Thursday, April 30, 2020

HÒA HỢP HÒA GIẢI : NGÔI NHÀ XÂY DỞ (Hiền Vương)




Hiền Vương
30/04/2020

Đây là một câu chuyện cũ ở tờ báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, một ấn phẩm đã phải đóng cửa, và số báo cuối cùng khép lại chặng đường 16 năm, được ghi ngày phát hành là 28-6-2019, số báo thứ 809.

Tháng Tư năm 2010, nhóm thực hiện tờ Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần đã tổ chức một cuộc tọa đàm tại Press Café vào một chiều tháng Tư, với sự tham dự của bảy khách mời từng là chứng nhân lịch sử của giai đoạn 30-4-1975 trong những cương vị khác nhau.

Đó là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, người lính Điện Biên năm xưa, năm 1975 vào Nam với mục đích tiếp quản. Là ông Lê Hiếu Đằng (1944 - 2014), nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, năm 1975 là Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, những năm trước 1975 là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, một trong những lãnh tụ của phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam. Ba người - luật sư Nguyễn Ngọc Bích, chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn và giảng viên Chương trình Fulbright Phan Chánh Dưỡng, trước năm 1975 là những công viên chức, giáo viên của chế độ cũ. Sau 1975, luật sư Bích đi học tập cải tạo trong 12 năm, còn ông Sơn và ông Dưỡng sớm làm việc trong chế độ mới. Họ gặp nhau khi cùng sinh hoạt chung trong nhóm nghiên cứu kinh tế Thứ Sáu.

Người cuối cùng, trẻ nhất, là ông Trần Sĩ Chương, sang Mỹ du học từ năm 1973, chứng kiến sự kiện 30-4-1975 từ nước Mỹ.

Xin trích ghi lại buổi cà phê hội luận kể trên - tháng Tư của năm 2010, bởi giờ cũng là tháng tư, và những trăn trở hồi nào vẫn thời sự đến tận hôm nay.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích là người ‘khai cuộc’ với những bông đùa: “Nếu cuộc nói chuyện này lùi lại ba mươi lăm năm, chắc chắn anh Đằng, anh Mẫm hay anh Huấn sẽ là người nói, còn chúng tôi sẽ phải ngồi yên mà nghe. Nay các anh vui vẻ cho tôi nói trước, chứng tỏ chúng ta đã hiểu nhau, quý nhau, thực sự hòa hợp. Đây là dịp tốt để chúng ta chia sẻ những suy nghĩ, mong mọi người cũng sẽ đạt được sự hòa hợp như vậy (…)
“Theo tôi, hòa hợp dân tộc phải do người chiến thắng chủ động tiến hành, trước hết là hòa hợp với người đã khuất. Thế nhưng chúng ta làm việc này chậm quá. Mãi gần đây chúng ta mới dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất tử sĩ Việt Nam cộng hòa” - ông Bích nhận xét.

Với ông Huỳnh Tấn Mẫm, thì, “Tôi thấy cơ chế chung của mình còn khắc nghiệt quá, lại tạo điều kiện cho thành phần cơ hội lập phe phái phát triển. Ở nhiều nơi, phải là con anh Ba, chú Sáu, gốc Củ Chi, Bến Tre… mới được tin tưởng đưa vào tổ chức tiến cử lên nhanh; phải là lãnh đạo đoàn mới lên lãnh đạo đảng, chính quyền…
Từ những sự tiến thân kiểu như vậy, mới có những kẻ cơ hội gia nhập đội ngũ của đảng, khiến thành phần không cơ hội trong đảng phải lùi ra, chán nản, hoặc bỏ đi làm công việc khác. Nếu cơ chế này không thay đổi, rất khó có được sự hòa hợp hòa giải rộng rãi, bền vững. Ngay trong phường của tôi, có người được bầu vào hội đồng nhân dân mà không biết về pháp lý, hành chính, bởi không hề được học có hệ thống về hành chánh pháp lý, nhưng vẫn được đưa vào làm công việc đó. Chính cơ chế siết chặt ấy khiến những trí thức bên ngoài không thể tham gia vào việc điều hành đất nước”.

Ông Trần Sĩ Chương cho rằng, “Tôi nghĩ việc hòa hợp, hòa giải bây giờ không phải là vấn đề ý thức hệ nữa, mà phải có thiện tâm và thành ý. Vậy mà khi Nhà nước thể hiện được sự thiện tâm thì có lúc lại thiếu đi thành ý hay được hiểu là không có thành ý, vì lời nói và hành động không đi đôi với nhau. Đấy chính là vấn đề của chúng ta ngày nay, giữa người Việt với nhau.
Thiếu sự thiện tâm thì khó thể nghĩ tốt về nhau, cùng nhau hướng về một mục tiêu chung. Không có thành ý sẽ không tạo được lòng tin; không có lòng tin sẽ tạo ra khoảng cách. Tôi nghĩ vấn đề hòa hợp, hòa giải là một vấn đề chung của xã hội hiện nay, chứ không hẳn chỉ với những người đã bỏ xứ ra đi”.

