Sunday, May 3, 2020

BỮA CƠM TÙ NGÀY "GIẢI PHÓNG" (Phạm Thanh Nghiên)




02/05/2020

Đi tù, điều người ta mong nhất là được gia đình lên thăm. Chẳng những được gặp mặt bố mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em cho thỏa lòng thương nhớ, mà còn được ăn ngon. Không, phải gọi là “ăn sang” hơn mới đúng. Gia đình nào đi thăm tù mà chẳng thế, dù nghèo cũng phải cố gom cho được túi quà xách lên để người thân có tí chất tươi vào bụng. Trong bộ quần áo kẻ sọc, mọi người tù đều giống nhau. Ấy thế mà “đẳng cấp” sang -hèn, giàu- nghèo của từng người vẫn được nhận diện qua bữa cơm tù hàng ngày, nhất là sau mỗi lần thăm nuôi đấy.

Nhưng tù không chỉ mong có thể. Nỗi ngóng trông đến ngày lễ- tết cũng háo hức, rộn ràng trong tâm hồn bi ai của mỗi người tù khốn khổ. Ngoài hy vọng được giảm án, được “đặc xá” còn là nỗi mong chờ bữa cơm nhiều thịt hơn ngày thường.

Đối với người tù trong thời gian giam cứu, ngày lễ tết không phải đi cung, ít nhiều tạm quên đi nỗi sợ hãi khi đối mặt với điều tra viên. Còn tù nhân trên các trại khổ sai, vừa được ăn ngon, vừa không phải đi lao động. Cái ngày nghỉ hiếm hoi, quý giá ấy sẽ được tận dụng để tranh thủ viết thư về nhà, giặt giũ chăn chiếu, mùng mền, hoặc làm việc gì đó mà lúc chưa đi tù, người ta cũng chẳng thể hình dung nổi. Nhưng thường thì người tù tranh thủ ngày nghỉ để làm thêm cho đủ mức khoán. Đấy là đối với người tù ở đội thêu ren thôi. Làm ở ngoài hiện trường lao động không đủ mức khoán thì “găm” hàng về trong trại làm thêm cho đủ. Sở dĩ phải “găm” vì cai tù ra lệnh cấm không được mang hàng (vải, chỉ thêu) về trại, vào buồng giam để làm. Chị tù nào khéo giấu thì qua mặt được cai tù qua khâu khám người trước khi nhập trại. Nhưng hiếm người thoát lắm. Nghề của cai tù là sờ mó, nắn bóp, moi móc khắp thân thể, kể cả chỗ kín đáo, nhạy cảm nhất của tù, để khám, để kiểm tra, để lấy ra những thứ cần lấy.

Cho nên, việc “găm” hàng chỉ chót lọt khi gặp may. Tức là hôm nào cai tù dễ tính cho qua hoặc tù nhân đã xin xỏ, “đấm mồm đấm miệng” từ trước đó. Nếu xui xẻo, cai tù phát hiện thì “hàng” sẽ bị tịch thu. Nhẹ thì đền tiền cho số hàng đã bị thu, nặng thì bị cảnh cáo, kỷ luật. Bị cảnh cáo, kỷ luật có nghĩa là cả năm chẳng giảm án gì sất, ngày ở tù sẽ dài thêm và ngày về xa xôi tít tắp. 

Song dù sao vẫn còn hơn những tù nhân ở đội nông nghiệp. Làm sao mang được những thửa ruộng, luống rau về trong buồng giam để cuốc xới, cày bừa cơ chứ. Cho nên nhiều hôm phải ở lại làm cho xong việc. Có những ngày mùa đông trời lạnh căm căm, khi những người tù khác đã chui vào trong chăn ngồi xem tivi thì những bạn tù ở đội nông nghiệp mới kết thúc một ngày lao động nhọc nhằn. Họ mang theo mùi bùn đất, quần áo lấm lem bẩn thỉu, gương mặt mệt mỏi lũ lượt bước vào buồng giam sau tiếng mở cửa đầy chát chúa của cai tù.

Đọc sách mãi cũng mỏi mắt, nhiều buổi tối tôi sang chỗ chị Nga Phú ngồi chơi. Vừa uống trà vừa tuốt chỉ giúp chị.

