Thursday, April 30, 2020

VIRUS CORONA : NƯỚC CỜ KHÔNG TÍNH TỚI CỦA VLADIMIR PUTIN (Minh Anh - RFI)




Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 30/04/2020 - 10:14

Hoãn ngày trưng cầu dân ý về cải tổ Hiến Pháp; hủy lễ mừng 75 năm ngày chiến thắng phát xít Đức… Ván cờ chính trị của tổng thống Nga Vladimir Putin bỗng chốc bị đảo lộn chỉ vì một con siêu vi corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, trong một lần phát biểu truyền hình ngày 02/04/2020, tại điện Kremlin, Matxcơva. Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin/Reuters

Vladimir Putin : Người hùng hay kẻ bạc nhược ?

Cao thủ cờ vua không ngờ có ngày cũng bị dồn vào thế bí. Trong suốt 20 năm điều hành, tổng thống Nga không ngừng gây sửng sốt. Từ ngày mới bắt đầu lên cầm quyền (31/12/1999), rồi những lần đổi vai (2008-2012), gần đây nhất là thông báo tổ chức một cuộc tham vấn công luận về cải cách Hiến Pháp nhằm cải tổ hệ thống chính trị đất nước (ngày 16/01/2020).

Hai mươi năm này có thể nói đó là 20 năm « thần kỳ » của nước Nga. Trên trường quốc tế, nước Nga của ông Putin dần tìm lại được vị thế, nhất là kể từ khi Matxcơva quyết định can dự vào cuộc khủng hoảng Syria. Ở trong nước, đời sống người dân trong hai thập niên đó cũng dần được cải thiện. Điều này giải thích vì sao Vladimir Putin rất được lòng dân và có thể tại quyền lâu đến như thế.

Tuy nhiên, trái với những dự đoán cho rằng đề nghị cải tổ Hiến Pháp và thành lập Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, sẽ cho phép ông Vladimir Putin lui vào hậu trường nhưng vẫn duy trì tầm ảnh hưởng, Quốc Hội Nga ngày 10/03/2020 thông qua đề xuất của một nghị sĩ, sửa đổi Hiến Pháp, tính lại từ đầu các nhiệm kỳ tổng thống, cho phép ông Putin tái tranh cử với khả năng nắm thêm hai nhiệm kỳ, nghĩa là đến tận năm 2036, khi ông 86 tuổi.

Theo quan điểm của nhà địa chính trị học, Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược IRIS, đây là một dấu hiệu yếu đuối của nguyên thủ Nga, không tin chắc rằng có thể sắp xếp người kế thừa. Điều đó có nghĩa là tổng thống Nga cũng không chắc rằng chính sách mà ông vạch ra sẽ được tiếp nối bởi một ai khác ngoài ông.

« Giả như ông Putin có rời quyền lực vào năm 2024 đi chăng nữa, ông ấy có thể nghĩ là mình vẫn có khả năng tiếp tục có một ảnh hưởng chính trị và trí tuệ đối với nước Nga. Thế nên, ý muốn bám giữ lấy quyền hành chính thức như ông ấy đang làm, theo ý tôi, chưa hẳn là một nước cờ tốt cho ông Putin.

Đó không phải là một tín hiệu sức mạnh mà đúng hơn là một dấu hiệu yếu đuối, một dấu hiệu thiếu niềm tin trong tương lai. Một tương lai cho nước Nga mà ông đã dầy công gầy dựng trong vòng 24 năm (nếu tính đến cuối nhiệm kỳ năm 2024). Do vậy, đây là một câu hỏi lớn cho thời kỳ hậu Putin mà dường như ông ấy đang đặt ra. Một lần nữa, đây đúng hơn là một sự thú nhận thất bại hay yếu đuối, hơn là một sự thể hiện sức mạnh. »

Bị chiếu tướng !

Theo giới quan sát, dịch Covid-19 xuất hiện dồn tổng thống Nga vào thế bí, ít nhất trên ba lĩnh vực : Ngoại giao, Chính trị và Kinh tế.

