Monday, April 27, 2020

THAM NHŨNG TRONG MÙA DỊCH COVID-19 (tổng hợp)




Trân Văn  -  Thiên Hạ Luận
27/04/2020

Tuần này, chuyện lợi dụng COVID-19, bắt tay nhau, “thổi” giá Realtime PCR - hệ thống tự động xét nghiệm các loại bệnh phẩm nhằm rút ngắn thời gian xét nghiệm, nâng cao khả năng xác định các trường hợp nghi nhiễm COVID 19 - lên… vài lần đã trở thành một trong những chủ đề làm nóng cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức.

Hôm 22 tháng 4, Cục Cảnh sát Điều tra tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Công an Việt Nam (thường gọi tắt là C03) đã thực hiện lệnh tạm giam ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh Hà Nội (thường gọi tắt là CDC Hà Nội) và sáu đồng phạm vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cho đến giờ này, C03 chỉ mới xác định, riêng trong việc mua Realtime PCR, CDC Hà Nội đã bắt tay với bốn công ty thổi giá lên gấp ba lần, khiến công quỹ mất chừng bốn tỉ đồng. Câu chuyện CDC Hà Nội lợi dụng COVID-19 để thổi giá khi sắm Realtime PCR chỉ ra một yếu tố cần lưu ý:

- Từ khi COVID-19 bùng phát, riêng Hà Nội đã chi 1.286 tỉ đồng để mua đủ thứ thiết bị, vật tư y tế (Realtime PCR, máy trợ thở, các loại máy phun dung dịch khử trùng, trang bị bảo vệ nhân viên y tế,…) (1). Ngoài Realtime PCR, còn có bao nhiêu loại thiết bị, trang bị y tế bị CDC Hà Nội hoặc những cơ quan hữu trách khác thổi giá?

- Chẳng riêng Hà Nội, 62 tỉnh và thành phố còn lại trên toàn Việt Nam cũng đã dùng nhiều ngàn tỉ khác của công quỹ để mua sắm trang bị, thiết bị y tế nhằm phòng, chống COVID-19. Có bao nhiêu cá nhân, tổ chức lợi dụng COVID-19 để trục lợi và điều đó khiến công quỹ thiệt hại thêm bao nhiêu tỉ đồng?

                                                        ***

Trong khi nhiều cơ quan ngôn luận thuộc hệ thống truyền thông chính thức dựa vào thông tin do C03 cung cấp để giải thích vì sao ông Nguyễn Nhật Cảm và sáu người còn lại bị bắt như các đồng phạm của vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, bà Vũ Kim Hạnh giới thiệu một cách lý giải khác…

Thân hữu của bà Hạnh – người từng là lãnh đạo một sở có liên quan đến lĩnh vực y tế - nhận định, sở dĩ ông Cảm “thay áo sọc để tham gia đội… Juventus” vì… không biết cách ăn! Vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội chỉ đơn thuần là do… vụng về!

Bà Hạnh kể rằng, thân hữu của bà khẳng định: Nếu làm đúng kiểu, chia nhỏ cho nhiều công ty cùng tham gia kê khống, cùng hư cấu các khoản chi (thuê nhà, lãi ngân hàng, công tác phí, thù lao cho chuyên gia, lương dành cho nhân sự làm việc bán thời gian,…) vốn rất… mênh mông, rồi kiếm các ông lớn có sân sau cần gửi hay chủ động xin mấy ổng gửi sân sau tham gia. Tuy “chống dịch” như… “chống giặc” – cấp bách, thiếu thời gian nhưng không chủ quan, vẫn lôi nhiều phòng, nhiều ngành, nhiều cấp tham dự, phát hành văn bản, kể cả văn bản về các cuộc họp ma, cho nhiều người ký… thì khó mà lộ và có lộ cũng không thể bắt tận tay, day tận trán do đụng vào một mớ bùng nhùng.

Bà Hạnh kể thêm rằng, theo vị thân hữu ấy: Muốn làm con trăn mà im im, không biết chia cho ai rồi nuốt con sơn dương thì sẽ… lòi sừng! Giám đốc CDC bị tống giam hoàn toàn không phải vì ăn bẩn. Trên thực tế, ăn bẩn là… phổ quát. Nhỏ ăn kiểu nhỏ, lớn ăn kiểu lớn. Nguyễn Nhật Cảm lâm nạn vì… không biết cách (2)!