-Mai đến lượt Nghiên được ăn xương đấy. Có lấy không hay nhường cho ai?

Chả là trong các suất thịt trại bao giờ cũng kèm theo vài cục xương. Phần xương ấy được chia lần lượt theo vị trí nằm của người tù. Lần trước, chị nằm cạnh tôi được chia. Lần này đến lượt tôi. Lần sau sẽ đến người kế tiếp rồi cứ thế quay vòng. Ai không ăn thì đem cho nhưng vẫn cứ mang bát ra lấy để người chia phần khỏi lẫn. Gì chứ tù đánh chửi nhau vì khúc xương, miếng thịt cũng không phải hiếm.

Tù thích xương hơn vì hiếm khi được ăn. Đem mấy cục xương ấy nấu với khoai tây, xu hào sẽ được món canh sang nhất đời tù, ngon gấp ngàn lần món “rau muống tần đại dương” hoặc bắp cải luộc là hai loại rau “chủ đạo” trong nhà tù.

-Chị cứ đem cho mấy người dân tộc như mọi khi giúp em. Em lấy làm gì. Tôi trả lời.

Từ ngày chuyển vào Thanh Hoá, tôi hầu như không lấy thức ăn trại phát, tức là cá và thịt kho, chỉ thỉnh thoảng lấy xương để ... cải thiện. Tôi đem phần của mình nhường cho mấy người dân tộc. Chia đến phần tôi, họ chỉ cần mang bát ra nhận, tôi khỏi phải đi lấy thay. Nói thế cho sang, chứ tiêu chuẩn 7 lạng thịt mỗi tháng trên một đầu người, thì cái suất thịt của một bữa ăn, chỉ to bằng ba ngón tay khép lại.

- Tại mai 30/4 được nhiều hơn nên chị phải hỏi lại mày.

Chị Nga Phú giải thích, chiếc kim trên tay vẫn đều đặn đâm vào tấm vải thêu phát ra tiếng kêu phần phật.

- Chị cứ chia cho người ta cái suất của em. Xương hay thịt, chị cũng chia đi hết đi.

Tôi nói, vẻ cáu kỉnh vô lý.

- Vậy thịt mày không lấy chị chia cho người khác nhưng chị lấy phần xương để ninh khoai tây nhé.

- Ừ, ngày mai cũng chả có lý do gì để ăn nhiều hơn các ngày khác.

Tôi lẩm bẩm, bực dọc với mình hơn là khó chịu với chị Nga.

- Ôi giời, kệ mày. Bọn tù như tụi chị cứ được ăn là tốt rồi. Quanh năm làm khổ như chó, mấy khi được miếng thịt to. Mấy chuyện khác chả đâu mà bận tâm. 

- Thế em không phải tù chắc? Tôi hoạnh lại.

- Mày cũng tù, nhưng tù kiểu khác.

Mẹ ơi lý với chả luận. Đã “ tù” rồi còn “tù kiểu khác” nữa. 

Chín giờ sáng 30/4, tiếng nhạc ở hội trường đã vang lên inh ỏi. Cái thứ nhạc không hẳn là nhạc cứ “ình ình ình” phát ra từ cái loa to tổ chảng, chói cả gáy. Các chị tù bắt đầu kéo nhau ra nhảy. Có chị mặc nguyên bộ kẻ sọc, có chị khác mang cả đôi giày cao gót dễ đến hơn chục phân. Rồi đủ loại trang phục từ hở hang nhất đến diêm dúa, loè loẹt nhất được các chị tù mang ra diện. Áo trễ ngực, áo dây, đầm ngắn, quần đùi jeans sát tận bẹn... bấy lâu cất kỹ trong túi nội vụ hôm nay được dịp khoe chị khoe em. Có chị còn chát bự phấn vào mặt, môi son đỏ choét, đeo lông mi giả dài thườn thượt như sắp đi biểu diễn ở phường chèo. Mặt chị nào chị nấy cứ cứng đơ, vênh váo hẳn so với ngày thường.

Các điệu nhảy từ vụng về, quê mùa đến giật gân, sành sỏi, khêu gợi ...được các chị em tù thể hiện. Tôi chẳng thấy đẹp, chỉ thấy chướng mắt và khó chịu. Nhưng họ có niềm vui, có cách giải trí riêng của họ. Trong cái chốn đọa đày này, làm gì có niềm vui nào được gọi là niềm vui nữa đâu.

