Saturday, April 25, 2020

NGOẠI GIAO KHẨU TRANG CỦA TRUNG QUỐC ĐẠI BẠI (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Đăng ngày: 24/04/2020 - 18:47

Theo nhà bình luận Alain Frachon của Le Monde, sau nhiều tuần lễ lũng đoạn và dối trá, Trung Quốc muốn trưng ra bộ mặt một siêu cường nhân từ. Tuy nhiên do Bắc Kinh lạm dụng thế mạnh của mình, nên gậy ông đã đập lưng ông.

« Ngoại giao khẩu trang » không làm thay đổi hình ảnh của Trung Quốc, chiến dịch này đã thất bại trong việc làm thế giới quên đi trách nhiệm của Bắc Kinh làm đại dịch lan tràn.

Sau nhiều tuần lễ vừa chối bỏ sự kiện, vừa nhào nặn thông tin, Trung Quốc đến cuối tháng Hai đã chuyển sang thế tiến côn, với tham vọng trưng ra bộ mặt nhân từ của một siêu cường. Bắc Kinh đã ngăn chận được con virus ở trong nước và nay ra tay cứu độ toàn thế giới. Bắc Kinh tự khen mình và, cùng với các container khẩu trang, còn xuất khẩu (lậu) tính « ưu việt » của hệ thống cai trị Trung Quốc.

Lẽ ra chiến dịch này phải thành công - cũng giống như với văn hóa Mỹ : trang phục jean, nhạc rock and roll, phim ảnh Hollywood và phim truyền hình nhiều tập mang hơi hướng dân chủ và quyền lực Hoa Kỳ. Còn đây là khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm, máy trợ thở đi cùng với khúc khải hoàn ca của chế độ Bắc Kinh.

Tuy nhiên Trung Quốc đã thất bại, ít ra là với thế giới phương Tây. Vì sao ? Câu trả lời không có gì đáng ngạc nhiên với Tập Cận Bình, đó là tầm nhìn của chủ tịch Trung Quốc và cách thức mà ông ta cai trị.

Trung Quốc ỷ mình là nước duy nhất có khả năng cung cấp một số phương tiện thiết yếu chống lại virus corona, để tự tạo ra hình ảnh một người khổng lồ tử tế. Trước mặt Bắc Kinh là cả một đại lộ mà Donald Trump đã mở ra. Bất lực trước đại dịch, tổng thống Mỹ hoàn toàn muốn rút lui khỏi nhiệm vụ lãnh đạo thế giới. Nhưng đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quá lạm dụng ưu thế của mình. Dù là bậc thầy trong việc lợi dụng bất kỳ hành động nào để tuyên truyền, Bắc Kinh đã đi quá trớn.

Tuyên truyền một cách ngạo mạn

Hậu quả là vào tháng thứ tư của đại dịch, hình ảnh của Trung Quốc trên báo chí không mấy đẹp đẽ. Những từ ngữ thường thấy trong các bài viết về Trung Quốc luôn là « không tin tưởng », « nghi ngờ », « khả nghi »…

« Ngoại giao khẩu trang » đã gặp phải một số trục trặc. Nhưng bên cạnh một số chuyến hàng bị phát hiện là dỏm, còn kèm theo cung cách ngạo mạn dạy đời, chê bai các nền dân chủ phương Tây. Tóm lại, cùng với những chiếc khẩu trang được chờ đón, trong bao bì còn có các truyền đơn, và được dàn cảnh quá lố.

Bí mật dai dẳng về nguyên nhân thảm kịch Vũ Hán, một nửa sự thật, những con số thay đổi và khó tin – còn phải tính đến tất cả những điều này. Đồng thời chế độ Bắc Kinh còn trục xuất một số nhà báo Mỹ, tống giam những người dân Trung Quốc chỉ trích chính sách của ĐCSTQ trong hồ sơ này. Toàn bộ diễn ra trên cái nền dân tộc chủ nghĩa được thổi bùng lên.

