Saturday, May 30, 2020

ĐẠI HỘI ĐẢNG 13 : "NỊNH THẦN NHAN NHÃN, KHI ĐẢNG XẾP GHẾ" (Minh Luật)





Thứ Sáu, 05/29/2020 - 15:00 — minh-luat

Khi đảng Cộng sản Việt Nam làm công tác nhân sự chuẩn bị tiến tới Đại hội đảng khóa 13, ngoài việc đấu đá tranh ghế trong nội bộ đã là thương hiệu truyền thống, giờ đây người dân phải chứng kiến thêm sự xuất hiện của các “nịnh thần” cứ lem lẻm, nói không biết ngượng.

Nổi lên trong số đó là “nịnh thần” Nguyễn Hồng Diên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, người mà mới đây có một phát biểu vuốt ve, làm mát lòng đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng: “Trường hợp đặc biệt về tuổi như Tổng bí thư là hạnh phúc của Đảng, dân tộc”.

Theo Vietnamnet cho biết, tại Hội nghị Báo cáo viên tuyên giáo hôm 27/5, thông báo về kết quả công tác nhân sự ở Hội nghị Ban chấp hành TƯ lần thứ 12, ông Nguyễn Hồng Diên nói:

“Nếu chúng ta thực hiện một cách xơ cứng quy định về độ tuổi thì một số cán bộ cao tuổi trong Ban chấp hành TƯ sẽ không tái cử…Đặc biệt là người đứng đầu, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Có thể nói trường hợp đặc biệt này là hạnh phúc của Đảng, dân tộc.”

Lời khen ngợi của cấp dưới dành cho cấp trên không phải là điều xa lạ. Nhưng những lời ca ngợi của ông Diên dành cho ông Nguyễn Phú Trọng thật sự quá thô thiển. Nó đã vượt qua giới hạn của sự khen ngợi thường tình, mà trở thành một sự “nịnh hót” lố bịch.

Bài học từ quá khứ

Mới đây, tại Hội nghị BCH TƯ kết thúc vào hôm 14/5, nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành trung ương những người có biểu hiện cơ hội chính trị, xu nịnh, phe cánh...". Tuy nhiên, nhìn vào biểu hiện xu nịnh lộ liễu của ông Diên - người hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành TƯ khóa 12, và được dự đoán còn tiếp tục leo cao hơn tại kỳ Đại hội đảng khóa 13 vào đầu năm tới, cho thấy tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự của đảng CS chỉ mang nặng tính hình thức.

Có lẽ, ông Diên đã thấm nhuần được bài học lịch sử trong công tác nhân sự tại các kỳ Đại hội đảng trước đây. Vấn đề này được mô tả khá rõ qua bài viết “Phấn đấu & Cơ cấu”, tác giả Huy Đức viết về chuyện làm nhân sự dưới thời Tổng bí thư Đỗ Mười, nghe cứ như giai thoại:

Trước Đại hội VIII (1996), ông Đỗ Mười cho gọi một vị phó thủ tướng tới bảo: "Kỳ này tôi nghỉ anh thấy sao?". Vị phó thủ tướng, vốn là một trí thức lịch lãm, chân thành hỏi lại: "Ai sẽ thay anh?".Kết quả, ông bị loại ra khỏi danh sách tái cử.
Ông Đỗ Mười lại cho mời một nhà lý luận bảo thủ tới và khi ông vừa dứt lời thì nhà lý luận này liền đập tay xuống bàn: "Trời ơi, đất nước đang như thế này anh nghỉ làm sao được". Kết quả, nhà lý luận giữ được ghế ủy viên Bộ chính trị.”

Ông Nguyễn Hồng Diên đã tiếp cận vấn đề theo cách của nhà lý luận bảo thủ từ câu chuyện trên, nhưng “nặng mùi” xu nịnh hơn. Các phát ngôn của ông Diên diễn ra trong bối cảnh tương tự như trước kỳ Đại hội đảng 1996, vì không ai biết chắc rằng, ông Nguyễn Phú Trọng có chịu chấp nhận rời ghế không, hay sẽ tiếp tục ở lại nắm quyền ở Đại hội 13 như là một “trường hợp đặc biệt”?

Mở đường cho sự tại vị kéo dài?

Không cần phải là nhà lý luận, ai cũng hiểu chấp nhận sự ngoại lệ về tuổi tác như một “trường hợp đặc biệt”, chính là sự ngụy biện cho sự tùy tiện phá vỡ các quy định đã được thiết lập trước đó trong việc đặt ra thời hạn nắm quyền.