Buồn cười nhất là bà Dung móm ở đội vàng mã. Bà ấy diện nguyên bộ kẻ tù, dưỡn dẹo mang đôi guốc cao gót đứng dưới bức tượng bán thân của ông Hồ nhảy nhót, ưỡn ra ưỡn vào không ra một điệu nhảy gì. Đôi guốc cao nhiều lần làm bà ta suýt ngã nên thỉnh thoảng phải vịn vào cái bục gỗ kê bức tượng ông Hồ, trông không khác gì múa cột. Búi tóc dày cộp, cái miệng móm mém trơ lại mấy cái răng, người quắt qoeo khiến bà này trông càng lố bịch, bắng nhắng trong bộ dạng đến là dị thường. Thấy tôi đứng bên ngoài, bà ta vẫy, tay vẫn bám vào chân tượng ông Hồ, đôi guốc cao gót vẫn cồm cộp nện xuống sàn nhà:

- Ối dời Nghiên ơi vào đây nhảy với cô, vui lắm.

Tôi cười miễn cưỡng cười đáp lại rồi trở ra. Vừa lúc gặp ngay một lão cai tù đang lò dò bước tới.

Lão giả lả, kiếm câu chuyện làm quà:

- Chị Nghiên hát một bài đi.

Đang không có cớ giải toả cơn bực dọc, tôi đáp luôn:

-Tôi mà hát bài “bao năm giải phóng như thế này phải không anh” thì các cán bộ có mà chạy mất dép ấy chứ.

Lão biết tôi đang lên cơn dở hơi, nên nhịn, lỉnh đi.

Buồn chán, tôi lại mò về phòng tính đọc sách cho hết cái ngày chết tiệt này đi. Vừa vào cổng khu, gặp ngay bọn cái Trinh đang tụ tập ăn uống gì đó dưới gốc cây. Thấy tôi, Trinh đon đả:

- Ơ kỵ, kỵ (1) đi đâu chắt tìm nãy giờ. Kỵ ngồi đây ăn thịt gà mừng ngày “giải phóng” đi kỵ.

Tôi điên máu, chửi luôn:

- Chiến thắng cái đầu ngu nhà mày. Vui lắm ấy mà ăn mừng. Không có cái ngày khốn nạn này thì tao, mày và nhiều đứa khác không phải ngồi tù đâu. Từ giờ trở đi tao cấm chúng mày mời mọc tao ăn uống trong mấy cái ngày lễ lạt của Việt cộng. Nghe chưa?

Cả bọn ngồi im. Con Túc mắng con Trinh:

- Đấy chưa, em đã bảo chị đừng nói thế trước mặt “ông trẻ” (2) mà chị không nghe. Ngu thì bị chửi.

Rồi cái ngày chết tiệt ấy cũng qua nhanh trong tù. Sáng hôm sau nhìn thấy Trinh, tôi ngượng ra mặt.

- Này, mày có giận kỵ không?

- Không giận, cơ mà ức. 

- Thì tao xin lỗi. Được chưa? Bố con điên.

Tôi chửi yêu nó. Tôi phải nịnh để nó đừng giận tôi chứ.

- Hì hì, hết giận rồi. Tí kỵ cho cháu mượn quyển truyện cười nhá. Con Trinh cười nhăn nhở.

- Mày chỉ thế là nhanh. Đứng đấy, tao vào lấy cho.

Tôi đưa cuốn truyện cười cho Trinh. Nó vẫn chưa tha cho tôi.

- Mai chắt lại đi làm rồi, bận lắm. Kỵ ở nhà rảnh thì tranh thủ múc cho chắt xin mấy chậu nước. Chiều về chắt tắm luôn khỏi tranh nhau. Nó nói xong, không đợi mình trả lời, cầm cuốn truyện cắp đít đi thẳng.

Đúng là tôi ngu thật. Chửi nó một câu giờ nó sai mình như hàng con ở.

Nhưng tôi chỉ phải chịu đựng sự khó chịu, chướng mắt về cái ngày 30/4 có bốn lần trong tù thôi. Biến cố này quả là cực hình tinh thần cho những tù nhân chính trị là cựu quân nhân cán chính VNCH.