Trong lĩnh vực ngoại giao. Cuộc duyệt binh lớn 9/5, nhân dịp mừng 75 năm ngày đại thắng phát xít Đức đã phải bị hủy. Sự kiện trọng đại này lẽ ra là dịp để chủ nhân điện Kremlin trước sự hiện diện của nhiều nguyên thủ cường quốc lớn, khẳng định sự trở lại của nước Nga trên chính trường quốc tế, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. Về mặt chính trị, tổng thống Nga buộc phải hoãn ngày tổ chức tham vấn toàn dân về việc cải tổ Hiến Pháp. Cả hai sự kiện này nay đã bị Covid-19 làm đảo lộn.

Quen xử lý khủng hoảng mang tầm cỡ chiến lược địa chính trị, nhưng Vladimir Putin lại tỏ ra lúng túng trong việc xử lý cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay. Nhà nghiên cứu Tatiana Kastoueva-Jean, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), trên đài RFI giải thích vì sao.

« Vladimir Putin đã do dự rất lâu trước khi quyết định hoãn hai sự kiện quan trọng này. Và ông ấy loay hoay tìm cách thể hiện uy thế, củng cố uy tín trong việc xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Một cuộc khủng hoảng mà không có một đòn bẩy quen thuộc nào mà điện Kremlin vẫn thường dùng, vận hành hiệu quả, từ việc tuyên truyền cho đến các biện pháp vũ lực. Đối với ông Putin, đây quả thật là một tình thế mà ông không quen xử lý bằng những công cụ khác với những gì ông biết cho đến lúc này. »

Vladimir Putin giờ phải đi nước cờ nào đây trước kẻ thù « tàng hình », một đối thủ chưa từng gặp trong sự nghiệp chính trị của ông ? Chưa có lúc nào quyền lực của ông bị lung lay mạnh mẽ như lúc này, kể cả những lúc đối đầu căng thẳng nhất với Mỹ và các nước phương Tây trên các mặt trận Ukraina, Syria, Libya hay châu Phi.

Thái độ « cứng rắn, quyết đoán » thông thường nay lại được thay thế bằng một cử chỉ « mềm mỏng » đến lạ thường : Đó là giao việc xử lý khủng hoảng cho các thống đốc vùng. Nhà nghiên cứu chính trị học, bà Tatiana Stanovaya tại Nga trả lời các câu hỏi của RFI nhận định :

« Vladimir Putin cho rằng có sự khác biệt giữa vùng này với vùng khác. Việc đưa ra các quyết định có tính đến các yếu tố đặc trưng vùng miền là điều hợp lẽ thôi. Nhưng mặt khác, người ta cũng nhận thấy là ông Putin giữ khoảng cách với cuộc khủng hoảng virus corona này. Về mặt chính trị, cuộc khủng hoảng dịch tễ không hấp dẫn ông ấy bằng các quyết định chiến lược, chính sách đối ngoại hay cải tổ Hiến Pháp… Trách nhiệm của ông đơn giản chỉ là chăm chút cho việc mọi quyết định phải được đưa ra đúng thời điểm và gây áp lực nếu cần thiết. Nhưng người ta cũng không thể nói là tổng thống Putin đã ủy thác quyền hạn cho các vùng. Ông ấy ủy thác trách nhiệm chứ không phải là quyền lực ».

Về điểm này, bà Tatiana Kastoueva-Jean lưu ý thêm những rủi ro mà các thống đốc có thể hứng lấy là nguy cơ mất chức và lãnh án đến 7 năm tù nếu việc bất cẩn có thể dẫn đến nhiều thiệt hại nhân mạng.

Chỉ có điều, sự thoái lui và thái độ « bạc nhược » bất thường này của tổng thống Nga trái ngược với một sự năng động của đô trưởng Matxcơva sẽ còn làm mai một thêm hình ảnh và uy tín của ông Putin trong con mắt người dân Nga. Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya giải thích tiếp :

« Nỗi tức giận ngày càng bị dồn nén và điều này sẽ có những hậu quả trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây không chỉ có liên quan đến dịch virus corona. Vladimir Putin đã thay đổi, không còn là một thủ lĩnh của quốc gia nữa. Ông không còn biết cách thể hiện sự đồng cảm với người dân. Ông không còn nói cùng một tiếng nói với người dân nữa, ông rời xa dân chúng, sống trong thế giới của ông cùng với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, những vấn đề địa chính trị. Tôi cho rằng những lỗ hổng này trong chế độ sẽ để lại nhiều hệ quả cho tương lai ».

