Monday, May 25, 2020

DONALD ĐẤU KHỦNG LONG (Jörg Lau - Die Zeit)




Jörg Lau  -  Die Zeit
Nguyễn Văn Vui dịch
25/05/2020

Xung đột giữa Washington và Bắc Kinh không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trung Quốc đang khéo léo tận dụng các điểm yếu của siêu cường đang loạng choạng.

Về mặt đấu khẩu thì Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu rồi, nhưng ngay cả khi người ta lấy thước đo dùng cho Donald Trump để xét, thì sự leo thang hiện nay là đầy kịch tính. Trong mấy tuần qua, tổng thống Mỹ đã leo hết nấc này đến nấc khác mỗi khi đề cập đến Bắc Kinh: Ban đầu, Trump muốn đòi bồi thường thiệt hại “hàng trăm tỷ đô la” vì đại dịch. Sau đó, ông ta đề xuất Hoa Kỳ “có thể đơn giản là đình chỉ trả nợ” cho Trung Quốc (người chủ nợ lớn nhất của Mỹ). Và thứ Năm tuần trước, ông bất ngờ đe dọa trên kênh truyền hình Fox rằng, “người ta có thể ngưng toàn bộ mối quan hệ với Trung Quốc” được.

Bắc Kinh cũng không vừa, sẵn sàng ăn miếng trả miếng. Truyền thông Trung Quốc công kích chính phủ Mỹ là “xấu xa”, “điên rồ” và “vô liêm sỉ”. Thậm chí họ còn nguyền rủa Ngoại trưởng Mỹ Pompeo là “kẻ thù của nhân loại”. Một thế hệ ngoại giao trẻ của Tàu, những người tự gọi mình là “chiến lang” (theo tựa phim Wolf Warriors, một bộ phim hành động dân tộc) đang nổi lên nhờ thái độ không kiêng dè, thậm chí hung hăng, trong các phát ngôn bảo vệ hình ảnh Trung Quốc, không ngớt ví von về chiến thắng của Bắc Kinh trong “cuộc chiến nhân dân” chống lại con virus, ca ngợi mô hình chính trị của nước Tàu và đe dọa chế tài đối với mọi quốc gia dám đặt ra những câu hỏi phê phán với Bắc Kinh.

Những tháng tới sẽ rất ồn ào và bẩn thỉu, đó là điều chắc chắn. Cuộc tranh đua chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh đang dần mở ra mọi lãnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, công nghệ, ý thức hệ.

Thậm chí đảng Cộng hòa Mỹ còn muốn đặt việc đấm đá Trung Quốc vào tâm điểm của chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới. Kế hoạch này – một bản ghi nhớ dài 57 trang – mới bị rò rỉ gần đây: “Ai muốn ngăn chặn Bắc Kinh, thì phải ngăn chặn Joe Biden”. Đảng của Trump muốn dùng khẩu hiệu tuyên truyền này để thắng cuộc bầu cử tháng 11. Mưu mô này làm cho ông Biden rơi vào thế bị động. Biden phải tỏ ra chống Trung Quốc cứng rắn hơn nữa. Phe tranh cử của Biden đã tung ra các video clip chê bai chính sách Trung Quốc của Trump – vì quá yếu hèn.

Trong cuộc khủng hoảng virus corona, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở thành điểm ảo cho hầu hết mọi cuộc tranh luận, về chính sách nội bộ hay ngoại giao. Câu hỏi trọng tâm là: Con virus sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng toàn cầu như thế nào?

Cho đến nay, người ta thường có một định kiến trong đầu khi nói đến tác động địa chính trị của cuộc khủng hoảng virus: Một “Chiến tranh Lạnh mới” đang đe dọa (hoặc đang triển khai), do Trump và Tập lãnh đạo. Thật vậy, gần như mỗi ngày chúng ta có thêm nhiều bằng chứng mới cho cuộc đối đầu Mỹ – Trung ngày càng tồi tệ hơn. Tuy nhiên thuyết Chiến tranh Lạnh mới là sai lệch.