Ông Phan Chánh Dưỡng chia sẻ bằng những ví von: “Tôi hình dung nước ta trước năm 1975 giống như một ngôi nhà lớn, dột lỗ chỗ khắp nơi, khiến nhiều người sống trong đó bị dột.

Những người trong nhà chia làm hai nhóm, một bên đòi phá nhà đi để xây cái mới, bên kia cho rằng “không cần, dột chỗ nào thì che chỗ đó lại là được rồi”. Bên đề nghị phá nhà đa phần là những người thực sự bị dột, nhưng cũng có nhiều người chẳng bị dột, mà chỉ nghĩ rằng nếu làm nhà mới sẽ tốt hơn nhà cũ. Bên kia cũng vậy, nhiều người không muốn phá vì bản thân không bị dột, và có người dù đang ở chỗ dột nhưng suy nghĩ “che chỗ dột là được rồi, phá nhà ra xây lại chắc gì đã tốt hơn”.

Ở đây, chúng ta không đề cập nguyên nhân vì sao nhà lại dột. Tôi không đi sâu vào ý thức hệ, và cho rằng năm 1975 là tận cùng của sự dột, và bên đòi phá nhà để xây mới đã chiến thắng. Thời gian đầu, những ai thuộc bên “không phá nhà” không được tham gia xây nhà mới. Những người xây nhà bắt đầu tiến hành xây dựng và nghĩ rằng sẽ xây được một nhà lầu to đẹp.

Một thời gian sau, thấy nhà dựng lên không được như ý mà muốn xây cho đẹp hơn thì không đủ lực, họ nghĩ trong những thành viên của ngôi nhà trước đây, ắt có nhiều người có khả năng xây được nhà đẹp, nên mới nói rằng “có ông nào muốn cùng xây ngôi nhà mới này không?”. Vậy là bắt đầu hòa hợp, một cách từ từ. Việc chung tay xây dựng ngôi nhà - đất nước là động lực tạo nên sự hòa hợp.

Động lực vì cái nhà, chứ không còn vì bên này bên kia gì cả. Từ từ cơm áo gạo tiền khá hơn, cái nhà đã xây xong, không còn dột nữa, khá hơn cái nhà cũ trước đây rất nhiều”.

(Có lẽ vì là một ông thầy giáo nên ông Phan Chánh Dưỡng muốn mượn ý tứ từ câu thơ trong di chúc Hồ Chí Minh: “Còn non, còn nước, còn người / Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”, để ví von qua hình tượng ngôi nhà chung mà phía ‘bên thắng cuộc’ tự tin sẽ xây dựng).

Ông Huỳnh Bửu Sơn góp thêm ý: “Vấn đề hôm nay là liệu những người đang xây nhà có hòa hợp với mục tiêu chung là xây một ngôi nhà thật đẹp, thật tốt cho mọi người cùng ở hay không?. Và điều quan trọng hơn, người chủ đầu tư phải sử dụng công nhân giỏi, mời được kiến trúc sư, kỹ sư giỏi, người quản lý, phụ trách vật tư tận tâm, trung thực… thì mới xây được căn nhà đẹp, bền vững. Được vậy thì mọi người trong căn nhà đều hưởng lợi”.

Và để kết luận, ông Sơn cho rằng hòa hợp, hòa giải không phải xóa bỏ cái khác biệt, mà là chấp nhận cái khác biệt. Đó là yếu tố cần thiết để xây dựng được một sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân tộc, trong đó Nhà nước và người dân có sự tín nhiệm với nhau và cùng hành động vì quyền lợi tối thượng của đất nước và dân tộc.

Nhắc lại, câu chuyện bên bàn cà phê nói trên là tháng tư của năm 2010. Mười năm sau đó, mọi chuyện vẫn không mấy khác biệt về ngôi nhà cứ mãi dở dang kia.

Có lẽ cũng cần nói thêm, ‘chủ xị’ bàn cà phê ở chục năm trước là nhà báo Trần Trọng Thức, một ký giả từng được giao ‘theo chân’ phó Thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia của Việt Nam Cộng hòa - ông Nguyễn Xuân Oánh (1921 - 2003).

H.V.
VNTB gửi BVN





No comments:

Post a Comment