Chiến dịch « ngoại giao khẩu trang » rầm rộ đã thu lượm được không  bao nhiêu kết quả, thậm chí còn phản tác dụng. Liên Hiệp Châu Âu sẽ kiểm soát chặt chẽ đầu tư của Trung Quốc vào châu lục. Ngành kỹ nghệ dược phẩm sẽ dịch chuyển nhiều nhà máy từ Trung Quốc trở về châu Âu. Nhật Bản trợ giúp các công ty của mình chuyển sản xuất từ Hoa lục về Nhật hoặc các nước kế cận. Tại Washington, những người chủ trương tách rời kinh tế Mỹ với Trung Quốc đang thắng thế. Châu Phi chờ đợi xem Bắc Kinh có xóa nợ hay không. Và trầm trọng hơn, chừng như các tuyên bố chính thức của Bắc Kinh đã đặc biệt mất đi tính khả tín.

Tại sao lại thất bại như thế ? Trung Quốc có những nhà ngoại giao có năng lực. Ngành công nghiệp nước này đã nhanh nhạy cố gắng sản xuất khẩu trang, dụng cụ xét nghiệm và máy trợ thở. Bắc Kinh tỏ ra hào hiệp trong việc hỗ trợ New York và một số nước châu Phi. Trung Quốc can đảm chống lại con virus ở Hoa lục. Chuyện gì đã xảy ra ?

Dấu ấn Tập Cận Bình

Tác giả Alain Frachon lý giải : từ đầu đến cuối, việc xử lý khủng hoảng Covid-19 mang nặng dấu ấn một Trung Quốc của Tập Cận Bình. Ông chủ tịch đã đặt trở lại ĐCSTQ làm trung tâm của xã hội, sự hiện diện của đảng được tăng cường khắp nơi : trong các trường trung tiểu học, đại học, cơ quan chính quyền và nền kinh tế (nơi mà lãnh vực quốc doanh được ưu tiên)…Khác với những người tiền nhiệm, ý tưởng về một cơ cấu chính quyền, một cơ quan chuyên môn hoạt động tương đối độc lập với ĐCSTQ là đi ngược lại với « tư tưởng Tập Cận Bình ».

Theo ông Richard McGregor, một trong những chuyên gia giỏi nhất về ĐCSTQ trong cuốn sách gần đây nhất « Xi Jinping : The Backlash » thì đối với Tập Cận Bình, chính trị được đặt trên chuyên môn (kể cả về y tế, như đã diễn ra ở Vũ Hán) và thực tế.

« Tư tưởng Tập Cận Bình » được dấy động với các chiến dịch chấn chỉnh ý thức hệ, khoe khoang những ưu điểm của hệ thống cai trị Trung Quốc đồng thời ám chỉ rằng các chế độ tự do dân chủ đang suy tàn. Ở trong nước, cần đấu tranh chống « các ý tưởng thù địch phương Tây », còn với bên ngoài, phải ca ngợi ưu thế của « kinh nghiệm Trung Quốc ».

Ngành ngoại giao không thoát khỏi chủ trương này. Trên các diễn đàn quốc tế, cung cách cai trị độc đoán cần phải có cùng tính chính đáng, nếu không là cao hơn so với dân chủ tự do ; đối kháng với phương Tây luôn nằm trong chương trình của Trung Quốc.

Tập Cận Bình tái áp đặt ý thức hệ lên Trung Quốc – theo nhà nghiên cứu Alice Ekman trong cuốn sách « Rouge vif. L’idéal communiste chinois » (tạm dịch « Đỏ sẫm, lý tưởng cộng sản Trung Quốc »). Theo Ekman, giai đoạn cực đoan về ý tưởng này đối với Tập Cận Bình không chỉ là phương tiện để tái khẳng định quyền lực của mình trong thời buổi kinh tế khó khăn, mà ông ta còn tin vào chủ thuyết mác-xít. Nếu việc xử lý khủng hoảng Covid-19 của Trung Quốc là thiếu thực tế và đôi khi phản tác dụng, đó cũng là do ông Tập thiên về lý tưởng.







No comments:

Post a Comment