Sunday, May 31, 2020

KHI CUỐI CON ĐƯỜNG AN TOÀN LÀ CÁI CHẾT (Thanh Nhã - Báo Sạch)





 “Luật pháp là con đường mà khi nào còn đi trên đó, người công dân vẫn được an toàn".
Câu nói này không rõ tác giả xuất hiện trong một di ảnh của ông Lương Hữu Phước, nhưng nó mang nghĩa dễ hiểu ngay cả với người không học gì.

Đó là: tuân thủ pháp luật là cách tốt nhất để bảo vệ mình. Hiểu rộng ra, hơn một công dân bình thường, cán bộ tòa án cũng có những giải pháp an toàn khi đi trên con đường pháp luật.

Vụ án tự tử chốn công đường ở Bình Phước cho thấy sự an toàn đó của cấp phúc thẩm! Bà Lê Hồng Hạnh, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa nói trên đã khẳng định phiên tòa đúng các quy định của pháp luật!

Bà Hạnh có lý! Bởi lẽ những gì bà Hạnh và các thẩm phán đồng nghiệp của bà ngồi vào ghế xét xử đã thực hiện đúng các yêu cầu của bị cáo.

Theo đó, quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tòa chỉ xét trên yêu cầu kháng cáo của bị cáo. Nếu bị cáo kêu oan, tòa xem các chứng cứ để đánh giá oan không. Nếu bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tòa xét đến các tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, tại Điều 345. Phạm vi xét xử phúc thẩm

Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.

Như vậy, luật cũng cho phép "nếu xét thấy cần thiết" để linh hoạt hơn trong xét xử. Điều luật này hoàn toàn tạo điều kiện cho các thẩm phán xử bị cáo Phước mức án giảm nhẹ, thậm chí nhẹ hơn khung hình phạt miễn không thấp hơn khung liền kề.

Với mức hình phạt dưới 36 tháng tù giam, tòa vẫn có thể chuyển sang hình thức cải tạo không giam giữ (án treo) mà bất chấp đơn kháng cáo của bị cáo có nội dung kêu oan hay xin giảm nhẹ hình phạt.

Đến đây, hai điều tiếc nuối lớn nhất đã xảy ra. Một là về phía tòa như đã phân tích và hai là cái chết đau lòng của anh Phước!

Oan sai xảy ra nhiều gần đây khiến lòng tin vào hệ thống tư pháp bị ảnh hưởng. Trong khi đó, pháp luật tố tụng chỉ cho phép tòa án được trả hồ sơ tối đa hai lần rồi bắt buộc phải xét xử. Nhiều thẩm phán đã phải vận dụng các tình tiết mới để trả hồ sơ lần 3, lần 4, lần 5... Để đảm bảo "đi trên con đường pháp luật".

Con đường đó chưa biết khi nào tới khi cũng tại Bình Phước, bị án Lê Bá Mai đang chấp hành bản án chung thân cho vụ án còn nhiều khuất tất. Mà lẽ ra, nếu chứng minh được hành vi giết người và hiếp dâm trẻ em thì Mai phải chịu đến 2 án tử hình.

Mai kêu oan khắp nơi và rồi vẫn chịu tù giam. Và đến giờ là anh Phước kêu oan và tự tử ngay tại sân tòa. Logic pháp lý có đồng nhất hai khái niệm tự tử vì bản án và oan sai không, câu trả lời phải thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhưng, rõ ràng với cách xử án khi chưa giải quyết hết các mâu thuẫn đã tuyên án thì không ổn. Điều đó để lại nỗi lo toàn bộ dân số Việt Nam đều có khả năng chịu những bản án mà mình không được chứng minh tường tận hành vi để buộc tội.

Chấp nhận một bản án không đạt lý thì cách giải quyết bằng cái chết xem ra lại thấu tình.

Con đường pháp luật sẽ an toàn cho mọi công dân nếu bước trên đó chưa biết chính xác không, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng đang an toàn khi vận dụng.

Vì pháp luật tố tụng đã từng được dẫn chiếu thành hai cách hiểu khác nhau giữa hai cơ quan tố tụng lớn nhất Việt Nam là TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải vừa qua!

Mở một con đường pháp luật an toàn chỉ có thể trông chờ vào thể chế với cơ chế giám sát xét xử bằng các chế định bảo hiến như Hiến pháp đề cập!

THANH NHÃ

Ảnh: Di ảnh của ông Lương Hữu Phước







No comments:

Post a Comment