Cụ thể, trước đây đảng CS có quy định về độ tuổi tham gia BCH TƯ là 60 đối với Ủy viên BCH TƯ, và 65 đối với Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng giờ đây sẽ không còn được thực hiện một cách “xơ cứng” như lời ông Diên.

Câu hỏi nêu ra cho trường hợp này là sự ngoại lệ về tuổi tác sẽ kéo dài đến khi nào mới kết thúc? Nó là cách thức để giúp cho một cá nhân duy trì sự cầm quyền kéo dài vô thời hạn của mình hay đó là “hạnh phúc cho dân tộc”?

Đến đây chắc có lẽ mỗi người đã tự có câu giải đáp. Quyền lực càng kéo dài thì con người càng trở nên tha hóa, đó là lý do chúng ta cần đến các quy định để ngăn chặn sự cầm quyền kéo dài. Và không một sự hạnh phúc nào cho dân tộc khi người dân bị gạt ra bên lề trong việc lựa chọn ra người lãnh đạo quốc gia.

Trong hoàn cảnh này dù ai lên hay xuống cũng khó đoán, nhưng có một điều rõ ràng, con đường tiến thân của ông Nguyễn Hồng Diên sẽ còn được bay cao, không phải nhờ tài lý luận mà nhờ vào thói nịnh hót không biết ngượng của mình.


------------------------------------------

XEM THÊM

Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận
29/05/2020

Tuần này, “hạnh phúc dân tộc” là một trong những đề tài nóng nhất trên mạng xã hội. Người khởi xướng cuộc bàn luận rôm rả này là ông Nguyễn Hồng Diên – Phó Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN.

(Hình: Trích xuất từ website dangcongsan.vn)

Ông Diên là người được BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 giao trách nhiệm thông báo cho các “Báo cáo viên Trung ương” về “phương hướng công tác nhân sự của BCH TƯ nhiệm kỳ tới” (Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 – Đại hội 13).

Chưa rõ dưới gầm Trời này có bao nhiêu quốc gia có loại công việc với chức danh là… “Báo cáo viên Trung ương” giống như Việt Nam? Chưa thấy nên không rõ những quốc gia như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba,… có “Báo cáo viên Trung ương” hay không?

Ở Việt Nam, “Báo cáo viên Trung ương” nhận lương để thỉnh thoảnh được vời tập trung, nghe lãnh đạo Ban Tuyên giáo thuyết giảng về chủ trương, đường lối của BCH TƯ đảng CSVN rồi bủa đi khắp nơi… thuyết giảng lại.

Toàn bộ chi phí cho hoạt động thuyết giảng lại (ăn ở, tới lui) tất nhiên là từ công khố. “Báo cáo viên Trung ương” chỉ thuyết giảng cho những viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền… cấp cao và những “Báo cáo viên” cấp thấp hơn.

Thường dân không thuộc diện được hưởng… hân hạnh vừa kể. Vì tầm quan trọng của Đại hội 13 nên có ngoại lệ, báo chí được phép tham dự buổi thuyết giảng dành cho “Báo cáo viên Trung ương”.

Ngoại lệ ấy dường như phát xuất từ ngoại lệ sắp được thực thi: BCH TƯ đảng khóa này sẽ… chọn trước những người đã quá tuổi theo qui định của đảng để cho BCH TƯ đảng khóa tới… bầu làm lãnh đạo đảng để lãnh đạo quốc gia, dân tộc.

Cứ như lời ông Diên thì Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước có số tuổi quá mức qui định là “trường hợp đặc biệt” và là “hạnh phúc của đảng, của dân tộc”, không thể “xơ cứng về độ tuổi” mà phải chú trọng tới… “năng lực bẩm sinh” (1)…

                                                           ***
Từ thuyết giảng dành cho các “Báo cáo viên Trung ương” của ông Diên, rất nhiều thường dân nêu nhận xét hết sức… bình dân về ông Diên, như Phung Chi Kien gọi là “vô sỉ"!” Hoặc như Van Dung gọi là “bưng bô”,  “Tui mà là lãnh đạo sẽ đuổi cổ ngay và luôn” (2)! Một số người khác như Hậu Kc Nguyễn chỉ bình về “hạnh phúc”: Hạnh phúc với chả hồng phúc cho lắm vào chỉ tổ đất nước này vô phúc! Lytra Do không tin ông Diên nịnh. Đó là cách để ông Diên ném ra thông điệp về một kịch bản đã viết (3).

