Saturday, May 30, 2020

PHÁP LUÂN CÔNG Ở VIỆT NAM : VÌ SAO CHO TẬP NHƯNG CẤM PHỔ BIẾN? (Trần Phương - Luật Khoa)




30/05/2020

Vào tháng 12/2019, một nữ công nhân may tên Đặng Thị Hậu đã bị công an ở Quảng Ninh bắt giữ khi mang theo 65 tài liệu về Pháp Luân Công.


Trong khi nhiều người phổ biến Pháp Luân Công bị coi như những tội phạm, thì người dân ở khắp nơi vẫn đang tập luyện nó ở các công viên, vườn hoa hay trên những bãi biển.

Hãy thử tìm những lý do khiến chính quyền Việt Nam cho phép tập luyện nhưng lại cấm phổ biến Pháp Luân Công.

Áp lực của Trung Quốc

Trong một bài phỏng vấn bốn học viên Pháp Luân Công gần đây của Luật Khoa, bốn học viên đều cho rằng Việt Nam chưa chào đón bộ môn này là vì sức ép của người hàng xóm khổng lồ.

Anh Thu, một người thực hành Pháp Luân Công ở tỉnh Kon Tum cho rằng Việt Nam có lẽ bị Trung Quốc đầu độc bằng nhiều thông tin giả tạo nên còn thận trọng với bộ môn này.
Từ năm 1999 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã cáo buộc Pháp Luân Công là “tà đạo”. Bắc Kinh đã trừng phạt đẫm máu các học viên Pháp Luân Công.

Đáp lại sự trừng phạt của Bắc Kinh, các học viên Pháp Luân Công trên thế giới không ngừng tố cáo những đàn áp khốc liệt mà đồng môn Trung Quốc vẫn đang chịu đựng.
Theo VOA, năm 2011, sau khi Trung Quốc yêu cầu Indonesia cấm Pháp Luân Công, Bộ Nội vụ nước này đã từ chối công nhận Pháp Luân Công như một tổ chức xã hội hợp pháp.

Tính tôn giáo của Pháp Luân Công

Những học viên Pháp Luân Công mà chúng tôi đã phỏng vấn đã nói rằng bộ môn này không phải là một tôn giáo. Họ nói đây là bộ môn tu tâm và luyện thân. Người tập sẽ thực hành theo lời dạy của ông Lý Hồng Chí, gồm tu tâm theo ba giá trị Chân – Thiện – Nhẫn và luyện thân theo 5 bài tập khí công.

Các trang thông tin của Pháp Luân Công ở Việt Nam thường dẫn một thông báo mật (chưa chính thức công khai) của Ban Tôn giáo Chính phủ đến các tỉnh thành rằng bộ môn này không phải là một tôn giáo.

Mặc dù vậy chính quyền ở các địa phương vẫn cho rằng Pháp Luân Công là một trong các “tà đạo” đang hoành hành, qua thông báo gần đây của các tỉnh như Hưng YênĐắk Lắk hay Bình Thuận.

Không chỉ ở Việt Nam, giới học thuật thế giới cũng tranh cãi về tính tôn giáo của Pháp Luân Công.

Một viện nghiên cứu giáo phái ở Mỹ có tên Cult Education Institute cho rằng Pháp Luân Công là một “cuồng giáo (cult)” có giáo chủ là ông Lý Hồng Chí. Tác giả Rick Alan Ross, giám đốc của viện này và từng tư vấn cho chính phủ Trung Quốc về các giáo phái, đã lên án ông Lý Hồng Chí thao túng ý chí học viên, kỳ thị người đồng tính và phân biệt chủng tộc.

Nhưng André Laliberté, một giáo sư khoa học chính trị của Đại học Ottawa ở Canada, đã nói với nhà báo Bennet Murray trong một bài báo về Pháp Luân Công ở Việt Nam, rằng các thành phần chính làm nên một tôn giáo vẫn chưa tìm thấy ở Pháp Luân Công.

Giáo sư Laliberté cho rằng ông không thấy bằng chứng nào cho thấy các học viên bị bắt buộc thực hành Pháp Luân Công, và bản thân Lý Hồng Chí không phải là giáo chủ. “Lý Hồng Chí sống lưu vong ở Mỹ, và ông ta đã tháo lui. Ông ta không phải là một nhân vật có sức lôi cuốn”.

Ông Laliberté nói thêm rằng, lúc đầu những học viên ở Trung Quốc tập Pháp Luân Công để nâng cao sức khỏe và tinh thần của mình nhằm phục vụ quốc gia nhưng cuối cùng lại bị chính quyền kết luận là “tà đạo”.

Năm 2011, trong vụ kiện Hiệp hội người Hoa Cao tuổi Ottawa ở Canada khi đuổi một phụ nữ ra khỏi hiệp hội vì người này phổ biến Pháp Luân Công, Tòa án Nhân quyền tỉnh Ontario, Canada đã gọi Pháp Luân Công là tín ngưỡng (creed) được pháp luật bảo vệ và yêu cầu hiệp hội này phải bồi thường 15,000 đô-la Canada vì đã phân biệt đối xử.

Chính quyền Việt Nam đặc biệt nhạy cảm về tính tôn giáo của các tổ chức quần chúng.
Hiện nay, Việt Nam có 16 tôn giáo được công nhận. Hầu hết các hoạt động tâm linh mới nổi đều bị cho là các “tà đạo”.

Những người tập Pháp Luân Công ở công viên Lenin, Hà Nội. Ảnh: BENNETT MURRAY/ Southeast Asia Globe.

