Wednesday, April 29, 2020

30/4 : NGƯỜI VIỆT TRẺ HẢI NGOẠI & HÀNH TRÌNH TÌM BẢN SẮC (Lê Viết Thọ - BBC)




Lê Viết Thọ
BBC News Tiếng Việt
29/04/2020

Những người Việt trẻ thuộc thế hệ thứ hai tâm sự với BBC News Tiếng Việt về tác động của sự kiện 30/4/1975 lên gia đình họ và hành trình tìm kiếm bản sắc.

Adrienne Minh-Châu Lê, Alex Thái và Georgina Quach, ba người Việt hải ngoại

Ba nhân vật trong bài là những người sinh sau năm 1975, thuộc thế hệ thứ hai hay một rưỡi của những người tị nạn Việt Nam.

Họ trải lòng với BBC News Tiếng Việt về sự kiện 30/4/1975 đã tác động như thế nào đến gia đình họ và hành trình tìm kiếm bản sắc của họ giữa những va chạm của hai nền văn hóa, sự đứt gãy và con đường mà họ đang đi ngõ hầu hàn gắn những đứt gãy ấy với sợi dây nguồn cội.

Một đoạn sử buồn

Adrienne Minh-Châu Lê hiện là nghiên cứu sinh khoa Lịch sử, Đại học Columbia, Hoa Kỳ, vừa nhận học bổng Paul & Daisy Soros cho những người Mỹ mới (The Paul & Daisy Soros Fellowships for New Americans). Adrienne tốt nghiệp cử nhân lịch sử tại Đại học Yale và từng có bốn năm tham gia tư vấn chiến lược và vận động kỹ thuật số ở New York.

Với Adrienne, sự kiện 30/4/1975 đã thay đổi hoàn toàn gia đình cô và ảnh hưởng đến cô - với tư cách là thế hệ thứ hai của những người Việt Nam tị nạn tại Mỹ.

"30/4 là ngày Sài Gòn thất thủ, sự kiện mà nhiều người Việt Nam trên thế giới vẫn gọi là "ngày mất nước". Sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn gia đình tôi, khiến mọi thứ gần như đảo lộn. Sau sự kiện đó, ông tôi và các chú trong gia đình tôi bị đưa đi cải tạo. Cuộc sống của cả nhà, như những gì tôi được ba mẹ kể lại, trở nên vô cùng khó khăn, đến nỗi gia đình tôi không còn con đường chọn lựa nào khác ngoài việc phải trốn chạy khỏi Việt Nam".

Vài năm trước, Adrienne đã viết về những gì mà mẹ của cô đã trải qua trên hành trình trốn chạy của một thuyền nhân. Bài viết xuất hiện trên trang OnBying.org vào đúng ngày 30/4. Viết bài báo đó, cô có dịp hiểu sâu hơn về một thời đoạn trong lịch sử gia đình, "đó là lần đầu tiên tôi ghi chép và tôn vinh lịch sử gia đình tôi," Adrienne nói với BBC News Tiếng Việt.

Adrienne Minh-Châu Lê

================================================
==================================================

Còn Georgina Quach - một nhà báo người Anh gốc Việt, năm nay 22 tuổi - thì nói rằng, cô không thấy sự liên hệ giữa cá nhân cô với ngày 30/4/1975, dẫu cô có thể thấu hiểu những khó khăn của các thành viên gia đình của cô sau sự kiện đó "từ một độ gián cách".

Trong một bài viết trên tạp chí văn chương Anh TLS, Georgina viện dẫn một thành ngữ mà ông bà cô vẫn nói, "Dò đá qua sông" liên hệ đến hành trình của những người tị nạn từ lúc bỏ nước ra đi dến khi tạo dựng môi trường thuận lợi để thế hệ tiếp nối gặt hái thành công trên quê mới. Nhưng, mỗi khi thế hệ sau tiến xa hơn một chút so với thế hệ đi trước trong sự hội nhập trên đất mới, họ lại rời thêm chút nữa khỏi một chốn quê hương - nơi mà với họ, từng là nhà.

"Ba mẹ tôi đến đây mà không có gì trong tay cả, nhưng giờ đã tạo lập một môi trường để nuôi dạy chúng tôi trưởng thành. Tất nhiên, với thế hệ thứ hai như chúng tôi, đạt được điều đó cũng không dễ chút nào. Chúng tôi bị kéo theo hai hướng. Một mặt, chúng tôi muốn hội nhập vào cộng đồng sở tại, nhưng đồng thời, chúng tôi nhận ra rằng, phải trả giá cho điều này.