Đáng chú ý là ngay cả đảng viên cũng cảm thấy lấn cấn về những gì ông Diên vừa thuyết giảng. Ông Kim Van Chinh – cựu Giảng viên cao cấp, cựu Viện phó của một Viện thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – trích, giới thiệu một phần phát biểu của ông Diên để đề nghị bạn bè chịu khó tham khảo kèm dự đoán: Đọc xong bác nào không phải mở cửa thông gió hay bật máy lọc không khí thì tôi bái phục (4). Nguyen Dinhquang – bạn ông Kim Van Chinh – lập tức so sánh ông Diên với ông Trương Minh Tuấn. Còn Hung Nguyen thì thắc mắc: Tại sao “nó” không thấy ngượng hay ít ra là thấy lương tâm không ổn nhỉ?

Cùng bàn về những gì ông Diên đã thuyết giảng trên trang Facebook của ông Kim Van Chinh, Đạt Quang cho rằng: Đã có quy định về độ tuổi tham gia BCH TƯ đảng (60 đối với Ủy viên BCH TƯ, 65 đối với Ủy viên Bộ Chính trị) thì cứ theo đó mà thực thi. Đến tuổi phải nghỉ thì phải nghỉ, đừng biện hộ gì nữa. Ban Tổ chức BCH TƯ đảng cứ theo qui định mà làm, không có “trường hợp đặc biệt”. Lớp trẻ thay thế sẽ tốt cho đất nước hơn và phải để cho lớp trẻ phấn đấu, tin tưởng nữa. Kỳ này, đến tuổi phải nghỉ hết.

Sau khi thực hiện đề nghị của ông Kim Van Chinh, cũng có người như Xuan Ngon Mai than: Chỉ muốn ói! Có người như Quy Phuong Nguyen cảm thán: May mà của nợ này nói trong hội kín. Nó nói ngoài đường thì không hiểu sẽ xảy ra chuyện gì?

                                                           ***
Giữa cơn bão dư luận về “hạnh phúc dân tộc”, Lưu Trọng Văn là một trong những người lưu ý những người sử dụng mạng xã hội về lai lịch ông Diên: Nguyễn Hồng Diên sinh năm 1965 là Ủy viên BCH TƯ đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Sự nghiệp chính trị của Diên khởi đầu với vai trò cán bộ Đoàn, Phó bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình rồi Bí thư Tỉnh đoàn Thái Bình… Chính bữa tiệc linh đình chiều 8/5/2020 chia tay Thái Bình về Hà Nội nhận chức Phó ban Tuyên giáo của Diên đã dẫn đến chuyện Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình nhậu say, lái xe hơi gây tai nạn khiến một người chết, hai người bị thương rồi bỏ... chạy. Liệu ông Diên có vô can không?

Ông Văn cho biết ông đã nêu thắc mắc với một quan chức trong đảngBCH TƯ đảng vừa có nghị quyết ngăn chặn hành vi nịnh hót cấp trên trong đảng. Lời lẽ của ông Diên rõ ràng là nịnh hót cấp trên. Quan chức này chỉ nhắn lại: Kỳ lạ!

TD Nguyen – một trong những người bạn của ông Văn - xem phát biểu của ông Diên là tùy tiện, thậm chí là coi thường, phản bội tổ chức vì nói như vậy khác nào nói đảng hết người tài, trẻ trung, đức độ để lên thay! Chẳng lẽ đảng không có ai xứng đáng lãnh nhận nhiệm vụ cao cả như ông Trọng saoChẳng lẽ đảng và quốc gia đến hồi mạt nên tre đã già mà măng không mọc hoặc đã hư nát? Phát biểu như thế khác nào hướng mũi giáo dư luận vào bác Trọng, khiến người ta nghĩ bác là người tham quyền cố vị, mượn miệng kẻ gián tiếp gây tai ương cho dân Thái Bình nhiều năm qua để giữ ghế cho mình. TD Nguyen đề nghị: Bác Trọng khẩn trương làm rõ trách nhiệm của tên này.

                                                    ***
Năm 2016, BCH TƯ đảng nhiệm kỳ này (khóa 12) ban hành Nghị quyết số 4 – xác định 27 biểu hiện suy thoái mà đảng thề loại bỏ để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng và “nịnh bợ” được xác định là biểu hiện suy thoái (6).

Đầu năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Việt Nam phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứcĐồng thời đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Theo đó, công chức, viên chức bị cấm trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, nịnh bợ, lấy lòng lãnh đạo cấp trên vì động cơ không trong sáng (7).

Nói cách khác, do “nịnh bợ” là hiện tượng phổ biến, thậm chí được xác định là “đến mức khó nghe” (8) nên cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền phải… soạn văn bản để… chống! Muốn biết… chống thế nào thì chờ xem ông Diên sẽ ra sao. Vậy thôi!

-----------------

Chú thích
















No comments:

Post a Comment