Tuesday, April 28, 2020

TÙ CHÍNH TRỊ & GIA ĐÌNH GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 (RFA)




RFA  
27/04/2020

Những tù nhân chính trị như ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Túc, Hoàng Bình và Nguyễn Văn Hóa hiện đang bị giam trong các trại giam cách gia đình người thân hàng trăm cây số. Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, việc liên lạc giữa gia đình và những người tù nhân này đã gặp nhiều khó khăn.

Nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh tài tòa án năm 2018. RFA

Bà Lê Thị Thập, vợ của ông Lưu Văn Vịnh, người vào năm 2018 bị tuyên án 15 năm tù vì lý do chính trị và đang thụ án tại Trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai vào ngày 27 tháng 4 cập nhật thông tin mới nhất với RFA về người chồng qua cuộc điện thoại hai ngày trước.

“Vào lúc 2h chiều, anh ấy gọi về; em sốt ruột quá em hỏi thăm, anh ấy bảo là sức khỏe tạm ổn, sốt đã qua rồi, nhưng mà bất ổn về cách ăn ở và sinh hoạt. Em mới hỏi thế thì làm sao, anh ấy bảo là trong thời gian này, không hiểu rõ sao họ lại hù dọa, họ càng ngày càng làm khó anh quá; họ đe dọa đủ kiểu…, thì bắt đầu khi anh ấy nói được đến câu đó thì lại cúp máy; không hề nói hết thời gian như mọi lần. Thế là anh ấy cúp máy luôn…, nói chung là do người khác bấm chứ không phải là do anh ấy cúp máy.”

Sau khi bị cắt ngang cuộc gọi, chị Thập có gọi lại nhưng đều không được, vì chị cho rằng họ đã chặn số điện thoại của chị. Chị còn cho biết thêm, những gia đình có người thân ở cùng trại Gia Trung có nói rằng khi họ nhắn với người nhà qua điện thoại về việc anh Vịnh đang bị công an khủng bố trong trại, thì người đứng canh liền thông báo ‘hết giờ rồi’ và tắt máy. Cho đến hôm nay, chị Thập vẫn chưa thể nào liên lạc được với anh Lưu Văn Vịnh, nên chị rất sốt ruột và lo lắng cho tình hình của anh trong trại giam.

“Anh ấy bảo anh ấy uống thuốc em gửi vào hàng tháng cho anh ấy. Em gửi thuốc sốt, cảm cúm. Anh ấy bị sốt nặng nên chỉ uống thuốc đấy thôi, chứ người ta không đưa đi khám, hay cấp thuốc, phát thuốc cho anh ấy gì cả. Hôm mùng 4 tháng 4 đầu tháng, anh ấy gọi về chia sẻ là anh vẫn bị biệt giam. Trong lúc đó, anh ấy nói anh bị biệt giam, không được đi ra ngoài gặp gỡ với mọi người; kể cả sáng hay chiều, đi ra ngoài để được hít thở, tập thể dục ngoài cửa thôi cũng không được như lúc trước nữa; họ bắt anh ấy ở trong, không cho anh ra ngoài.”

Theo chị Thập, vào đợt giáp Tết khi có đông người chuyển đến trại Gia Trung, anh Vịnh nhận thấy họ gặp phải khó khăn với việc tiếp xúc với gia đình nên đã ra tay giúp đỡ. Tuy nhiên, cán bộ trong trại thấy vậy nên đã làm khó anh Vịnh và sau đó một thời gian cho áp dụng biện pháp  biệt giam 24/24.

Ông Nguyễn Văn Túc. AFP

Cũng vào tối ngày 27 tháng 4, bà Bùi Thị Rề, vợ tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc, hiện đang bị giam tại trại Thanh Chương ở Nghệ An, cho biết gia đình bà cũng gặp phải trường hợp tương tự. Mỗi cuộc gọi chỉ được vỏn vẹn vài phút; khi nói chuyện điện thoại, ông Túc mà đề cập đến vấn đề bị hành hạ trong trại giam thì sẽ bị cắt ngang giữa chừng vì tất cả các cuộc gọi đều bị ghi âm, kiểm soát:

“Cứ đúng 5 phút thì xong, họ ghi âm hết. Em nói gì và chồng nói gì họ đều ghi âm hết. Nếu mà có nói gì đó (nhạy cảm) thì họ cắt luôn. Nếu mà anh ấy nói là trong đấy khổ, bị người ta hành hạ, hay làm sao đó thì họ cắt luôn, không cho nói. Hồi trước khi đi vào gặp, họ nói trước là chỉ được nói chuyện gia đình, chứ không được nói chuyện xã hội, không thì sẽ không cho gặp.”

