Sunday, May 3, 2020

BẠN NGHĨ GÌ VỀ “TỪ AK ĐẾN AI”?   (Kiều Dung) 





Thật ra, tôi không học đại học ngành kinh tế mà là ngành Toán-Tin. Người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho tôi là thầy Hồ Tú Bảo, một đề tài về hệ chuyên gia (một nhánh trong AI). Tôi có làm việc với thầy vài tháng. Tuy nhiên sau đó vì một số lý do đặc biệt, tất cả sinh viên khóa tôi đều thi tốt nghiệp chứ không bảo vệ luận văn nữa.

Sau khi tốt nghiệp tôi làm việc ở Trung tâm máy tính, Bộ khoa học& Công nghệ một thời gian, cho nên biết một số chuyện. Chẳng hạn như, sau khi tiếp quản Sài gòn, do không có chuyên gia am hiểu IT cho nên giàn máy tính hiện đại của IBM của chính quyền VNCH để lại đành để mốc meo.

Dân ngành IT đều biết, VN đã bỏ lỡ cơ hội phát triển IT hai lần: đầu thập kỷ 1980 và 1990. Trong khi ấy, các nước như Thái Lan, Israel, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore,… đã tận dụng được cơ hội để gia công phần cứng, phần mềm cho Phương Tây để trở nên giàu có và phát triển được nền công nghiệp IT vững mạnh của riêng họ. Tôi nghiên cứu về quản lý job online từ năm 1996, về chính phủ điện tử ở VN từ đầu những năm 2000. Nhưng đến tận bây giờ, ở VN người ta lại tuyên truyền về chính phủ điện tử như thể một lĩnh vực mới mẻ. Bởi lẽ trong gần 20 năm, các lĩnh vực đó chẳng phát triển được gì đáng kể. Thầy Bảo và các cộng sự đã đầu tư nghiên cứu AI từ ngày đó. Rồi thầy sang Nhật Bản hỗ trợ họ phát triển AI, bởi vì ở VN thì…thôi không nói nữa. Và bây giờ, gần 30 năm sau, truyền thông VN lại tưng bừng nói về AI như thể một lĩnh vực mới mẻ.

Tất cả những chậm lụt, yếu kém về IT, AI, và hầu hết những lĩnh vực khác ở VN dĩ nhiên chủ yếu là do năng lực, tầm nhìn của lãnh đạo, và đặc biệt là cơ cấu chính trị của quốc gia. Hôm nay ông thầy giáo cũ lại đặt câu hỏi “Bạn nghĩ gì về từ AK đến AI”, nên tôi xin phép được trả lời.

1.
Họ hàng thân quyến của tôi thuộc cả hai phe trong cuộc chiến Bắc-Nam 1955-1975. Có cả liệt sỹ, sỹ quan Bắc Việt lẫn sỹ quan VNCH, bị mất hết tài sản và đi trại cải tạo sau 1975. Có cả những người được du học nhờ VNCH trước 1975, lẫn vượt biên, HO, sau 1975. Đối với tôi đó là một cuộc chiến bi thương, chứa đựng đầy đủ sự ngu ngốc, tàn nhẫn, lẫn lừa đảo, mà hệ lụy của nó là oán thù nặng nề, chồng chất. Một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn đã giết chết 3 triệu người Việt và vô số người khác phải mang thương tật. Một cuộc chiến hoàn toàn sai lầm, không nên có.

2.
Chúng ta còn gì để ảo tưởng nữa? Thực tế đã rõ ràng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, có lẽ người Việt chỉ nên cầm AK đi làm lính đánh thuê, bán máu kiếm tiền. Bởi lẽ phát triển AI đòi hỏi một năng lực tư duy, tầm nhìn, và trình độ quản lý rất khác.

