theo đường tà, đó là cách tập luyện sai. Trong các trường hợp tu luyện cũng có người theo đường tà, chứ không phải là không có”, anh nói. “Trong Pháp Luân Công, anh chỉ làm tốt địa vị của mình, một người con, một người cha, phải làm thật tốt vai trò đấy, đó mới là mục đích của môn tập này. Dạy con người tu tâm, sửa tính để làm một người tốt”.

Còn ông Xuân cho rằng ông chưa thấy môn nào trên thế giới như Pháp Luân Công.
“Trong tôn giáo có tâm niệm nhưng không có thực hành, các môn vận động như yoga thì có thực hành nhưng không có bộ tâm”, ông Xuân giải thích.

Các học viên có liên kết chặt chẽ hay không?

4/4 người trả lời là: Không.

“Sự liên kết của chúng tôi rất là lỏng lẻo. Chúng tôi không có các hình thức tổ chức như hội đoàn hay giống như Thiên Chúa giáo hay Phật giáo, họ có giáo hội”, ông Xuân phân trần. “Thuận lợi của nó là cho phép người tiếp cận muốn tập thì tập, muốn đi thì đi, miễn là nhận được lợi ích về sức khỏe, tinh thần, chúng tôi không cần phải đóng phí, đăng ký tên hay gia nhập một hội đoàn nào cả”.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, bà Hạ nói những người tập cùng nhau ngồi thiền trong nhạc, “không ai nói chuyện với ai, mỗi người tự tập, tập xong thì đi về nhà, không ai nói chuyện chính trị”.

Cả bốn người đều cho rằng việc tập Pháp Luân Công là hoàn toàn hợp pháp.

“Nếu có văn bản cấm Pháp Luân Công của nhà nước thì tôi chấp hành ngay, nhưng vẫn không có”, bà Hạ nói. Bà cho rằng tập luyện Pháp Luân Công là quyền lựa chọn của mỗi người, “Việt Nam không thể cấm được, cái gì tốt cho người ta thì người ta làm, người ta có làm gì để phá hoại an ninh đâu”.

Mặc dù vậy, hệ thống báo chí và an ninh của Việt Nam vẫn duy trì tinh thần cảnh giác ngày càng cao với Pháp Luân Công.

Được tập luyện nhưng cấm phổ biến

Mặc dù cả bốn người đều nói rằng họ được tập luyện tự do ở các công viên, tuy nhiên số người bị xử phạt vì phổ biến Pháp Luân Công đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Ngày 27/3/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ đã thông báo đến các địa phương về việc ngăn ngừa “các giáo phái, hiện tượng tôn giáo cực đoan” gia tăng hoạt động tuyên truyền trong thời gian giãn cách xã hội.

Sau thông báo này, chính quyền các tỉnh như Hưng YênĐắk Lắk hay Bình Thuận đã gọi trực tiếp Pháp Luân Công là “tà đạo” hay “hiện tượng tôn giáo cực đoan”.

Theo thông tin trên báo chí do Luật Khoa tạp chí thống kê, từ tháng 3/2020 đến tháng 5/2020 có ít nhất 19 người ở 12 tỉnh thành đã bị bắt giữ và nộp phạt vì “tuyên truyền Pháp Luân Công trái phép”.

Vào tháng 3/2020, công an tỉnh Bình Phước đã bắt một cặp vợ chồng phát cơm kèm theo tài liệu và móc gắn chìa khoá của Pháp Luân Công cho khoảng 250 người ở bình viện đa khoa của tỉnh.

Công an tỉnh Bình Phước giải thích rằng Pháp Luân Công “không được xem là một tôn giáo” và “chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam” nên việc phổ biến là vi phạm pháp luật.

Theo báo Tuổi Trẻ, vào giữa tháng 4/2020, một người phụ nữ ở Vĩnh Long bị phạt 4 triệu đồng vì phát tài liệu về Pháp Luân Công cho bảy người có mặt trong một phòng giao dịch của một ngân hàng.

Tuy nhiên, công an tỉnh Vĩnh Long không lý giải như công an tỉnh Bình Phước,  người phụ nữ này bị phạt vì “vi phạm quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm và sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm” theo Điều 27, Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Báo Giao Thông gọi hoạt động phổ biến Pháp Luân Công của một người phụ nữ bị chính quyền phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vào ngày 16/4/2020 là “truyền đạo trái phép”.

Tháng 12/2019, công an tỉnh Quảng Ninh cũng dựa vào nghị định trên để xử phạt một công nhân nữ vì phổ biến tài liệu về Pháp Luân Công.

Năm 2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời với báo chí quốc tế rằng Việt Nam không có Pháp Luân Công. Sau hơn 10 năm, Pháp Luân Công đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố, danh sách những nơi tập luyện được công khai trên Internet. Tuy nhiên, người dân vẫn không rõ việc tập luyện Pháp Luân Công có hợp pháp hay không trong khi công an không ngừng truy bắt những người phổ biến bộ môn này.

Ông Đông nói rằng công dân được làm những gì pháp luật không cấm, hàng ngày ông vẫn tập luyện Pháp Luân Công đều đặn và công khai ở công viên.






No comments:

Post a Comment