                                                            ***

Không phải tự nhiên mà thân hữu của bà Vũ Kim Hạnh lý giải bá đạo như thế. Giống như nhiều người, Đào Tuấn tin rằng, vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra ở CDC Hà Nội minh họa cho thực trạng bà Nguyễn Thị Doan, cựu Phó Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từng than: Ăn không từ thứ gì!

Tuấn chứng minh: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ, Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm và sáu chiến hữu vừa bị công an bế đi vốn đã nổi tiếng vì “ăn”. Năm 2017, cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội từng tố cáo ông Cảm tự duyệt cho mình mức thu nhập cao gấp năm lần Phó giám đốc, gấp 12 lần bác sĩ hạng II và gấp 29,5 lần nhiều viên chức khác. Ông Cảm còn “ăn” luôn hợp đồng thuê lao động, trên giấy là thuê 13 nhưng thực tế chỉ có… tám và “bòn” cả mồ hôi nhân viên, giá thuê là tám triệu nhưng thực trả chỉ 3,5 triệu. “Ăn” đã là thuộc tính nên dù thu nhập hàng năm đã ở mức hàng tỉ nhưng vẫn “ăn” khi mua Realtime PCR.

Tuấn dự đoán: Dù chẳng phải Vanga (một phụ nữ Đông Âu nổi tiếng về khả năng tiên tri) cũng có thể biết trước, sẽ còn vô số những “đồng chí” như “đồng chí Cảm” bị mất chức hay nhập kho dù gói trợ cấp 62.000 tỉ dành cho những cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa được phát cho dân. Bác Doan nói… cấm sai (3)!

Trên thực tế, sau scandal CDC Hà Nội thổi giá Realtime PCR, nhiều tỉnh và thành phố đang… tự giác điều chỉnh giá mua hệ thống tự động xét nghiệm các loại bệnh phẩm này. Hà Phan gọi thực trạng đó là điều buồn cười. Từ chuyện mới xảy ra ở Quảng Ninh: Sở Y tế tỉnh này đột nhiên cùng Công ty Ánh Sao (doanh nghiệp chuyên về xuất nhập cảng vật phẩm y tế) điều chỉnh giá mua Realtime PCR từ 8,4 tỉ xuống… 7 tỉ, sau đó chủ động loan báo lại rằng gía mua Realtime PCR chỉ có… 5,2 tỉ!
… và thông tin từ một số người thạo tin: Nếu tính tất cả các chi phí, kể cả chi phí bảo trì vĩnh viễn thì giá Realtime PCR vẫn khó vượt mức… ba tỉ, Hà Phan nêu thắc mắc, C03 nhập cuộc càng sâu thì giá mua Realtime PCR giảm càng nhanh và nhiều, liệu sẽ tới lúc các vị ấy tặng luôn máy cho nhà nước không nhỉ (4)?

                                                          ***

Ngoc Duc Nguyen bảo scandal liên quan tới mua Realtime PCR là thực trạng đau đớn đang diễn ra tại Việt Nam: “Ăn được thì ăn, tội gì không ăn”. Thực tế cho thấy virus Corona không nguy hiểm bằng “virus tham nhũng và hủ hóa” đã lây nhiễm trong guồng máy cai trị và đảng CSVN là ổ dịch lớn nhất.

Ngọc Duc Nguyen kể rằng, ông mới cười muốn… té khi đọc báo thấy tin Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản, buộc toàn bộ cán bộ, nhân viên ký “cam kết không tham nhũng”.

Ngoc Duc Nguyen nhắc: Các bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cũng đã từng cam kết như vậy. Theo Ngoc Duc Nguyen: Tham nhũng ở Việt Nam là “dột từ nóc dột xuống”. Ông Nguyễn Phú Trong muốn “đốt lò chống tham nhũng” có lẽ phải đốt toàn bộ guồng máy cai trị hiện nay thì may ra Việt Nam mới hết tham nhũng (5).

---------------

Chú thích







---------------------------------------------------------------------------------
.

Dân tình mấy nay đang sôi sục chửi rủa từ anh Cảm và đồng bọn cho tới những địa phương nào mua máy xét nghiệm tự động Realtime PCR với giá trên trời.