Cuộc xung đột địa – chính trị trong thời đại của chúng ta không phải là sự tiếp nối vở tuồng của thế kỷ trước. Đây không phải là cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0, ngay cả khi các cuộc đấu khẩu om sòm giữa Washington và Bắc Kinh đã tạo ra cảm tưởng đó. Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cùng với các quốc gia chư hầu của hai phe, bắt đầu từ năm 1947 và tiếp tục cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, là một trật tự thế giới, cho dù có việc chạy đua vũ trang chết người. Nó đã cấu trúc thế giới, chia ra thành các phe, các khối và tạo ra một trật tự vững – tuy rằng trật tự này có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Nhưng ngày nay, chúng ta sống với nguy cơ mất dần trật tự chung, vì cả hai siêu cường – Hoa Kỳ đang đi xuống và Trung Quốc đang trỗi dậy – đều quá yếu để có thể đặt ra các quy tắc và cũng quá yếu để điều hành các cơ chế. Một trong những chuyên gia nổi tiếng nhất về Trung Quốc trong lãnh vực chính trị quốc tế, và cũng từng là Thủ tướng của Úc, ông Kevin Rudd, đánh giá: “Tình hình đang có nguy cơ – từ từ nhưng chắc chắn – đi vào một tình trạng vô trật tự thế giới”.

Dưới áp lực của đại dịch, một thế trận mới địa – chính trị đang dần dần lộ ra. Một nhà ngoại giao cấp cao ở Berlin đã tóm tắt những quan sát của ông như sau: Washington và Bắc Kinh đang đấu đá với nhau, làm như thể thế nào cũng có kẻ thắng người thua trong cuộc xung đột này. Nhưng con virus đã làm nát bét cuộc tranh giành quyền lực này giữa đương kim siêu cường và cường quốc đang lên. Trong bối cảnh của đại dịch, tình trạng của hai phe trông ra rất thiểu não: Mỹ thì bị tê liệt bởi sự quản lý chính trị bê bết và chia rẽ xã hội, còn Tàu thì quá gây phản cảm với chính sách trù dập người khác chính kiến, với xuyên tạc thông tin và tính hung hãn về ngoại giao. Không bên nào có được một mô hình đáng thuyết phục để đối phó với cuộc khủng hoảng.

Ngay từ trong trung tâm quyền lực ở Bắc Kinh, người ta cũng đã nhận ra điều này. Hãng tin Reuters mới đây đã có trong tay một báo cáo nội bộ do Bộ An ninh Nhà nước dành cho Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao. Tình báo Tàu đã báo động rằng, hiện nay trên thế giới “các tình cảm chống Trung Quốc” đang lên cao nhất kể từ khi có đàn áp phong trào dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Theo đánh giá của họ thì cách thức chống dịch virus corona đe dọa phá tan cái mô hình Trung Quốc: Tất cả có thể tạo ra một môi trường thù nghịch đối với mọi hoạt động toàn cầu của Trung Quốc.

Thế giới thời đại sau Mỹ

Sự leo thang khẩu chiến là một cố gắng rùm beng của đôi bên, đổ lỗi cho nhau để đánh lạc hướng khỏi sự thất bại của chính mình, Kevin Rudd nói. Đó là lý do tại sao Mỹ và Tàu cáo buộc lẫn nhau, đối phương đã mang con virus vào thế giới. Josep Borrell, nhà ngoại giao trưởng của châu Âu, cũng nói một cách rõ ràng “cái trò chỉ tay đổ lỗi lẫn nhau của Hoa Kỳ và Trung Quốc là quá rẻ tiền và trong thực tế, nó đang đặt câu hỏi về tính cách lãnh đạo toàn cầu của họ”.