Covid-19 : Uy tín bị bào mòn, kinh tế bị lung lay

Một quan điểm cũng được nhà nghiên cứu Tatiana Kastoueva-Jean đồng chia sẻ. Dịch Covid-19 tràn đến Nga còn thúc đẩy nhanh hơn nữa xu hướng mất niềm tin vào giới lãnh đạo Nga hiện nay. Lệnh phong tỏa toàn quốc không ngăn cản được nhiều người dân Nga biểu tình phản đối hoặc trên đường phố hoặc ở trên mạng từ nhiều ngày qua. Ngày càng có nhiều tiếng nói cho biết muốn có một sự đổi mới trên chính trường Nga.

« Tôi nghĩ là ông ấy đã lỡ mất cơ hội làm được điều gì đó trong cuộc khủng hoảng này. Khác với phản ứng thường thấy, các thăm dò gần đây nhất của trung tâm Levada cho thấy có xu hướng khiến điện Kremlin phải lo lắng. Gần 62% người dân Nga mong muốn quy định giới hạn tuổi cho vị trí tổng thống. Và 50% số người được hỏi muốn thấy có sự luân đổi ở thượng tầng lãnh đạo, những gương mặt mới trên chính trường Nga. »

Dịch bệnh xảy ra còn « bẻ gãy » chiếc đũa thần kỳ kinh tế của Nga, một trong những công cụ chính yếu của ông Putin để tái chinh phục niềm tin của người dân đã bị mai một nhiều từ vài năm qua. Chương trình chấn hưng kinh tế, cải thiện mức sống của người dân, vốn bị sút giảm nhiều từ mấy năm qua do kinh tế suy thoái vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, có nguy cơ thất bại.

Dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan rộng khắp toàn cầu và khiến hơn 4,4 tỷ người phải bị giam lỏng ở nhà do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chận đà lây nhiễm. Các hoạt động di chuyển, đi lại và sản xuất, kinh doanh hầu như bị đình trệ. Hệ quả là nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tụt giảm mạnh, khiến dầu thô trên thị trường thế giới rớt giá thê thảm. Cuộc chiến dầu lửa mà Nga và Ả Rập Xê Út khơi mào còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng. Giá dầu thế giới lao dốc không phanh mà nạn nhân đầu tiên là các nhà xuất khẩu dầu lửa Mỹ. Và điều này còn tác động nặng nề hơn đến nguồn thu chính từ xuất khẩu dầu lửa cho ngân sách của Nga.

Thiếu chiếc đòn bẩy này, các chương trình cải cách kinh tế và cải thiện đời sống cho dân của ông Putin trong trước mắt sẽ khó mà thực hiện, tham vọng chính trị của ông cũng vì thế có nguy cơ bị phá vỡ. Theo dự báo, GDP của nước Nga sẽ sụt giảm ít nhất là 3%, thậm chí là có thể còn cao hơn nữa. Việc giá dầu tụt giảm mạnh thật sự gây khó khăn cho ông Putin.

Dẫu sao cũng còn có một điều an ủi cho lãnh đạo Nga. Covid-19 làm cho quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng và áp lực từ quốc tế phần nào được giải tỏa đối với ông Putin và nước Nga, theo như nhận định của ông Pascal Boniface.

« Nhưng người ta có thể nghĩ là ông đang khoái chí theo dõi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng  bởi vì điều đó giải tỏa cho ông ấy một chút áp lực. Chừng nào Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tiếp tục đối chọi nhau, thì với Putin, áp lực đang đè nặng lên nước Nga và trên vai ông, chừng ấy được giảm đi phần nào ».







No comments:

Post a Comment