Chồng tôi, anh Huỳnh Anh Tú kể, trong 14 năm tù anh ấy từng gặp, ở chung với nhiều cựu quân nhân cán chính VNCH. Giai đoạn 1999 đến 2014, ở các trại tù mà chồng tôi từng ở hầu như không còn giam tù “cải tạo”. Những tù nhân là cựu quân nhân còn lại đa số bị bắt lần hai, hoặc ba, tức là đã được thả sau thời gian đi “cải tạo”. Họ ra ngoài hoạt động, chống cộng tiếp nên bị bắt lại. 

Một buổi sáng ngày 30/4 nọ, có một cựu sĩ quan VNCH dùng suất cơm tù của mình để chia cho chiến hữu- những người đã chết. Người tù cựu sĩ quan sắp cơm ra làm 3 phần, đựng trong ba cái chén nhựa (bát), đặt lên đó ba cái muỗng rồi xếp ngay ngắn ở một góc sân đã được quét sạch. Người tù đốt lên 3 điếu thuốc, cắm vào mấy chiếc que như đốt nhang, kính cẩn chắp tay lạy:

- Hôm nay ngày 30/4, cũng là ngày mất nước, ngày quốc hận. Tôi tuy mang thân tù đày nhưng vẫn còn may mắn giữ được cái mạng. Rất nhiều chiến hữu của tôi đã chết, hồn còn lảng vảng đâu đây. Tôi mượn bát cơm tù, điếu thuốc thơm, kính cẩn nghiêng mình mời các chiến hữu ở các binh chủng bộ binh, thuỷ quân lục chiến, pháo binh, biệt kích... về sum họp với tôi.

Ông chắp tay vái, mắt nhắm nghiền, miệng vẫn lẩm nhẩm như đang nói với các chiến hữu ở một thế giới xa xôi nào đó. 

Rồi người tù bỗng im bặt, mắt mở trừng giận dữ:

-Mấy thằng Việt cộng đi chỗ khác chơi. Hôm nay là ngày sum họp các chiến hữu tụi tao, tụi bay đi đi. Đi.

Vừa quát, người tù vừa xua tay đuổi, vẻ giận giữ và khinh bỉ.

Tên cai tù đứng gần đó, quan sát hành động của người cựu sĩ quan từ đầu, lúc này mới buột miệng chửi:

-Đù má, cúng bái mà còn phân biệt đối xử. Đúng là đồ khùng.

Người cựu sĩ quan ném cặp mắt khinh ghét về phía tên cai tù:

-Còn ông cũng vậy, đi chỗ khác chơi.

Tên cai tù tức tối lỉnh đi chỗ khác, miệng lẩm bẩm đủ cho mấy người tù quanh đấy nghe thấy, kiểu như chữa ngượng:

-Khùng nặng thế này sao không thả ra, giữ lại thêm tốn cơm, bực mình.

Mấy năm sau người cựu sĩ quan ấy cũng được về nhà. Tâm trí ông không còn bình thường nữa chỉ sau một thời gian ngắn ở tù. Ông quên nhiều thứ, nhưng không thể quên được cái biến cố đau thương, kinh hoàng ngày 30/4/1975- ngày mà ông thấy mình vẫn còn “may mắn sống sót”,

Phạm Thanh Nghiên 
Sài Gòn ngày 30/4/2020



Chú thích: (1) Kỵ: Người có cháu (chắt) 5 đời được gọi bằng “kỵ” xưng “chắt”. Nhưng thường thì rất ít người có thể sống lâu để lên chức “kỵ”.

(2): Ông trẻ: Người nhỏ tuổi hoặc ít tuổi trong họ hàng nhưng bằng vai với ông bà nội hoặc ngoại của mình thì được gọi là “ông trẻ” hoặc “bà trẻ”. Hiểu nôm na là ông bà họ nhưng còn trẻ. Ở ngoài Bắc, nhất là nhiều vùng quê vẫn còn giữ cách gọi này. Túc và Trinh quý tôi nên hay phong cho tôi là “kỵ”, “ông trẻ” trong cách xưng hô cho vui thôi. 





No comments:

Post a Comment