Tuy nhiên các nhà quan sát đã bỏ sót một điều rất quan trọng: Nếu cuộc khủng hoảng virus corona đưa đến một thế bế tắc ngang ngữa giữa Mỹ và Tàu, thì thật ra đó đã là một thành công lớn cho Bắc Kinh rồi. Giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn (và không thể) thay thế vị trí của người sen đầm quốc tế – ngay bây giờ và ở đây. Trung Quốc chỉ muốn mọi người thấy là mình đang trụ một cách vững chải, trong khi ông siêu cường số một thì đang lung lay tận gốc rễ. Và trớ trêu thay, tất cả đều do một con virus xuất phát từ ngay giữa lòng nước Tàu.

Trong tình huống này, Mỹ không thể thắng được với các công thức cũ của thời Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay đã lồng vào nhau quá chặt, nên Mỹ không tài nào cô lập và ngăn đe Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô. Vào cuối thời Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Liên Xô giá trị khoảng 800 triệu USD. Năm 2018, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ trị giá hơn 500 tỷ USD.

Liên Xô là một đế chế lạc hậu, chỉ cai trị các nước chư hầu bằng vũ lực. Trung Quốc ngày nay, tuy cũng đang thực hiện uy quyền của mình một cách tàn bạo – như đối với người dân Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng – nhưng nó cũng là một nền văn minh cổ đại với bản sắc dân tộc mạnh mẽ, đang trỗi dậy như một quyền lực công nghệ toàn cầu trong tay một đảng quyền biến nhanh lẹ một cách đáng kinh ngạc. Trung Quốc nắm giữ khối dự trữ đô la lớn nhất trên toàn thế giới. Đơn giản là: Mỹ không đủ khả năng để “ngắt quảng” Tàu về mặt kinh tế, như ông tổng thống và phe diều hâu của Mỹ vẫn thích hô hào.

Tình hình phức tạp nhiều hơn những gì mà cụm từ ‘Chiến tranh Lạnh mới‘ làm chúng ta liên tưởng đến. Toàn bộ trật tự thế giới hiện đang bị con virus corona làm căng thẳng hơn bao giờ hết. Tại thời điểm hiện nay, thật khó để nói rằng ai vượt qua được phép thử kiểm tra căng thẳng và ai không qua nổi. Nhưng trong những ngày này, nếu ai có dịp nói chuyện với các nhà ngoại giao, các chuyên gia trong những viện nghiên cứu, các nhà chính trị và các sử gia – thường là qua các hội nghị video – thì chúng ta sẽ thấy được một mẫu số chung: Tất cả họ đều cho rằng, nếu mọi thứ tiếp diễn như lâu nay, thì thế giới chúng ta có nguy cơ trở nên dân túy hơn, hỗn loạn hơn và nghèo nàn hơn.

Các diễn đàn quốc tế trước đây dùng để giải quyết các xung đột, nay không hoạt động được nữa: Liên Hiệp Quốc đã trở nên câm nín – chỉ một lần một, Hội đồng Bảo an đã họp bàn về Covid-19 nhưng không lấy được quyết định nào. G7 đã không thể đưa ra một giải pháp vì lúc bấy giờ Mỹ cứ khăng khăng đòi dùng cụm từ “virus Vũ Hán”. G20, hồi năm 2008 từng là một thành phần đắc lực để giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu, nay chỉ họp một hội nghị video duy nhất với những lời kêu gọi chung chung. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã trở thành quả bóng trong cuộc tranh đua quyền lực lớn. Trong tương lai, nó sẽ bị Mỹ cắt bớt tiền vì Donald Trump cho rằng WHO quá thân thiện với Trung Quốc.

Trong thời Chiến tranh Lạnh cũ, Hoa Kỳ đã tạo ra một mạng lưới các cơ chế, liên minh và hiệp ước, tuy rằng không phải là không có tư lợi. Ngày nay Mỹ đang từng bước từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình và rút ra khỏi các cam kết với thế giới.