Georgina lý giải cụ thể hơn:
"Khi ông bà tôi quyết định rời bỏ khỏi quê hương, họ mong mỏi kiếm tìm một cuộc sống tốt hơn cho các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, để ưu tiên cho sự thành công của con cháu họ, họ buộc phải từ bỏ cơ hội của chính mình.''

"Nhưng thế hệ thứ hai đang ngày càng trở nên xa cách với nguồn cội và đặc thù văn hóa Việt. Và dẫu chúng ta hiếm khi nghe về hệ luỵ phụ của việc hội nhập vào một nền văn hóa mới, nhưng theo thời gian, cuộc hành trình dấn bước vào tương lai vô định và bất trắc của gia đình tôi năm 1979, vẫn là một sự biến sẽ tạo ra một khoảng cách biệt khó xóa nhòa giữa các thế hệ, Georgina nói với BBC News Tiếng Việt qua phỏng vấn bằng email.

Georgina Quach (thứ hai từ phải) và gia đình tại Đại học Oxford.  NVCC

Tiến sĩ Alex Thái sinh ra ở Quảng Ngãi, cùng gia đình sang định cư tại California, Hoa Kỳ, vào năm 1990 và hiện là nghiên cứu viên hậu tiến sĩ (Postdoctoral Fellow) tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ. Anh tâm sự rằng, anh theo đuổi môn lịch sử về chiến tranh Việt Nam là vì trách nhiệm và đam mê.

Alex Thái thố lộ với BBC News Tiếng Việt qua email:

"Trách nhiệm xuất phát từ những kinh nghiệm cá nhân, tuy nhỏ bé nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và lựa chọn của mình.
"Trong đời tôi có bốn sự việc ảnh hưởng quyết định này.

"Một là là vào năm tôi khoảng 6-7 tuổi, bị người trong xóm gọi là "con Nguỵ", tôi không hiểu vì sao mình bị gọi vậy. Khi tôi về hỏi ba, ba bảo đừng nhắc đến hai từ đó. Nhưng cũng từ đó, hai từ "con Ngụy" với tôi đã như một ám ảnh.

"Hai là khi chứng kiến cảnh người anh đau buồn đến vô vọng vì không được vào đại học dù điểm thi cao hơn điểm chuẩn, chỉ vì lý lịch gia đình.

"Ba là khi học lớp 7 ở Mỹ, tôi bị một cậu bạn hỏi: "Gia đình mày là từ phía nào?" Tôi trả lời: "Miền Nam". Ngay lập tức cậu ấy la lên: "A! Vậy gia đình mày thua là xứng đáng".

"Lần thứ tư, ở Đại học Berkeley, khi bị một giáo sư cho điểm "F-" cho một bài luận về chiến tranh Viết Nam, trong đó tôi có góp ý với giáo sư về những thành kiến và thiên lệch của ông trong cách ông giảng dạy và đưa ra chứng cứ về chiến tranh Việt Nam. Ông trả lời rằng, nguyên do tôi có những góp ý vậy là vì tôi không thoát được những cay đắng, xuất phát từ việc gia đình tôi thuộc bên thua cuộc".

"Bốn sự kiện ấy làm tôi nghĩ về lịch sử, về bản thân và về những gì mình có thể làm để hiểu rõ hơn về lịch sử, nhất là lịch sử cuộc chiến Việt Nam và những ảnh hưởng của nó, mà không bị ảnh hưởng bởi những định kiến thiên lệch.

'Có nghĩa là, dù bị ảnh hưởng bởi những sự việc trên, nhưng tôi không ghét, không thù hận, không trách móc ai. Cái tôi quan tâm là việc tìm tòi, nghiên cứu, và lưu truyền lại những câu chuyện lịch sử và xem đó như một trách nhiệm của mình.

'Trách nhiệm đó dần trở thành đam mê", Alex Thái nói.

Alex Thái

Giữa hai nền văn hóa

Với thế hệ thứ hai, truyền thống gia đình của một người tị nạn vừa là một di sản, nhưng cũng để lại không ít những áp lực, mà bản thân họ luôn phải tìm cách vượt qua và khám phá bản sắc di sản của minh.