3.
Đối với tôi, dân chủ hay độc tài không phải là điều quá quan trọng. Nhưng hãy thử nhìn các con rồng châu Á đã trải qua thời kỳ độc tài như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, trong suốt thời kỳ ấy, họ đâu có cản trở sự phát triển KHXH&NV như ở VN. Ngược lại, họ rất chú trọng truyền bá các tư tưởng tiến bộ đồng thời với xây dựng đội ngũ khoa học và chuyên gia các ngành KHXH&NV cùng với KHTN&VN. Bởi vì họ hiểu, giới học giả và chuyên gia KHXH&NV là những người quyết định mọi chủ trương, chính sách phát triển quốc gia, chịu trách nhiệm về quản lý nguồn lực hiệu quả. KHXH&NV quyết định có thể xây dựng một nhà nước mạnh, công bằng, dân chủ, và văn minh hay không. Và đến khi kết thúc thời kỳ độc tài, họ có một nền KHXH&NV phát triển rực rỡ, đồng thời với một chính quyền giỏi, không thua kém Phương Tây.

4.
Tôi hi vọng thầy Bảo cũng như toàn bộ giới trí thức VN không nên nghĩ rằng cần phát triển kinh tế và KHTN&KT trước tiên, những thứ khác để sau. Chính trị là thống soái, cho nên một khi sai lầm thì sức tàn phá của nó vô cùng khủng khiếp.

5.
Chính sách, chủ trương đối với KHXH&NV ở VN hiện nay không những kìm hãm quốc gia mà còn tàn phá nhân cách lẫn tâm hồn người Việt. Nhiều trí thức Việt Kiều sống xa VN nhiều năm cho nên không hiểu rằng những lý thuyết giáo điều, những tuyên truyền dối trá khiến cho đời sống tinh thần của những người tự trọng trong nước hết sức ngột ngạt. Đồng thời chúng cũng cản trở giáo dục nhân cách cho các thế hệ tương lai.

6.
Chúng ta cần phải làm gì ư??? Chúng ta cần phải xây dựng một nhà nước mạnh, công bằng và văn minh. Người dân cần phải được tăng cường các quyền dân sự để tham gia quản trị nhà nước, đặc biệt là giám sát quản lý các nguồn lực, quyết định các chủ trương, chính sách phát triển quốc gia. Những điều này đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên, nhưng trách nhiệm trước tiên và chủ yếu vẫn là của các vị lãnh đạo Đảng.

Cụ thể, các lãnh đạo Đảng cần phải coi việc xây dựng nhà nước mạnh và văn minh, tăng cường các quyền dân sự là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của mình. Việc trước tiên cần làm là tăng cường đào tạo các học giả và chuyên gia KHXH&NV chuyên về các lĩnh vực quyền dân sự, tự do, và nhân quyền. Cần đào tạo cả bậc tiến sỹ lẫn thạc sỹ chuyên về các vấn đề đó (thuộc các ngành luật, khoa học chính trị, chính sách, xã hội học, kinh tế học, giáo dục học, tâm lý học, triết học v.v…). Cần đào tạo cả khu vực hàn lâm lẫn khu vực thực hành, bởi lẽ các giáo sư, tiến sỹ là những người thiết kế/hoạch định/tư vấn/phản biện các chủ trương, chính sách, trong khi các luật sư/nhà hoạt động chính trị/xã hội…là những người bảo vệ quyền lợi cho công dân. Ngoài ra, cần tăng cường việc phổ biến các tài liệu cả hàn lâm lẫn phổ thông về các tư tưởng pháp lý và chính trị hiện đại.

Vấn đề thù hận dân tộc, không tôn trọng khác biệt là những di sản nặng nề của cuộc chiến 55-75. Đó là những vấn đề khó nhưng không phải là không thể giải quyết. Nhà nước hoàn toàn có thể song song đào tạo về việc xây dựng các thể chế, nguyên tắc hiến pháp và luật pháp về hòa giải, tha thứ, và khoan dung, cùng với đào tạo chuyên môn cho các học giả, chuyên gia nói trên.

PS: Tag TS Nguyễn Đáng, để giới thiệu với học viện chính trị quốc gia những quan điểm của tôi.

*
VNEXPRESS.NET

20 BÌNH LUẬN  Top of Form









No comments:

Post a Comment