Bà Rề cho biết, trước đây khi bà lên thăm ông Túc đều có 10 cán bộ công an đi theo canh chừng bà. Hiện tại sức khỏe của ông Nguyễn Văn Túc rất yếu vì bệnh tim mạch. Ông Túc hay bị ngất xỉu trong trại, nhưng thuốc được cấp trong trại giam không có hiệu quả, nên hàng tháng gia đình phải gửi thuốc vào cho ông. Bà Rề cho biết thêm, vì tình hình sức khỏe của ông Túc càng ngày càng nghiêm trọng, bác sĩ trong trại giam cho biết phải chuyển ông đến bệnh viện lớn thì may ra mới có thể khỏi. Tuy nhiên, bà Rề không có mong mỏi điều đó được đáp ứng:

“Nếu mà họ cho đi (chuyển đến bệnh viện) thì nhà sẽ chịu hoàn toàn chi phí, nhưng họ không cho đi đâu. Lần anh đi tù 4 năm trước đó, anh ấy có kể là có 1 lần ngất xỉu ở trại Hà Nam, họ không cho nhà em biết đâu, để cho anh ấy nằm ở đó mấy hôm. Sau này về anh ấy mới kể, họ không cho nhà em biết đâu. Đó là đợt đi tù trước.”

Chị Nguyễn Thị Huệ, chị của anh Nguyễn Văn Hóa, tù nhân chính trị trẻ đang thụ án 7 năm tù từ năm 2017 tại trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, cho biết Hóa vẫn gửi thư về xin gia đình gửi thuốc liên quan đến bệnh trong người cho anh vì bên trong trại không cung cấp. Hiện tại, do dịch bệnh nên vấn đề sinh hoạt trong trại trở nên khó khăn hơn trước:

“Trong thời điểm dịch bệnh này, gia đình vẫn chưa thăm, gặp. Hóa có viết gửi thư về cho gia đình, cũng cho biết thông tin là trong đợt này cũng có trở nên khó khăn hơn trong vấn đề sinh hoạt. Liên quan đến việc mua thức ăn, đồ tươi cũng có thể bị giảm bớt đi. Còn những vấn đề liên quan đến Hóa xảy ra trong trại, do gia đình hiện tại vẫn chưa được đến thăm, gặp nên có khăn khăn để biết thêm tình trạng của Hóa ở trong đó.”

Nguyễn Văn Hóa tại phiên tòa ở Hà Tĩnh năm 2017. AFP

Ông Hoàng Đức Nguyên, em trai ông Hoàng Bình, hiện đang thụ án 14 năm tại cùng trại giam An Điềm, cho hay ông cũng được biết rằng số lượng đồ ăn, đồ uống trong trại hiện bị hạn chế hơn vì dịch bệnh, vì vậy ông Nguyên vẫn gửi bưu phẩm vào cho ông Bình trong thời gian này. Hiện tại, ông Nguyên cho biết tình hình sức khỏe của ông Hoàng Bình vẫn không được tốt do những vết thương từ lúc bị bắt đến nay vẫn chưa hoàn toàn lành lặn:

“Trong trại giam, tôi biết sức khỏe của anh Bình rất tồi tệ, chứ không phải là tốt, dù anh có nói là sức khỏe anh tốt. Vừa rồi anh có nói về vấn đề vết thương, vết đau của anh khi anh bị bắt, bị đánh đập vẫn còn đó, chảy mủ.”

Trong mùa đại dịch COVID-19, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (Committee to Protect Journalists) vào ngày 30/3 đã phát động chiến dịch #FreeThePress kêu gọi các nhà lãnh đạo trả tự do cho tất cả các nhà báo bị bỏ tù . Lý do vì theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc các tù nhân có thể bị nhiễm virus là điều dễ dàng xảy ra vì không thể tự cách ly và thường xuyên bị từ chối điều trị y tế.

Các tổ chức khác như Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn giáo Quốc tế, Human Right Watch,  Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) … cũng có kêu gọi tương tự. Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ Việt Nam vẫn chưa lên tiếng gì về kêu gọi đó.







No comments:

Post a Comment