Như Georgina tâm sự: "Lớn lên trong một khu phố gồm toàn người da trắng, tôi luôn cảm thấy áp lực phải cố gắng và hòa nhập với những bạn đồng trang lứa. Tôi nhận ra sự khác biệt của mình ngay cả từ những bữa trưa tôi mang đến trường, ngôn ngữ mà tôi nghe được ở nhà, văn hóa làm việc chăm chỉ của các thành viên trong gia đình và dĩ nhiên, cách nhìn của tôi cũng khác so với chúng bạn".

Georgina kể rằng ngày nhỏ, mỗi sáng Chủ nhật, cô vẫn theo học tiếng quan thoại ở trường dạy tiếng Trung. Khi ấy, cô có cảm giác như thể trong cô có hai thế giới đang va đập vào nhau. Một mặt, cô không thấy mình thuộc môi trường của ngôi tiếng Anh, nhưng cô cũng không thực sự cảm thấy mình thuộc về ngôi trường Trung Quốc.

Cứ vậy, Georgina lớn lên với những cảm xúc của sự phân đôi như vậy. Cô đã phải chịu đựng những nhận xét phân biệt chủng tộc trên đường đến trường tiếng Anh, điều mà cô cho hay rằng, mãi dến gần đây, cô vẫn gặp phải. "Và điều này vẫn thường khiến tôi cảm thấy khó chịu về nguồn gốc chủng tộc của mình", cô nói.

Georgina tin rằng, điều này một phần là do cô lớn lên mà không biết nhiều về nguồn cội của mình, và bản thân cô cũng chưa biết đặt ra những câu hỏi phù hợp để khám phá di sản ấy.

"Tôi không biết nhiều hành trình của cha mẹ tôi. Sau khi theo học Đại học Oxford, nơi tôi học đại học về Văn học Anh, tôi bắt đầu cảm thấy sự khác biệt. Oxford là một môi trường mà những sinh viên da trắng chiếm đa số, hầu hết họ thuộc tầng lớp trung lưu, đến từ các trường tư.

"Tôi không bao giờ cảm thấy có sự khác biệt nhiều đến như vậy. Nhưng điều đó càng khiến tôi cảm thấy cấp bách hơn nhu cầu tiếp cận với di sản Việt của mình, cần phải trân trọng những gì khiến tôi trở nên riêng biệt. Tôi bắt đầu khám phá phần di sản của riêng mình. Tôi đặt những câu hỏi về gia đình mình, tôi bắt đầu viết về câu chuyện của gia đình tôi, nền văn hóa mà tôi thuộc về. Dẫu vậy, nhìn chung, tôi coi mình là người rất Tây, ngay cả bây giờ - tôi không nói tiếng Việt ở nhà rất nhiều", Georgina tâm sự.

Bài báo của Georgina Quach trên tạp chí văn chương TLS ở Anh nói về hành trình của người Việt tị nạn

Với Adrienne, học và nghiên cứu lịch sử lại là con đường để cô khám phá ra lịch sử và bản sắc của mình.

Adrienne kể, ngay từ những năm đầu học tiểu học, cô đã nhận thấy mình khác với các bạn cùng lứa. Ở tuổi đó, cô chỉ mong được hòa nhập cùng những bạn bè người Mỹ khác. Nhưng khi lớn lên, cô học và hiểu thêm về di sản và văn hóa Việt Nam, nhưng thông qua một nhịp cầu đặc biệt - Phật giáo.

Adrienne cho hay, ở quê cô - Raleigh, North Carolina - có một ngôi chùa Việt Nam mà mỗi Chủ nhật, gia đình cô vẫn hay lên chùa. Còn cô, ngay năm 7 hay 8 tuổi gì dó, đã tham gia Gia đình Phật tử.

Và những ngày hè của Adrienne gắn với những mái chùa mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh tạo lập nên ở Mỹ và Pháp. Dưới mái chùa, cô học thiền và thực hành chánh niệm. Bản thân cô đã thọ giới theo dòng Tiếp hiện.

"Chính Phật giáo đã giúp tôi kết nối với gốc rễ và hiểu được một điều rằng, cuộc sống của tôi không chỉ được hoài sinh từ chiến tranh và áp bức, mà còn bằng sự màu nhiệm của sự sống sót và khởi đầu mới", Adrienne nói.