Khi dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi vào năm 2014, chính quyền Obama đã cử quân đội lập cầu không vận, xây dựng nhà thương và đóng góp hơn một nửa số tiền viện trợ của cả thế giới. Sáu tháng sau, ổ dịch đã được dập tắt. Ngày nay, chính Hoa Kỳ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Và những thất bại về chính sách nội trị chắc chắn sẽ để lại các hậu quả trong chính sách đối ngoại: Sau thế Chiến thứ Hai, sức mạnh của Hoa Kỳ không phải chỉ dựa vào sự vượt trội của vũ khí Mỹ, mà còn dựa trên sức mạnh chính trị và sự thịnh vượng kinh tế thông qua năng lực quản trị đất nước nữa. Một quốc gia mà không thể bảo đảm an toàn cho chính công dân của mình, thì gần như chắc chắn sẽ mất cái hào quang của một siêu cường thế giới.

Cuộc khủng hoảng virus corona là cuộc xung đột lớn đầu tiên trong thế giới của thời đại sau Mỹ. Trước những múa may quay cuồng và sự bất tài bất trí của ông chủ Nhà Trắng thì ngay cả trong số các đối tác xuyên Đại Tây Dương cũng không ai có lời hô hào gì cho sự lãnh đạo của Mỹ nữa. Cái mới là: Với người tổng thống này, các bạn bè của Hiệp Chủng Quốc không những sẽ không chờ đợi một sự dấn thân nào cả, thậm chí họ còn rất ái ngại trong lòng, mỗi khi thấy Mỹ muốn nhúng tay vào.

Đúng ở lỗ hổng chiến lược đó, Trung Quốc đang chen chân vào. Hôm 18/5 vừa qua, Tập Cận Bình đã đích thân tham gia hội nghị video của WHO và cam kết cấp thêm 2 tỷ đô la để chống dịch. Bắc Kinh mở chiến dịch cung cấp áo quần bảo hộ cho nhiều quốc gia thiếu thốn, đồng thời rêu rao khắp thế giới câu chuyện về tính quyết đoán và sự tài ba của đảng CS trong việc xử lý đại dịch. Bất cứ ai đặt ra những câu hỏi hóc búa với nước Tàu, chẳng hạn như chính phủ Úc, đòi hỏi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus, thì sẽ bị trả đũa ngay về mặt thương mại. Tuần trước, việc nhập khẩu thịt bò Úc vào Trung Quốc đã bị cắt giảm.

“Tiếp cận thị trường như là một thứ vũ khí”

Các nền kinh tế khác đang hướng tới Trung Quốc – như Đức – phải lấy đó làm ví dụ. “Các chuyên gia chúng tôi đã có một thuật ngữ cho vấn đề này”, Mikko Huotari, người đứng đầu viện nghiên cứu Mercator Institute for China Studies Berlin (Merics) nói: “Chúng tôi nói về weaponization of access, xem tiếp cận thị trường như một vũ khí”. Bất cứ ai chỉ trích Trung Quốc quá nhiều, đều không thể làm ăn với Trung Quốc được nữa.

Có thể có ai đó coi Donald Trump là một một người tồi dỡ, nhưng không phải vì vậy mà người ta nên vui mừng khi thấy trọng lượng ngoại giao của Mỹ bị sụt giảm trên toàn cầu: Tình huống này làm cho Liên Âu, bao gồm cả Đức, tiến thoái lưỡng nan về mặt chiến lược.

Theo luân phiên, Đức sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU vào tháng Bảy này. Từ lâu rồi, ngay cả trước cuộc khủng hoảng virus corona, Thủ tướng Angela Merkel đã chọn vấn đề quan hệ với Trung Quốc làm chủ đề chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Đức. Dự kiến trong một hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Trung Quốc tại Leipzig vào tháng 9, Đức mong muốn trình làng một Liên hiệp châu Âu hợp nhất trước Bắc Kinh.

