Tuesday, May 26, 2020

CHÂU ÂU ĐANG TỪ BỎ TRUMP ĐỂ QUAY SANG TRUNG CỘNG TRÊN CHÍNH TRƯỜNG THẾ GIỚI (Adam Bienkov - Business Insider)




Adam Bienkov  -  Business Insider
Nhã Duy dịch
25/05/2020

Trong cuộc thăm dò gần đây cho thấy, người dân châu Âu đang quay lưng với Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump. Dư luận xã hội đối với Mỹ đã giảm ở các nước lớn tại châu Âu kể từ khi bắt đầu đại dịch virus corona.

76% người Đức cho biết, cái nhìn của họ về nước Mỹ đã xấu đi bởi cuộc khủng hoảng. Số người Đức ủng hộ việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Cộng và Mỹ là tương đương trong cuộc thăm dò. Một cuộc thăm dò khác cho thấy, chỉ có 2% người Pháp tin tưởng Trump về vị thế lãnh đạo thế giới, trong khi Trung Cộng đang phát triển sức mạnh chính trị, ngoại giao và tài chính khắp châu Âu.

Tổng thống Donald Trump đang làm xấu đi vị thế của Mỹ trên chính trường thế giới, trong khi các quốc gia châu Âu ngày càng hướng về Trung Cộng như một quốc gia lãnh đạo toàn cầu trong tương lai. Sự thay đổi này thể hiện qua một loạt các cuộc thăm dò dư luận gần đây, cho thấy tình cảm của châu Âu đối với Hoa Kỳ đang suy giảm kể từ khi bắt đầu đại dịch virus corona.

Cuộc khảo sát được công bố tại Đức trong tuần qua cho thấy phần lớn người Đức cho biết họ nhìn Hoa Kỳ tệ đi vì đại dịch, với 76% người Đức cho biết như vậy, so với 36% người có ý kiến tương tự về Trung Cộng.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy, người Đức phần lớn bị chia ra khi được hỏi liệu họ có thích duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Cộng hay Mỹ không, thì 37% cho rằng duy trì với Mỹ là quan trọng, so với 36% với Trung Cộng. Đây là một sự sụt giảm khá lớn từ cuộc thăm dò năm ngoái, khi 50% người Đức cho rằng duy trì quan hệ với Mỹ là ưu tiên, so với chỉ 24% với Trung Cộng.

Trong một câu hỏi riêng, chỉ 10% người Đức xem Mỹ là đối tác toàn cầu quan trọng nhất của quốc gia, giảm từ 19% vào năm ngoái. 6% nhìn giống vậy với Trung Quốc, giảm 1% so với năm trước.

Cuộc thăm dò riêng được tiến hành tại Anh cũng cho thấy sự suy giảm trong quan điểm của người Anh về Mỹ kể từ khi đại dịch bắt đầu. Khi được hỏi, liệu Anh nên xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với châu Âu hay với Mỹ thì 35% người Anh cho rằng nên ưu tiên với  châu Âu so với chỉ 13% cho là với Mỹ. Đó là sự gia tăng 6 % về hướng châu Âu kể từ đầu tháng 11 và bất chấp việc Anh rời khỏi khối Liên Âu vào tháng Giêng.

Sự thay đổi diễn ra trong bối cảnh có những cú sốc toàn cầu về những can thiệp gần đây của Tổng thống Donald Trump trong đại dịch virus corona. Tuyên bố của tổng thống Trump suy diễn rằng, chất khử trùng có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân virus corona đã gây ra sự khó tin và kinh hoàng trên diện rộng tại nhiều nước châu Âu.

Bỉnh bút Fintan O’Toole của báo Irish Times đã viết hồi tháng trước để đáp lại những bình luận của Trump rằng: “Trong hơn hai thế kỷ, Hoa Kỳ đã khuấy động rất nhiều cảm xúc cho thế giới: Tình yêu và thù hận, sợ hãi và hy vọng, ganh tị và khinh miệt, sợ hãi và giận dữ. Nhưng chưa bao giờ có một cảm xúc hướng về Mỹ như hiện nay: Lòng thương hại“.

Những tường trình cho rằng việc Trump muốn mua độc quyền các loại vắc-xin virus corona đang được nghiên cứu tại Đức cũng gây ra sự tức giận trên châu lục này. Thái độ của Trump đã làm tăng lên những cảm xúc tiêu cực vốn đã lan rộng tại châu Âu với tổng thống Trump, khi chỉ 2% người Pháp tin tưởng Trump là lãnh đạo thế giới.

Sự thay đổi này cũng được thấy trong động thái của các chính phủ châu Âu, vốn dường như ngày càng sẵn sàng bỏ ngoài tai các lời hăm dọa của Trump về việc củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Cộng. Một loạt các nước châu Âu đang tiến hành các thỏa thuận với công ty viễn thông Huawei để phát triển mạng 5G, bất chấp những lời đe dọa ngày càng mạnh mẽ hơn từ tòa Bạch Ốc.

Thủ Tướng Anh Boris Johnson, là người được cho là bị Trump cúp điện thoại trong một cơn giận dữ hồi tuần trước vì đã thách thức các lời hăm dọa của tổng thống Trump trong vấn đề Huawei, đang thúc đẩy các kế hoạch cho phép công ty này những quyền phát triển 5G. Một số quốc gia châu Âu khác cũng đang đẩy mạnh các thỏa thuận tương tự bất chấp những lời hăm dọa từ chính phủ Trump sẽ thực hiện một cuộc chiến thương mại mới hay cắt đứt các thoả thuận về hợp tác an ninh.

Bắc Kinh cũng đang chứng tỏ khả năng gia tăng áp lực ngoại giao đối với châu Âu, đi ngược với mong muốn của Washington. Khối Liên Âu gần đây đã gỡ bỏ các tài liệu tham chiếu về chiến dịch “thông tin sai lệch toàn cầu” của Trung Cộng ra khỏi một báo cáo chính thức trong các cường quốc, sau áp lực ngoại giao từ Bắc Kinh.

Khi Trump rút lui, Trung Quốc mở kho bạc ra thế giới. Sự miễn cưỡng chỉ trích của châu Âu đến Trung Cộng có thể là do một phần sự thống trị kinh tế ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Một báo cáo gần đây của ngân hàng đầu tư GP Bullhound cho thấy, kể từ khi thị trường công nghệ châu Âu mở cửa trở lại, Trung Cộng đã bắt kịp Mỹ về đầu tư vào các hãng kỹ thuật châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Đầu tư của Trung Cộng cũng mở rộng sang lĩnh vực khoa học quan trọng. Báo Mail hôm Chủ Nhật [17/5/2020] đưa tin rằng, Huawei đã đầu tư 5 triệu bảng Anh vào một trung tâm kỹ thuật mới tại đại học Imperial College London. Khoản đầu tư này đã gây ra tranh cãi vì các khoa học gia tại Imperial là nhóm trung tâm trong việc cố vấn cho chính phủ Anh trong cuộc khủng hoảng virus corona.

Một điều rõ ràng là, trước tình trạng dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trầm trọng, các chính phủ châu Âu, các tổ chức chính phủ và các công ty đang ngày càng hướng về Trung Cộng để nhận sự hỗ trợ và đầu tư. Và với công luận về một nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Trump đang bị xấu đi ở châu Âu, sự trỗi dậy của Trung Cộng hoàn toàn có thể là điều mà nước Mỹ sẽ phải trả giá.


---------------------------------------

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

Sep 12, 2019,02:32am EDT

By  Associated Press
Published: April 23, 2020 at 3:07 p.m. ET







No comments:

Post a Comment