Monday, May 25, 2020

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM BẮT ĐẦU THAY ĐỔI LÃNH ĐẠO (Banyan - The Economist)




Banyan  -  Economist
Bùi Như Mai dịch
24/05/2020

Sự tranh giành phía sau hậu trường sẽ khiến cả những con chồn đang tranh nhau sống chết trong cái túi cũng phải xấu hổ.

Vào tháng Giêng năm tới, bốn lãnh đạo đảng không nổi tiếng, không nhiều người biết mặt ngay cả ở trong nước, chứ đừng nói đến ở nước ngoài, sẽ xuất hiện tại Đại hội Đảng Cộng sản cứ 5 năm tổ chức một lần để lãnh đạo một nước Việt Nam trẻ trung với 96 triệu dân.

Bốn chức vụ này coi như đã được dàn xếp và có sự đồng thuận, đây là cơ cấu cố định của một trong những tổ chức chính trị bí mật nhất thế giới. Tuy nhiên, đằng sau các cuộc đấu đá cho những chức vụ hàng đầu, khiến cả những con chồn đang tranh nhau sống chết trong cái túi cũng phải xấu hổ.

Sự đồng thuận đã đi ngược lại loại quyền lực cá nhân mà Tập Cận Bình đã thu tóm được ở Trung Quốc: Được gọi là “Tứ trụ”, từng cá nhân giữ các chức vụ gồm Tổng bí thư đảng Cộng sản (công việc quan trọng nhất), Chủ tịch nước (người đứng đầu quốc gia), Thủ tướng (người điều hành công việc hàng ngày trong chính phủ) và Chủ tịch của Quốc Hội (chức này thường là bù nhìn, nhưng càng ngày càng có quyền hành hơn). Một ngoại lệ là ông Nguyễn Phú Trọng, hiện tại là Tổng bí thư, phải kiêm luôn chức Chủ tịch nước khi ông Trần Đại Quang qua đời năm 2018. Năm tới, các lãnh đạo cao nhất gần như chắc chắn sẽ trở lại bốn người.

Tuổi tác cho lãnh đạo cao cấp đã được thiết lập từ lâu. Bảy Ủy viên Bộ Chính trị hiện trên 65 tuổi sẽ phải ra đi và sẽ được thay thế bảy ủy viên mới trẻ hơn từ Ban Bí thư. Chỉ có một người già được phép ở lại làm tổng bí thư. Người ở lại không chắc là ông Trọng vì năm nay đã 76 tuổi và đang trong tình trạng sức khoẻ kém.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 65 tuổi, có thể đã thấy cơ hội của mình. Ông chỉ đạo cuộc chiến chống Covid-19, trong đó Việt Nam đã đối phó rất giỏi, không có ca tử vong nào được xác nhận. Ông là một nhà quản lý kinh tế có khả năng, hiện đang cố gắng khôi phục việc buôn bán gặp khó khăn và đầu tư nước ngoài. Nhưng theo ông Tường Vũ ở Đại học Oregon thì ông Phúc thiếu một đặc điểm cốt yếu để lãnh đạo đảng: Sự nhiệt tình với chủ thuyết Mác-Lênin được thể hiện bằng các kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền hoặc kỷ luật làm việc.

Trong số các ứng viên khác, người đứng đầu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân là một phụ nữ, trong khi ông Võ Văn Thưởng 49 tuổi, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, theo thuật tuyên truyền thì có lẽ còn quá trẻ. Vì vậy, có thể ông Trần quốc Vượng, 67 tuổi, là cánh tay phải của ông Trọng sẽ kế nhiệm ông.

Các ứng viên cho 3 chức vụ còn lại thì hầu như đã được xếp đặt trước. Phó thủ tướng, Vương Đình Huệ, có thể kế nhiệm ông Phúc làm thủ tướng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân có thể chuyển giao cho một người phụ nữ khác là bà Trương Thị Mai, giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Bộ trưởng ngoại giao, Phạm Bình Minh, có thể trở thành Chủ tịch nước.

Tất cả rất suông sẻ. Tuy nhiên, ba mối đe dọa có thể thách thức sự đồng thuận trong những năm tới. Một mối đe doạ là sự thất bại trong việc ngăn chặn tham nhũng. Những vụ bê bối xung quanh các lãnh đạo đảng ở hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng. Ông Trọng từng nói rằng, chống tham nhũng trong khi vẫn duy trì sự ổn định, giống như “đánh chuột mà không làm vỡ bình”.

Mối đe dọa thứ hai là miền Bắc vẫn nắm giữ quyền lực. Kể từ chiến tranh Việt Nam, lãnh đạo miền Bắc đã nhìn miền Nam qua sự nghi ngờ về ý thức hệ. Hà Nội và các tỉnh lân cận đã cản trở sự phát triển cơ sở hạ tầng, bằng đồng tiền của miền nam trù phú. Theo lời ông Lê Hồng Hiệp của Viện iseas-Yusof Ishak, viện nghiên cứu ở Singapore nói, người miền Nam phải được tiến cử vào Bộ Chính trị để chú ý tới lần cải tổ tiếp theo vào năm 2026. Nếu không thì sự phẫn nộ ở miền Nam sẽ được hình thành.

Mối đe dọa thứ ba đến từ mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ kinh tế và quan hệ ý thức hệ đã buộc chặt họ. Nhưng Việt Nam luôn ngờ vực người láng giềng phương bắc. Điều đó giúp giải thích về sự thành công của việc đối phó với virus corona vì Việt Nam không tin tưởng vào những lời trấn an của Trung Quốc về quá trình lây nhiễm trong những ngày đầu, Việt Nam đã nhanh chóng đặt đất nước vào cuộc chiến, thậm chí còn tung ra các cuộc tấn công mạng chống lại Trung Quốc, hầu lượm lặt các thông tin về thực tế quá trình dịch bệnh.

Ở những nơi khác, các nhà lãnh đạo cố gắng đối phó với Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải trên Biển Đông. Lợi dụng đại dịch toàn cầu, Trung Quốc đã gia tăng sự quyết đoán, đánh chìm một tàu cá của Việt Nam, đặt tên Tàu cho hàng chục rạng san hô và đá ngầm trên biển, thiết lập các khu hành chính mới trên các đảo và rạng sang hô mà họ kiểm soát, gồm ở quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam lo lắng thúc đẩy mối quan hệ hòa bình với Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc mở rộng tham vọng trên biển mà không quan tâm đến sự nhạy cảm của người Việt Nam, thì sự rạn nứt cuối cùng cũng sẽ xảy ra. Điều này sẽ khiến mái tóc bạc của bất kỳ lãnh đạo kế nhiệm nào cũng sẽ rối bù lên.





No comments:

Post a Comment