Sunday, April 26, 2020

MICHEL SETBOUN & THUYỀN NHÂN VIỆT NAM (Nguyễn Trung Kiên)




26/04/2020

Michel Setboun là nhiếp ảnh báo chí nổi tiếng của Pháp. Ông sinh năm 1952 tại Algeria. Là một kiến trúc sư, ông cũng đồng thời là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp kể từ năm 1978, liên tục có mặt tại các điểm nóng trên thế giới để ghi lại những khoảnh khắc gây ảnh hưởng sâu đậm đến lương tri nhân loại về tác động của chiến tranh, bạo lực và các cuộc khủng hoảng nhân đạo tới thường dân vô tội.

Michel Setboun. Ảnh: internet

Ông từng tâm sự: “Năm 17 tuổi, tôi mơ ước được đi khắp thế giới để đấu tranh bảo vệ sự thật. Sau đó, khi còn là sinh viên kiến trúc, trong suốt các kỳ nghỉ trong thời gian học đại học, khi bạn bè tắm nắng trên các bãi biển, tôi lại đi tới các chiến trường, với niềm tin mãnh liệt rằng các bức ảnh, một khi phản ánh được tính chất anh hùng ca hoặc tính nhân đạo của các sự kiện, sẽ có thể thay đổi tiến trình lịch sử. Tôi mường tượng mình là một phóng viên, giống như Nick Út hay Larry Burrows. Năm 1975, khi mới 23 tuổi, tôi đã tới Lebanon, vốn đang chìm đắm trong nội chiến, và sau đó Angola cũng đang trong chìm trong hỗn loạn…”

                                                      ***

Bức ảnh 1 được Michel chụp trên Biển Đông vào năm 1982, khi ông đang tác nghiệp trên tàu của Medecins du Monde [“Các bác sĩ của thế giới”- một tổ chức phi chính phủ của Pháp hoạt động về y tế dựa trên tình đoàn kết quốc tế, để chữa trị cho những người dân dễ bị tổn thương nhất, những nạn nhân của xung đột vũ trang, thiên tai, những người không không được tiếp cận với chăm sóc y tế – những người mà thế giới đang dần quên đi].

Ảnh: Michel Setboun

Bức ảnh 2 chính là cậu bé trong ảnh gần 40 năm sau với cha [người bế đứa trẻ] và mẹ mình tại Hoa Kỳ.

Ảnh: Chưa rõ nguồn

                                                         ***


Lại một “ba mươi tháng Tư” nữa sắp đến. Đã 45 năm kết thúc “cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ”, nhưng vẫn chưa có một nghiên cứu khách quan và độc lập nào về thuyền nhân Việt Nam, một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tiêu biểu nhất của thế giới trong nửa sau thế kỷ XX.

Tôi vẫn thầm mong, một ngày nào đó, trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, sẽ có một công trình tưởng niệm xứng đáng dành cho hàng chục vạn đồng bào đã nằm sâu trong lòng đại dương, mãi mãi không kịp cập bến bờ Tự Do. Tôi tin, đó cũng là ước nguyện của nhiều trí thức và văn nghệ sĩ tiến bộ, trong và ngoài nước, như là một trong rất nhiều việc cụ thể để hàn gắn vết thương lòng của cuộc chiến tranh và thúc đẩy sự nghiệp hòa hợp – hòa giải dân tộc như tâm nguyện lúc sinh thời của một đại diện tiêu biểu của “Bên thắng cuộc” – cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đó cũng là một “chỉ số tiến hóa” của một Dân Tộc biết dũng cảm “khép lại quá khứ” để cùng nhau nắm tay xây dựng lại non sông.






No comments:

Post a Comment