“Đại đoàn kết” sẽ bị ảnh hưởng

Trong hơn 20 năm qua, rất nhiều dân tộc ở Tây Nguyên đã bị kết tội phá hoại chính sách đoàn kết dù có hoặc không liên hệ với những tổ chức ở nước ngoài.

Sau những cuộc biểu tình lớn ở Tây Nguyên vào đầu năm những năm 2000, chính quyền mạnh tay tiêu diệt các nhóm tôn giáo tự phát.

Quan sát của tôi cho thấy sự liên kết tôn giáo tự phát ở Tây Nguyên đã tạo ra sự đoàn kết tranh đấu trong các vấn đề nóng hổi về đất đai, nghèo đói và tôn giáo. Chính quyền có lẽ đã cho rằng việc bẻ gãy các nhóm tôn giáo tự phát sẽ giảm thiểu khả năng liên kết tạo nên các cuộc biểu tình ở khu vực này.

Đối với Pháp Luân Công, ngay những ngày đầu bị đàn áp ở Trung Quốc, họ đã làm quốc tế chú ý bằng những cuộc biểu tình khổng lồ. Học viên của bộ môn này ở các nước vẫn ưa dùng hình thức biểu tình để lên án chính quyền Trung Quốc.

Năm 2001, Singapore, nơi nhạy cảm với những cuộc biểu tình, đã kết án 15 học viên Pháp Luân Công vì tụ tập không có giấy phép khi những người này tập hợp đông người lên án chính quyền Trung Quốc trong một công viên.

Học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam cũng đã tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ của mình.

Vào tháng 11/2011, trước phiên xét xử hai người bị cho là truyền tin tức trái phép về Pháp Luân Công từ Việt Nam sang Trung Quốc, khoảng 30 học viên Pháp Luân Công đã biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.

Những cuộc biểu tình lên án Trung Quốc như các học viên Pháp Luân Công đang tổ chức khắp nơi trên thế giới có lẽ là một mối lo không nhỏ về an ninh chính trị cũng như quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc.


Phật giáo Việt Nam phản đối Pháp Luân Công

Khi Pháp Luân Công phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) luôn đi đầu trong việc chỉ trích kịch liệt Pháp Luân Công.

Trang web Phatgiao.org.vn, một cổng thông tin Phật giáo của GHPGVN đã đăng nhiều bài viết bài trừ Pháp Luân Công.

Nội dung những bài viết chỉ trích các bài giảng Pháp Luân Công đã lợi dụng, tấn công và hạ thấp Phật giáo, khiến người tập bỏ kinh sách của các tôn giáo, tục thờ cúng tổ tiên và xóa bỏ truyền thống dân tộc, và không những khả năng chữa bệnh của bộ môn này không đáng tin mà còn tạo nên sự tàn độc trong các vụ án mạng khi người gây án là học viên Pháp Luân Công.

Các bài viết về Pháp Luân Công trên trang web thường được đăng ở mục Góc nhìn Phật tử, Ý kiến – Diễn đàn, Nghiên cứu, nhưng tất cả đều là ý kiến một chiều về việc cần phải bài trừ Pháp luân Công.

Năm 2017, Thượng tọa Thích Nhật Từ, một người nổi tiếng với các phát ngôn gây tranh cãi, đã chỉ trích Pháp Luân Công là một “giáo phái cực đoan”, “cuồng tín”, “chỉ thờ Võ Hồng Chí” và khả năng chữa nhiều bệnh là không đáng tin. Ông cũng nói rằng Phật giáo quốc tế đã ra nghị quyết khuyến khích phật tử không tập Pháp Luân Công.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức được nhà nước công nhận, thành viên của Mặt trận Tổ quốc và có vai trò lớn trong việc xây dựng “đại đoàn kết dân tộc” bằng tôn giáo. Quan điểm của giáo hội này về Pháp Luân Công không thể không ảnh hưởng đến quyết định đối xử của nhà nước đối với bộ môn này.

Khó thành lập hội đoàn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, nhà nước thường cố gắng kiểm soát các hoạt động mang tính quần chúng hay hoạt động của nhóm người cùng một ý chí qua các hội đoàn.

Các hội đoàn hiện nay do nhà nước thành lập và kiểm soát đã bao quát tất cả nhóm tuổi, nghề nghiệp, giới tính, sở thích như Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, v.v.

Các học viên của Pháp Luân Công tuy có thể khác nhau về độ tuổi, nghề nghiệp, nhưng có cùng hình thức tập luyện, cùng niềm tin về bộ môn của mình nhưng họ vẫn chưa có một hội đoàn chính thức nào.

Việt Nam là đất nước không cởi mở về tự do hiệp hội. Hội hướng đạo sinh Việt Nam đến ngày nay vẫn chưa được nhà nước công nhận. 

Pháp Luân Công đã có những hội đoàn ở các nước phương Tây hay thậm chí ở Singapore, nhưng trước sức ép của Trung Quốc thì sẽ rất khó có một hội đoàn của bộ môn này ở Việt Nam.

Chưa có hội đoàn ở Việt Nam nên việc phổ biến Pháp Luân Công còn gặp nhiều khó khăn. Những tờ rơi của bộ môn này sẽ không được cơ quan nhà nước phê duyệt và những người phát tờ rơi sẽ còn bị xem như những tội phạm.

------------------------------------
Pháp Luân Công đã có mặt khắp nơi tại Việt Nam nhưng chính quyền vẫn không có thái độ rõ ràng về hoạt động này.
24/05/2020






No comments:

Post a Comment