Người ta sẽ nói rằng: A, tiên sư bố chúng nó, dịch giã mà chúng nó còn ăn từ tiền tiết kiệm đồng quà, tấm bánh của các bà cụ, trẻ con… gửi ủng hộ để mua sắm trang, thiết bị phòng dịch.

Tất nhiên chửi thế là đúng lắm rồi, chửi tam đại nhà chúng nó lên cũng được. Nhưng có một thực tế không phải ai cũng biết, là càng chiến tranh, dịch giã, tham nhũng càng tăng.

Giới thanh tra, kiểm toán… từ lâu đã phát hiện ra quy luật này. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế.

Không bao giờ có thể nói chuyện đạo đức với quan chức tham nhũng. Những kẻ không liêm chính luôn tìm thấy cơ hội gian lận khi được tiến hành mua bán trang thiết bị y tế phòng dịch với số lượng lớn, trong thời gian gấp gáp. Bản tính của quan chức tham nhũng càng thấy bị kích thích trước lợi ích quá lớn của việc được trao quyền mua bán số lượng hàng hóa quá lớn, trong thời gian rất ngắn mà sự giám sát xã hội khi đó có phần lỏng lẻo. Như dịch đang căng thẳng thì tất cả chỉ quan tâm làm sao mua máy về cho nhanh mà dùng, yếu tố giá đắt có khi chẳng được ai quan tâm.

Chính vì đều này, ngay trong tháng 4/2020, Hiệp hội các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thống kê lại những bài học gian lận trong quá trình chống dịch Ebola tại châu Phi, với đỉnh cao là vụ việc Bộ trưởng Y tế CHDC Công-gô đi tù 5 năm, để nhắc nhở các cơ quan kiểm toán thành viên đảm bảo nghiệp vụ trong kỳ dịch COVID.

Một số bài học mà INTOSAI thống kê được từ dịch Ebola cũng rất đáng để các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam tham khảo, đó là các tình huống:

– Đấu thầu sai quy định: chỉ định thầu giá cao, hoặc ký kết hợp đồng sơ sài, điều khoản bất lợi cho nhà nước.

– Mua quá nhiều vật tư y tế. Hàng tồn sau chống dịch có thể dùng khám chữa thương mại, kiếm lời cho cơ sở y tế. Hoặc khai tăng số vật tư cấp phát trong dịch để chiếm dụng cá nhân.

– Những kẻ tham nhũng sẽ tìm cách mua thừa nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, với ý đồ lợi dụng dịch để được đầu tư, kiếm lợi cho quá trình khám chữa thương mại sau này.

– Trang thiết bị, vật tư y tế được các tổ chức tài trợ cho không nhưng lại được tính là đi mua đối với chính phủ.

Với các gói cứu trợ như trong thời kỳ chống dịch cũng vậy, INTOSAI đưa ra các nguy cơ xảy ra tham ô trong các trường hợp sau:

1. Trợ cấp cá nhân: trợ cấp không đúng đối tượng; trợ cấp hai lần cho một đối tượng; tiền trợ cấp không phát/ chuyển khoản ngay cho đối tượng mà được giữ ở cơ quan trung gian một thời gian để phục vụ mục đích riêng

2. Cho vay cứu trợ doanh nghiệp: các khoản vay cho mục đích cá nhân của chủ doanh nghiệp được lồng ghép vào trong gói vay chống dịch để hưởng chung lãi suất ưu đãi; tổ chức tín dụng chậm giải ngân vốn vay để chiếm dụng vốn

Trong dịch bệnh thì thường con người ta suy nghĩ thoáng hơn, hay cho, cho nhiều và cho nhanh.

Các bác sĩ vẫn hay nói: Phòng dịch hơn chống dịch. Nhưng trong lĩnh vực tham nhũng, chúng ta cũng có thể nói thế: Phòng tham nhũng tốt hơn chống tham nhũng. Để nó xảy ra rồi mới khắc phục thì bao giờ, cái đã mất đi, cái hậu quả đã xảy ra luôn cao hơn là nếu làm tốt việc phòng, ngăn chặn từ trước.

Còn chửi tham nhũng, thì chửi càng cay độc, nó cũng chẳng giảm đi đâu, có khi nó còn khoái chí… tham hơn.



-------------------------------------

XEM THÊM

DANTRI.COM.VN






No comments:

Post a Comment