Nhưng nay con virus corona đang làm cản trở kế hoạch này. Xây dựng sự nhất trí trong Liên Âu đối với Trung Quốc luôn là một việc khó khăn vì những lợi ích khác biệt giữa các nước thành viên. Nay cuộc khủng hoảng Corona còn làm cho việc này rắc rối thêm. Trung Quốc đã tìm ra những kẻ hở mới để chia rẽ người châu Âu với nhau – như việc viện trợ vật tư y tế cho vài nước hoặc cho tiếp cận thị trường đối với nước nào có hành vi thân thiện với mình. Dù đó là một nghịch lý, khi chúng ta biết các sai lầm của Bắc Kinh, nhưng có lẽ sau cuộc khủng hoảng này Trung Quốc sẽ trỗi lên mạnh mẽ hơn.

Chuyên gia Trung Quốc Mikko Huotari giải thích như thế này: Theo dự đoán, nền kinh tế Đức sẽ suy sụp 7% trong năm nay, cho nên với sự tăng trưởng từ 1 đến 2%, Trung Quốc có vẻ có vị trí tốt hơn. Đảng CS Trung Quốc sẽ chỉ tay về phía các nền kinh tế đang chao đảo trên thế giới để vỗ ngực cho mình là một “đảng xử lý khủng hoảng” thành công. Huotari cũng bày tỏ sự kinh ngạc của mình, khi thấy đảng CS Tàu đã hung hăng và quyết liệt như thế nào để nắm bắt cơ hội của họ ngay giữa đại dịch. Họ đã tận dụng mọi khó khăn và các bất tài của những chính phủ phương Tây.

Cuộc tấn công tuyên truyền của Trung Quốc trong vài tuần qua đã được tung ra nhằm lúc công luận ở phương Tây đang đến một điểm ngoặt. Ngày 18/5 vừa qua, quỹ Körber-Stiftung, một tổ chức nghiên cứu về chính trị và xã hội có trụ sở tại Berlin, đã công bố kết quả một cuộc thăm dò dân ý, mà nếu Bắc Kinh nghe được thì họ sẽ khui rượu sâm banh ăn mừng ngay. Các nhà nghiên cứu nhận ra, đang có một “chuyển hướng trong sự đánh giá của dân chúng Đức có lợi cho Bắc Kinh: Trong khi 37% dân Đức vẫn muốn gắn bó chặt chẽ với Hoa Kỳ, thì 36% cho hay họ thấy quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc là quan trọng hơn”.

Ngay việc người Đức muốn nước mình có quan hệ gắn bó xấp xỉ ngang nhau với cả Mỹ lẫn Tàu, đó đã là một thắng lợi cho Bắc Kinh rồi. Còn cho EU – đang bị ném vào giữa vòng tranh chấp quyền lực của các siêu cường – thì đó là một thách thức vô cùng to lớn. Bởi vì mục đích thành lập ra EU không phải để như vậy. EU được xây dựng trên sự cân bằng, hợp tác và thỏa hiệp. Các mục tiêu này thật ra vẫn quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tổ chức nội bộ. Nhưng trong quan hệ đối ngoại thời buổi hôm nay, EU đang cần những kỹ năng hoàn toàn khác: Đó là ý chí độc lập, lòng can đảm và quyết tâm chống lại các nỗ lực o ép của Trung Quốc.

EU sẽ phải đối phó với cả hai diễn biến quốc tế: một bên là sự thất bại của Hoa Kỳ và bên kia là áp lực mới của Trung Quốc. Điều hướng được 27 quốc gia để đồng lòng đối phó với tình hình này, đó là công việc làm thêm cho bà Merkel trong sáu tuần tới, trước ngày tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng EU. Thật ra đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên do lịch trình luân phiên mà thôi. Tuy vậy, bởi vì không có quốc gia nào được hưởng lợi nhiều từ sự bảo vệ của Mỹ và từ thị trường Trung Quốc như nước Đức, cho nên nhiệm kỳ Chủ tịch này của Đức cũng có thể được coi là hợp thời hợp cảnh.








No comments:

Post a Comment