Tị nạn - di sản hay gánh nặng?

Georgina nói rằng, di sản là người tị nạn đã định hình toàn bộ cuộc đời cô.

Là những người tị nạn, gia đình cô đã làm việc rất chăm chỉ để xây dựng một cuộc sống mới, tốt hơn cho hai anh em cô.

Điều đó đã dạy cho cô bài học về sự kiên cường và ý chí.

Và nay, bên cạnh viết báo, cô đang thâu nhặt những câu chuyện về người Việt tị nạn, những người mà số phận từng cá nhân khuất lấp đi sau một định danh chung chung - 'thuyền nhân':

"Không có câu chuyện điển hình nào của người nhập cư hay người tị nạn có thể bao hàm được tất cả các lý do vì sao mọi người phải trốn chạy khỏi quê hương mình hay tất cả những gì họ đã gặp phải và trải qua trên vùng đất định cư mới".

Georgina nói rằng, từ đó, cô nhận ra tầm quan trọng của việc kể lại những câu chuyện của chúng tôi, vì sợ phần lịch sử này trở nên lạc lõng hoặc bị xuyên tạc. Và cô đã khởi sự việc ghi lại những câu chuyện về người Việt tị nạn.

"Tôi nhận được nhiều tin nhắn từ những người Việt Nam sống ở khắp nơi trên thế giới, muốn kết nối với công việc của tôi. Điều này khiến công việc của tôi - một nhà báo - trở nên hữu ích hơn rất nhiều. Mọi người nói với tôi rằng tôi đang cho người phương Tây biết sự thật về người Việt Nam", Georgina nói với BBC News Tiếng Việt qua phỏng vấn bằng email.

Với Adrienne, di sản của chiến tranh Việt Nam và những người tị nạn là rất quan trọng đối với cuộc sống và quyết định việc nghiên cứu của cô.

Ở Đại học Yale, luận văn của Adrienne nghiên cứu về cách những người phụ nữ Việt Nam định hình và phản ứng lại trước những tư tưởng mới về nữ tính, đạo đức và tinh thần yêu nước trong thời kỳ thực dân Pháp.

Tại Đại học Columbia, luận án Tiến sĩ của Adrienne tập trung vào xã hội dân sự trong chiến tranh Việt Nam, các phong trào chống thực dân và di cư toàn cầu.

Adrienne lý giải thêm về về sự lựa chọn của cô:

"Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về xã hội Việt Nam trong chiến tranh. Hầu hết các nhà sử học về chiến tranh Việt Nam đã viết về các khía cạnh quân sự và chính trị của cuộc chiến. Trong khi đó, trải nghiệm của những người bình dân hàng ngày đã và đang bị đánh giá thấp và bị hiểu lầm. Trong khi với tôi, một phần quan trọng của sử học là trả lời câu hỏi: Người dân thường sống như thế nào, họ tin vào điều gì và họ muốn gì cho đất nước của họ? Tôi muốn những người bình dân Việt Nam cũng có cơ hội kể về lịch sử của chính họ".

Adrienne nói thêm:

"Ba mẹ tôi đến Mỹ từ Việt Nam và phải tập trung làm việc chăm chỉ để bắt đầu một cuộc sống mới tại đây. Sự hy sinh của họ khi rời khỏi Việt Nam và xây dựng một cuộc sống mới ở Mỹ cho phép tôi lớn lên và thoải mái theo đuổi ước mơ của mình. Thông qua nghiên cứu và viết, tôi hy vọng sẽ góp phần bắc một nhịp cầu, để các thế hệ người Việt trẻ trên thế giới có thể hiểu thêm về lịch sử của mình, kết nối lại với nhau bằng sự sẻ chia từ chính những nỗi đau và vẻ đẹp của nó, và hiểu, họ là ai, và họ đến từ đâu".

Adrienne Minh-Châu Lê (trái) và gia đình.  NVCC

Alex Thái đang tham gia dự án Di sản Việt Nam Cộng hòa và lịch sử người Mỹ gốc Việt, thực hiện với sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu toàn cầu, Đại học Oregon và Hội Bảo tồn lịch sử văn hóa người Mỹ gốc Việt.

Là một người Mỹ gốc Việt, ưu tư về lịch sử và con người, nên anh nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc viết và lưu truyền lịch sử về Việt Nam Cộng hòa và về người Mỹ gốc Việt.

"Những trang sử về hai chủ đề ấy hiện đang rất trống, mà những người đã từng sống qua những giai đoạn lịch sử ấy đã dần qua đời hoặc cũng rất lớn tuổi. Tôi hợp tác vì muốn tận dụng cơ hội này và thời gian tới để duy trì lại lịch sử Việt Nam Cộng hòa cũng như lịch sử người Mỹ gốc Việt", Alex Thái nói.

Dự án mà Alex Thái tham gia đặt mục tiêu đào tạo và khuyến khích thế hệ sử gia trẻ học, nghiên cứu và viết về Việt Nam Cộng hòa và lịch sử người Mỹ gốc Việt.

Nhưng để thu hút những người trẻ quan tâm đến việc này hẳn không đơn giản. Nhưng không hẳn bởi lý do là người trẻ ít quan tâm đến lịch sử.

Theo Alex Thái, công bằng mà nói, anh không tin giới trẻ ít quan tâm và thờ ơ với lịch sử, mà đúng hơn, có lẽ là do họ mất lòng tin với lịch sử, cụ thể là mất lòng tin với giới trí thức làm sử và những bài học trong giảng đường, cũng như những sản phẩm sử học được xuất bản hàng loạt mà họ biết là một chiều, áp đặt, thiếu tính khách quan và sự trung thực".

Alex Thái phân tích:

"Không phải ai cũng cần phải trở thành sử gia hay người viết lịch sử, nhưng điều đáng cần ở mọi người là việc quan tâm đến sử và sự cố gắng, góp tay với nhau để duy trì lịch sử. Trách nhiệm này là tất cả chúng ta. Người đi trước và những người làm sử cần tự hỏi, là liệu họ đã làm những gì để tạo cơ hội, động lực và lòng tin khiến giới trẻ quan tâm hay không? Ngược lại, người trẻ cũng cần phải hỏi mình hiểu biết gì về chính mình, về cha mẹ, ông bà mình, cũng như về đất nước, con người và những diễn biến lịch sử đã đưa đẩy ta đến cái hiện tại mà ta đang có - ở hải ngoại và cả ở Việt Nam".

Anh dẫn chứng:

"Trong năm, mười năm trở lại đây, cụ thể hơn, nếu nhìn danh sách hơn 30 diễn gỉa có bài tham luận tại hội thảo vừa qua về Việt Nam Cộng hòa ở Đại học Oregon, chúng ta có thể thấy hơn một nửa là những bạn trẻ, đa số sinh ra hoặc lớn lên ở Hoa Kỳ, có bạn mới trên hai mươi tuổi; ngoài ra có nhiều bạn trẻ từ Việt Nam, Úc.

"Đọc những bài tham luận của họ có thể thấy năng lực, sự sáng tạo và tính đa dạng trong các chủ đề nghiên cứu. Họ là những người trẻ, nhưng họ quan tâm đến Trần Trọng Kim, đến những vấn đề chính trị, xã hội, văn hoá, nghệ thuật.

"Chẳng hạn, một bạn trẻ vừa nhận bằng cử nhân, đã bỏ tiền riêng để mưa vế máy bay từ Los Angeles lên Eugene, thuê khách sạn để dự hội thảo với mong muốn học hỏi và theo con đường nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Còn trẻ nhưng bạn ấy quân tâm, lắng nghe và đặt ra nhiều câu hỏi nhiều vấn đề rất thú vị và quan trọng.

"Hay một người trẻ khác lại có những nổ lực đáng kể nhằm duy trì lịch sử và tiếng nói người Việt. Sinh năm 1987 ở Hà Nội nhưng cô lại nghiên cứu về cuộc sống người dân miền Nam trong thời chiến, một chủ đề ít người để ý nhưng không thiếu tầm quan trọng để có thể hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử cuộc chiến...

"Thấy được sự đam mê của những người trẻ ấy là một niềm vui vộ tận"- nhà nghiên cứu lịch sử trẻ tuổi này nói.

Còn với chúng ta, thấy được sự quan tâm đến gốc rễ và những băn khoăn về nguồn côi và bản sắc của những người trẻ gốc Việt, cũng lại là một niềm vui.

-----------------------

Tin liên quan
·        

·        

·        

·        

·        

·        

·        







No comments:

Post a Comment